tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-08-2017

  • Cập nhật : 12/08/2017

Các công ty Mỹ “tháo chạy” khỏi Trung Quốc, Starbucks vẫn ở lại

Khi các công ty Mỹ khác đều tìm cách thoái lui khỏi Trung Quốc, Starbucks vẫn lặng lẽ đi theo hướng khác.

mot cua hang cua hang starbucks tai thuong hai.

Một cửa hàng của hãng Starbucks tại Thượng Hải.

 

Tại Trung Quốc, Google hoạt động cầm chừng, hãng đồ ăn nhanh McDonald's bán 80% mảng kinh doanh trong khi Coca-Cola, sau khi chi mạnh tay để đầu tư, đã bán đơn vị đóng chai của mình.

Khi các công ty Mỹ khác đều tìm cách thoái lui khỏi Trung Quốc do e ngại các can thiệp thô bạo vào thị trường kinh tế, Starbucks vẫn lặng lẽ đi theo hướng khác: mua lại đối tác lâu năm để trở thành chủ sở hữu duy nhất ở Trung Quốc và vạch ra kế hoạch mở rộng tại thị trường này.

Starbucks đã mở hơn 500 cửa hàng/năm ở Trung Quốc, tạo ra 10.000 việc làm hàng năm. Riêng ở Thượng Hải, Starbucks đã có 600 cửa hàng, gấp đôi số cửa hàng của hãng này tại New York, Mỹ.

Câu chuyện làm ăn của Starbucks ở nền kinh tế thứ 2 thế giới là hành trình kéo dài 20 năm và để các công ty Mỹ đang chật vật kinh doanh tại đây tham khảo.

Starbucks đã tìm ra lối đi hòa nhập vào nền văn hóa Trung Quốc bằng cách đầu tư mạnh, trả lương cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh và nâng cao lợi ích cho nhân viên người Trung Quốc. Công ty cũng cung cấp các khoản trợ cấp nhà ở và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cung cấp bảo hiểm y tế cho cả cha mẹ của nhân viên người Trung Quốc. Hiện tại, Starbucks Trung Quốc cũng được điều hành bởi một giám đốc điều hành nữ là Belinda Wong.

starbucks tai khu du lich o bac kinh, trung quoc.

Starbucks tại khu du lịch ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tất cả những nỗ lực này đã xây dựng được lòng tin rất lớn, nhưng tốn cả thời gian và tiền bạc, thậm chí rất nhiều tiền. Một số cổ đông đã than phiền vì việc này trong những ngày đầu.

“Nhiều năm thua lỗ đã tạo ra áp lực từ cả bên trong và bên ngoài yêu cầu rời khỏi thị trường Trung Quốc”, ông Howard Schultz - Chủ tịch Starbucks cho hay.

Một trong những thách thức của Starbucks là thay đổi thói quen của một quốc gia có văn hóa uống trà lâu năm sang dùng cafe.

Ông Schultz đã tuyệt vọng khi nỗ lực áp dụng triết lý Starbucks cho nhân viên và khách hàng Trung Quốc.

“Tôi đã đưa các quản lý cao cấp của Starbucks sang Trung Quốc để điều hành kinh doanh và gắn dấu ấn văn hóa Starbucks với nhân viên Trung Quốc. Nhưng hóa ra, đây là một sai lầm”. ông nói. Chủ tịch Starbucks nhấn mạnh, yếu tố mở khóa thị trường là khi Starbucks nhận ra rằng, phải có sự kết hợp giữa các quản lý Mỹ và Trung Quốc, tận tâm và được lãnh đạo bởi một CEO người Trung Quốc.

Starbucks từng buộc phải từ bỏ cửa hàng của mình trong Tử Cấm Thành sau khi vấp phải sự phản đối của người dân khi cho rằng, sự tồn tại của cửa hàng Starbucks đã phá hoại nền văn hóa Trung Quốc.

Nhưng theo thời gian, Starbucks đã tiếp tục đầu tư sâu hơn vào quốc gia rộng lớn này.

Vậy tại sao họ thành công ở Trung Quốc trong khi McDonald’s thất bại? Ông Schultz cho rằng, hai công ty này đã nhượng quyền thương mại hệ thống của họ quá sớm. "Chúng tôi có cách tiếp cận khác”, ông nói.

Ông Schultz cũng cho rằng, người Trung Quốc nhiều năm qua đã quen với các thương hiệu phương Tây, đặc biệt là thương hiệu sang trọng và Starbucks đã được hưởng lợi từ điều đó.(KTĐT)
-----------------------------

Thị trường M&A Việt 'khát' thương vụ khủng

Thị trường mua bán sáp nhập (M&A) có nguy cơ tăng trưởng âm nếu không xuất hiện các thương vụ giá trị lớn trong giai đoạn cuối năm.

Báo cáo tổng quan về thị trường M&A Việt Nam năm 2016 tại diễn đàn do Báo Đầu Tư tổ chức ngày 11/8, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á - Jeffrey Pirie cho rằng, tuy chỉ chiếm 5% (tương đương 5,8 tỷ USD) tổng giá trị các thuơng vụ mua bán – sáp nhập được ghi nhận trong khu vực, nhưng so với dân số và thu nhập bình quân thì con số này vẫn rất ấn tượng.

Bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản tiếp tục là những lĩnh vực sôi động nhất. Đối tác nước ngoài thực hiện M&A cũng có sự phân hoá rõ rệt theo ngành hàng, trong khi Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm thì Thái Lan vẫn “trung thành” với mảng bán lẻ, Hàn Quốc với mảng thực phẩm và tài chính – ngân hàng. Xét về quy mô thương vụ, các giao dịch quy mô nhỏ với giá trị khoảng 3-4 triệu USD vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo.

Hoạt động mua bán sáp nhập từ nửa cuối năm 2016 đến nay đang có dấu hiệu chậm lại, số lượng thương vụ quy mô lớn ngày càng hiếm hoi. Với kịch bản thận trọng, giá trị các thương vụ M&A năm nay sẽ cán mốc 5 tỷ USD, giảm 14% so với năm ngoái. Trong trường hợp có sự đột biến từ các thương vụ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thì ước tính giá trị có thể đạt từ 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn.

“Để khuấy động thị trường này, cần tập trung khai thác lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bằng cách thúc đẩy thực hiện đúng các thoả thuận đã ký và chống lại chế độ bảo hộ mậu dịch. Đồng thời, nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng phải quản lý, giám sát và minh bạch tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước để tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư”, ông Jeffrey Pirie nhận định và đề xuất Chính phủ tăng tự do hoá các thị trường cơ bản, tăng số lượng IPO và bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược để tạo cú hích mạnh mẽ cho thị trường M&A năm nay.

thi-truong-ma-viet-khat-thuong-vu-khung

Thị trường M&A Việt Nam có dấu hiệu chững lại sau một năm tăng trưởng đột phá.

Phân tích của một số chuyên gia đầu tư cho rằng, thiếu nguồn hàng quy mô lớn là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ thị trường M&A tăng trưởng âm. Hầu hết nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến những doanh nghiệp “khủng”, trong khi vốn điều lệ của doanh nghiệp niêm yết phần lớn dao động quanh mức 2-4 triệu USD, vốn hoá thị trường khoảng 5-10 triệu USD.

Hiện, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và đang thoái vốn từng phần thì đa số công ty tư nhân vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết cổ phần. Điều này không đáp ứng được nhu cầu sở hữu tỷ lệ chi phối để chủ động trong các hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

“Nguồn hàng của thị trường M&A chủ yếu đến từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần hoá. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan chuyên trách sẽ rà soát và công khai danh sách doanh nghiệp nhà nước thoái vốn lần lượt từ đây đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện ‘mở cửa’ trong lĩnh vực tư vấn xác định tài chính doanh nghiệp và đổi mới phương thức bán vốn để giải quyết bài toán nguồn hàng”, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay.

Theo Vụ trưởng Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng Bùi Huy Thọ, ngân hàng là lĩnh vực sẽ đóng góp nguồn hàng lớn cho thị trường. Việc này không đến từ thoái vốn mà sẽ thông qua hình thức phát hành riêng lẻ. Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi vào giữa tháng 8 tới đây cũng được kỳ vọng gỡ nút thắt về nguồn hàng giá trị khủng trong hoạt động mua bán sáp nhập.

“Có không ít nhà đầu tư quan tâm M&A ngân hàng yếu kém nhưng phải thừa nhận rằng quá trình mua lại diễn ra không hề đơn giản. Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần các ngân hàng, trong đó có thể mua 100% cổ phần ngân hàng 0 đồng. Điều này chưa từng xảy ra bởi quy định trước đây, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng là 20% và tổng tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài không quá 30%”, ông Thọ cho hay.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác tác động tiêu cực đến thị trường M&A trong thời gian tới như định giá doanh nghiệp quá cao khiến bên bán và bên mua không tìm được tiếng nói chung, doanh nghiệp nội địa khó hoà nhập với văn hoá quản trị doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện, đa số doanh nghiệp vẫn còn hình thức kế toán hai sổ khiến nhà đầu tư hoài nghi về tính minh bạch của báo cáo tài chính và thông tin công bố, ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ngoài rót vào thị trường.(vnexpress)
------------------------

Thanh tra ACV về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố quyết định thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ( Mã ACV - UpCOM) quản lý.

Theo đó, Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn vay, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp và vốn xã hội hóa cho đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam quản lý.

Thời kỳ thanh tra là năm 2015, 2016 và các năm có liên quan từ khi lập dự án đối với dự án chưa quyết toán, các dự án đang theo dõi trả nợ. Thời gian thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Hà đề nghị Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp làm việc, cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị đoàn thanh tra thanh tra theo đúng nội dung tại quyết định đã công bố, thực hiện đúng chức năng,nhiệm vụ, thẩm quyền, trình tự thủ tục của hoạt động thanh tra theo quy định pháp luật.

Về phía đối tượng thanh tra, đại diện các đơn vị cho biết sẽ nghiêm túc chấp hành theo quyết định thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải, phối hợp toàn diện với qoàn thanh tra.

ACV hiện nắm giữ hoạt động của 22 sân bay trong cả nước. Theo kế hoạch, ACV sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm nay với tổng đầu tư 6.050 tỷ đồng trong tổng chi phí hoạt động của năm 2017 (ước tính khoảng 9.625 tỷ đồng).

trong so do, 2.000 ty dong se duoc danh de dau tu mo rong nha ga hang khach quoc te tan son nhat giai doan 2.

Trong số đó, 2.000 tỷ đồng sẽ được dành để đầu tư mở rộng nhà ga hàng khách quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2.

Một dự án khác là mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay sân bay Phú Quốc để nâng công suất lên 5 triệu khách/năm cũng có kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoảng 1.200 tỷ đồng sẽ dùng để cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài.

Trong cả giai đoạn 2016-2020, ACV dự tính tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không lên tới hơn 31,6 nghìn tỷ đồng. Toàn bộ vốn này ACV muốn xin từ Ngân sách Nhà nước.(VNeconomy)
--------------------------

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách ngày càng giảm

Sau 7 tháng, dù thu ngân sách nhà nước vẫn tăng, nhưng các khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước như thu từ bán cổ phần, cổ tức, lợi nhuận còn lại đều đạt ở mức thấp. Trong khi chi thường xuyên vẫn tăng đều.

Đã khai thác gần 8 triệu tấn dầu

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo thu chi ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm. Theo đó, tổng thu ngân sách trong tháng 7 ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5 nghìn tỷ đồng so với tháng 6. Lũy kế đến hết tháng 7, tổng thu ngân sách ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng (bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016).

Trong đó, thu nội địa tháng 7 ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6. Theo lý giải của Bộ Tài chính, phần tăng thêm này chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017, như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần nhà nước, và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

doanh nghiep nha nuoc dong gop cho ngan sach ngay cang giam

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho ngân sách ngày càng giảm

 

Tính chung 7 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016. Đây là năm có số thu nội địa so với dự toán thấp nhất trong 4 năm trở lại đây (năm 2014 đạt 65,4% dự toán, năm 2015 đạt 66,2% dự toán, năm 2016 đạt 59,8% dự toán).

Đáng chú ý, trong thu nội địa thu từ doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm. Như tiền thu từ bán bớt cổ phần sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm. Thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 40,7% dự toán năm (giảm 11%).

Riêng thu từ dầu thô trong tháng 7 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 660 tỷ đồng so với tháng 6. Lỹ kế 7 tháng đầu năm, thu từ dầu thô ước 27,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán năm (tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016). Tới nay, ngành dầu khí đã khai thác được 7,94 triệu tấn, bằng 64,6% kế hoạch.

Chi thường xuyên tăng đều

Về phần chi, tới hết tháng 7, ngân sách đã chi 695,16 nghìn tỷ đồng (bằng 50% dự toán năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, đáng chú ý chi đầu tư phát triển mới đạt 119,36 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 33,4% dự toán năm.

Đáng chú ý, chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, với con số tuyệt đối khoảng 511,29 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tới hết 7, bội chi ngân sách trung ương ước khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 50,6% dự toán); trong khi ngân sách địa phương vẫn bội thu.

Những tháng cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục xác định nhiệm vụ chính là tăng thu, kiểm soát chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước. Trong đó, quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên, tăng công khai, minh bạch ngân sách nhà nước.

Trong 7 tháng, Chính phủ đã vay hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài và huy động từ trong nước hơn 201,5 nghìn tỷ đồng (trong đó phát hành trái phiếu Chính phủ thu 183,9 nghìn tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh hơn 17,6 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân sách cũng phải chi 154,7 nghìn tỷ đồng trả nợ. Trong đó trả nợ trong nước 131 nghìn tỷ đồng, trả nợ nước ngoài 23,6 nghìn tỷ đồng.(Tienphong)

Trở về

Bài cùng chuyên mục