tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 07-06-2016

  • Cập nhật : 07/06/2016

Hà Nội đầu tư 10.000 tỷ đồng hạ ngầm cáp điện và viễn thông

Hà Nội vừa chính thức ký kết với Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone để hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, trong tổng mức vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng, Tập đoàn Viễn thông Quân dự kiến góp 3.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung đối với cáp viễn thông; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam dự kiến góp 3.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung đối với cáp viễn thông.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội dự kiến góp 2.000 tỷ đồng để hạ ngầm lưới điện trung, hạ áp; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone dự kiến góp 2.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung đối với cáp viễn thông.

Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2018, Thành phố tập trung hạ ngầm đồng bộ tại các tuyến phố chính trong 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng thống nhất Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, đơn vị liên quan để Tập đoàn Viettel và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội triển khai thí điểm hạ ngầm hệ thống đường dây cáp viễn thông và điện lực tại hai tuyến phố: Thái Hà - quận Đống Đa và Giang Văn Minh - quận Ba Đình khởi công vào cuối tháng 6/2016. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ cho các tuyến phố khác theo đúng kế hoạch của Thành phố.

Về phía UBND TP. Hà Nội, TP cam kết tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan cho các đơn vị tham gia trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung. Đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo quy định của pháp luật.


"Nóng" chuyện cải tạo tập thể cũ Hà Nội: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu gọi đầu tư 10 dự án

Hơn 90% tổng mức đầu tư của các dự án mà Hà Nội kêu gọi đầu tư tại Hội nghị là để rót vốn vào các dự án cải tạo các khu tập thể cũ. Tinh thần của Hà Nội đối với cải tạo tập thể cũ là sẽ cải tạo cả khu chung cư chứ không chỉ là đơn lẻ từng tòa nhà.

Ngày 4/6, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2016 - hợp tác đầu tư và phát triển”. Đây là hội nghị về doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội nhằm khẳng định cam kết của Hà Nội tại Hội nghị “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước” được Thủ tướng Chính phủ chủ trì trước đó.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) 52 dự án ở nhiều lĩnh vực với tổng mức đầu tư 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD). Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đã vui mừng thông báo đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn, trong đó có 52 dự án mà Hà Nội kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 300 ngàn tỷ đồng.

Trong đó, riêng lĩnh vực nhà ở đã có tổng mức đầu tư 316,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 93,5% tổng mức đầu tư của 52 dự án Hà Nội kêu gọi đầu tư. Cụ thể, Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ 10 dự án cải tạo chung cư cũ.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm của thành phố là sẽ cải tạo toàn diện các khu chung cư cũ trên tinh thần cải tạo cả khu chung cư chứ không chỉ là đơn lẻ từng tòa nhà.

 

Danh sách 10 tập thể cũ Hà Nội kêu gọi đầu tư

Tập thể Ngọc khánh, Ba Đình: Quy mô 24ha - TMĐT 47.000 tỷ đồng
Tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy: Quy mô 31ha - TMĐT 42.800 tỷ đồng
Tập thể Giảng Võ, Ba Đình: Quy mô 28,47ha - TMĐT 30.000 tỷ đồng
Tập thể Thành Công, Ba Đình: Quy mô 36,6ha - TMĐT 50.000 tỷ đồng
Tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa: Tổng mức đầu tư 33.600 tỷ đồng
Tập thể Kim Liên, Đông Đa: Quy mô 41,4ha - TMĐT 42.000 tỷ đồng
Tập thể Trung Tự & lân cận: Quy mô 19,9ha - TMĐT 32.400 tỷ đồng
Tập thể Khương Thượng, Đống Đa: Quy mô 29,5ha - TMĐT 22.400 tỷ đồng
Tập thể Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng: Quy mô 17,4ha - TMĐT 29.000 tỷ đồng
Tập thể Tân Mai, Hoàng Mai: Quy mô 4ha - TMĐT 96.200 tỷ đồng

 

Những khu tập thể cũ tại Hà Nội chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước từ trước những năm 1980, phần còn lại được xây dựng từ nguồn vốn tự có của các tổ chức kinh tế - xã hội. Tiêu biểu tại Hà Nội có các khu chung cư cũ tại các khu tập thể Nguyễn Công Trứ (1960), khu tập thể Kim Liên (1960 - 1970), khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự (1970 - 1980)...

Theo kết quả đánh giá của UBND thành phố Hà Nội mới được công bố vào cuối tháng 2/2016, 42 chung cư ở 5 quận, huyện nằm trong tình trạng "nguy hiểm". Trong đó, có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D cần phải di dân gấp.

Chủ trương xã hội hóa nguồn vốn cải tạo chung cư đã được Nhà nước đề ra tư cách đây 10 năm. Tuy nhiên, những quy định hạn chế về chiều cao tầng các dự án khu vực nội đô là nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện các dự án cải tạo chung cư cũ ì ạch thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ đã có cú hích mới từ chính sách đối với vấn đề này với sự ra đời của Nghị định 101/ NĐCP 2015. Một trong các điểm đáng chú ý của Nghị định này là các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ sẽ được hưởng lợi nhuận định mức 10% tổng mức đầu tư của dự án.


CEO Thép Hòa Phát: Áp thuế bảo hộ là quyết định đúng đắn, lợi ích lâu dài

Quyết định số 862/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc “áp thuế tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu được coi là quyết định đúng đắn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả ngành thép.
hoa phat su dung quy trinh luyen kim khep kin theo chuoi lien hoan voi suat dau tu thap, khau hao nho, chi phi gia thanh o muc thap va canh tranh

Hòa Phát sử dụng quy trình luyện kim khép kín theo chuỗi liên hoàn với suất đầu tư thấp, khấu hao nhỏ, chi phí giá thành ở mức thấp và cạnh tranh


Đó là khẳng định của ông Mai Văn Hà - Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - về vấn đề này.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định số 862/QĐ-BCT ra đời làm lợi cho một số DN sản xuất phôi, thép. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải khẳng định, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương là đúng đắn và kịp thời. Quyết định này không phải bảo vệ lợi ích riêng của bất cứ một doanh nghiệp (DN) nào, mà là lợi ích của cả ngành thép trong nước trước sự đe dọa của hàng nhập khẩu ngày càng gia tăng với cường độ mạnh.

Đây là sự bảo hộ của nhà nước ở mức hợp lý cho ngành công nghiệp thép- một ngành công nghiệp xương sống của đất nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Không riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, nếu nhập khẩu thép từ nước ngoài vào tăng 30%/năm thì phải áp dụng biện pháp tự vệ ngay tức thì. Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng phôi thép năm 2015 nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường, ở các nước không cho phép xảy ra chuyện này.

ong mai van ha - giam doc thep hoa phat

Ông Mai Văn Hà - Giám đốc Thép Hòa Phát

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng, một số DN sản xuất kinh doanh thép luôn đưa ra con số thua lỗ lớn, phần lớn đổ lỗi do sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Tại sao thép Hòa Phát vẫn đạt lợi nhuận cao? Điều đó cho thấy Quyết định số 862 là không cần thiết, gây ảnh hưởng đến DN, người tiêu dùng?

Hòa Phát khác hẳn các DN khác trong ngành thép bởi kinh doanh đa ngành nghề, nhưng với thép lại là lĩnh vực cốt lõi, trong đó có hai sản phẩm là thép xây dựng và ống thép. Chính vì vậy, lợi nhuận chúng tôi có được là tổng hợp của nhiều ngành hàng khác nhau nên không thể so sánh với DN chuyên sản xuất thép. Bên cạnh đó, hầu hết các ngành hàng của Hòa Phát đều có chi phí giá thành ở mức thấp và cạnh tranh. Đối với thép xây dựng, Hòa Phát sử dụng quy trình luyện kim khép kín với nhiều công đoạn khác nhau như luyện than coke, thiêu kết, vê viên, luyện gang, luyện thép…theo chuỗi liên hoàn với suất đầu tư thấp, khấu hao nhỏ. Lợi nhuận được tích tụ từ nhiều khâu chứ không đơn thuần thể hiện qua sản phẩm cuối cùng. Do vậy, khó có thể tính toán lãi, lỗ, dù trong giai đoạn trước mắt Hòa Phát chưa chịu thiệt hại lớn, nhưng trong thời buổi hội nhập thế giới như hiện nay, thị trường diễn biến khôn lường, thép Trung Quốc tràn về quá lớn, chưa kể tới thép nhập từ các nước khác đã gây khó khăn cho các DN. Chính vì vậy, chúng ta không thể để tới khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Để bảo vệ hàng trong nước, vừa qua, các DN đã đệ đơn lên các cấp - đó là việc làm hoàn toàn đúng đắn. Thiết nghĩ, chúng tôi cũng là thành viên trong ngôi nhà thép nên cùng đứng đơn với các DN thép khác để có thêm tiếng nói bảo vệ lợi ích chung cho toàn ngành một cách lâu dài. Việc làm đó hoàn toàn dựa trên việc nhận dạng rõ nguy cơ đe dọa từ sản phẩm nhập khẩu ồ ạt của Trung Quốc.

Ngược lại, một số ít DN thép khác không đầu tư nhà máy sản xuất phôi, mà chỉ xây dựng nhà máy cán thép, hoặc có đầu tư nhà máy sản xuất phôi nhưng không sản xuất, mà tranh thủ nhập phôi giá rẻ nên đã phản đối biện pháp tự vệ, nguyên nhân chính vì sợ ảnh hưởng tới lợi ích ngắn hạn của chính DN. Đó chỉ là số ít, không thể đại diện cho lợi ích của toàn ngành thép.

Nói về lâu dài, nếu Việt Nam cứ mãi sống nhờ vào nguồn phôi nhập khẩu, tới khi các nước xuất khẩu đều tăng giá, khi đó sẽ khó có thể tự cứu mình, chưa nói đến phát triển trong dài hạn.

Xin khẳng định lại, quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương là cần thiết. Bởi nếu không có sự can thiệp hợp lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì rất nguy hiểm cho cả ngành công nghiệp thép trong nước. Trong khi đó, cả thế giới đang dựng những rào cản tối đa để ngăn chặn thép bán giá rẻ của Trung Quốc, nhằm tránh khỏi nguy cơ đỗ vỡ. Một minh chứng cho thấy, gần đây nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ (Tata) đã phải đóng cửa nhà máy tại Anh do không thể chịu được hàng bán phá giá từ Trung Quốc, bởi quốc gia này đang dư thừa hàng trăm triệu tấn thép cả thành phẩm (thép cây, thép cuộn) và bán thành phẩm (phôi thép), nhiều gấp mười lần công suất của cả ngành thép Việt Nam. Vì vậy, họ chỉ cần “ra tay” là bao công sức của cả ngành thép Việt Nam gây dựng hơn 20 năm qua sẽ đổ bể, đó là hậu quả khôn lường.

Ngoài ra, nhiều nước châu Âu cũng tăng cường các biện pháp kỹ thuật như tự vệ thương mại, áp thuế chống bán phá giá… để bảo vệ sản xuất trong nước. Vậy, tại sao Việt Nam lại phản đối việc làm vì lợi ích lâu dài của cả ngành thép? Bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt, nhưng phải xét trên lợi ích tổng thể toàn ngành để hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.

Để tạo sự đồng thuận giữa các DN sản xuất, kinh doanh thép trong nước, tránh tạo sức ép dư luận xã hội và tăng sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước. Theo ông, biện pháp cao nhất ở đây là gì?

Theo tôi, điều đầu tiên các DN trong ngành thép phải nghĩ đến lợi ích tổng thể của toàn ngành, về lâu dài phải có sự đồng thuận trong các chính sách liên quan đến sự phát triển của ngành. Nếu chỉ vì tham lợi ích trước mắt, tư duy làm ăn chộp giật thì ngành thép hay bất cứ ngành nào cũng đều không thể bền vững, nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài rất cao.

Chúng ta phải đồng tâm, phấn đấu bằng mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, đổi mới công nghệ liên tục mới có thể đứng vững trên thị trường. Quan điểm của chúng tôi là sản xuất thép trên một chặng đường dài, không nhìn vào hiện tượng. Do đó, việc áp thuế tự vệ là để bảo vệ toàn bộ ngành thép Việt Nam, áp thuế để DN có thời gian chuẩn bị, giảm giá thành sản phẩm…, không phải đợi đến hết 200 ngày lại đối phó cách khác. Đây cũng là cơ hội cho các DN sản xuất phôi, thép trước đây vốn gặp khó khăn phải đóng cửa, hoặc sản xuất cầm chừng để phục hồi sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước.(BCT)


Công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Lạt

Ngày 5/6, trong chuyến công làm việc tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt theo Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Hôm nay, công bố Quyết định 1528 chính là công bố 1 thể chế cho sự phát triển. Thể chế quyết định thành công của chúng ta”.

Để thực hiện tốt Quyết định 1528, Thủ tướng yêu cầu, Đà Lạt cần có quy hoạch tốt, xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, các bộ, ngành cũng phải “xắn tay” cùng tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt Quyết định này.

thu tuong nguyen xuan phuc nhan manh, viec cong bo quyet dinh 1528 chinh la cong bo 1 the che cho su phat trien cua da lat

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc công bố Quyết định 1528 chính là công bố 1 thể chế cho sự phát triển của Đà Lạt

Đặt vấn đề về cơ cấu trụ cột của Đà Lạt, Thủ tướng cho rằng đó là phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

“Muốn làm du lịch thành công thì phải có cơ chế chính sách tốt, cộng đồng cùng làm du lịch”, Thủ tướng nói và nhận định, đến Đà Lạt không chỉ có không khí mát mẻ, cảnh quan đẹp mà người dân phải thân thiện, hiếu khách, văn minh và phải có thương hiệu du lịch, thương hiệu khách sạn, vườn hoa, hồ nước…

Thứ hai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình, sản phẩm có thương hiệu, mang tầm quốc gia, khu vực và thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiệu, có 2 con là liệt sỹ; Thiếu tướng Phạm Văn Kha, 93 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng được trao 70 năm tuổi Đảng; thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân.

Theo Quyết định 1528/QĐ-TTG, UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi TP Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà đầu tư tham gia đầu tư tại TP Đà Lạt được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 05 năm đầu thực hiện quyết định này.Tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” tại TP Đà Lạt theo đồ án quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện./.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục