tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 09-07-2016

  • Cập nhật : 09/07/2016

Vốn đầu tư Thái Lan tiếp tục đổ vào Việt Nam

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, từ 2012 đến tháng 6/2016, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam đã lên tới con số 8 tỷ USD.

Nhưng sẽ không dừng lại ở con số 8 tỷ USD, tham vọng của Thái Lan là trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam trong vòng 2 - 3 năm tới.

Tại Hội thảo "Doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung” do Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam và Tập đoàn SCG tổ chức tại Hà Nội chiều 8/7, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Don Pramudwinai đã khẳng định như vậy.

bo truong ngoai giao thai lan, ong don pramudwinai khang dinh, thai lan se tro thanh 1 trong 10 quoc gia dau tu lon tai viet nam.

Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, ông Don Pramudwinai khẳng định, Thái Lan sẽ trở thành 1 trong 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam.

Việt Nam là thị trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp Thái Lan. Doanh nghiệp Thái Lan đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, du lịch và tài chính. Hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam của các nhà đầu tư Thái Lan thời gian gần đây đã nói lên điều đó.

Trước mẳt, Siam Cement Group (SCG), một trong những Tập đoàn lớn của Thái Lan sẽ tiến hành tăng vốn, thông qua việc mở rộng đầu tư với các dự án hiện có tại Việt Nam.

SCG bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện đã có SCG có 21 công ty đang hoạt động kinh doanh với hơn 6.900 nhân viên, mang đến nhiều dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp cho thị trường. Các công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, giấy, nhựa tổng hợp PVC, bê tông tươi, ngói bê tông; trưng bày; thương mại quốc tế và phân phối nội địa; dịch vụ hậu cần.

Theo báo cáo quý I/2016, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản lên đến 14.845 tỷ đồng (675 triệu USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng Quý 1/2016 của tập đoàn đạt 3.336 tỷ đồng (150 triệu USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ hoạt động của ngành bao bì và gạch men.

Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã tăng khoảng 35 % từ mức 5,9 tỷ USD vào năm 2012 lên gần 8 tỷ USD vào giữa năm 2016.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Năm 2015, mức tăng trưởng tiếp tục đạt 10%, với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa 2 nước có thể đạt 20 tỷ USD.

Những doanh nghiệp có thành tựu sản xuất kinh doanh nổi trội như Tập đoàn CP Thái Lan (CPG), Tập đoàn Amata,Tập đoàn SCG hay mới đây, Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Lan đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD, Tập đoàn Thai Charoen Corp (TCC) cũng đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) với trị giá 876 triệu USD… là thực tế điển hình kéo các doanh nghiệp Thái đến Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ quan điểm đầu tư bền vững và đem lại lợi ích cho người dân Việt Nam, ông Thammasak Sethaudom, Đại diện Tổng Giám đốc quốc gia Tập đoàn SCG tại Việt Nam khẳng định, hướng đến mục tiêu Top 10 quốc gia đầu tư lớn tại Việt Nam, Tập đoàn SCG sẵn sàng hợp tác cùng DN Thái Lan và các đối tác Việt Nam để thiết lập nền móng vững chãi cho các hoạt động đầu tư của DN Thái Lan tại Việt Nam.

Trong khi đó, những doanh nghiệp khác như Green Siam Marketing, TRI Global, Pharmaceutical Industry, CT Industry, NMB-Minebea Thai và Gates Unitta cũng cho biết, họ đánh giá rất cao thị trường Việt Nam và trong tương lai, có thể sẽ mở rộng đầu tư và kinh doanh sang đây.(BĐT)


Doanh nghiệp Việt hãy đầu tư sang nền kinh tế có GDP đạt 600.000 tỷ yên vào năm 2020

Khác với các hội nghị xúc tiến đầu tư vẫn được tổ chức nhiều năm nay, đó là kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, lần này là một sự hối thúc theo chiều ngược lại: các doanh nghiệp Việt Nam hãy tới Nhật Bản để đầu tư.

“Tôi đứng tại đây hôm nay là để kêu gọi các bạn hãy đầu tư sang Nhật Bản, song hành với luồng vốn đang chảy mạnh mẽ từ Nhật Bản sang Việt Nam”, ông Shigeki Maeda, Phó chủ tịch JETRO Tokyo đã nói như vậy trước đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam tại một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản,được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Lý do được ông Maeda nhắc tới, đó là vì kinh tế Nhật Bản đã có sự khởi sắc sau chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.

“Thủ tướng Abe đã ‘gài số’ cho sự phát triển của kinh tế Nhật Bản với kỳ vọng GDP danh nghĩa từ 500.000 tỷ yên năm 2015 sẽ tăng lên 600.000 tỷ yên vào năm 2020. Nhật Bản là một nền kinh tế phát triển, thu nhập đầu người cao, đầu tư vào Nhật Bản là bằng đầu tư vào nhiều nước khác nhau”, ông Shigeki Maeda nói.

Cũng theo ông Shigeki Maeda, ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, như giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào đầu năm nay, sửa đổi Luật Dược, cho phép tự do hóa ngành điện…, để biến Nhật Bản thành thị trường dễ kinh doanh hơn.

cong nghe thong tin la linh vuc doanh nghiep viet nam va nhat ban co the thuc day hop tac theo phuong cham win-win.

Công nghệ thông tin là lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác theo phương châm win-win.

“Hãy lý giải vì sao Tập đoàn P&G lại tiến hành thử nghiệm sản phẩm tã giấy mới tại thị trường Nhật Bản? Vì bà mẹ Nhật Bản là khách hàng khó tính nhất. Có nghĩa là, một khi đầu tư, kinh doanh thành công ở Nhật Bản thì năng lực cạnh tranh của các bạn sẽ lớn hơn nhiều và được công nhận khi đầu tư, kinh doanh sang thị trường khác”, ông Maeda nói.

Thực tế, Việt Nam cũng đã đầu tư sang Nhật Bản. Con số được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đó là 35 dự án, với tổng vốn đầu tư chỉ khiêm tốn ở mức gần 7 triệu USD.

“Đó là vì hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ nên quy mô vốn không lớn”, ông Hoàng lý giải và nhận định, dù số lượng dự án đầu tư chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ nhưng các dự án hoạt động đem lại hiệu quả khá tốt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, đem lại giá trị gia tăng cao.

Ông Đỗ Nhất Hoàng đã nhắc đến FPT như là một trong ví dụ điển hình thành công khi đầu tư, kinh doanh tại Nhật Bản. Bắt đầu đầu tư sang thị trường này từ cuối năm 2005, đến nay, sau gần 11 năm phát triển, FPT Nhật Bản đã trở thành doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản; Nhật Bản cũng đã trở thành thị trường quan trọng số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, doanh thu khoảng 50% tổng từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn.

Số liệu từ FPT cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài và cũng là đạt mức tăng trưởng cao nhất về doanh thu, với mức tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 1.021 tỷ đồng. FPT kỳ vọng năm 2017, thị trường Nhật Bản đạt doanh thu 200 triệu USD, tạo việc làm cho 8.800 người tại Nhật Bản và Việt Nam.

Là người tham gia hội thảo này, ông Nguyễn Ích Vinh, Giám đốc Công ty Tinh Vân cũng đã cho biết, sau 5 năm chuẩn bị, cuối tháng 11/2015, Tinh Vân cũng đã thành lập văn phòng ở Nhật Bản và đang kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường này, nhất là trong lĩnh vực thuê ngoài.

“Dự báo đến năm 2017, quy mô thị trường thuê ngoài của Nhật Bản sẽ lên tới 156.000 triệu yên, và đó là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam như chúng tôi”, ông Vinh nói.

Thừa nhận triển vọng này, ông Shigeki Maeda cho rằng, công nghệ thông tin là một lĩnh vực đầy hứa hẹn mà doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác theo phương châm win-win.

“Doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản luôn coi doanh nghiệp Việt Nam là đối tác hàng đầu. Nhưng nếu muốn gia tăng khách hàng ở Nhật Bản, thì hãy mở văn phòng ở đất nước chúng tôi, để hai bên dễ dàng thảo luận việc hợp tác”, ông Shigeki Maeda đề xuất.

Nhật Bản dần trở thành thị trường thu hút khá lớn vốn đầu tư nước ngoài, khi kinh tế khởi sắc hơn. Nhưng đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản còn rất hạn chế, trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp. Từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (EPA) năm 2007, hai quốc gia đã trở thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014. Các Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được ký kết năm 2004, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần năm 2005, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả hai cùng là thành viên… được cho là sẽ tạo lực đẩy để đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản, cũng như ngược lại ngày càng mạnh mẽ hơn.

Năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JETRO đã ký thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác đầu tư hai chiều. Cuộc hội thảo này chính là cách để hai bên “gài số” cho đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản.


Quảng Nam: Tìm vốn đầu tư hạ tầng Cảng hàng không Chu Lai

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa ký văn bản số 3151/UBND-KTN gửi Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Cảng hàng không Chu Lai và các cơ quan liên quan về việc đầu tư, khai thác tại Cảng hàng không Chu Lai.

Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai hướng dẫn Cảng hàng không Chu Lai khảo sát, lựa chọn địa điểm thích hợp để xây dựng bãi đậu, đỗ xe trên tuyến đường vào nhà ga sân bay Chu Lai và giải quyết các thủ tục theo quy định.

Bên cạnh đó, ông Đinh Văn Thu cũng yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam liên hệ, sắp xếp lịch để Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air về đầu tư hạ tầng sân bay và Cảng hàng không Chu Lai trong những năm tới.

cang hang khong chu lai dang duoc cac bo nganh trung uong va lanh dao tinh quang nam gap rut tim von nang cap, mo rong.

Cảng hàng không Chu Lai đang được các Bộ ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gấp rút tìm vốn nâng cấp, mở rộng.

Ở một diễn biến khác, với số vốn dự kiến đầu tư 2 giai đoạn hơn 9.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (Thien Tan Group - Quảng Ngãi) và Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd  (Hoa Kỳ) cũng  đang tích cực tìm nguồn để cùng tham gia Dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam.

Dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai do liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản) đề xuất sẽ  rộng khoảng 2.700 ha, phía Tây Bắc giáp KKT mở Chu Lai, phía Đông Nam giáp KKT Dung Quất, phía Đông bắc giáp biển, phía Tây Nam giáp QL1A.

Giai đoạn 1 (từ năm 2016-2020): Đầu tư nhà ga hành khách đạt công suất 2 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa đạt 60.000 tấn/năm. Xây dựng đường băng 4000x60 và các đường lăn cần thiết đạt tiêu chuẩn 4F. Đầu tư trục đường chính sân bay và hệ thống giao thông kết nối. Việc đầu tư trước ở khu bay và nhà ga phía đông. Trong quá trình mở rộng, tiếp tục khai thác khu bay và nhà ga phía Tây.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025): Đầu tư tổ hợp hạ tầng tương tự giai đoạn 1 ở phía đối diện qua đường trục trung tâm sân bay theo tiêu chuẩn 4F. Việc tiếp tục nâng cấp, mở rộng để đáp ứng công suất hàng 5 triệu tấn/năm như quy hoạch sẽ được thực hiện tùy theo sự gia tăng nhu cầu.


Hà Nội công khai 144 doanh nghiệp nợ thuế, địa ốc lại chiếm phần lớn

Cục thuế thành phố Hà Nội vừa công khai đợt VII năm 2016 danh sách 144 đơn vị nợ thuế, trong đó những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại vẫn tiếp tục chiếm phần lớn.
danh sach 144 don vi no thue vua cong khai dot vii nam 2016 co tong so tien no gan 194 ty dong tinh den 31/05/2016

Danh sách 144 đơn vị nợ thuế vừa công khai đợt VII năm 2016 có tổng số tiền nợ gần 194 tỷ đồng tính đến 31/05/2016

Cụ thể, danh sách có 131 doanh nghiệp nợ thuế, phí với số tiền nợ khoảng 160 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất hơn 33 tỷ đồng.

Danh sách lần này, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại vẫn tiếp tục chiếm phần lớn.

Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Cảnh Viên Constrexim (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với hơn 11 tỷ đồng; tiếp đó là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với hơn 10,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với hơn 5,5 tỷ đồng tính đến hết tháng 5/2016.

Một số doanh nghiệp khác có số nợ thuế cũng khá cao đó là Công ty Cổ phần Thiên Niên (Ba Đình, Hà Nội) nợ hơn 5 tỷ đồng; Công ty TNHH Ngọc Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nợ hơn 4,4 tỷ đồng;...

Nằm trong nhóm doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, chú ý nhất là Công ty cổ phần Tân Phú Long có số nợ tới hơn 13,4 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội với số tiền 4,8 tỷ.

Được biết, đây là lần thứ 7 kể từ đầu năm cơ quan thuế Hà Nội công khai danh tính các doanh nghiệp nợ thuế. Cục Thuế Hà Nội cho biết, việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục