tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 22-07-2016

  • Cập nhật : 22/07/2016

Việt Nam chưa đủ sẵn sàng cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới

Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận GDP của Việt Nam sẽ thay đổi nhiều nhất vào năm 2025 với mức tăng 28,2%. Thu nhập trung bình của người Việt Nam sẽ tăng thêm 10,5%.

Việt Nam cũng sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn trong khu vực do sự tiếp tục phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất truyền thống như dệt may và cũng như sự xâm chiếm thị trường nhanh chóng của các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như máy tính, điện tử, thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, tính đến thời điểm này, sự chuẩn bị của Việt Nam với tiến trình hội nhập vẫn còn chưa đủ, chưa đảm bảo được tính ổn định, lâu dài cho sự phát triển bền vững.

 

Vì thế, những đổi mới về chính sách đầu tư, chính sách thương mại và chính sách phát triển cho các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh cần phải được tính toán kỹ, xét trên nhiều bình diện. Để từ đó không những tạo thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn không vi phạm các cam kết quốc tế, cũng như không gây khó cho các doanh nghiệp nước ngoài thuộc các quốc gia thành viên của các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam cần triển khai nhiều chính sách tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; trong đó, có việc phát triển thêm nhiều phương thức và phương tiện vận chuyển mới. Hệ thống giao thông và vận chuyển hàng hóa tốt hơn sẽ giúp tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế nói chung, khi kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có hai hiệp định mà Việt Nam cần triển khai càng sớm, càng tốt, đó là Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO (TFA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, sẽ giúp Việt Nam tăng thu xuất khẩu lên 307 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, ngành may mặc/giày là 165 tỷ USD.

Ông Oliver Massmann, Tổng giám đốc, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Duane Morris Việt Nam, nhận định nếu thực hiện đúng và kịp thời Hiệp định TPP, sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Đồng thời, giúp Việt Nam đạt được mức ổn định pháp lý trong một số lĩnh vực thương mại cao hơn các quốc gia công nghiệp hóa khác. TPP còn tạo ra dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ và giúp Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu ở Đông Nam Á trong những thập kỷ tới.

Đồng tình với quan điểm của đại diện Công ty Luật Duane Morris Việt Nam, ông Koen Kruijtbosch, Phó Chủ tịch, Tiểu ban Dược phẩm (PharmaGroup) thuộc Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng Việt Nam có cơ hội rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Việc tham gia vào cộng đồng kinh doanh quốc tế sẽ giúp Việt Nam định vị được lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm phát minh của ASEAN, ông Koen khẳng định sẽ sẵn sàng hợp tác để giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội này, tuy nhiên cần lộ trình và những cơ chế khuyến khích từ Chính phủ Việt Nam cho phép việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm phát minh.

Để hiện thực hóa được điều này, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành cải cách thể chế. Theo đó, đầu tiên là thay đổi tư duy từ kiểm soát, quản lý sang hỗ trợ, phục vụ vì sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời tích cực cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, giảm sự kiểm soát của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thúc ép các doanh nghiệp này phải hoạt động theo các nguyên tắc của thị trường, khiến cho họ dần thích ứng với sự đối xử không ưu đãi trong việc tiếp cận nguồn vốn từ Chính phủ và kể cả liên quan tới lĩnh vực đất đai... Việc cổ phần hóa, cũng nên tập trung vào việc thay đổi cơ cấu sở hữu sau cổ phần hóa, chứ không nên tập trung vào số lượng các doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay đang tiến hành.

Ông Oliver cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững những quy tắc, những cam kết đã quy định rõ theo hiệp định; đánh giá được những tác động trực tiếp, gián tiếp tới doanh nghiệp và tới lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Từ đó, doanh nghiệp có thể nâng cao tính cạnh tranh và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách với các cơ quan ban hành pháp luật

Từ thực tế của các doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Hữu Đạt, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng ở những nước là đối tác xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước nên phối hợp cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng và cử ra một tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đầu mối đó không chỉ có thể hỗ trợ về thông tin, về giá cước vận chuyển hàng hóa, mà còn giúp doanh nghiệp trong các hoạt động như xúc tiến thương mại; tranh chấp thương mại khi phát sinh khiếu kiện.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nên xem xét việc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu, quy mô nhỏ và vừa. Với sự hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp sẽ có vốn gối đầu khi thâm nhập vào hệ thống các siêu thị thuộc những nước thành viên TPP. Có như vậy mới giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đây có thể coi là chiến lược giúp Việt Nam thực thi Hiệp định TPP một cách đầy đủ và kịp thời./.(Vietnamplus)  

Ngân sách khó khăn, hàng loạt dự án vẫn tăng vốn đầu tư hơn 100%

Mặc dù ngân sách nhà nước trong năm 2015 còn nhiều khó khăn, song đã có ít nhất 60 dự án tăng vốn đầu tư. Trong đó, dự án tăng vốn ít nhất là 30%, dự án tăng vốn nhiều nhất lên đến 256%. Cá biệt, một số dự án lớn như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây điều chỉnh tăng vốn đến 2 lần, với tổng mức tăng thêm gần 11.000 tỉ.

Hàng chục dự án tăng vốn đầu tư hơn 100%

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015, trong đó đã đề cập đến hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư.

Theo đó, KTNN cho biết, kết quả kiểm toán cho thấy cơ bản các chủ đầu tư đã chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo quy định, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều tồn tại, hạn chế.

Một trong những tồn tại lớn nhất được KTNN chỉ ra là hàng loạt dự án đã không tiến hành nghiên cứu kỹ, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư.

Theo thống kê của Một Thế Giới dựa trên báo cáo của KTNN, có khoảng 60 dự án được kiểm toán đã tăng vốn đầu tư. Trong đó, dự án tăng vốn ít nhất là 30% (dự án công trình Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên), dự án tăng vốn nhiều nhất lên đến 256% (dự án Hồ Tả Trạch tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh 3 lần, từ 1.081,6 tỉ đồng lên 3.848,1 tỉ đồng). 

Có thể kể đến một sự dự án lớn tăng tổng mức đầu tư được KTNN nhắc đến như: Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956,2 tỉ đồng lên 6.742,3 tỉ đồng (tăng 36%); Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - Dự án II điều chỉnh 3 lần, từ 5.063,7 tỉ đồng lên 9.693,8 tỉ đồng (tăng 91,4%); 

Một số dự án xây dựng trung tâm hành chính, trụ sở tại các tỉnh cũng có mức tăng vốn đầu tư khủng như: Dự án Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh 2 lần, từ 495,4 tỉ đồng lên 1.014,6 tỉ đồng (tăng 105%); Dự án trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng điều chỉnh từ 880 tỉ đồng lên 2.131,3 tỉ đồng (tăng 142%). Hay Dự án trụ sở Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh 4 lần, từ 182 tỉ đồng lên 499 tỉ đồng (tăng 174%).

Cá biệt, dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã điều chỉnh tăng vốn đến 2 lần, với tổng mức tăng thêm gần 11.000 tỉ. Hay dự án xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao điều chỉnh 4 lần, từ 1.036,4 tỉ đồng lên 1.797,2 tỉ đồng (tăng 73,4%).

Ngoài ra, báo cáo của KTNN cũng cho biết, một số tỉnh có số lượng dự án điều chỉnh tăng vốn nhiều như Vĩnh Phúc (7 dự án); Hải Phòng (6 dự án); Bình Dương (5 dự án); Đắk Lắk (4 dự án); Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Sóc Trăng (mỗi tỉnh 3 dự án); Bắc Giang, Vĩnh Long (mỗi tỉnh 2 dự án).

Hầu hết các dự án được kiểm toán đều tính sai khối lượng, định mức, đơn giá

Mặt khác, báo cáo của KTNN cũng cho biết, hầu hết dự toán của các dự án được kiểm toán đều tính sai khối lượng, định mức, đơn giá, trong đó một số dự án sai sót lớn.

Chẳng hạn như dự án đường dây 500KV Vĩnh Tân - Sông Mây sai sót 37,1 tỉ đồng; dự án Thủy điện Hủa Na 46,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân 31,7 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - thành phố Hạ Long 39,3 tỷ đồng; Dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - Dự án II 14,5 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Dốc Xây - Thành phố Thanh Hóa 13,5 tỷ đồng … 

Bên cạnh đó, một số dự án lập quy hoạch không phù hợp thực tế dẫn đến phải điều chỉnh. Điển hình là quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng lập không phù hợp với nhu cầu sử dụng theo công năng dự án nên diện tích sử dụng phải điều chỉnh tăng 41,4% (từ 23.318m2 lên 32.976m2) và phải điều chỉnh 4 lần.

Vẫn xảy ra tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định. Chẳng hạn như Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án Trung tâm điều hành và đào tạo sau đại học Đại học Cần Thơ trước khi phê duyệt quy hoạch.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Km 244+155 - Km262+353 xác định giá trị mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc=191 MPa chưa theo Tiêu chuẩn thiết kế áo đường mềm 22TCN 211-06. 

Hay, dự án xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây khảo sát không đảm bảo dẫn đến phải điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu.

Một số địa phương phê duyệt dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư giai đoạn 2013-2015, chẳng hạn như tỉnh Tiền Giang với 57 dự án (15 dự án nhóm B, 42 dự án nhóm C) với tổng mức đầu tư 3.247,2 tỉ đồng. 

Quỹ bình ổn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiếp tục giảm 55 tỷ đồng

Theo thông báo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ 00 phút ngày 20/7), ước quỹ bình ổn giá (BOG) của doanh nghiệp này còn dư 1.350 tỷ đồng.

Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 5/7) là 1.405 tỷ đồng, quỹ bình ổn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm 55 tỷ đồng, còn so với ngày 20/6 là 1.487 tỷ đồng, quỹ bình ổn của Petrolimex giảm 137 tỷ đồng.

Trước đó, liên bộ Công Thương-Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, sau khi giảm chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), giá mặt hàng xăng Ron 92 sẽ giảm 665 đồng/lít; xăng sinh học E5 sẽ giảm 604 đồng mỗi lít.

Ngược lại, dầu diesel 0,05S, dầu hỏa và dầu mazút vẫn giữ nguyên giá so với kỳ công bố ngày 5/7.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu. mức trích lập vẫn giữ nguyên ở mức 300 đồng/lít đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu.

Trong khi đó, mức chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng khoảng và xăng E5 sẽ ​giảm về mức 0 đồng/lít.

Đối với dầu diesel, mức chi sử dụng quỹ bình ổn sẽ giảm từ 472 đồng/lít xuống còn 51 đồng; dầu hỏa là 254 đồng thay vì 669 đồng/lít, và dầu mazút là 136 đồng/kg thay vì 151 đồng/kg như kỳ công bố ngày 5/7.

Như vậy, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, xăng Ron 92 sẽ có mức giá trần là 15.303 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 14.843 đồng/lít; Dầu diesel 0,05S cao nhất là 12.298 đồng/lít; Dầu hỏa không vượt quá 10.667 đồng/lít và dầu mazút 3,5S có mức giá trần là 9.001 đồng/kg./.

5 kiến nghị chính từ cộng đồng doanh nghiệp

Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 4, khóa VI diễn ra sáng 19/7 tại Hà Nội, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI đã đưa ra 5 kiến nghị chính từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ts Hằng cho biết, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 2,2% của 6 tháng đầu năm 2015. Một con số đáng khích lệ, cho thấy niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố” – TS Hằng nói.

Cũng theo Tổng Thư ký VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể là 36.626 doanh nghiệp, bằng 2/3 số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng tăng lên so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy vẫn có rất nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt…

Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra một số kiến nghị như:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, coi đây là trọng tâm của công tác điều hành vì nó ảnh hường lớn đến sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt dài hạn. Đặc biệt đối với các chính sách tín dụng ngoại tệ, tín dụng cho ngành bất động sản, mua bán sáp nhập các tổ chức tín dụng

Thứ 2, Chính phủ cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập quốc tế. Đã qua gần 5 năm ban hành nghị quyết nhưng việc triển khai Nghị quyết 09 vẫn rất chậm.

Thứ 3, khẩn trương đề nghị ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần rà soát kỹ lại các điều khoản liên quan đến kinh doanh của Bộ Luật hình sự.

Thứ 4, quan tâm chỉ đạo các Bộ/Ngành khi ban hành các thông tư quy định về các quy chuẩn, thì tránh tình trạng lạm dụng, đặt thêm các điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Thứ 5, thực hiện triệt để các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 35/ NQ- CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với 05 nhóm giải pháp chính là: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến các vấn đề như: Đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến cắt giảm chi phí, nhất là chi phí thuế, mặt bằng sản xuất và thủ tục hành chính; Không được hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế;  Đồng thời, tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách để doanh nghiệp dân doanh được bình đẳng với các DNNN trong vấn đề tiếp cận vốn đặc biệt là vốn ODA, mặt bằng sản xuất, chuyển giao khoa học – công nghệ,  phiếu mua sắm công và chính sách lao động.

Bên cạnh đó, cần cải thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp FDI gắn kết hoạt động kinh doanh của mình với các doanh nghiệp trong nước; Có biện pháp rà soát lại việc tuân thủ các quy định của các DN FDI, để ngăn chặn những hành vi xâm hại môi trường như trường hợp Formosa.

Cùng với đó, cần xây dựng chương trình cải thiện năng lực quản trị công ty, tăng cường sự minh bạch cho các DN Việt Nam để thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và thị trường chứng khoán.

Sớm hoàn thiện dự thảo và ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Khuyến khích mua bán, sáp nhập doanh nghiệp  nhằm tăng số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Nâng cao vai trò của VCCI và Hiệp hội trong việc hỗ trợ DNNVV. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dự thảo Luật hội cũng phải được tiến hành song song và được Quốc hội phê chuẩn kịp thời cùng với Luật hỗ trợ DNNVV.

Đẩy mạnh các giải pháp về thúc đẩy mở rộng thị trường cần tập trung vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh do các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang lại, đồng thời với việc phải nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong quy hoạch phát triển, nhất là phát triển các cụm công nghiệp, tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng. (DDDN)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục