tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 11-04-2016

  • Cập nhật : 11/04/2016

Thái Lan bắt tàu nghi cấp dầu cho tàu cá Việt Nam

Hải quân Thái Lan bắt giữ một tàu của nước này và 33 ngư dân Việt Nam ở vùng biển phía nam với cáo buộc "hỗ trợ và đánh bắt trái phép".
mot tau ca cua viet nam bi thai lan bat. anh minh hoa: thailandchatter

Một tàu cá của Việt Nam bị Thái Lan bắt. Ảnh minh họa: Thailandchatter

Chiếc tàu Thái Lan cùng 14 thuyền viên chở 30.000 lít dầu được cho là cung cấp cho ba tàu đánh cá của Việt Nam vừa bị bắt giữ, TTXVN dẫn tin từ truyền thông Thái Lan cho biết hôm qua.

Trong khi đó, 33 ngư dân Kiên Giang cùng bị phát hiện ở khu vực ngoài khơi tỉnh Nakhon Si Thammarat. Những người này đã bị đưa về giam ở tỉnh Songkhla.

Hai tàu Việt Nam mang số hiệu KG 93668 TS, KG 90635 TS, một tàu không rõ số hiệu. Ba tài công của các tàu đã bị xét xử, trong khi các thuyền viên khác sẽ được lấy lại lời khai do nghi ngờ họ bị ép tham gia.

Từ đầu năm đến nay, Hải quân vùng 2 của Thái Lan đã bắt giữ 17 tàu cá Việt Nam. Tổng số tàu bị giữ ở đây hiện là 34 cùng 221 ngư dân. 


Trẻ em gốc Việt ở Mỹ nỗ lực học tiếng mẹ đẻ

Trẻ em trong nhiều gia đình gốc Việt ở Mỹ chỉ nói tiếng Anh, và nếu không có những lớp dạy tiếng Việt, chúng có thể quên đi văn hóa và tiếng mẹ đẻ.
lop tieng viet tai  giao duong trai tim vo nhiem cua duc me o thanh pho lincoln, bang nebraska. anh: net news

Lớp tiếng Việt tại  giáo đường Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ ở thành phố Lincoln, bang Nebraska. Ảnh: NET News

Truc Pham là hiệu trưởng của trường tiếng Việt tại một giáo đường ở thành phố Lincoln, bang Nebraska, Mỹ. Ông cho hay suốt 20 năm qua, các bậc cha mẹ gốc Việt đã gửi con đến đây để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của mình. 

Cứ vào thứ 7 hàng tuần, trẻ em gốc Việt từ 5 đến 15 tuổi lại tham gia lớp học. Nếu được hỏi về những truyền thống dân tộc, các em có thể kể mọi thứ, từ các món ăn đến những điệu múa phổ biến ở Việt Nam.

"Trong văn hóa Việt Nam, cả gia đình lớn cùng sống chung trong một ngôi nhà. Nhiều gia đình sống cùng ông bà, bố mẹ. Và tất nhiên, tiếng Anh của họ không tốt, vì thế bọn trẻ phải học tiếng Việt và giữ gìn văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi ở Mỹ", cha Thomas Nguyen, người quản lý các hoạt động và chương trình tại giáo xứ, cho hay.

Thien Chu từng tốt nghiệp lớp tiếng Việt trên và hiện là một giáo viên hóa học tại trường Omaha. Thứ 7 hàng tuần, anh quay lại giáo đường với vai trò tình nguyện viên. Bất chấp những nỗ lực của giáo đường, anh vẫn bày tỏ lo lắng rằng trẻ em sẽ quên bài sau khi rời lớp tiếng Việt.

"Rất khó vì chúng chỉ có khoảng một giờ mỗi tuần để học tiếng Việt", Chu nói. "Những em đến đây học tiếng Việt và về nhà không sử dụng sẽ rất dễ quên. Đó là điều khiến tôi lo lắng nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức".

Với cha Nguyen, việc những đứa trẻ người Việt nói tiếng Anh dành một phần thời gian cuối tuần của mình đến đây học ngôn ngữ mẹ đẻ để không quên đi cội nguồn là điều rất đáng quý.

"Chúng tôi không muốn những đứa trẻ mất đi gốc rễ. Đó là lý do vì sao chúng tôi làm mọi thứ có thể để dạy cho chúng văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam", ông nói.

Hiện ở học khu Lincoln có 2.600 học sinh nói hơn 119 ngôn ngữ khác nhau. 


Quatron nợ 6 tỉ đồng BHXH của công nhân

 Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết Công ty cổ phần thép Quatron (đóng trên địa bàn) đang nợ khoản tiền thi hành án về bảo hiểm xã hội (BHXH). 

Hiện công ty còn nợ 6 tỉ đồng các loại bảo hiểm của công nhân. 

Trước đó vào tháng 9-2014, BHXH huyện Tân Thành đã khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa để đòi tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Công ty này cam kết với công nhân đến tháng 3-2016 sẽ đóng hết số tiền nợ BHXH và chốt sổ BHXH để trả sổ cho người lao động đã nghỉ việc nhưng đến nay mọi việc vẫn như cũ nên người lao động rất bức xúc.

Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Thành 
cho biết thêm công ty trên đã thế chấp toàn bộ tài sản, nhà xưởng, máy móc cho ngân 
hàng.


Thời “vàng” đầu tư vào nông nghiệp

Ngày 5-4, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về triển khai Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 227 ha tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất dự kiến là 662 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao phục vụ chế biến, XK, đồng thời hình thành trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống nhằm khôi phục, cải tạo và sản xuất các giống bản địa đặc sản.

Trước đó, ngay trong những ngày đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng công bố thành lập DN nông nghiệp quản lý hoạt động chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi mang tên Công ty CP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát, với số vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng.

Lùi lại một chút, vào giữa tháng 4-2015, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco. Bước đầu, VinEco tập trung sản xuất rau quả hữu cơ và rau quả sạch theo mô hình tập trung khép kín và nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật, Israel, Hà Lan…

Thực tế, những năm gần đây, nhiều “đại gia” như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Masan Group… đều đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp và gặt hái những thành quả đáng kể từ việc chăn nuôi bò, sản xuất cám… Và dường như trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện tại, nông nghiệp ngày càng trở thành mảnh “đất lành” thu hút sự đầu tư của các DN lớn.

Dễ thấy, điểm mấu chốt giúp các “đại gia” bén duyên thành công với nông nghiệp là nhờ đầu tư lớn, bài bản từ khâu giống đến chế biến, phân phối hay sẵn sàng mua công nghệ hiện đại từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, dù có tiềm lực kinh tế dồi dào, không ít DN khi đầu tư vào nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan tới đất đai, thuế, tài nguyên môi trường…, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất.

Rõ ràng, sự tiên phong đầu tư vào nông nghiệp của các “đại gia” như trên là tín hiệu rất đáng mừng khi suốt nhiều năm nay, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực không được nhiều DN mặn mà bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để có thể tận dụng, phát triển tốt hơn vai trò tiên phong này, hướng tới từng bước giúp ngành  nông nghiệp vững vàng hội nhập, tăng sức cạnh tranh, ở thời điểm hiện tại, ngoài sự “tự thân vận động” của các DN, điều cần thiết là Nhà nước phải thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong xây dựng chính sách, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn.  


Hải Dương đề nghị giảm phí lưu thông trên Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe 4 trục trở lên tại các trạm trên QL5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

lo trinh ne tram thu phi duoc chia se tren mang xa hoi 

Lộ trình né trạm thu phí được chia sẻ trên mạng xã hội 

Đề xuất này được UBND tỉnh Hải Dương đưa ra để tăng lưu lượng xe, nâng cao hiệu quả khai thác quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm thiểu các phương tiện đi vào hệ thống đường địa phương làm mất an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu công trình giao thông của địa phương.

Theo tỉnh Hải Dương từ ngày 1-12-2015, thực hiện Thông tư số 153/2015/TT-BTC ngày 02-10-1015 của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tại 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5; mức thu phí đối với các loại phương tiện đều tăng lên từ 3 đến 4,5 lần.

Do mức thu phí tăng cao, nhiều phương tiện vận tải, nhất là xe container từ Hải Phòng đi hướng Hà Nội đã đi vào Quốc lộ 10 - đường tỉnh 391, các tuyến nội thị thành phố Hải Dương – quốc lộ 5 và ngược lại để tránh nộp phí tại Trạm số 2 dẫn đến lưu lượng xe trên đường tỉnh 391 tăng đột biến gấp 3 lần so với lưu lượng thiết kế, gấp 10 lần so với lưu lượng xe trung bình năm 2015 làm cho tình hình công tác đảm bảo ATGT trên đường tỉnh 391 có nhiều diễn biến phức tạp; đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân hai bên đường, làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường do vượt quá lưu lượng thiết kế.

Theo tổng hợp kết quả đếm xe của Đoạn quản lý đường bộ tỉnh Hưng Yên tháng 12-2015, lưu lượng xe ô tô chạy trên đường ĐT 379 lên tới hơn 7.500 xe/ngày đêm, gấp gần hai lần tháng 10-2015; trong đó, xe ô tô tải nặng hơn 1.000 xe/ngày đêm, gấp gần ba lần. Trong khi đó, lưu lượng xe ô tô tải nặng chạy trên Quốc lộ 5, qua trạm thu phí trong tháng 12-2015 lại giảm mạnh, chỉ còn vài trăm xe/ngày đêm. Phó Giám đốc Đoạn quản lý đường bộ tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Toán cho biết: Nhiều xe ô tô “né” trạm thu phí quốc lộ 5 đã chạy vào các tuyến đường tỉnh lộ dẫn đến quá tải, đường nhanh bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặt trạm cân, cánh lái xe lại thông báo cho nhau để tìm cách luồn lách, đi vào nhiều tuyến đường nhỏ khác.


 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục