tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 30-06-2016

  • Cập nhật : 30/06/2016

Làm gì để phát triển du lịch M.I.C.E?

Để phát triển M.I.C.E tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước một cách bền vững, bà Mary Mc Keon cho rằng, cần phải có kế hoạch “dài hơi”. Trong đó, bao gồm các bước như, tăng cường quảng bá, tập trung tiếp thị để thu hút du lịch M.I.C.E, tổ chức các sự kiện lớn…

Tại Hội thảo du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và M.I.C.E do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hiện nay tại Việt Nam, bên cạnh việc duy trì các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái… thì những dòng sản phẩm chuyên biệt cũng đã được nghiên cứu đẩy mạnh.

Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp hội nghị, hội thảo (M.I.C.E) đang trở thành xu hướng, một sản phẩm chuyên biệt mà Việt Nam có lợi thế… Trong khi đó, theo bà Mary Mc Keon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-ESRT, du lịch nghỉ dưỡng biển và M.IC.E đang được thị trường châu Âu quan tâm. Và đây là một thị trường tiềm năng với hơn 1 triệu lượt khách đến Việt Nam hàng năm, chiếm 15% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2015)…

tp. da nang co nhieu tiem nang de phat trien du lich m.i.c.e

TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch M.I.C.E

Khu vực Duyên hải miền Trung đang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch M.I.C.E,  trong đó nổi lên là TP. Đà Nẵng. Địa phương này đang trở thành một điểm đến lý tưởng không chỉ đối với khách du lịch trong nước, mà cả quốc tế. Sự phát triển đồng bộ của các cơ sở lưu trú 4-5 sao, các resort, trung tâm hội nghị, trung tâm giải trí và cơ sở hạ tầng giao thông là các thế mạnh mà Đà Nẵng đang có so với các điểm đến khác.

Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây TP. Đà Nẵng đang nổi lên không chỉ là địa chỉ của du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, mà còn là điểm đến của những sự kiện trong nước và quốc tế. Địa phương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Marathon quốc tế… và sắp tới là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á (ABG), Tuần lễ cấp cao APEC…

Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, thành phố hội tụ nhiều tiềm năng, có nhiều điều kiện để phát triển nghỉ dưỡng biển và du lịch M.I.C.E, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Hiện, Đà Nẵng có 535 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với trên 20.000 phòng, với nhiều thương hiệu lớn như Pullman, Furama, Intercontinental, Vinpearl, Crowne… đảm bảo đón các đoàn khách M.I.C.E khi đến Đà Nẵng tổ chức hội thảo, nghỉ dưỡng.

Để thu hút du khách đến Đà Nẵng, trong thời gian tới ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới như, khu du lịch suối khoáng nóng núi Thần Tài trên địa bàn huyện Hòa Vang, với các phòng tắm khoáng, tắm bùn thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; đưa vào khai thác ở giai đoạn 2 khu du lịch Bà Nà Hills; khai thác các hạng mục mới tại Công viên châu Á…

Tuy nhiên, để phát triển M.I.C.E tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước một cách bền vững, bà Mary Mc Keon cho rằng, cần phải có kế hoạch “dài hơi”. Trong đó, bao gồm các bước như, tăng cường quảng bá, tập trung tiếp thị để thu hút du lịch M.I.C.E, tổ chức các sự kiện lớn…

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, cũng đưa ra đề xuất phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm hội nghị, hội thảo, sự kiện, kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng với các giải pháp cụ thể như thành lập Trung tâm Hội nghị và khách du lịch; xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế; tập trung quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến mới, hấp dẫn của M.I.C.E, mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng…

Để thúc đẩy hơn nữa loại hình dịch vụ du lịch này, ba địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế sẽ liên kết đề nghị có một số chính sách cho phù hợp, đặc biệt là với xúc tiến, quảng bá.

Bên cạnh đó, những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực du lịch M.I.C.E cũng được đặc biệt quan tâm. TS. Phan Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cho rằng, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch M.I.C.E.

Theo đó, đội ngũ nhân lực phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này; phải xây dựng và tập huấn triển khai quy trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của nhân lực du lịch chất lượng cao ...(TBNH)


Hà Nội: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng cạn ICD Mỹ Đình

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng cạn ICD Mỹ Đình tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, tỷ lệ 1/500.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo đó, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 23,2ha; Trong đó, diện tích khu đất xây dựng cảng cạn khoảng 17,75ha; Diện tích đường quy hoạch khoảng 5,45ha.

Quy hoạch nhằm phát triển Cảng cạn ICD Mỹ Đình phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển hệ thống Cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phân khu đô thị S2, nhằm hình thành một khu Cảng cạn kiểu mẫu, có tầm vóc, quy mô tương xứng, đáp ứng nhu cầu của công tác thông quan và xuất nhập khẩu trong điều kiện hiện nay cũng như trong tương lai.

Đồng thời, đáp ứng việc di chuyển Cảng ICD Mỹ Đình về xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo hoạt động bình thường ở địa điểm mới cho các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nghiệp vụ thông quan hàng hóa tại ICD Mỹ Đình.

Về tính chất, công suất: Là Cảng cạn (Inland Container Depot) kết hợp trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất nhập khẩu. Dự báo khối lượng hàng hóa thông qua ICD Mỹ Đình giai đoạn từ năm 2020 đến trước năm 2030 là 151.800 Teu/năm.

Quy hoạch sử dụng đất Cảng cạn ICD Mỹ Đình bao gồm: Đất xây dựng khu kho chứa hàng, kiểm hóa, bãi container; đất văn phòng, điều hành; đất công trình phụ trợ; đất cây xanh; đất hạ tầng kỹ thuật; đất giao thông, bãi đỗ xe.

Về tổng thể, không gian kiến trúc khu Cảng cạn ICD Mỹ Đình có bố cục không gian cao tầng từ phía đường Quốc lộ 32 và đường liên khu vực thấp dần vào trong. Các công trình văn phòng, dịch vụ trung và cao tầng đón các hướng nhìn quan trọng từ Quốc lộ 32 và đường liên khu vực. Các công trình kho tàng thấp tầng và sân bãi được bố trí ở phía trong khu đất.(TBNH)


6 tháng đầu năm 2016, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.900 căn

CBRE vừa công bố Báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội. Theo đó, trong quý II/2016 có tổng cộng 6.100 căn được mở bán từ 17 dự án, tăng 19% so với quý trước, nhưng giảm 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, điểm đáng chú ý nhất từ quý này là sự trở lại của phân khúc hạng sang với một dự án tiếp tục chào bán kể từ lần chào bán đầu tiên vào đầu năm 2015 và hai dự án mới ra mắt thị trường cung cấp cho toàn thị trường khoảng 700 căn. Căn hộ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số căn mở bán mới với thị phần 82%.

Báo cáo cho thấy, ước tính có khoảng 4.860 căn được giao dịch trong quý, tăng 20% so với quý trước, tuy nhiên giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là tỷ lệ lượng giao dịch của căn hộ hạng sang đạt mức khả quan nhất định, đặc biệt là từ dự án chào bán mới.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng giao dịch căn hộ đạt 8.900 căn, trong đó phân khúc trung cấp chiếm tới hơn 40%. Song song với diễn biến đó, đối với phân khúc căn hộ bình dân – phân khúc từng một thời thống lĩnh thị trường, tỷ lệ giao dịch của phân khúc này lại giảm còn 20% trong sáu tháng đầu năm 2016, so với 26% năm 2015, 49% năm 2013 và 33% năm 2014.

Về diễn biến giá, tại một số dự án đã cho thấy mức tăng giá khoảng 4% - 6% so với năm trước, đặc biệt tại các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.

Hiện tượng giá tăng chủ yếu tại phân khúc cao cấp và trung cấp. Đối với phân khúc cao cấp, giá tăng tại các dự án quy mô lớn của chủ đầu tư có tên tuổi, cung cấp đầy đủ các tiện ích và hạng mục phụ trợ trong khu đô thị. Còn tại phân khúc trung cấp, các dự án có mức giá tốt, ở vị trí thuận tiện tạo cơ hội tăng giá khi bán lại cho các khách hàng đầu tư dường như khá được ưa chuộng.

Trên thị trường thứ cấp, giá thứ cấp bình quân thị trường cũng cải thiện 1,0% theo quý nhưng giảm 1,3% theo năm. Trong các phân khúc, phân khúc hạng sang có mức giá tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, phân khúc cao cấp và trung cấp giảm 1,6% và 1,3% trong khi phân khúc bình dân giữ mức ổn định. So với quý trước, phân khúc bình dân tăng mạnh nhất với 3,8%, các phân khúc khác dao động nhẹ ở mức 0,5% - 0,9%.

Trên thị trường sơ cấp, giá bình dân chứng kiến mức tăng nhẹ từ khoảng 5 – 7% từ những dự án đã chào bán trước đây. Đặc biệt, thị trường đón nhận thêm ba dự án hạng sang mới, trong đó có một dự án chuyển đổi từ bàn giao thô sang bàn giao hoàn thiện, khiến giá bán tăng đáng kể. Hai dự án hạng sang còn lại cũng có mức giá chào bán tương đối cao so với mặt bằng thị trường của phân khúc này.

Theo CBRE, thị trường được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng trong năm 2016. Các dự án mới hoặc tái khởi động sẽ tiếp tục mở bán ra thị trường, tuy nhiên tốc độ có thể chỉ ở mức ngang bằng với năm 2015. Nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư cho thuê lại sẽ dẫn dắt thị trường.(TBNH)


Gần 9.900 tỷ đồng xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, thành phố Hải Phòng.

phoi canh khu do thi moi bac song cam

Phối cảnh khu đô thị mới Bắc sông Cấm

Mục tiêu đầu tư là xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, xây dựng hệ thống đê, xây dựng hệ thống kè sông Cấm, xây dựng hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô 1.445,51 ha.

Bên cạnh đó, phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc và từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.

Về quy mô đầu tư, sẽ xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ chiều dài khoảng 1.138,5 m; xây dựng đê tả sông Cấm chiều dài khoảng 2.016 m; xây dựng hệ thống giao thông chính Khu đô thị mới Bắc sông Cấm tổng chiều dài khoảng 9,958 km; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Tổng mức đầu tư dự án là 9.899,085 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.

Dự án được thực hiện tại các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng), thành phố Hải Phòng với thời gian 5 năm từ 2016 - 2020.

Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng là chủ đầu tư Dự án.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục