tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS. Lê Đăng Doanh: “Không nên xem thường nợ của chính quyền địa phương”

  • Cập nhật : 21/12/2015

(Kinh te)

Một góc nhìn mới về kỷ luật ngân sách và tình trạng thiếu nợ, hết tiền của các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu...

doanhnguyen vien truong vien nghien cuu quan ly kinh te trung uong (ciem)

DoanhNguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Trong khi ngân sách thiếu hụt, bội chi và nợ công tăng cao, không ít địa phương rơi vào cảnh hết tiền, thiếu nợ... dư luận đang hết sức quan tâm và chờ đợi những hành động cụ thể của nhà nước trong việc siết chặt kỷ luật ngân sách.

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương đã dành cho chúng tôi một góc nhìn mới về ngân sách và kỷ luật ngân sách.

Dư luận vẫn đang hết sức quan tâm đến sự việc 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu rơi vào cảnh “hết tiền, thiếu nợ” được phản ánh rất nhiều trên báo chí thời gian qua. Tuy nhiên, có ý kiến còn cho rằng, có nhiều địa phương cũng đang lâm vào cảnh thiếu nợ. Trong bối cảnh tình hình ngân sách như hiện nay, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Tôi không có số liệu cụ thể về vụ việc này vì những số liệu đó thường sẽ không được công bố, nhưng tôi có dự cảm là ngân sách của không ít tỉnh, thành phố, không chỉ 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đâu mà là số nhiều hơn các tỉnh sẽ gặp khó khăn.

Trước hết, tôi thấy cái số nợ mà chính quyền địa phương không thanh toán được cho các doanh nghiệp thi công xây dựng là rất lớn, nhiều doanh nghiệp đó họ gặp tôi và họ than khóc kinh khủng. Nhưng số doanh nghiệp đó họ ở vào thế yếu nên dù bị nợ nhiều vẫn không làm gì được.

Bởi lẽ họ là những doanh nghiệp không có tính chất toàn quốc cho nên họ không thể nào hoặc rất khó để có được các hợp đồng xây dựng lớn ở các khu vực khác.

Họ phụ thuộc vào các thị trường địa phương cho nên họ không thể làm dữ được, do vậy dù họ bị nợ nhiều cũng không làm gì được, có người bảo với tôi là đã bị địa phương nợ tới hơn 2 năm nay rồi, không những thế nhiều doanh nghiệp cũng không có cái gì để làm để duy trì tiếp hoạt động kinh doanh.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến các địa phương gặp khó khăn về ngân sách như vậy?

Có một số vấn đề như thế này, thứ nhất, một số địa phương mất cân đối, có tính đến nợ bất động sản xây dựng là một cái chỉ dấu và những chỉ dấu khác.

Thứ hai, sự chi tiêu, tiêu pha quá lãng phí của không ít địa phương nhưng cũng chỉ mới là tảng băng nổi thôi, phần chìm chắc chắn sẽ còn kinh khủng hơn nhiều. Trong khi đó, ở các nước, việc chi tiêu ngân sách hết sức khắt khe.

Tôi có tham gia đoàn bộ trưởng đi sang Thụy Điển, ông Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển bỏ ra cả buổi sáng đế dẫn đoàn đi, sau đó tự bỏ tiền túi ra mời cà phê. Họ có nói đại ý thế này: Tôi rất quý các bạn nhưng tôi không thể mời các bạn ăn một bữa cơm được bởi vì luật của chúng tôi không cho phép...

Một ví dụ nữa như cái nợ về bất động sản tại tỉnh Hà Giang những năm vừa qua không biết bao giờ mới giải quyết được. Theo tôi được biết, tỉnh Hà Giang hiện nay chi tiêu ngân sách cao hơn số thu ngân sách trên địa bàn.

Thế thì tổng số nợ để lại lên không biết đến bao giờ Hà Giang mới giải quyết được.

Cho nên tôi thấy là vấn đề nợ của chính quyền địa phương ở Việt Nam chúng ta không nên xem thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính cơ chế “xin - cho” và việc các địa phương lạm dụng cơ chế này khiến kỷ luật ngân sách không nghiêm. Có giải pháp nào cho việc này không, thưa ông?

Tôi ghĩ bây giờ cần phải xem xét lại một cách rất nghiêm chỉnh cái kỷ luật ngân sách, phải có sự giám sát độc lập của các cơ quan dân cử với ngân sách và phải có sự hô nghiêm.

Ở đây có mấy vấn đề thế này, thứ nhất những khoản nợ bội chi của khóa trước chuyển sang khóa sau phải được tính toán thế nào và ai phải chịu trách nhiệm chứ không thể để kiểu như hiện nay được.

Thứ hai, kinh tế có một khái niệm là “trách nhiệm giải trình”, ông đã gây ra cái nợ đó thì ông phải có trách nhiệm giải trình thế nào chứ.

Chúng ta phải xem xét lại, theo tôi chúng ta nên áp dụng nguyên tắc: Hỗ trợ nhưng theo nghĩa tương trợ.

Có nghĩa là trong mỗi kế hoạch, dự án đầu tư thay vì việc đi xin và ngồi chờ bầu sữa ngân sách bơm xuống thì trước đó các địa phương phải làm tối đa, vận dụng tối đa nội lực của địa phương mình.

Trên cơ sở những nỗ lực tối đa đó, nhà nước sẽ hỗ trợ các địa phương nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế thôi, chứ không thể nào giúp đỡ anh bằng một người khác nếu như anh không có nỗ lực tối đa bản thân.

Tức là nguyên tắc ấy không phải nguyên tắc bao cấp, các địa phương phải cố gắng trước, làm hết sức đi, tư duy sáng tạo, còn thiếu thì Trung ương sẽ hỗ trợ cho phần tối thiểu để bảo đảm được chứ sẽ không hỗ trợ cho toàn bộ để bằng các anh nhà giàu khác.

Vậy còn việc điều tiết ngân sách giữa các tỉnh, thành phố thì sao thưa ông? Ông nghĩ sao về việc điều tiết ngân sách của một số thành phố lớn hiện nay?

Trên thực tế, chi tiêu của những ông nghèo khác với ông giàu. Bởi vì các anh nghèo thì sẽ dẫn theo rất nhiều thứ dịch vụ liên quan đến cuộc sống sẽ kém hơn so với những anh giàu.

Liên quan tới việc điều tiết ngân sách hiện nay, tôi thấy mình đang thu của những thành phố, những nơi là đầu tàu kinh tế nhiều quá. Cụ thể là của TP. HCM, theo tôi hiện mình đang thu của họ quá nhiều, phần ngân sách để lại cho họ không thể đủ để cho nó phát triển các kế hoạch đầu tư cho kết cấu hạ tầng để có thể tiến lên giữ vai trò tiên phong.

Nếu muốn giữ vai trò tiên phong thì hệ số đầu tư của nó phải lớn hơn, phải cho phép nó tạo ra kết cấu hạ tầng lớn, hiện đại hơn, hay nói cách khác là phải cho nó một cơ chế đặc thù, kể cả về ngân sách và phải giảm tỷ lệ điều tiết đi để hệ số đầu tư phải cao hơn chỗ khác, tương xứng với trình độ phát triển của nó.

Chứ nếu bắt TP. HCM đầu tư giống như anh Hà Giang thì không thể phát triển được. Bởi vì cái cách huy động như vậy tức là anh đang triệt tiêu các đầu tàu, làm cho các đàu tàu yếu đi, và đó thì không phải là cách làm của kinh tế thị trường, và vì thế chúng ta cần phải xem xét lại điều này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục