tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tăng lương không đúng hẹn và chuyện lãng phí ngân sách

  • Cập nhật : 04/11/2015

(Tai chinh)

Khi ngân sách vẫn sử dụng cho những việc hội họp, kỷ niệm, đi nước ngoài như cơm bữa… thì vẫn tiếp tục “dài cổ” chờ tăng lương.

nen cat giam cac khoan chi khong can thiet lay nguon tang luong.

Nên cắt giảm các khoản chi không cần thiết lấy nguồn tăng lương.

 

Thêm một lần nữa Chính phủ lỗi hẹn với người lao động về việc tăng lương. Trong một năm kinh tế đầy khó khăn, mọi nguồn thu đều giảm, trong khi bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, cộng với nhiều khoản chi tiêu lãng phí… thì việc chưa tăng lương là điều đã được dự liệu và không quá bất ngờ với nhiều người.

Câu chuyện ngân sách những ngày qua thực sự “nóng”, đặc biệt từ khi có thông tin Chính phủ cầm trong tay để có thể điều tiết được chỉ có 45.000 tỷ. Không phải đến lúc “trong nhà cạn tiền” chúng ta mới nghĩ đến “ăn dè, tiết kiệm”. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã lên tiếng về tình trạng chi tiêu lãng phí trong hệ thống các cơ quan sử dụng ngân sách.

Đến mức cứ cái gì được tiêu xài, sử dụng thoải mái người ta cũng tặc lưỡi với nhau “của công ấy mà”. Chưa có thống kê chính thức nhưng rõ ràng việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, đi công tác nước ngoài… tràn lan đã tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.

Hồi đầu năm, Chính phủ đã ra Nghị quyết về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ ngân sách Nhà nước…

Thế nhưng xem ra các khoản này “giảm chưa đáng kể”. Đến mức, chuyên gia kinh tế, ĐB Quốc hội Trần Du Lịch phải thốt lên rằng “Ngày nào mở báo ra cũng thấy có lễ kỷ niệm…”. Một lần nữa, câu chuyện “lạm phát” hội nghị, lễ lạt và đi nước ngoài lại tiếp tục làm nóng nghị trường. Nhiều ý kiến cho rằng không thể trì hoãn việc tăng lương bởi giá cả các mặt hàng thiết yếu đang “rình rập” tăng. Thế nhưng, quan điểm nổi bật là không thể đi vay để tăng lương mà cần cắt giảm các khoản chi phí, các bộ phận, tổ chức không cần thiết (tinh giản biên chế).

Chưa thể tăng lương khiến nhiều người buồn nhưng xem ra chỉ có một số người đáng được buồn còn không ít người không đáng “hưởng” nỗi buồn này. Bởi lâu nay họ đã làm việc không xứng đáng với đồng lương của Nhà nước chi trả. Họ là những người đúng ra phải sớm được tinh giản để bộ máy Nhà nước không còn cồng kềnh, trì trệ, kém hiệu quả nhưng không hiểu vì lý do gì mà chưa thể đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước. Xem ra, chuyện cắt giảm biên chế để tăng lương là bài toán khó.

Dù sau thông tin của Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng, các ngành khác trực tiếp quản lý “túi ngân sách quốc gia” đã lên tiếng và có những cân đối riêng, nhưng những người dân bình thường cũng mường tượng ra rằng chúng ta đang ở trong điều kiện ngân sách khó khăn, eo hẹp; biên chế thì khó giảm. Cách duy nhất dễ áp dụng là các Bộ quản lý thẳng tay cắt luôn một tỷ lệ nhất định trong phần ngân sách cấp cho các ngành, địa phương. Với cách làm này, chúng ta đang giải quyết vấn đề để có kết quả. Có nghĩa, đồng lương còm cõi của Nhà nước sẽ tiếp tục kéo theo cỗ máy khổng lồ mà rất có thể còn tiếp tục phình ra.

Ngoài ra cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng, chi từ ngân sách còn quá nhiều khoản chưa hợp lý, lãng phí. Đơn cử như số tiền chi phục vụ xe công. Số lượng xe ô tô công của nước ta là khá lớn (gần 40.000 xe ô tô công chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước). Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu siết việc mua sắm xe công theo qui định của Nhà nước thì sẽ tiết kiệm được 30.000 tỷ đồng/năm.

Theo đúc kết thực tế của TS Lê Đăng Doanh thì, "ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam”. Đấy là chưa kể hàng loạt công trình nghìn tỷ vẫn đang “đắp chiếu, phơi sương” không thể hoặc chưa thể hoàn thiện để đưa vào khai thác, gây tốn kém không nhỏ cho ngân sách.

Chúng ta đã có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực từ 1/7/2014. Sau hơn một năm có hiệu lực, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra tràn lan, thế nhưng chẳng có ai bị xử lý. Con người là yếu tố then chốt. Tất cả mọi nguồn lực đều tập trung cho con người. Thế nhưng đến bây giờ, khi bữa ăn của mỗi người lao động đang bị đe dọa phải cắt giảm thì hơn bao giờ hết tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện nghiêm túc.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục