tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 10-07-2016

  • Cập nhật : 10/07/2016

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Nghị quyết nêu rõ, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và chỉ tiêu kế hoạch 6,7% của cả năm 2016, trong đó có nguyên nhân tiến độ triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, thủ tục đầu tư, xây dựng còn phức tạp; văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định về đầu tư còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng các dự án chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều bất cập; hồ sơ thanh toán vốn đầu tư còn rườm rà, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 30% kế hoạch năm.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị dự toán cấp I, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020...

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm...

Đồng thời chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2016 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác. Rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Đối với các bộ, ngành và địa phương đã giải ngân trên 80% kế hoạch vốn nước ngoài được giao, nếu có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài, khẩn trương có văn bản gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành trung ương và địa phương. Đến ngày 30/9/2016, trường hợp bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn năm 2016, đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, theo dõi sát tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt. Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 vào quý II năm 2017 theo số liệu giải ngân thực tế của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính trước ngày 15/7/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ các năm 2012 - 2015 và kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2015 của từng dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ báo cáo giải ngân của Bộ Tài chính, trước ngày 20/7/2016, thông báo cho các bộ, ngành trung ương và địa phương danh mục dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2015 sang năm 2016. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát kỹ các dự án đã được kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch năm trước sang năm sau nhưng đến hết ngày 31/12/2016 vẫn không giải ngân hết số vốn kéo dài này, nếu không có lý do khách quan cụ thể, kiên quyết cắt giảm số vốn không giải ngân hết để điều chuyển, bổ sung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước chưa có nguồn để thu hồi.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả thực hiện và giải ngân trong những tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội mức vốn kế hoạch năm 2017 sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng bộ, ngành trung ương và địa phương. Đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2017 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2017...

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công...

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn chi tiết tới các đơn vị cơ sở. Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công theo quy định.(TBNH)


Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Tố Hữu

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3740/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) tỷ lệ 1/500 tại các các phường Trung Văn, Mễ Trì - quận Nam Từ Liêm; Các phường Nhân Chính, Thạnh Xuân Bắc - quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội.

Theo quy hoạch, chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 2,1 km; diện tích đất nghiên cứu khoảng 95,5ha (954.993m2); dân số dự kiến hơn 29 nghìn người. Khu vực nghiên cứu nằm về phía Tây Nam thành phố Hà Nội thuộc ranh giới hành chính các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc - quận Thanh Xuân và các phường Mễ Trì, Trung Văn - quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) theo hướng Đông Bắc - Tây Nam có điểm đầu là nút giao thông Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, điểm cuối đến sông Nhuệ, được giới hạn: Phía Bắc giáp đường Khuất Duy Tiến; Phía Nam giáp sông Nhuệ; Phía Tây và Đông giáp dân cư, các cơ quan, đơn vị và đất trống.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Về giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, đường Tố Hữu thuộc khu vực khuyến khích xây dựng cao tầng, có ưu thế về cảnh quan, tận dụng các không gian mở (sông, hồ, mặt nửớc công viên cây xanh ...) và các vị trí giao điểm của các tuyến giao thông, gắn với các không gian để tạo lập không gian, điểm nhấn kiến trúc - cảnh quan. 

Cụ thể, trục, tuyến kiến trúc chủ đạo nằm hai bên đường Tố Hữu với các công trình cao từ 15 - 45 tầng, tầng cao phổ biên trên mặt đường là 25 tầng. Các khối “đế” - dịch vụ, thương mại, có tầng cao 3 - 7 tầng. Bên cạnh đó, tổ chức 2 công viên cây xanh (12 - 20ha), liên kết với hành lang xanh sông Nhuệ và hệ thống cây xanh - mặt nước ở ngoài khu vực nghiên cứu như công viên Văn Khê, công viên Nhân Chính, Indiragandi... tạo tuyến liên kết “xanh” cho tuyến đường.

Quy hoạch cũng quy định các công trình xây dựng tầng hầm phải đảm bảo ranh giới xây dựng tầng hầm không được vượt quá chỉ giới đường đỏ, ranh giới ô đất đã được xác định trong quy hoạch chi tiết được duyệt, tổ chức lối lên xuống tầng hầm thuận tiện, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và thoát nạn khi có sự cố theo quy định.

Bên cạnh đó, trong khuôn viên ô đất của từng công trình đảm bảo diện tích đỗ xe, cũng như các hệ thống kỹ thuật phụ trợ khác phù hợp tiêu chuẩn, phục vụ cho công trình. Các công trình công cộng, nhà trẻ phải đảm bảo diện tích sân chơi, cây xanh theo quy định và có hình thức kiến trúc phù họp với chức năng sử dụng và không gian cảnh quan khu vực.

Ngoài ra, công trình nhà ở thấp tầng có hình thức đa dạng nhưng thống nhất theo một số kiểu mẫu, có tầng cao, mái và màu sắc thống nhất trong một dãy nhà. Hình thức kiến trúc chủ đạo, ánh sáng, vật liệu hoàn thiện, màu sắc công trình phải phù hợp với không gian chung và tính chất sử dụng của công trình. Công trình nhà ở cao tầng, công trình hỗn hợp có hình thức kiến trúc hiện đại, thống nhất về phong cách; màu sắc công trình, vật liệu phù hợp với chức năng sự dụng công trình, hài hòa với cảnh quan khu vực...


Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có Chánh văn phòng mới

Chiều 8-7, tại trụ sở Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã trao Quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho ông Đàm Thanh Thế. 

bo truong dinh tien dung trao quyet dinh bo nhiem cho dong chi dam thanh the.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao Quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Đàm Thanh Thế.

Tại buổi lễ, đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã công bố Quyết định 08/QĐ-BCĐ389 phê duyệt đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thôi kiêm nhiệm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. 

Đồng thời, theo Quyết định 09/QĐ-BCĐ389 bổ nhiệm ông Đàm Thanh Thế - Hàm Vụ trưởng, Thư ký đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, giữ chức vụ Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau 2 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý cụ thể. 

Những thành tích đó có vai trò không nhỏ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tuy nhân viên của Văn phòng đều là cán bộ biệt phái của nhiều bộ, ngành, lực lượng khác nhau, song, tất cả đã chủ động phối hợp nhịp nhàng từ việc tham mưu cho Lãnh đạo Ban Chỉ đạo hoàn thiện các thể chế, chủ trương chính sách đến đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhiệm vụ chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả; tuyên truyền kết quả các mặt hoạt động. 

Thay mặt lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Văn phòng thường trực, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp của Tổng cục Hải quan.

Trong bối cảnh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như “trăm hoa đua nở”, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, sự tích cực trong hoạt động của Văn phòng thường trực và Ban Chỉ đạo 389 tại các bộ, ngành, địa phương là cần thiết hơn bao giờ hết. Văn phòng cần tăng cường hơn nữa việc đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các bộ, ngành, địa phương nhưng cũng lưu ý làm đúng chức năng vị trí, tránh lạm quyền.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Cẩn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tín nhiệm, bổ nhiệm vào vị trí công tác mới.

Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chúc mừng đồng chí Đàm Thanh Thế. Bộ trưởng cho rằng bằng kinh nghiệm công tác của mình, đồng chí sẽ gương mẫu, duy trì sự đoàn kết, tiếp tục lãnh đạo Văn phòng Thường trực phát huy những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

bo truong dinh tien dung phat bieu tai buoi le.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Đàm Thanh Thế bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tín nhiệm và giao trọng trách.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đồng chí Đàm Thanh Thế hứa sẽ phát huy những ưu điểm sẵn có của Văn phòng cũng như cùng trao đổi, thảo luận với các thành viên khác để hạn chế, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Phương châm mà tôi hướng tới sẽ là lãnh đạo Văn phòng thường trực thực hiện đúng chức trách được giao; tăng cường nắm tình hình thực tế để tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo cũng như các bộ, ngành, địa phương từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tạo quan hệ thống nhất giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ” – ông Thế nói.

Tân Chánh Văn phòng thường trực cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục được lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân đồng chí cũng như Văn phòng thường trực hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh: Thu nội địa tăng cao

Theo Cục Thuế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2016, công tác thu ngân sách của đơn vị đạt được kết quả khá tích cực, trong đó đáng chú ý là số thu nội địa đã đạt mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kì 2015. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 nẳm trở lại đây

dn lam thu tuc quyet toan thue tai cuc thue tp.hcm. (anh: nguyen hue)

DN làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP.HCM. (Ảnh: Nguyễn Huế)

Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của đơn vị đạt 96.661 tỷ đồng, đạt trên 49% dự toán pháp lệnh năm, tăng trên 9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa là 89.614 tỷ đồng, đạt trên 50% dự toán pháp lệnh, tăng trên 20%; thu từ dầu thô được 6.930 tỷ đồng, đạt trên 38% dự toán pháp lệnh, giảm trên 44%, so cùng kỳ năm 2015.

Nhận định về tình hình thu ngân sách 6 tháng đầu năm,  ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong bối cảnh tình hình thực tế còn không ít khó khăn, môi trường kinh doanh, sức canh tranh của kinh tế thành phố còn thấp, mức tăng trưởng kinh tế so với cùng kì không nhiều môi trường đầu tư còn chưa chuyển biến tích cực ở một số lĩnh vực… thì mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kì của số thu nội địa trong 6 tháng đầu năm là nỗ lực rất lớn của Cục Thuế TP.HCM và các DN trên địa bàn trong việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách. Điều đó thể hiện qua mức tăng trưởng của số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng khá cao so với cùng kì  với 57.904 tỉ đồng, tăng gần 18%, chiếm gần 65% số thu nội địa.

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm cả ba loại thuế chính trong khu vực kinh tế đều tăng cao. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt có tỷ lệ tăng cao nhất trên 28% so với cùng kỳ năm trước, khu vực DN công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng trên 42%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 36%; khu vực DN nhà nước trung ương tăng gần 21%, khu vực DN nhà nước địa phương tăng trên 9%, so với cùng kỳ. Thu từ thuế GTGT tăng gần 15%, trong đó khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng trên 33%, khu vực FDI tăng gần 12%, so với cùng kì. Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng gần 16% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài quốc doanh tăng trên 30%; khu vực FDI tăng trên 19%; khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng gần 8%, so với cùng kì….Các ngành có số thu nộp (không tính thuế thu nhập cá nhân) đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm ngành bảo hiểm tăng trên 58%, ngành địa ốc tăng gần 72%; ngành chứng khoán tăng trên 83%...

Trong 6 tháng đầu năm, số thu nội địa của khối Chi cục Thuế quận huyện tại TP.HCM cũng tăng rất cao với 30.436 tỷ đồng, đạt gần 71% dự toán, tăng trên 42% với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tổng thu trừ tiền sử dụng đất thu được là 25.118 tỷ đồng, đạt trên 63% dự toán, tăng trên 42%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 14.472 tỷ đồng đạt trên 61% dự toán pháp lệnh, tăng trên 36%; tiền sử dụng đất thu được 5.318 tỷ đồng, đạt trên 167% dự toán pháp lệnh, tăng gần 42%, so cùng kỳ năm 2015. Có 11 Chi cục Thuế (chiếm trên 50% tổng số Chi cục Thuế trên địa bàn) có tổng số thu ngân sách đạt gần 71% dự toán pháp lệnh và 7 Chi cục Thuế quận, huyện có số thu khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt trên 61 % dự toán pháp lệnh năm 2016.

Theo ông Vũ Ngọc Tâm, mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt khá, tuy nhiên nền kinh tế dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường trên thị trường tài chính, tiền tệ, dầu thô… tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước của đơn vị. Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2016 ở mức cao nhất, ông Tâm cho biết, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu các đơn vị phải bám sát diễn biến về tình hình kinh tế trên địa bàn, phân tích các nhân tố làm ảnh hưởng tăng, giảm nguồn thu đối với từng ngành, từng khoản thu, từng sắc thuế, các DN trọng điểm... để có các biện pháp chỉ đạo thu kịp thời và hiệu quả. Xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các biện pháp quản lý, cơ chế thu hiệu quả, đồng thời kiến nghị với UBND thành phố, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chỉ đạo các ngành, các cấp cùng phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM cũng  yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN, chống thất thu và phát động phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm và cả năm 2016 với thành tích cao nhất.

Năm 2016, dự toán thu ngân sách của Cục Thuế TP.HCM là 195.800 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 177.600 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 18.200 tỷ đồng. Dự toán phấn đấu theo chỉ đạo của UBND  TP.HCM là 204.673,8 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 186.473,8 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 18.200 tỷ đồng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục