tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tố chất của người làm nhân sự gồm những điều quan trọng nào?

  • Cập nhật : 23/04/2021

Khi nghĩ về một chuyên viên nhân sự, bạn nghĩ đến những phẩm chất, đặc điểm và kỹ năng nào mà họ sở hữu? Dưới đây là những tố chất của người làm nhân sự mà bạn cần có nếu muốn đi theo lĩnh vực này.

Khả năng quan sát, đánh giá

Đây là tố chất đầu tiên của người làm công tác nhân sự mà các nhà tuyển dụng ở Hải Dương, Hà Nội hay TPHCM tìm kiếm. Bởi khi quan sát tốt, họ dễ dàng nhìn nhận, đánh giá được từng nhân sự hay các vấn đề của từng phòng ban... Từ đó có những điều chỉnh, đề xuất sao cho đảm bảo được lợi ích của người lao động, đáp ứng nhu cầu mong muốn của họ mà vẫn phù hợp mục tiêu chung của công ty.

Dựa vào khả năng quan sát, đánh giá sắc sảo họ sẽ có tầm nhìn, có được chiến lược đề xuất lãnh đạo về xây dựng nguồn nhân lực cho công ty trước mắt cũng như về lâu dài.

 

Có trách nhiệm và tận tâm

Nghề nhân sự được ví như làm dâu trăm họ. Rất nhiều trách nhiệm dồn vào vị trí này, mà trách nhiệm nào cũng cần phải cân bằng, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Bởi vậy, họ thực sự phải là những người tận tâm, hết lòng hết sức vì công việc. Đôi khi họ cũng cần gạt bỏ lợi ích cá nhân để mang lại lợi ích cho tập thể.

Biết lắng nghe và đồng cảm

Lắng nghe lãnh đạo để hiểu mục tiêu, khó khăn của doanh nghiệp; lắng nghe người lao động để hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, để quan tâm tới họ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Tố chất của người làm nhân sự này giúp họ trở thành người bạn, người đồng hành của nhân viên đồng thời được sếp tin tưởng chia sẻ và giao phó trách nhiệm.

Khách quan và trung thực

Trung thực, khách quan luôn là tố chất được đánh giá cao của người làm nhân sự. Chỉ khi thật sự khách quan thì họ mới đảm bảo được yếu tố công bằng và dung hòa được lợi ích doanh nghiệp và người lao động.

Người làm nhân sự cần đảm bảo chính sách lương, thưởng, chế độ rõ ràng. Đồng thời họ cần thực thi chế độ mà công ty dành cho người lao động đúng thời gian, đúng quy định. Họ cũng dựa vào những bảng đánh giá, so sánh, hiệu quả công việc để đưa ra những quyết định thưởng phạt... khách quan nhất.

 

Nếu như họ không có tính trung thực, rất dễ có tư lợi cá nhân. Nếu họ không khách quan rất dễ gây ra những xích mích, hiểu lầm giữa các nhân viên với nhau. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các nhân viên khác mà đến cả lợi ích chung của cả doanh nghiệp.

Khả năng giao tiếp tốt

Người làm nhân sự cần có khả năng giao tiếp tốt bởi họ là người phải giao tiếp rộng nhất công ty. Từ phòng hành chính tới phòng kế toán, từ bác bảo vệ tới cô lao công, từ người làm lâu năm hay nhân sự mới, từ lãnh đạo tới nhân viên…

Giao tiếp không chỉ là lắng nghe mà còn ở khả năng linh hoạt trong trao đổi, truyền đạt mục tiêu, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Giao tiếp tốt để triển khai các công việc tới các phòng ban, giao tiếp tốt để thuyết phục lãnh đạo đưa ra chính sách tốt hơn cho người lao động, loại bỏ những chính sách chưa phù hợp…

Có tầm nhìn về nguồn nhân lực

Khả năng đánh giá, phát hiện và có tầm nhìn để phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt mang đến thành công cho người làm công việc nhân sự.

Người làm nhân sự có khả năng nhìn ra tố chất của những nhân sự khác, đặt họ vào đúng vị trí và phát huy hết thế mạnh của họ. Người làm nhân sự cũng là người nhận ra điểm phù hợp, những điểm đặc biệt của ứng viên để “thu phục nhân tâm”, tuyển dụng người có tài, có đức cho doanh nghiệp. Họ là người giúp sức cho lãnh đạo sắp xếp, cấu trúc bộ máy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Điều đó đòi hỏi họ phải là người “nhìn xa trông rộng”, có khả năng thuyết phục người khác và giúp họ phát huy hết thế mạnh trong công việc.

Là vị trí làm việc liên quan trực tiếp tới con người, nghề nhân sự đòi hỏi sự linh hoạt và khéo léo trong công việc. Bởi vậy, ngoài những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thì những tố chất của người làm nhân sự trên sẽ giúp bạn thành công hơn trong sự nghiệp. 

 

 Nguyễn Lý

Trở về

Bài cùng chuyên mục