tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 22-07-2016

  • Cập nhật : 22/07/2016

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc

Ngân Hàng Thế giới (WB) cho biết sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm hơn trong nửa đầu năm 2016- GDP ước tăng 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam do WB công bố chiều 19/7, nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp và sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại.

Cụ thể, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,2% sản lượng. Sản lượng công nghiệp chỉ ở mức 6,8%.

WB dự báo, năm nay tăng trưởng sẽ ở khoảng 6% với mức lạm phát cao hơn năm ngoái (dự báo lạm phát cả năm 2016 là 4,0%). Thâm hụt tài khóa ước tính sẽ ở mức cao nhưng sẽ siết lại theo kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn của Chính phủ.

 

Mức tăng trưởng dự báo này, thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016- 2020 với mức tăng trưởng GDP hằng năm từ 6,5 đến 7%.

“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính chậm lại trong năm nay nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực”, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.

Tuy nhiên, dự báo cơ sở này đang chịu nhiều rủi ro ở trong nước cũng như bên ngoài. Kinh tế Mỹ và EU (sau sự kiện Brexit) tiếp tục yếu đi, kinh tế Trung Quốc giảm đà mạnh nữa sẽ tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam.

Còn ở trong nước thì tiến độ cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước cũng như tư nhân diễn ra chậm chạp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.…

Theo ông để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động.

WB cảnh báo, tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay cũng là một mối quan ngại. Thâm hụt ngân sách ước tính 6,5% GDP vào thời điểm cuối năm 2015.

Nợ công của Việt Nam bao gồm nợ chính phủ, các khoản vay do chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương đã chiếm khoảng 62,2% GDP, tức cao hơn 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và đang nhanh chóng tiến gần đến mức trần tối đa được Quốc hội cho phép là 65% GDP.

“Chính phủ đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.

Kết quả sơ bộ về thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy áp lực ngân sách còn tiếp diễn. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành 147 nghìn tỉ đồng trái phiếu trong nước để bù đắp thâm hụt và đầu tư phát triển.

Theo báo cáo, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng có gia tăng trong những tháng gần đây nhưng áp lực lạm phát vẫn dự kiến ở mức độ vừa phải, dưới 5% theo mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm nay.

Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục nhắm đến mục tiêu duy trì cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên tín dụng đã tăng trưởng với tốc độ khá cao, ở mức 18% (so cùng kỳ) trong giai đoạn từ đầu năm tới nay.

Theo WB, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (thông tư 06) nhằm hạn chế tác động tiêu cực của tăng trưởng tín dụng nóng và nâng cao chất lượng các khoản vay.

Tại buổi công bố báo cáo, WB cũng cho biết, hiện nay số dân từ 65 tuổi trở lên tại Việt Nam mới là 6,5 triệu người nhưng con số này dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 18,4 triệu vào năm 2040.

“Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, và điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới đánh giá.

Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều mối quan hệ sâu sắc

“Việt Nam và Hàn Quốc đều có nhân dân, doanh nghiệp sinh sống và làm ăn trên đất nước của nhau.

Quan hệ về con người và văn hóa giữa hai nước rất sâu sắc”. Ngày 19-7, tại buổi tiếp ông Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết như trên.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định thời gian tới hai nước sẽ có nhiều điều kiện để đưa quan hệ lên tầm cao mới và hy vọng thương mại hai chiều sẽ tăng lên 50 tỉ USD năm 2020. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cảm ơn chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã luôn ủng hộ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia tại biển Đông.

Đại sứ Lee Hyuk bày tỏ vui mừng vì từ năm học này, tiếng Hàn sẽ được giảng dạy ở một số trường học tại TP.HCM và Hà Nội. “Đây là tiền đề tốt để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tuyển dụng được nhân lực người Việt biết tiếng Hàn” - Đại sứ Lee Hyuk nói. Đại sứ khẳng định sẽ kiến tạo nền tảng mới để quan hệ giữa hai nước tốt đẹp và bền vững hơn.

Hà Nội thu ngân sách đạt trên 85 nghìn tỷ sau 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội đạt 85.856 tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán. Chi ngân sách địa phương đạt 23.063 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán năm.

Theo báo cáo của Văn phòng UBND TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng tốt, tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm đạt 85.856 tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán. Chi ngân sách địa phương đạt 23.063 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán năm.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt những kết quả tích cực.

Tổng số vốn đăng ký của các dự án ngoài ngân sách nhà nước đạt 109,35 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 74 dự án trong nước đạt 65,8 nghìn tỷ đồng; 232 dự án đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3,15 lần so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 11.500, tăng 26,8%, tổng số vốn trên 99.000 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2015.

Những tháng cuối năm, thành phố sẽ triển khai cụ thể hóa thành kế hoạch 8 chương trình của Thành ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; các cam kết, biên bản hợp tác tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu, chi ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng…

EVNCPC: Đẩy mạnh thực hiện lưới điện thông minh

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của lưới điện thông minh như nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, độ tin cậy cung cấp điện, giảm phát thải và có khả năng tích hợp với năng lượng tái tạo... nên từ nhiều năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã và đang tích cực triển khai lưới điện thông minh.

Ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC - cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục phục vụ hơn 3,5 triệu khách hàng tại 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, EVNCPC không ngừng đầu tư nâng cấp hệ thống điện, áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao độ tin cậy cấp điện, giảm tổn thất điện năng... thông qua việc triển khai xây dựng hệ thống điện thông minh.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã tập trung vào 4 hợp phần trong giai đoạn đầu của lộ trình phát triển lưới điện thông minh gồm: Hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh; tự động hóa lưới điện phân phối nhằm vận hành tối ưu và tăng cường độ tin cậy cấp điện; xây dựng hệ thống viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin; tích hợp các nguồn năng lượng mới và tái tạo.

Đối với việc hiện đại hóa hệ thống đo đếm, EVNCPC đã lắp đặt, đưa vào sử dụng khoảng 1,5 triệu công tơ điện tử có tích hợp công nghệ đo xa RF-Spider, đạt tỷ lệ trên 40% tổng số công tơ trên lưới của toàn đơn vị, giúp các điện lực và khách hàng dễ dàng theo dõi, kiểm soát trực tuyến tình hình sử dụng điện.

Đối với hợp phần tự động hóa lưới điện, tính đến hết năm 2015, đã hình thành 2 trung tâm điều khiển (TTĐK) tại Khánh Hòa và Thừa Thiên - Huế với với 8 trạm biến áp TBA 110kV; 6/13 công ty điện lực có hệ thống SCADA/DMS phục vụ cho công tác điều độ vận hành hệ thống điện phân phối.

Trong năm 2015, EVNCPC cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác 2 công trình hạ tầng công nghệ thông tin là Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) và Trung tâm Dữ liệu, giúp nâng cao khả năng xử lý dữ liệu thu thập từ xa của đơn vị một cách an toàn, tin cậy, bảo mật. Đồng thời, thực hiện dự án thử nghiệm tích hợp nguồn năng lượng mặt trời lắp mái vào hệ thống điện.

Tiếp tục đầu tư theo chiều sâu

Trong kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống điện của EVNCPC giai đoạn 2016 - 2020, Tổng giám đốc EVNCPC Trần Đình Nhân cho biết, sẽ hiện đại hóa hệ thống điện theo chiều sâu với mục tiêu giảm tổn thất điện năng đạt 4,8% vào năm 2020; giảm độ tin cậy cung cấp điện ít nhất là dưới 400 phút; lưới điện đáp ứng tiêu chí N-1 và phấn đấu đến năm 2018 tại 13/13 công ty điện lực có hệ thống SCADA/DMS.

Trong năm 2016, phấn đấu có thêm 21 TBA không người trực và đạt 100% vào năm 2020. Đối với hợp phần hạ tầng công nghệ thông tin, EVNCPC cũng sẽ tập trung hoàn thành các hệ thống phục vụ điều hành quản lý như hoàn thiện Cổng thông tin điện tử giai đoạn II; hoàn thành và đưa vào khai thác kho dữ liệu tập trung giai đoạn I...

Theo kế hoạch phát triển lưới điện thông minh năm 2016, EVNCPC được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai dự án SCADA/DMS tại 4 tỉnh, mở rộng nâng cấp dự án SCADA tại 2 tỉnh, thành, hoàn thành 2 dự án TTĐK, triển khai xây dựng TTĐK tại 3 tỉnh, tiếp tục triển khai dự án ứng dụng phần mềm quản lý vận hành lưới điện trên bản đồ GIS tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, EVNCPC vẫn tập trung nhiều nguồn lực để hình thành một hệ thống lưới điện thông minh ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao quản lý vận hành hệ thống điện một cách tin cậy và hiệu quả.(BCT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục