tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 22-07-2016

  • Cập nhật : 22/07/2016

7 tháng đầu năm 2016: Giá trị SXCN tỉnh Hậu Giang đạt 52% kế hoạch năm

Dù có nhiều chuyển biến tích cực song trong 7 tháng đầu năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mới đạt trên 52% so với kế hoạch đề ra trong năm nay.

Theo thống kê của ngành Công Thương Hậu Giang, trong tháng 7/2016, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 1.560 tỷ đồng, tăng 12,74% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đạt 10.206 tỷ đồng, tăng 9,83% so với cùng kỳ và đạt 52,73% kế hoạch năm. Trong tháng 7/2016, sản lượng thủy sản đông lạnh được 6.007,6 tấn, tăng 162,82% so với cùng kỳ; gạo xay xát được 292,63 nghìn tấn, tăng 38,68% so với cùng kỳ; thức ăn gia súc được 22.942 tấn, tăng 35,47% so với cùng kỳ…

Đối với hoạt động thương mại, trong tháng 7/2016 thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động với nhiều hoạt động chào mừng MDEC - Hậu Giang 2016. Trong đó Hội chợ công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 (từ ngày 11 - 17/7) là hoạt động nổi bật thu hút hơn 1.200 gian hàng của hơn 440 doanh nghiệp, cùng với các tổ chức trong và ngoài vùng tham gia.

Các hoạt động chào mừng MDEC - Hậu Giang 2016 góp phần làm tăng đáng kể tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng. Kéo theo đó là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác cũng tăng. Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia vào đầu tháng 7 cũng góp phần làm cho các ngành dịch vụ này tăng hơn so với tháng trước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 7/2016 đạt  2.579,11 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đạt 18.182,25 tỷ đồng, tăng 7,48% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa thực hiện được 13.201,27 tỷ đồng, tăng 8,08% so với cùng kỳ; ngành dịch vụ đạt 1.738 đồng, tăng 4,87% so với cùng kỳ; ngành lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 3.242,98 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu trong 7 tháng cũng ghi nhận tăng 31,55% so với cùng kỳ và đạt 280,15 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp được 244,179 triệu USD, uỷ thác xuất khẩu được 4,235 triệu USD, dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được 31,736 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Hậu Giang, dù giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về giá nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ. Dẫn tới giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm chỉ đạt 52,73% so với kế hoạch năm. Do đó, trong những tháng cuối năm Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị thuộc sở phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.

Bộ Công thương: Ưu tiên các dự án điện hoàn thành năm 2016

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sản xuất điện vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Ngành điện đã bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và các sự kiện chính trị.

Đạt mục tiêu đề ra

Số liệu của Tập đoàn Điện lực VN cho biết, sản lượng toàn hệ thống trong 6 tháng năm 2016 đạt 88,51 tỷ kWh, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong 6 tháng đạt 84,75 tỷ kWh, tăng 10,75% so với cùng kỳ. Trong tổng sản lượng điện sản xuất và mua 6 tháng, thủy điện chiếm 28,3%, tua-bin khí chiếm 29,36%, nhiệt điện dầu chiếm 1,24%, điện mua Trung Quốc chiếm 1,38% và đặc biệt, nhiệt điện than đạt sản lượng huy động cao, chiếm 39,87% , trong đó Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 được khai thác vượt sản lượng so với kế hoạch, góp phần đáng kể đảm bảo cấp điện miền Nam. Sáu tháng qua, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 76,44 tỷ kWh, tăng 11,73% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa tăng 11,79% (miền Bắc tăng 11,96%, miền Trung tăng 10,39%, miền Nam tăng 12,28%).

Các Tcty Điện lực/Cty Điện lực phối hợp với các cơ quan, các tổ chức đoàn thể xã hội, trường học và các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện công tác tuyên truyền tiết kiệm điện rộng khắp với nhiều chương trình thiết thực. EVN đã tham gia chiến dịch Giờ Trái đất 2016 với tư cách là nhà tài trợ chính và đối tác đồng hành trong mọi hoạt động của chương trình.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm EVN đã hoàn thành việc hòa lưới phát điện tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng (260MW) và tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu (400 MW). Hoàn thành đóng điện các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như: Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, đường dây 500kV Duyên hải – Mỹ Tho, trạm biến áp 500kV phố Nối và các đường dây đấu nối… Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành đã hoàn thành 50% kế hoạch cả năm 2016.

Đề xuất vay tín dụng ưu đãi

Trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Công thương có kế hoạch tập trung nguồn vốn cho đầu tư các dự án điện, đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2016 để sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Bộ Công thương cũng đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các dự án điện được vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi nhà nước đối với các hạng mục di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

Gần 300.000 người bị ảnh hưởng vì cá chết ở miền Trung

Ngoài huỷ hoại môi trường biển, sự cố hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động lớn đến xuất khẩu, du lịch..., theo báo cáo của Chính phủ.

Được in đậm trong bản báo cáo gửi tới Quốc hội khoá XIV, tình hình thiệt hại do sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua vừa được Chính phủ cập nhật với nhiều con số chi tiết.

Từng được biết tới là một trong những "vựa" hải sản của cả nước, nhưng kể từ khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 4/2016, hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn.Thậm chí, nhiều ngư dân tại 4 tỉnh này đã phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác vì thế giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%). Riêng sản lượng khai thác biển ước chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ 2015.

ca chet hang loat tai 4 tinh mien trung da anh huong toi hoat dong khai thac, danh bat thuy hai san va xuat khau, du lich. anh: duc hung

Cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản và xuất khẩu, du lịch. Ảnh: Đức Hùng

“Ngoài huỷ hoại môi trường biển, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động xấu đến xuất khẩu, du lịch...”, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Tính toán sơ bộ do sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và hơn 176.000 người phụ thuộc.

Đặc biệt, cá chết còn làm thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng, ước tính khoảng 1.600 tấn một tháng. Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.

Có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá. Ngoài ra còn có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; và trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường.

Cũng do sự cố này, giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình 10-20% so với cùng kỳ năm 2015, cùng với đó là việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Giá bán các loại thuỷ sản đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý) giảm tới 50%, trong khi hải sản đánh bắt gần bờ không tiêu thụ được.

Hiện Hà Tĩnh đang tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), còn tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn.

Nêu những thiệt hại có thể thống kê và nhìn thấy được từ sự cố cá chết tại miền Trung, Chính phủ nhìn nhận vụ việc đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo lại được.

“Đây là vấn đề nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở có nhiều khả năng ô nhiễm”, Chính phủ đúc kết.

Ngoài những con số cập nhật về sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung, bản báo cáo gửi tới Quốc hội của Chính phủ cũng phân tích khá rõ nguyên nhân của sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016, khi chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.

Sự giảm sút tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (giảm 0,18%) và công nghiệp làm cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giảm 0,8% so với mức tăng cùng kỳ năm trước.

Xét về giá, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,1% so với cùng kỳ, chủ yếu do nông nghiệp giảm 0,7%, trong khi lâm nghiệp và thủy sản lần lượt có mức tăng 5,8% và 1,3%.

Liên đoàn Lao động muốn tăng lương tối thiểu gấp đôi giới chủ

Trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia giữa tuần này, đại diện người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu 250.000-400.000 đồng năm 2017, trong khi phía VCCI chỉ đồng ý tăng 100.000-180.000 đồng. 

Tại phiên họp đầu tiên bàn về lương tối thiểu vùng 2017, các bên chủ yếu bàn về việc đánh giá mức sống, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính cho năm sau, đưa ra các đề xuất về mức tăng mà chưa "chốt" phương án tăng bao nhiêu.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân - công đoàn, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết phía Tổng liên đoàn Lao động bảo vệ quan điểm mức tăng thấp nhất cũng phải bằng năm 2016 (250.000- 400.000 đồng) tương ứng với 4 vùng, tức hơn 11%. Đưa ra mức đề xuất này, đại diện người lao động dựa vào khảo sát lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống của công nhân, chỉ 8% người lao động có tích lũy, cũng như tình hình kinh tế, khả năng mở rộng và phát triển của doanh nghiệp.

Ông Thọ cho hay, mức tăng mà Tổng liên đoàn đưa ra không chênh lệch nhiều so với mức 10% mà Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đại diện cho Chính phủ đề xuất, tương ứng với 250.000–350.000 đồng.

VùngLương tối thiểu 2015Lương tối thiểu 2016 
Vùng I3,13,5
Vùng II2,753,1
Vùng III2,42,7
Vùng IV2,152,4

Đơn vị: triệu đồng/tháng

Trái với đề xuất của Tổng liên đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị không tăng lương do tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nếu có thì mức tăng tối đa mà giới chủ chấp nhận được là 4,6%, tức tăng từ 100.000–180.000 đồng cho 4 vùng.

Đầu tháng 8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên tiếp theo. Năm 2016, sau ba phiên họp Hội đồng phải tiến hành bỏ phiếu mới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng. Lần lượt vùng I từ 3,1 triệu đồng một tháng (năm 2015) lên 3,5 triệu. Mức áp dụng tương ứng cho các vùng II, III và IV là 3,1 triệu, 2,7 triệu và 2,4 triệu đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - Phạm Minh Huân, người đồng thời là Chủ tịch Hội đồng, đây là mức đồng thuận cao nhất trong các cuộc họp tăng lương những năm gần đây. Với con số này, lương sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục