tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 29-06-2016

  • Cập nhật : 29/06/2016

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm

Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu tháng 6 tới nay, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng vì giá lúa sụt giảm, trong khi doanh nghiệp cố tình ép giá hoặc không mua lúa của nông dân.

Theo đó, tại An Giang, lúa IR50404 tươi giảm từ 4.700 đồng/kg xuống còn 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao giảm từ 4.800 đồng/kg xuống còn 4.700 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 giảm từ 4.200 đồng/kg xuống còn 4.000 đ/kg; Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm 300 đồng/kg, từ 5.900 đồng/kg xuống còn 5.600 đồng/kg; lúa dài ổn định ở mức 6.300 đ/kg.

Trong khi đó, tại Tiền Giang, lúa tươi loại thường giảm xuống còn 4.200 - 4.300 đồng/kg; lúa chất lượng cao giảm còn dưới 5.000 đồng/kg. Thậm chí, đối với những thửa ruộng lúa bị sập thương lái không thu mua, nông dân phải đem phơi sấy dự trữ lại.

Tính trong 6 tháng đầu năm nay, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long mức giảm từ 400 - 800 đồng/kg.

Thực tế, từ đầu tháng tới nay, do mưa nhiều khiến lúa thu hoạch có độ ẩm cao, chất lượng gạo xấu, sản lượng lúa sụt giảm mạnh do hạn hán.

Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ từ các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Philippines hay Indonesia chưa hồi phục cũng là nguyên nhân làm giảm giá lúa.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 2,69 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,21 tỷ USD, giá trị giảm gần 10% về khối lượng và giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2016 đạt 449 USD/tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2016 với 35 % thị phần.

Trong thời gian trên, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc hơn 800 nghìn tấn, giá trị trên 370 triệu USD, giảm gần 13% về khối lượng và giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.(CafeF)


Thị trường bán buôn điện cạnh tranh: Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý

Song song với việc xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) có vai trò rất quan trọng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, VWEM sẽ được tiến hành theo 3 bước, gồm: Năm 2016, thực hiện thí điểm bước 1 (mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực); năm 2017 - 2018 thí điểm bước 2 trên thực tế và bước 3 là thực hiện thị trường hoàn chỉnh từ năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) đã tích cực thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện VWEM đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định 8266/QĐ-BCT ngày 10/8/2015. Trong đó, có việc triển khai xây dựng quy định vận hành VWEM, mở lớp tập huấn về hợp đồng mua bán điện và thanh toán trên thị trường; đồng thời giao cho các tổng công ty điện lực một số hợp đồng mua bán điện để họ từng bước làm quen với các giao dịch mua và bán điện ở trên thị trường VWEM.

Đối với thị trường phát điện cạnh tranh, dù đã thực hiện được gần 4 năm nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Vấn đề phân bổ sản lượng điện hợp đồng, xác định mức nước giới hạn các hồ thủy điện, kiểm tra và thực hiện các khoản thanh toán ngoài thị trường... Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, những khó khăn về thời tiết, khô hạn nặng, đã ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà máy thủy điện khi tham gia vào thị trường. Nhiều nhà máy phát điện khu vực miền Trung và miền Nam đã bị đưa ra khỏi thị trường điện để thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện.

Trước những khó khăn trên, ngay từ đầu năm 2016, định kỳ hàng tháng, Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc họp giao ban với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Công ty Mua bán điện, các công ty phát điện (Genco) nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại phát sinh trong vận hành thị trường điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định và hiệu quả cho phát triển kinh tế cũng như đời sống của nhân dân.

Triển khai thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh gặp những khó khăn, khó khăn lớn nhất hiện nay là phải xây dựng được cơ sở pháp lý đầy đủ cho vận hành VWEM. Về điều này, hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng quy định và các quy trình vận hành thị trường điện để bảo đảm hành lang pháp lý.

Thứ hai, chúng ta cũng phải triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các đơn vị trên thị trường như A0, các Genco, các tổng công ty điện lực... và tương lai là các khách hàng lớn.

Thứ ba, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, kiến thức về thị trường điện, đặc biệt là thị trường bán buôn có thay đổi lớn so với thị trường phát điện cạnh tranh.

Thời gian qua, cục đã phối hợp với tư vấn quốc tế đề án xây dựng quy định về thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến rộng rãi, công khai; thành lập tổ công tác xây dựng Thông tư quy định chính thức về vận hành VWEM ở Việt Nam. Dự kiến, từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2017, Cục ĐTĐL sẽ hoàn thành Quy định vận hành thị trường cạnh tranh bán buôn Việt Nam để trình Bộ Công Thương ban hành.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để bảo đảm phát triển thị trường điện nói chung và bán buôn điện nói riêng thì phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điện... theo quan điểm của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vấn đề tái cơ cấu ngành điện là yêu cầu quan trọng để triển khai VWEM cũng như các bước tiếp theo của thị trường điện. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng, nghiên cứu, cân nhắc các phương án để hoàn chỉnh phương án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán buôn cạnh tranh với mục đích vừa vận hành thị trường điện hiệu quả nhưng lại vừa bảo đảm cho sự phát triển của ngành điện ổn định, bền vững, lâu dài, đáp ứng mục tiêu cao nhất là cấp điện đủ phục vụ sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, đề án đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Tôi tin tưởng, khi đề án được phê duyệt thì sẽ tạo điều kiện cần thiết để chúng ta triển khai thị trường điện thành công trong thời gian tới.


Không khai thác dầu bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng

Mỗi triệu tấn dầu khai thác đóng góp 0,3% vào GDP, tuy nhiên Chính phủ sẽ không khai thác dầu thô bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ngày 28-6, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và sáu tháng năm 2016.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng năm 2016 tăng 2,35% so với cuối năm 2015. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,55%.

Cũng theo ông Lâm, mức tăng trưởng này tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong sáu tháng năm 2015. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 như Quốc hội đề ra, trong sáu tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 7,6%.

theo ong nguyen bich lam, de dat duoc muc tieu tang truong 6,7% trong nam 2016, sau thang cuoi nam tang truong phai dat 7,6%. anh: dieu quan

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sáu tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 7,6%. Ảnh: Diệu Quân

Theo ông Lâm, GDP Việt Nam sáu tháng đầu năm đặt trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, bối cảnh thế giới là giá dầu thô giảm xuống thấp nhất là 27 USD/thùng vào ngày 20-1-2016 và đã thoát đáy, tăng lên 52,5 USD/thùng vào tháng 6.

Mỗi triệu tấn dầu khai thác đóng góp 0,3% vào GDP, tuy nhiên ông Lâm cho rằng Chính phủ sẽ không khai thác dầu thô bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng. 


Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người dân?

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá cơ sở.

Theo VINPA, hiện mức thuế nhập khẩu xăng dầu đang áp dụng cho quý II-2016 để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng; 2,32% đối với dầu diesel và 0% đối với dầu madut. Mức thuế này đưa ra dựa trên cách tính bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.

ap muc thue nhap khau xang dau gay buc xuc cho du luan xa hoi. anh minh hoa

Áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu gây bức xúc cho dư luận xã hội. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, theo VINPA, cách áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính đã gây ra chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Đồng thời, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng. Bất cập này không được xử lý gây bức xúc cho dư luận xã hội.

Cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước. Cụ thể, trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II-2016 áp dụng từ ngày 5-4, dù giá dầu diesel thế giới giảm nhưng giá trong nước lại không giảm theo mà cơ quan quản lý lại cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp phần chênh lệch trong giá cơ sở với giá bán lẻ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân thuế nhập khẩu được điều chỉnh tăng.

VINPA cũng cho biết theo các Hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các mức thuế nhập khẩu khác nhau. Cụ thể, hiện đối với xăng là 20% từ ASEAN và 10% từ Hàn Quốc, tương tự các mặt hàng dầu lần lượt 0% và 5%.

Trước thực trạng trên, VINPA kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10%. Đối với mặt hàng dầu là 0% và áp các mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Đồng thời, VINPA đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết. Theo đó, năm 2017 có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường theo tỉ lệ phù hợp với mức độ giảm thuế nhập khẩu.

 “Việc tăng hai sắc thuế này theo tỉ lệ phù hợp sẽ đảm bảo ổn định giá bán lẻ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước, thuận lợi cho các doanh nghiệp xăng dầu” - VINPA khẳng định.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục