tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 28-06-2016

  • Cập nhật : 28/06/2016

17 dự án ODA phải rà soát, cắt, chuyển vốn

Nghịch lý vốn có sẵn nhưng không được “tiêu” diễn ra ở nhiều dự án sử dụng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt, chuyển vốn của 17 dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB) do chậm tiến độ và thiếu vốn đối ứng.
17 dự án ODA phải rà soát, cắt, chuyển vốn

Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, đoạn qua quận Kiến An chậm tiến độ, chỉ có nền cát ngổn ngang. Ảnh: Đỗ Hoàng.

Tiến độ “rùa bò”, vốn đối ứng nhỏ giọt

Phần lớn dự án nằm trong danh sách đen chậm giải ngân vốn ODA thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, y tế. Nguyên nhân khiến dự án có nguy cơ cắt, giảm vốn do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), dẫn đến chậm tiến độ thi công.

Điển hình là Dự án giao thông đô thị Hải Phòng với hiệp định tài trợ 175 triệu USD của WB và hơn 101 triệu USD vốn đối ứng của Hải Phòng. Dự án khởi công tháng 12/2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay, các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ, chỉ đạt từ 10-20% kế hoạch do vướng mắc trong GPMB. Phần mặt bằng đã giao không đủ để các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ.

Thi công chậm, kéo dài năm này qua năm khác dẫn đến giải ngân “rùa bò”. Năm 2013, dự án giải ngân chỉ đạt 146 tỷ đồng/400 tỷ đồng. Năm 2014, giải ngân đạt 310 tỷ đồng/628 tỷ đồng. Riêng năm 2015, dự án gặp khó khăn do thành phố chỉ bố trí được 120 tỷ đồng/900 tỷ đồng vốn đối ứng. Cuối 2016, dự án phải đóng khoản tài trợ nhưng còn 92,5 triệu USD trên tổng số 175 triệu USD chưa “tiêu” hết.

Danh sách các dự án hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA bị WB đưa vào diện cảnh báo về tiến độ có xu hướng dài ra. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phê duyệt từ 24/5/2011 và kết thúc giải ngân tháng 10/2018, nhưng đến nay giải ngân chưa đến 15% nguồn vốn, (còn 521 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 613 triệu USD phê duyệt).

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư dự án, tất cả gói thầu xây lắp đều “rớt” tiến độ, chậm 1 tháng so với kế hoạch điều chỉnh, mới đạt 32%. Ông Trần Đức Hoàng, Phó giám đốc điều hành gói thầu số 2 cho hay, có những vị trí nhà thầu huy động máy móc hơn năm nay nhưng “đắp chiếu” vì không có mặt bằng.

Ngoài ra, các dự án sắp hết thời hạn hoặc đã đóng gói tài trợ nhưng chưa giải ngân như: Dự án phát triển hạ tầng giao thông Mê Kông hết hạn nửa năm, vẫn còn 94 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 363,7 triệu USD vốn cam kết; Dự án hỗ trợ y tế Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng còn 130 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 150 triệu USD được phê duyệt.

Nguyên nhân khác khiến dự án vào danh sách đen là thiếu vốn đối ứng, (cho giải phóng mặt bằng, tái định cư…) do ngân sách Trung ương và địa phương hạn chế.

Rà soát đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT), việc yêu cầu rà soát 17 dự án vay vốn ODA của WB nhằm khắc phục, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành. Thiếu vốn đối ứng do ngân sách quốc gia hạn chế.

“Việc ra công văn yêu cầu rà soát các dự án vay vốn ODA được thực hiện hằng năm, nhằm kiểm tra, tìm giải pháp cho công trình chậm tiến độ. Về tốc độ giải ngân so với các quốc gia khác, tỷ lệ của Việt Nam chậm hơn một phần do khó khăn trong sắp xếp vốn đối ứng”, ông Mạnh nói.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, diễn ra tháng 12/2015 tại Hà Nội, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhấn mạnh: Khả năng tận dụng tối đa nguồn ODA của Việt Nam khá hạn chế. 

Nguyên nhân do sự khác biệt về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư giữa Việt Nam và nhà tài trợ; sự khác biệt về mức giá đền bù giữa các địa phương; thay đổi chính sách về giải phóng mặt bằng và tái định cư làm tăng chi phí… Điều này đã làm kéo dài quá trình chuẩn bị và phê duyệt dự án, làm giảm hiệu suất và hiệu quả nguồn tài chính bên ngoài đối với hỗ trợ hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá, vốn đối ứng nhỏ giọt do bội chi ngân sách, áp lực trả nợ công lớn. Hơn nữa, quy trình đầu tư các dự án ODA chưa khớp nối. Khi ký kết, mọi điều khoản đã được thông qua nhưng Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. 

“Nếu cứ kéo dài việc chậm giải ngân, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn ODA của Việt Nam. Các nhà thầu, địa phương có dự án cần giải quyết vướng mắc để dự án đúng tiến độ, tránh gây lãng phí. Hơn nữa, trong các chương trình hội thảo, dự án, WB luôn hỗ trợ cải cách, nhắc nhở để Việt Nam sử dụng có hiệu quả vốn ODA”, ông Hồ nói.


Lùm xùm tại dự án nâng cấp 
đô thị Mỹ Tho

Hai quan chức Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Mỹ Tho, Tiền Giang vừa bị thôi chức sau khi xảy ra chuyện lùm xùm khiến TP có thể bị cắt vốn tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB).

cong trinh cai tao rach bach nha tai p.5, tp my tho co chieu dai 1.667m hien chi moi dat hon 40% khoi luong. tien do thi cong qua cham khien nguoi dan buc xuc - anh: v.truong

Công trình cải tạo rạch Bạch Nha tại P.5, TP Mỹ Tho có chiều dài 1.667m hiện chỉ mới đạt hơn 40% khối lượng. Tiến độ thi công quá chậm khiến người dân bức xúc - Ảnh: V.Trường

 

Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - tiểu dự án TP Mỹ Tho có tổng vốn đầu tư hơn 56 triệu USD. Trong đó, vốn tín dụng IDA của WB 39,7 triệu USD và vốn ngân sách đối ứng khoảng 17 triệu USD. Dự án triển khai từ năm 2012 và sẽ kết thúc cuối tháng 12-2017. Tuy nhiên đến nay, dự án này chỉ mới giải ngân được hơn 23% vốn của WB.

Mất chức vì đấu thầu lôm côm

Ban thường vụ Thành ủy Mỹ Tho vừa quyết định điều động ông Nguyễn Hữu Lộc (phó giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Mỹ Tho) đến làm viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất.

Lý do là chậm thực hiện nhiệm vụ được giao và việc chấm, chọn thầu, đề xuất phương án chọn thầu thi công kè sông Tiền tại P.2 không khả thi, dẫn đến nguy cơ có thể làm mất vốn của WB để thực hiện công trình này. Còn ông Nguyễn Hoàng Đảm (phó chủ tịch thường trực UBND TP) cũng bị cho thôi kiêm chức trưởng ban quản lý dự án.

Công trình kè sông Tiền tại P.2 có chiều dài 938m, bao gồm kè và đường rộng 9m, vỉa hè phía kè rộng 7m. Tổng vốn đầu tư công trình này là 207 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 44 tỉ đồng, kinh phí xây lắp 163 tỉ đồng.

Thời gian hoàn thành công trình này là 24 tháng. Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Mỹ Tho mở thầu ngày 17-1-2016. Có bảy đơn vị tham gia đấu thầu. Một đơn vị đã được ban quản lý dự án chọn, đề nghị chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu.

Tuy nhiên, UBND TP Mỹ Tho phát hiện việc chọn thầu này có những vấn đề chưa rõ ràng nên không phê duyệt, đồng thời xin ý kiến UBND tỉnh và Ban chủ nhiệm dự án nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long xin đấu thầu lại.

Thế nhưng, ban chủ nhiệm không đồng ý phương án đấu thầu lại vì sẽ làm chậm tiến độ dự án và WB cũng sẽ không chấp nhận chuyện này. Giải pháp được đề xuất là tiếp tục xét chọn lại và trao hợp đồng cho nhà thầu sớm nhất có thể nhưng không muộn hơn 
ngày 3-6.

Ngày 26-6, ông Nguyễn Văn Hồng (chủ tịch UBND TP Mỹ Tho) cho biết sau khi “thay máu” ban quản lý dự án, UBND TP Mỹ Tho tiếp tục rà soát lại bảy hồ sơ dự thầu nhưng không có hồ sơ nào đáp ứng tiêu chí.

Ông đã ra Hà Nội báo cáo WB tại VN và Ban chủ nhiệm dự án nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long và xin đấu thầu lại. Tuy nhiên, đến nay WB chưa trả lời có chấp nhận đấu thầu lại hay không. Trước đó, ban chủ nhiệm dự án lo ngại thời gian còn lại quá ngắn không thể hoàn thành dự án kè sông Tiền tại P.2. Một số cán bộ có liên quan thừa nhận nguy cơ bị WB cắt vốn dự án này là rất lớn.

Đại công trường 
ngổn ngang

Dự án nâng cấp đô thị TP Mỹ Tho thực hiện trong phạm vi tám phường và một xã. Theo phản ảnh của người dân, các công trình làm đường, hệ thống thoát nước thi công rất chậm khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Có nơi đào xới lên rồi bỏ đó. Rất nhiều khu vực bị ngập sâu cả tuần chỉ sau một trận mưa...

Ông Ngô Việt Thanh, phó giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP Mỹ Tho, thừa nhận một số công trình thi công chậm khiến người dân bức xúc. “UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý nghiêm nhà thầu chây ì. Chúng tôi cũng đã cảnh báo nhà thầu nếu tới đây không đảm bảo tiến độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định” - ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, đến nay dự án này chỉ mới giải ngân được 23% vốn tín dụng IDA. Còn vốn đối ứng của tỉnh và trung ương đã giải ngân tới 120,6% (thực chi 408 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu 338 tỉ đồng, do phát sinh chi phí bồi thường). Giai đoạn một có 15 gói thầu nhưng đến nay chỉ mới có 7 gói hoàn thành.

Riêng giai đoạn hai có 7 gói thầu, trong đó 2 gói thầu kè sông Tiền và mua sắm trang thiết bị vệ sinh môi trường hiện chưa đấu thầu xong. Có ba công trình khiến ban quản lý dự án lo nhất là: khu tái định cư Mỹ Phong hiện chỉ đạt 44% khối lượng, công trình cải tạo rạch Bạch Nha tại P.5 chỉ mới đạt hơn 40% khối lượng, còn công trình kè sông Tiền hiện vẫn chưa chọn được nhà thầu, mặt bằng cũng chưa giải phóng xong.

Ông Phạm Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cho biết UBND tỉnh đã làm việc với Thành ủy và UBND TP Mỹ Tho và đề nghị giám sát chặt chẽ tất cả các gói thầu, có biện pháp mạnh để thúc đẩy các công trình đang chậm tiến độ.

Đối với các gói thầu đang vướng thì tập trung tháo gỡ để triển khai thi công trong thời gian sớm nhất, cố gắng không để mất vốn WB. Những vấn đề tồn tại, sai phạm (nếu có) sẽ xem xét xử lý sau. Còn ông Nguyễn Văn Hồng (chủ tịch UBND TP Mỹ Tho) cho biết kể từ ngày 27-6, đích thân ông sẽ tham gia công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án.


Ký văn kiện hợp tác Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc

Lễ ký kết 3 văn kiện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có hợp tác Cảnh sát biển hai nước đã diễn ra trưa nay 27/6 với sự chứng kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ký văn kiện hợp tác Cảnh sát biển Việt Nam - Trung Quốc

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bắt tay Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sáng 27/6 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội.

Sáng nay 27/6, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp hẹp với Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Sau cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến khoảng 1 giờ đồng hồ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì đã đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu lúc 11 giờ 10 phút sáng cùng ngày tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội.

Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục xu thế phát triển tích cực, tuy còn một số tồn tại cần cùng nhau giải quyêt.

Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, với nhiều hình thức linh hoạt và đạt nhận thức chung quan trọng về thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Quan hệ giao lưu, hợp tác kênh Đảng cũng như cấp Bộ, ngành và địa phương được đẩy mạnh. Các lĩnh vực hợp tác thực chất có tiến triển nhất định. Hai bên phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực, kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2015 và các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc đang diễn ra trong tình hình như vậy. Tôi hy vọng cuộc họp sẽ thành công tốt đẹp, nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội", Phó thủ tướng nói.

Trước đó, sáng cùng ngày, cũng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế đã diễn ra hội nghị giới thiệu chính sách đầu tư và các quy trình, thủ tục về giải ngân đối với các khoản viện trợ, khoản vay tín dụng của Trung Quốc do các bộ, ngành Trung Quốc chủ trì.

Lúc 12 giờ 40 phút trưa 27/6, sau khi Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc kết thúc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã chứng kiến lễ ký kết 3 văn kiện, gồm: “Biên bản Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc”, “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc”; trao đổi Công thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Chính phủ Trung Quốc cung cấp bổ sung khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 129,5 triệu Nhân dân tệ cho dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung.

Nhân dịp này, hai bên xác nhận đã hoàn thành các thủ tục lập Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam..


Hà Nội: Đến 2020, 100% các công trình xây dựng phải được cấp phép

Thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch, các quy định về cấp phép xây dựng, tiến tới tất cả các công trình trong đô thị và các khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu phải được cấp phép xây dựng 100%.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Chương trình số 06 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016-2020” được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thảo luận, cho ý kiến sáng 27/6.
Dự thảo Chương trình 06 của Thành ủy khóa XVI đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc. Môi trường được cải thiện, trên nền tảng phát triển bền vững, năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.
Đồng thời, xây dựng Thủ đô Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đảm bảo kết nối và đồng bộ giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của Thủ đô.
Chương trình cũng đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020. Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 – 25%; diện tích đất dành cho giao thông từ 03 – 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10 – 13% đất đô thị; phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh, tăng diện tích cây xanh trên đầu người, đưa hệ thống cây xanh trở thành một bộ phận quan trọng trong bộ mặt cảnh quan đô thị; hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn 95-100%...
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, dự thảo Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm và 6 giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục rà soát, hiệu chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đã được phê duyệt trước đây và hoàn thành các quy hoạch mới. Xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện theo quy hoạch.
Cùng với đó, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị. Tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch, các quy định về cấp phép xây dựng, tiến tới tất cả các công trình trong đô thị và các khu vực nông thôn đã có quy hoạch phân khu phải được cấp phép xây dựng 100%.
Dự thảo Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chuyển mạnh sang đầu tư phát triển chiều sâu, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án. Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, người đứng đầu... 

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục