tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 23-07-2016

  • Cập nhật : 23/07/2016

Phạt tới 18 triệu đồng khi lái xe ô tô uống rượu bia

Quy định tăng nặng mức xử phạt vi phạm theo Nghị định 46 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao được ý thức của người cầm lái.

Đa số những vụ tai nạn giao thông do rượu bia và chất kích thích đều là những vụ tai nạn vô cùng thảm khốc, để lại nhiều đau thương và nỗi ám ảnh cho nhiều người.

Từ ngày 1/8 tới đây, mức phạt cao nhất cho hành vi vi phạm nồng độ cồn dành cho người lái xe máy là từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng; dành cho người điều khiển ô tô là từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.

Gần một nửa số vụ tai nạn giao thông là liên quan tới rượu, bia và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Việc tăng mức tiền xử phạt được kỳ vọng là sẽ góp phần nâng cao được ý thức của người lái xe.

Hoãn phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ đang tạm thời phải hoãn lại do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi.

thi truong tien te quoc te dang khong thuan loi cho viec phat hanh trai phieu (anh minh hoa)

Thị trường tiền tệ quốc tế đang không thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu (ảnh minh họa)

Bộ Tài chính vừa cho biết thông tin này trong báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm.

Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với tổng mức tối đa là 3 tỷ USD đã được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 99 về dự toán ngân sách năm 2016, ban hành tháng 11/ 2015. Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 cho đến nay, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới phức tạp. Điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, Trung Quốc điều chỉnh giảm giá trị đồng Nhân dân tệ và gần đây nhất là sự kiện Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã gây chao đảo trên thị trường.

Vì vậy, đến thời điểm này, dự định phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế như trên vẫn chưa thực hiện.

"Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi, nếu điều kiện cho phép thì sẽ thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế như Nghị quyết 99 của Quốc hội nêu, đảm bảo lợi ích quốc gia", báo cáo này cho hay.

Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội hôm 17/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cũng đã tiên liệu về tình hình thị trường tiền tệ, lãi suất chưa thuận để phát hành trái phiếu Chính phủ ra ngoài nước.

Kế hoạch huy động thêm vốn từ nước ngoài này ngay từ đầu cũng đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi vì khả năng gặp rủi ro tỷ giá khi tăng nợ nước ngoài của Chính phủ. Trong khi đó, Luật Quản lý nợ công cũng đã quy định không cho phép phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để đảo nợ trong nước.

Trước đó, Việt Nam cũng đã có 3 đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. Lần thứ nhất, năm 2005, Chính phủ phát hành 2 lô trái phiếu trị giá 750 triệu USD, lần thứ hai năm 2010, phát hành 1 tỷ USD và lần thứ 3 thực hiện tháng 11/2014 cũng với giá trị 1 tỷ USD, kỳ hạn 10 năm. Trong đó, hai đợt phát hành đầu tiên sẽ đáo hạn trong năm nay 2016 và năm 2020.

Đối với thị trường trái phiếu trong nước, Bộ Tài chính cũng cho biết nửa năm qua đã chuyển biến tích cực, đa dạng hoá kỳ hạn trái phiếu, tập trung kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã phát hành được 187,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, 68 nghìn tỷ đồng dành cho trả nợ các khoản trái phiếu đến hạn, phần còn lại sử dụng cho bù đắp bội chi Ngân sách Nhà nước và đầu tư cho các dự án công.

Hiện, tỷ trọng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên đã chiếm khoảng 86% tổng số phát hành. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ hiện là 6,8 năm, với lãi suất bình quân khoảng 6,4%/năm. Các con số này cho thấy xu hướng tích cực của việc huy động vốn qua kênh trái phiếu khi kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn, góp phần giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Năm 2012, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân rất ngắn, là 2,9 năm, lãi suất bình quân cao, ở mức 10,03%/năm. Năm 2013, kỳ hạn trung bình tăng lên 3,3 năm với lãi suất trung bình hạ xuống còn 8%/năm. Năm 2014, kỳ hạn trung bình là 5,2 năm và lãi suất trung bình là 6,7%. Và năm 2015, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tăng lên là 6,2/năm với lãi suất giảm nhẹ còn 6,3%/năm.(Vietnamnet)

Thủ tướng chỉ đạo “cơ chế đặc thù” cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông.

Theo đó, Thủ tướng cho phép trong dự toán, tổng thầu tự quyết định và chịu trách nhiệm việc áp dụng định mức, đơn giá; triển khai theo hình thức giá hợp đồng trọn gói bảo đảm không vượt giá hợp đồng trọn gói đã được ký kết và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.

Về quản lý chất lượng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12.5.2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Về lựa chọn nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống trước khi đưa dự án vào khai thác, sử dụng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.

Về việc ký phụ lục hợp đồng EPC, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tự chịu trách nhiệm đối với những nội dung đã thực hiện. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo việc đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng EPC theo hình thức hợp đồng trọn gói, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, phát sinh chi phí và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.

Về chi phí đào tạo và mua sắm đoàn tàu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Về nguồn vốn vay bổ sung và giải ngân của Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để sớm ký kết Hiệp định vay vốn ưu đãi bổ sung cho dự án. Trong thời gian chờ đợi, đồng ý về nguyên tắc Bộ GTVT sử dụng số tiền còn lại từ Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua để giải ngân theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT đánh giá lại việc chuẩn bị, thực hiện dự án cho tới nay để nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai tiếp theo của Dự án và các dự án khác sau này thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC nhằm quản lý dự án chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, tuyệt đối an toàn cho công trình và cộng đồng.

Đối với việc mua sắm thiết bị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị. Giao Bộ GTVT tiếp tục rà soát, đàm phán với tổng thầu và chịu trách nhiệm toàn diện về giá trọn gói mua sắm thiết bị, bảo đảm chặt chẽ, đạt hiệu quả tối ưu, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát.

Thu hồi hơn 1,1 tỷ đồng trong vụ làm giả công văn của Tổng cục Thủy sản

Theo nguồn tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Về vụ việc làm giả công văn, ghép phụ lục cấp chứng nhận trái phép cho trên 800 sản phẩm thủy sản của một số cá nhân tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã ban hành 4 Quyết định thu hồi tiền, nộp ngân sách Nhà nước với số tiền là 1.176.000.000 đồng.

Đến nay, các cá nhân bị thu hồi tiền đã thực hiện nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện rà soát tổng thể các quy định về việc quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là quy định về đăng ký lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Tổng cục Thủy sản cũng cho biết: Từ tháng 4-2015, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, cơ quan này đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác xác minh thông tin. Căn cứ thông tin, hồ sơ, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh, Tổng cục Thủy sản đã làm rõ được hành vi vi phạm của các cán bộ có liên quan thời điểm đó đang công tác tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Văn phòng Tổng cục.

Các cá nhân có liên quan đến vụ việc đã cố ý làm sai quy định, cố tình ghép phụ lục, đưa thêm một số sản phẩm là chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản vào lưu hành. Tổng cục Thủy sản ban hành văn bản kèm phụ lục sản phẩm là đúng quy định, nhưng các đối tượng sử dụng chính một số văn bản đó để cắt ghép, sửa phụ lục với mục đích đưa thêm sản phẩm vào lưu hành.

Tại thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi, Bộ NN&PTNT có chủ trương tạm dừng cấp phép lưu hành sản phẩm, do đó các đối tượng chỉ có thể sử dụng cách ghép phụ lục của văn bản đã ban hành trước đó. Có những phụ lục được cắt ghép từ văn bản gốc đã ban hành trong năm 2013 nhưng thời điểm thực hiện cắt ghép là năm 2015.

Sau khi có kết luận của vụ việc, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành việc xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ vị phạm. Cụ thể: Cách chức 1 Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (ông Bùi Đức Quý, nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản); buộc thôi việc 1 công chức; buộc thôi việc 5 viên chức; cảnh cáo 1 viên chức; khai trừ đảng đối với 2 đảng viên.

Về giải pháp khắc phục hậu quả, Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành văn bản thu hồi các văn bản, phụ lục văn bản bị ghép phụ lục, bị đưa thêm sản phẩm vào lưu hành. Sau khi bị thu hồi các văn bản, phụ lục, sản phẩm được đưa vào lưu hành không đúng quy định không có giá trị pháp lý khi lưu hành.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản còn tổ chức Đoàn kiểm tra đột xuất các sản phẩm, với thành phần gồm: Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản địa phương, Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp. Hiện tại, Tổng cục Thủy sản vẫn tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các sản phẩm này…

Những thông tin "nói lại cho rõ" nêu trên chỉ thực sự được Tổng cục Thủy sản đưa ra công khai sau khi hàng loạt cơ quan báo chí vào cuộc "khui" ra vụ việc sai phạm nghiêm trọng làm giả công văn, cắt ghép phụ lục để cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thủy sản.

Qua vụ việc này, dư luận cho rằng hình thức xử lý với các hành vi vi phạm nêu trên còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ vi phạm, làm giả hồ sơ chứng từ, nhận tiền...

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục