tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 09-07-2016

  • Cập nhật : 09/07/2016

Kiến nghị bãi bỏ Thông tư 37 của Bộ Công thương do ban hành trái luật

Các chuyên gia của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phát hiện, Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (gọi tắt là formaldehyt) được ban hành trái luật.

“Chúng tôi phát hiện điều này khi rà soát các văn bản pháp lý liên quan. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Công thương bãi bỏ ngay Thông tư 37”, nhóm chuyên gia của GIG và CIEM cho biết.

Cơ sở của đề xuất trên chính là căn cứ ban hành của Thông tư 37 - Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Theo khoản 1, Điều 5 của Luật này, chỉ những sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 2 mới phải chịu quản lý chất lượng trên cơ sơ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Còn các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

..

Theo quy định trên, Bộ Công thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, các chuyên gia GIG và CIEM đã không tìm thấy sản phẩm dệt may trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương ban hành kèm theo Thông tư 08/2012/TT-BCT. Chỉ mãi tới khi Thông tư 08 được thay bằng Thông tư 41/2015/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, 15 ngày sau khi Thông tư 37 có hiệu lực, các sản phẩm dệt may các loại mà Thông tư 37 đề cập mới được bổ sung.

Nghĩa là căn cứ pháp lý mà Thông tư 37 dựa vào là văn bản có hiệu lực sau. Hơn thế, các chuyên gia của GIG và CIEM đặt vấn đề rằng, cách quy định Danh mục, sản phẩm Nhóm 2 của Bộ Công thương lại căn cứ theo Thông tư 37 có đúng không, khi mà căn cứ để ban hành Thông tư 37 là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2…

Cũng phải nói thêm, Thông tư 37 là văn bản sửa đổi từ Thông tư số 32/2009/TT-BCT cũng về nội dung này sau khi các doanh nghiệp có ý kiến về sự phức tạp của các quy định. Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 32. Hướng sửa đổi cũng đã được Chính phủ xác định rõ, đó là miễn kiểm tra đối với nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian, sản phẩm khuyến mại nhỏ, sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng, sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao. Thực hiện đăng ký và trả kết quả kiểm tra qua mạng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng 2020 tại kỳ họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định, nội dung Thông tư số 37 về cơ bản không tuân thủ theo yêu cầu trên.

“Yêu cầu Bộ Công thương nghiêm túc xem xét các yêu cầu của Nghị quyết 19/2015 đối với bổ sung, sửa đổi Thông tư số 32/2009/BCT và tiếp thu ý kiến góp ý và phản ánh của các doanh nghiệp liên quan đến kiểm tra hàm lượng formaldehyt để sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt, giải quyết triệt để và dứt điểm các vướng mắc, khó khăn đã được các doanh nghiệp góp ý, phản ánh trong thời gian qua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Đáng nói là, 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may không theo căn cứ, chỉ có một tỷ lệ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hoá bị kéo dài.

Chỉ tính riêng trong tháng 3 và tháng 4/2016, có doanh nghiệp dệt may nhập khẩu 96 hàng mẫu, với trọng lượng và giá trị là rất nhỏ, có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị chỉ 100.000 - 200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt mà doanh nghiệp phải trả là 2 triệu đồng, cao gấp 10 - 20 lần giá trị hàng mẫu.(BĐT)


Microsoft, VNPT hợp tác thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ quan trọng

   Microsoft, VNPT hợp tác thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ quan trọng

Hai Tập đoàn VNPT và Microsoft ngày 7/7 đã thống nhất hợp tác đẩy mạnh quá trình tư vấn, cung cấp và triển khai các lĩnh vực công nghệ thông tin trọng tâm tại Việt Nam.
 

Cụ thể, hai bên sẽ mở rộng quan hệ hợp tác, tiến hành triển khai và cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây; an toàn bảo mật thông tin; xây dựng và triển khai các thành phố thông minh dựa trên nền tảng của Microsoft CityNext tại các tỉnh thành của Việt Nam thuộc các lĩnh vực Y tế thông minh, Giao thông thông minh, Du lịch thông minh, Chính quyền điện tử thông minh...

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho hay, đơn vị này đang tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm mới, trong đó có các ứng dụng an toàn, bảo mật thông tin và các ứng dụng khác trên nền tảng điện toán đám mây; phát triển nền tảng, ứng dụng cho thành phố thông minh.

Trong các lĩnh vực nói trên, Microsofrt là nhà cung cấp có kinh nghiệm và đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Với sự hợp tác này, hai bên sẽ cam kết sẽ mang lại những sản phẩm và giải pháp ứng dụng tốt nhất, được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất tới khách hàng.

“Microsoft sẽ đồng hành cùng VNPT để hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả những công nghệ chuyên môn, củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, đưa ra những dịch vụ và giải pháp hiện đại mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn an ninh ở cấp độ cao nhất,” ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ.


Sai phạm tiền tỉ ở Sở GD&ĐT Sóc Trăng

“Ban Giám đốc Sở GD&ĐT và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc thiếu kiểm tra, giám sát trong quản lý tài chính, để xảy ra sai phạm trên 15 tỉ đồng. Trong đó Sở GD&ĐT sai phạm hơn 11,7 tỉ đồng, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Kế Sách trên 662 triệu đồng và Trường THPT Mai Thanh Thế 2,63 tỉ đồng” - Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng Quách Hoàng Sáu vừa ký thông báo kết luận thanh tra tài chính tại Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị trực thuộc.

Theo kết luận thanh tra, các sai phạm tài chính chủ yếu là thanh toán sai mục đích, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Sở GD&ĐT thanh toán hợp đồng cung ứng dịch vụ, thuê mướn không có hóa đơn tài chính; thanh toán tiền phụ cấp công tác phí trùng lắp; thanh toán mua sắm bàn ghế và sửa chữa ô tô sai quy định… Trường THPT Mai Thanh Thế thu tiền dạy thêm-học thêm trên 1,93 tỉ đồng nhưng để ngoài sổ sách kế toán. Số tiền này đã dùng chi thù lao cho giáo viên, chi cho công tác quản lý và chi cơ sở vật chất mà không có dự toán, kế hoạch chi.

so gd&dt tinh soc trang, noi xay ra sai pham. anh: gia tue

Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, nơi xảy ra sai phạm. Ảnh: GIA TUỆ

Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét trách nhiệm, xử lý cán bộ, công chức của Sở GD&ĐT thuộc quyền quản lý, đồng thời yêu cầu giám đốc Sở GD&ĐT xem xét trách nhiệm, xử lý công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của Sở có hành vi vi phạm pháp luật. Sở GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc phải nộp lại tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Thanh tra cũng xác định không thu hồi trên 13,7 tỉ đồng do thanh toán sai trình tự thủ tục.

Ngày 7-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Thanh Thế, cho biết: “Những sai phạm mà thanh tra đã kết luận đều từ năm học 2014-2015 trở về trước, đã được thanh tra Sở kiểm tra, chấn chỉnh. Từ năm học 2015-2016 trở lại đây trường không còn thu tiền kiểu trước đây”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, nói: “Sở đã chấp hành quyết định xử phạt của thanh tra về vi phạm không mở sổ kế toán. Lãnh đạo Sở đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với phòng Kế hoạch-Tài chính và đang triển khai đối với các đơn vị liên quan”.(PLO)


Phải công bố tiền lương giám đốc, quản lý

Bộ Tài chính yêu cầu các công ty đại chúng phải báo cáo về tiền lương của Giám đốc và cán bộ quản lý khác trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.

Đây là yêu cầu trong dự thảo Nghị định về quản trị công ty đại chúng. Theo đó, các công ty bắt buộc thực hiện báo cáo tiền lương này, thay vì tùy thuộc vào điều lệ công ty. Hiện quy định bắt buộc công bố, báo cáo chi tiết thù lao, lợi ích, chi phí của thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhưng không quy định rõ ràng phải báo cáo tiền lương giám đốc và cán bộ quản lý khác.

Đặc biệt, tiền lương nói trên và thù lao của thành viên Hội đồng quản trị phải được thể hiện thành một mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty.

Dự thảo này bắt buộc công ty công bố thông tin liên quan đến các ứng viên Hội đồng quản trị trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông ít nhất 10 ngày (quy định hiện hành là 7 ngày). Việc này nhằm cho cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng viên này trước khi bỏ phiếu.

Các công ty đại chúng bắt buộc phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. “Không được tổ chức dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản”, dự thảo quy định rõ.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị vẫn được kiêm nhiệm Giám đốc nếu được phê chuẩn. Tuy nhiên, dự thảo quy định “Với công ty đại chúng do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu có quyền biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục