tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 29-08-2016

  • Cập nhật : 29/08/2016

Phê duyệt quy hoạch dự án thép hơn 10 tỉ USD tại Ninh Thuận

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với công suất 16 triệu tấn/năm đã chính thức được phê duyệt.

Theo thông tin tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra sáng 27-8 tại Ninh Hải (Ninh Thuận), ngày 25-8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3516 phê duyệt bổ sung đưa dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với công suất 16 triệu tấn/năm vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Theo đó, dự án do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai theo năm giai đoạn từ năm 2017 đến 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 10 tỉ USD.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 sử dụng 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019, đến năm 2020 sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 45.000 lao động địa phương.

Để phục vụ cho dự án, Tập đoàn Hoa Sen sẽ triển khai ba dự án thành phần bao gồm: Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná, dự án đầu tư Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná, dự án đầu tư Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ triển khai một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo và xi măng nhằm tái sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp thép.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, đánh giá việc triển khai dự án này sẽ góp phần tối ưu hóa khả năng cung ứng thép trong nước, chuyển đổi cơ cấu ngành tỉnh Ninh Thuận, tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp khác như cơ khí, xây dựng, xi măng, điện...

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cam kết chủ đầu tư sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường.(PLO)


Bí thư Thăng cam kết tạo thuận lợi 'chưa từng có' cho doanh nghiệp

Cam kết thành phố sẽ không dung thứ cho sự trì trệ, xóa bỏ cò dịch vụ, Bí thư TP HCM Đinh La Thăng khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới.

Tại buổi giao lưu “Doanh nghiệp đồng hành cùng TP HCM đổi mới” lần 1 diễn ra sáng 27/8, đáp lại sự cam kết đổi mới của hơn 300 doanh nghiệp, đại diện hơn 170.000 doanh nghiệp tại địa bàn, Bí thư Đinh La Thăng khẳng định, sẽ tạo những điều kiện thuận lợi "chưa từng có" để doanh nghiệp phát triển.

Một trong những yếu tố đầu tiên để làm được điều này, theo ông, chính là cam kết cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. “Thành phố không dung thứ cho sự trì trệ, tiêu cực, thiếu cảm xúc của những người tiến hành dịch vụ công. Tôi đưa ra cảnh báo và yêu cầu nghiêm khắc với các cán bộ, công chức, viên chức phải làm tốt công việc của mình để phục vụ người dân và doanh nghiệp không điều kiện. Lãnh đạo thành phố còn có một mong muốn xa hơn là xóa bỏ hoàn toàn cụm từ “cò dịch vụ” như một vấn đề đáng xấu hổ”, ông Thăng nhắc nhở.

cac chuyen gia va doanh nhan cung cam ket, hien ke dong hanh cung tp hcm doi moi. anh: vien thong

Các chuyên gia và doanh nhân cùng cam kết, hiến kế đồng hành cùng TP HCM đổi mới. Ảnh: Viễn Thông

Ở góc độ khác, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa góp ý thành phố tham khảo cách làm của tỉnh Bình Dương là xóa bỏ ‘cò dịch vụ’ mang tính tiêu cực bằng cách thành lập một đơn vị chính thức, chuyên xử lý dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính. Vị này nhận định, cơ chế của các tỉnh thành trong khu vực đang dần thoáng hơn và thu hút các doanh nghiệp hơn.

“Phải nhìn nhận rằng chúng ta đang tụt hậu. Chúng tôi đi đến Long An hay Bình Dương thì lại thấy thích hơn vì cơ chế đang thoáng và cởi mở hơn TP HCM”, ông Hoà thẳng thắn.

Về mục tiêu đưa TP HCM  trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo hàng đầu khu vực, Bí thư Thăng cho rằng, lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp nên lắng nghe lẫn nhau để cùng bắt tay hiện thực hóa nó. “Tôi cổ vũ sự thẳng thắn, nhờ thẳng thắn, chân tình mà chúng tôi mới biết được các doanh nghiệp đang cần gì”, ông chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận xét, định hướng đưa Thành phố trở thành một trung tâm dịch vụ lớn ở khu vực là hợp lý. Tuy nhiên, cần xác định chọn những ngành dịch vụ nào để biến nó thành mũi nhọn và tập trung đầu tư. Ngoài ra, ông cho rằng, lực lượng Việt kiều cũng là một thành phần mạnh mẽ và sẽ có đóng góp đáng kể nếu Thành phố tạo được cơ hội cho họ tham gia.

“TP HCM khác các địa phương là có đội ngũ Việt kiều đông đảo và giàu tiềm năng. Đó là điều mà các địa phương còn lại có muốn cũng không được”, chuyên gia này nhận định.

Ông Thái Tuấn Chí – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn  đề xuất TP HCM nên vận động để trở thành địa điểm đặt văn phòng chi nhánh của hiệp hội các quốc gia thành viên Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cho rằng, nếu điều này thành sự thật thì thành phố sẽ có cơ hội trở thành trung tâm thật sự. Vấn đề hiện nay là để Thành phố được các nước công nhận thì các thành viên khối TPP sẽ yêu cầu TP HCM cam kết sự thay đổi, đây cũng là điều kiện để lãnh đạo thành phố thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn bứt phá mới.

Liên quan đến mục tiêu có được 500.000 doanh nghiệp đến 2020, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP HCM kêu gọi Thành phố quan tâm hơn đến cơ chế chính sách cho lực lượng khởi nghiệp, nhất là thế hệ doanh nhân 9x. Theo ông Hòa, các lãnh đạo của những tập đoàn lớn trong nước hiện đa phần đã gần đến tuổi hưu, là thế hệ học tập từ Nga về và đang khó khăn trong việc phát triển lực lượng kế thừa. Trong khi đó, ông tin tưởng, trong tương lai, nếu bồi dưỡng tốt thì thế hệ doanh nhân 9x có thể hình thành được đâu đó 20 tập đoàn mới, trẻ trung và có tầm cỡ để đi ra thế giới. 

“Hiện nay có một thực trạng là không ít bạn trẻ tài năng không khởi nghiệp tại TP HCM mà đi ra nước ngoài. Đó là điều đáng suy nghĩ. Trong quá trình khởi nghiệp, chắc chắn sẽ có những sai sót. Điều này rất mong sự chia sẻ của lãnh đạo thành phố chứ không chỉ đơn thuần phát hiện và phạt”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ tâm tư.(Vnexpress)


Thủ tướng: Nếu xảy ra vi phạm môi trường thì đóng cửa nhà máy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các dự án đầu tư vào Ninh Thuận cần đặc biệt chú ý, kiểm soát bảo vệ môi trường; không để xảy ra tình trạng băm nát biển rồi chia lô bán nền.

Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "đặt hàng" với chính quyền và các nhà đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Ninh Thuận ngày 27/8. Ông nhấn mạnh, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Rút kinh nghiệm từ bài học Formosa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các nhà đầu tư vào Ninh Thuận cần chủ động quán triệt tinh thần "dứt khoát sẽ đóng cửa nhà máy, nộp toàn bộ tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm môi trường". 

thu tuong nguyen xuan phuc yeu cau chinh quyen ninh thuan phai xay dung chinh quyen doi thoai, dep bo rao can, co cam ket chinh sach ro rang, cu the de thu hut cac nha dau tu. anh: vgp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền Ninh Thuận phải xây dựng chính quyền đối thoại, dẹp bỏ rào cản, có cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể để thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: VGP

Hiện môi trường đầu tư của Ninh Thuận vẫn thấp đáng kể so với các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hoà. Theo thống kê, tại Ninh Thuận, cứ 275 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi các địa phương cả nước trung bình 160 người dân có một doanh nghiệp. Các nước phát triển thì cứ 3-4 người dân là có một doanh nghiệp rồi.

"Doanh nghiệp tạo ra việc làm, GDP chứ có phải các đồng chí làm việc đó đâu. Do đó, địa phương phải có cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể với các nhà đầu tư. Cần xây dựng chính quyền đối thoại, dẹp bỏ các rào cản, hỗ trợ khởi nghiệp. Đừng để thủ tục nhận mảnh đất phải mất vài năm thì cơ hội kinh doanh còn đâu nữa với các nhà đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Vì thế, ông yêu cầu các bộ ngành địa phương làm chính sách một cách khoa học, tổng thể, không mâu thuẫn, chồng chéo, mang định hướng thị trường, tầm nhìn xa. “Đừng để xảy ra tình trạng băm nát bãi biển rồi chia lô bán nền, không có tầm nhìn xa hơn để phát triển đất nước. Không được xé lẻ, xé nhỏ dự án", Thủ tướng nói.

Quy hoạch rõ ràng, thống nhất sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tối ưu hóa giá trị đất đai và phân bổ tài nguyên. Các nhà máy ven biển, các khu công nghiệp, cảng biển tổng hợp cần đặc biệt chú ý kiểm soát, bảo vệ môi trường. Trong phát triển, không phá hỏng lợi thế về du lịch, kinh tế biển. 

Chính quyền mọi cấp, mọi ngành của Ninh Thuận cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, cần tích cực, chủ động hơn trong trao đổi, lắng nghe ý kiến nhà đầu tư. Tránh tình trạng tiếp dân, doanh nghiệp một cách hình thức, “nói trước quên sau”.

“Có vị tổng giám đốc có nói với tôi rằng, để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất khó về đền bù, tái định cư. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn có thể nếu chính quyền mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề cụ thể. Để vài năm thì cơ hội kinh doanh với nhà đầu tư còn đâu nữa?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Bên cạnh xây dựng hệ thống hành chính phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi là xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống bộ máy chính quyền các cấp. Ninh Thuận cần tăng cường hợp tác liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển để thể hiện vai trò, vị trí chiến lược của mình.

Thủ tướng cũng gợi mở một thông điệp cho tỉnh Ninh Thuận là: “Vị trí của chúng tôi khó khăn gấp đôi, nên chúng tôi cố gắng gấp 3, để trở thành vị trí hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.


Thủ tướng dự lễ khởi công dự án điện gió gần 4.000 tỉ đồng

Dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận có vốn đầu tư 3.965 tỉ đồng đã chính thức khởi công.

Sáng 27-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát lệnh khởi công dự án nhà máy điện gió Trung Nam.

Theo đó, dự án được triển khai trên địa bàn hai xã Bắc Phong và Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Đây là dự án điện gió đầu tiên tại Ninh Thuận, có vốn đầu tư 3.965 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư.

thu tuong nguyen xuan phuc phat lenh khoi cong du an dien gio dau tien tai ninh thuan. anh: qh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công dự án điện gió đầu tiên tại Ninh Thuận. Ảnh: QH

Dự án có 45 turbine gió công suất 2 MW/chiếc đặt trên tháp đỡ turbine cao 95 m. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV-2017 và sau khi đưa vào vận hành, nhà máy điện gió Trung Nam có nhiệm vụ chính là phát điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết với 14 vùng gió trải rộng gần 8.000 ha, Ninh Thuận là một trong những tỉnh đầy tiềm năng trong phát triển điện gió. Vào những tháng gió mùa, Ninh Thuận đạt tỉ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình gần 6-7 m/s ở độ cao 65 m, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cột điện gió công suất 2-3,5 MW.(PLO)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục