tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 27-08-2016

  • Cập nhật : 27/08/2016

Vốn FDI vào Việt Nam sắp cán mốc 15 tỷ USD

Theo số liệu về đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 8 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo đó, tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.619 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, có 770 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,571 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 8 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với 678 dự án đầu tư đăng ký mới và 551 lượt dự án điều chỉnh vốn; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,53 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng.

Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 836,2 triệu USD, chiếm 5,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 622,3 triệu USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư.

Trong 8 tháng của năm 2016, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,46 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 30 dự án cấp mới và 21 lượt dự án điều chỉnh vốn; tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,02 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.

Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,782 tỷ USD, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,59 tỷ USD và 1,38 tỷ USD.(Chinhphu)


Quốc hội Việt Nam sẽ sớm xem xét phê chuẩn Hiệp định TPP

Chiều 25/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tiếp Đoàn Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN do Chủ tịch Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN Alexander C Feldman làm Trưởng đoàn đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh Đoàn Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN tới thăm làm việc tại Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, cũng như các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là trọng tâm và động lực để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Quốc hội Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng công khai, minh bạch, trong đó có các đạo luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi hoạt động tại Việt Nam cần quan tâm hơn vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội; giúp đỡ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam đang rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với TPP và sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hoa Kỳ sớm phê chuẩn để Hiệp định TPP có hiệu lực, phù hợp với lợi ích chung cả về kinh tế, chính trị của các nước thành viên và khu vực.

Chủ tịch Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN Alexander C Feldman cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp Đoàn; đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Thông tin về tình hình đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch Alexander C Feldman đánh giá cao việc Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch Alexander C Feldman mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định TPP, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam tiếp tục phát triển./.(Vietnam+)


Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao thăm Brunei Darussalam

Sáng 26/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam từ ngày 26-28/8/2016 theo lời mời của Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah.

Việt Nam và Brunei Darussalam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/2/1992 và sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2017. Quan hệ Việt Nam-Brunei Darussalam đang trên đà phát triển, hai nước thường xuyên trao đổi chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Brunei Darussalam đạt kết quả khởi sắc trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2010-2015 tăng hơn ba lần (24,2 triệu USD năm 2010 lên 73,7 triệu USD năm 2015).

Tính đến tháng 6/2016, kim ngạch thương mại song phương là 17 triệu USD. Việt Nam xuất sang Brunei Darussalam chủ yếu là hàng thủy sản và gạo, nhập khẩu từ Brunei Darussalam chủ yếu là hóa chất.

Đến tháng 6/2016, Brunei Darussalam hiện có 205 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 2,18 tỷ USD, đứng thứ 18/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Hợp tác trong các lĩnh vực thủy sản, bất động sản, giáo dục-đào tạo có nhiều tiềm năng phát triển. Hợp tác giáo dục giữa hai nước chủ yếu thông qua các khuôn khổ hợp tác đa phương.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, đưa các mối quan hệ quốc tế phát triển chiều sâu qua việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Brunei Darussalam.

Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam có: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành, Đại sứ Việt Nam tại Brunei Darussalam Nguyễn Trường Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên, Trợ lý Chủ tịch nước Trần Quang Tiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc.

Kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Tony Tan Keng Yam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore từ ngày 28-30/8/2016.(Vietnam+)


Công bố nguyên nhân cả nghìn tấn cá chết ở Đồng Tháp

Mực nước thấp, dòng sông bị thu hẹp, độ sâu lòng sông giảm, lưu tốc dòng chảy chậm, chỉ từ 0,05 - 0,09m/s là 4 nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết trắng sông Cái Vừng.

Ngày 25/8, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Đồng Tháp, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an môi trường tỉnh Đồng Tháp đã công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng (huyện Hồng Ngự).

Theo đó, 4 nguyên nhân được xác định là do mực nước thấp, dòng sông bị thu hẹp, độ sâu lòng sông giảm, lưu tốc dòng chảy chậm, chỉ từ 0,05 - 0,09m/s (mức độ cho phép là 0,2 – 0,5m/s).

Ngoài ra, lòng sông bị tích tụ nhiều chất thải gây ô nhiễm cục bộ, như nguồn nước thải trực tiếp từ việc nuôi cá bè nhiều năm, nước thải hoạt động sản xuất và nước thải sinh hoạt.

Thời điểm cá chết mực nước triều thấp, nước đứng, mật độ thả nuôi cá lồng bè cao. Cá chết nhiều và kéo dài do khâu xử lý cá chết không triệt để, đồng thời việc xả một lượng lớn cá chết ra ngoài tự nhiên làm cho môi trường ô nhiễm trầm trọng thêm.

Trước đó, vào các ngày 3 và 4/2, trên đoạn sông Cái Vừng, ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Đồng Tháp và An Giang xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, gây thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Trong đó, phía Đồng Tháp thiệt hại 106 lồng bè của 37 hộ dân 2 xã Long Thuận và Phú Thuận A. Lượng cá bị thiệt hại là 395 tấn, với số tiền 12 tỷ đồng, bao gồm các loại cá rô phi, điêu hồng, he, lăng nha. Phía bờ nuôi của huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), bị thiệt hại khoảng 650 tấn cá.(Zing)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục