tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 11-07-2016

  • Cập nhật : 11/07/2016

Áp lực tăng lãi suất

Các ngân hàng đang dành nhiều gói tín dụng ưu đãi lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng trở lại do dư địa chính sách tiền tệ còn ít, tài khóa gần như hết trong khi nguồn dự trữ ngoại tệ hạn hẹp.

viec tai cau truc ngan hang ton rat nhieu tien, thoi gian va nguon luc

Việc tái cấu trúc ngân hàng tốn rất nhiều tiền, thời gian và nguồn lực

Đẩy vốn cho sản xuất, kinh doanh

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến cuối tháng 6-2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,82% so với cuối năm 2015. Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn đạt 763.000 tỷ đồng, chiếm 57,8% tổng dư nợ.


Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, Ngân hàng BIDV triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tham gia gói tín dụng này, khách hàng có thể được ưu đãi lãi suất vay vốn chỉ từ 6,8%/năm với các khoản vay có thời hạn từ 2 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, với chương trình ưu đãi “Tài trợ DN dệt may xuất khẩu”, các DN đang hoạt động trong ngành dệt may xuất khẩu cũng có cơ hội nhận tài trợ vốn lưu động lên đến 100% giá trị LC nhập khẩu, chỉ với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng xuất khẩu hoặc hàng tồn kho là nguyên vật liệu ngành dệt may. Chương trình nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động cho DN dệt may, đặc biệt ở các phương thức sản xuất cao, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu trong điều kiện cần tập trung nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư trung-dài hạn để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

 

Tương tự, Viet Capital Bank cũng dành 1.000 tỷ đồng triển khai trương trình “Lãi vay cực sốc – Tăng tốc kinh doanh” với lãi suất chỉ 6%/năm nhằm hỗ trợ DN chủ động nguồn vốn, đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm. Theo đó, DN được tiếp cận nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất chỉ từ 7,2 % cho khoản vay 6 tháng và 8,2% cho khoản vay 12 tháng. Ở thời gian vay trung dài hạn, Ngân hàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 8% cho 9 tháng đầu tiên. Viet Capital Bank cũng ưu đãi không thu phí trả nợ trước hạn với tất cả thời hạn vay.

Song song đó, Viet Capital Bank cũng triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng DN kinh doanh hiệu quả, bền vững. Trong chương trình "Cho vay tín chấp dành cho khách hàng DN SME",  ngân hàng này dành hạn mức lên đến 1.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng. Ngoài ra,  các DN xuất khẩu có nhu cầu vay bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn VND phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước sẽ được vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 4%/năm. Đây là gói vay hỗ trợ dành cho các DN xuất khẩu có đảm bảo bằng nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu và cam kết chuyển nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu về tài khoản mở tại Viet Capital Bank theo hợp đồng kỳ hạn với giá kỳ hạn là tỷ giá giao ngay tại thời điểm giải ngân. Với các doanh nghiệp vay vốn có tài sản đảm bảo, Viet Capital Bank cũng ưu đãi cho vay với tỷ lệ 95% giá trị tài sản đảm bảo với lãi suất chỉ từ 4%/năm.

Cần kiểm soát tốt lãi suất

Tính đến ngày 20-6, tín dụng cả nước tăng 6,2% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 4,28%). Nhiều ngân hàng thương mại cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20%. Theo các chuyên gia, trong các tháng tới, tín dụng sẽ có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt sau khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN được ban hành sẽ giúp kích thích dòng tín dụng bằng cả tiền đồng và ngoại tệ.

Tuy nhiên, phát biểu tại một hội thảo được Ngân hàng MB tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu không kiểm soát tốt, lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng trở lại bởi lạm phát có thể sẽ tăng khi giá các mặt hàng đang có xu hướng tăng dù mức độ chưa lớn như trước đây. Hiện tại, lãi suất trái phiếu, lãi suất từ NHNN thấp là yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn để duy trì lãi suất thấp. Song về dài hạn, dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít để giảm lãi suất. Theo ông Nghĩa, muốn giảm lãi suất phải nới lỏng chính sách tiền tệ, muốn vậy phải có dư địa chính sách tiền tệ chứ không thể in tiền. Hiện tại, dư địa tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc và Mỹ đều ở mức cao. Trong khi tỷ lệ này của Việt Nam chỉ 3% nên không xuống được nữa, bên cạnh đó tài khóa cũng không còn dư địa và chính sách tiền tệ còn rất ít. Ngoài ra, ông Nghĩa thông tin, nguồn lực dự trữ ngoại tệ của Việt Nam khá hạn hẹp, hiện chỉ khoảng 35 - 36 tỷ USD. Đặc biệt hơn, khi kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn trong chu kỳ ngắn thì sự kiện Brexit có thể làm tình hình khó khăn hơn.

Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Nghĩa, muốn duy trì lãi suất thấp phải xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Trong thời gian qua, chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp càng làm gia tăng thêm nợ xấu và đẩy doanh nghiệp đến tình trạng không đỡ nổi. Ông Nghĩa dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp cách đây vài năm nếu bán tài sản thì đã trả xong nợ ngân hàng 1.400 tỷ đồng. Nhưng doanh nghiệp lại được gia hạn nợ thay vì phá sản, sau 3 năm số nợ của doanh nghiệp này lên hơn 3.000 tỷ đồng trong khi giá trị tài sản còn lại chỉ 700 tỷ đồng. “Qua việc này cho thấy doanh nghiệp nào chết thì cho người ta chết, doanh nghiệp nào đáng nâng đỡ thì hỗ trợ” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Nghĩa cũng chia sẻ việc tái cấu trúc ngân hàng tốn rất nhiều tiền, thời gian và nguồn lực cùng những thay đổi pháp lý. Trong 5 năm qua, việc tái cấu trúc ngân hàng đã giúp duy trì thanh khoản hoạt động ngân hàng bình thường, tạo điều kiện cho các ngân hàng sinh lời và xử lý các ngân hàng yếu kém. Thế nhưng vẫn còn khối nợ xấu khổng lồ, sở hữu chéo, lợi ích nhóm và toàn bộ các thể chế về hoạt động, an toàn hệ thống, rủi ro chưa tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.(HQ)


Tăng thu qua thanh, kiểm tra thuế: Không còn đường lùi

 "Tập trung thanh tra, kiểm tra thuế, thanh tra chuyên đề về chuyển giá, hoạt động giao dịch liên kết, thương mại điện tử và các lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm”- là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Thuế xác định trong những tháng cuối năm.

co quan thue gia tang kiem tra ho so khai, nop thue cua dn de phat hien kip thoi truong hop gian lan. anh: huu linh.

Cơ quan Thuế gia tăng kiểm tra hồ sơ khai, nộp thuế của DN để phát hiện kịp thời trường hợp gian lận. Ảnh: HỮU LINH.

Rà soát DN có rủi ro

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2016, trước bối cảnh giá dầu sụt giảm sâu, một trong những giải pháp để hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu nội địa năm 2016 là việc gia tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế; Tập trung vào các DN có dấu hiệu rủi ro cao, DN kinh doanh ở những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế (nhà hàng, khách sạn, khai thác tài nguyên, khoáng sản...). Đặc biệt, ngành Thuế đang triển khai các biện pháp để tránh thất thu thuế; tập trung ngăn chặn các trường hợp nhà đầu tư lợi dụng các chính sách thuế ưu đãi như ưu đãi mức thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm thuế trong 9 năm tiếp theo…, hết thời gian ưu đãi thì giải thể, rút vốn đầu tư.

Tháng 5-2016, cơ quan Thuế các cấp đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 14.028 DN, đạt 15,6% kế hoạch; Tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 3.000 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2015; Số đã nộp NSNN trên 1.000 tỷ đồng, đạt 36,6% so với tổng số phải nộp qua thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, tại 13 địa phương có nguồn thu điều tiết về ngân sách Trung ương đã thanh tra, kiểm tra được gần 11.000 DN, đạt 17,7% kế hoạch; Tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 2.000 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2015; Số đã nộp NSNN trên 1.000 tỷ đồng, đạt 49,2% so với tổng số phải nộp qua thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế vẫn còn có địa phương kết quả thanh tra, kiểm tra đạt thấp như: TP. Hà Nội (thanh tra đạt 10% kế hoạch, kiểm tra đạt 10,6% kế hoạch); TP. Hồ Chí Minh (thanh tra đạt 34,1% kế hoạch, kiểm tra đạt 18,6% kế hoạch); Quảng Ninh (thanh tra đạt 10,1% kế hoạch, kiểm tra đạt 15,5% kế hoạch)... Cá biệt tại TP. Cần Thơ (thanh tra đạt 1,25% kế hoạch, kiểm tra đạt 24,2% kế hoạch).

“Để hoàn thành kế hoạch thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách thu, góp phần tăng thu cho ngân sách; Phối hợp trong công tác chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế,...; rà soát các nguồn thu lớn để xử lý thu kịp thời vào NSNN, đặc biệt là các khoản thu liên quan đến dầu, khí, đất đai, lợi nhuận còn lại, ngành tài chính ngân hàng...”- ông Bùi Văn Nam nói.

Vẫn còn rào cản

Để  hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN và NSTW năm 2016, tại Hội nghị giao ban trực tuyến về NSNN được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan Thuế từ Trung ương tới địa phương quyết liệt chống thất thu NSNN.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu: Tổng cục Thuế điều chỉnh kế hoạch thanh, kiểm tra trên cơ sở phân tích rủi ro để tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung chống thất thu ở lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống tại các thành phố lớn; Quản lý thu đúng, thu đủ đối với các khoản thu từ hoạt động chống chuyển giá, chuyển nhượng dự án...

Theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước- Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, để hoàn thành chỉ tiêu này, cơ quan Thuế cần gia tăng thanh tra, kiểm tra đối với các DN, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có số thu lớn, như: Dầu khí, xăng dầu, hàng không, ngân hàng, điện lực, thiết bị viễn thông, ô tô, dược phẩm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế; Các tập đoàn bán buôn, bán lẻ; Tập đoàn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; các tập đoàn Tổng công ty hạch toán toàn ngành, các DN phát sinh lợi nhuận còn lại phải nộp về NSNN; DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế...

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN lớn- Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng, vấn đề chính là nguồn nhân lực để triển khai thanh tra, kiểm tra thuế 18% số DN thuộc diện quản lý thuế. Mặc dù hiện nay, cơ quan Thuế đã có lực lượng thanh, kiểm tra thuế; có phòng chuyên trách về thanh tra giá chuyển nhượng nhưng về lâu dài phải nâng cao năng lực cho cán bộ công chức thuế để giám sát được các DN trong và ngoài nước trong khi các thủ tục đang ngày càng được đơn giản hóa.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa DN lợi dụng ưu đãi thuế để chuyển giá, Tổng cục Thuế khuyến khích DN áp dụng Cơ chế thỏa thuận trước về giá (APA). Hiện đã có một số DN nộp hồ sơ tham gia và cơ quan chức năng đang xem xét. Tuy nhiên, đây là quy trình phức tạp, cần thẩm định đầy đủ, tiến hành đàm phán nên mất nhiều thời gian. Mặt khác, Việt Nam đã có cơ chế cho phép ngành Thuế mua thông tin từ cơ quan Thuế nước ngoài để phục vụ cho công tác đấu tranh chống gian lận thuế, chuyển giá. Nhưng theo phân tích của ông Nguyễn Văn Phụng, vấn đề đã mua thì liên quan tới chi tiêu mà cơ chế nào để mua được và làm sao để tìm thông tin có giá trị và ai là người thẩm định được thông tin đó thì mới đem lại hiệu quả. Đây là bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý thuế.  (HQ)


Không đánh đổi dự án FDI với môi trường

Cùng với việc xác định được thủ phạm gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, đã có những lỗ hổng trong việc thẩm định, giám sát dự án đầu tư, trong đó có thẩm định, giám sát những tác động tới môi trường. Điều này cũng đặt ra vấn đề xem xét, kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn các dự án đầu tư với những ngành sản xuất có khả năng cao trong việc gây ô nhiễm.

tu kinh nghiem bai hoc formosa, cac co quan chuc nang can can nhac, chat che trong qua trinh phe duyet du an de tranh duoc nhung tham hoa ve moi truong

Từ kinh nghiệm bài học Formosa, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, chặt chẽ trong quá trình phê duyệt dự án để tránh được những thảm họa về môi trường

Quản lý lỏng lẻo

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư:

“Những dự án có ảnh hưởng môi trường và các yếu tố bất lợi khác phải hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn và yếu tố này phải được đặt lên hàng đầu. Môi trường phải được đặt lên đầu tiên, bên cạnh đó là yếu tố an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Ít và tinh còn hơn nhiều mà không có chất lượng”.

Cuối tháng 6-2016, trong khi sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung chưa tìm được thủ phạm thì cơ quan chức năng đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH giấy Lee & Man (tỉnh Hậu Giang) sau khi đã có nhiều phản ánh về việc ô nhiễm môi trường do công ty này gây ra đang bức tử sông Hậu. Ngược dòng thời gian, đã có khá nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường do các dự án FDI ở các ngành sản xuất như sắt thép, giấy, dệt nhuộm, mỳ chính, điện… gây ra. Liệu chúng ta đã có lỗ hổng trong quản lý, dẫn đến đánh đổi môi trường cho mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế? Liệu sau Formosa, thảm cảnh về môi trường có tiếp diễn không khi hiện nay đã và đang có hàng loạt dự án tương tự được triển khai trên cả nước?

 

Trên thực tế, sau khi sự cố môi trường xảy ra tại Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng cũng đã thừa nhận những lỗ hổng liên quan đến thẩm định dự án cũng như giám sát việc vận hành dự án này. Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 1-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số. Trong giai đoạn dự án vận hành thử nghiệm cũng chưa có cơ quan nào vào giám sát và đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành, dẫn đến không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm.

Không chỉ ở khâu giám sát dự án khi đi vào vận hành, những sự cố môi trường liên quan đến các DN FDI trong thời gian qua cho thấy, công tác “tiền kiểm” của chúng ta đang có vấn đề. Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, chúng ta có quá nhiều lỏng lẻo trong quản lý. Lấy dẫn chứng việc phê duyệt cho phép dự án Formosa đặt nhà máy tại Vũng Áng, ông Đặng Hùng Võ cho rằng đáng lẽ chúng ta cần xem xét lịch sử của công ty này đã từng gây ra nạn ô nhiễm môi trường đến đâu thì chúng ta lại chào mời hơi quá mức cần thiết, thiếu suy xét chi tiết, cụ thể. Hơn nữa, khi đi vào thực hiện, đánh giá tác động môi trường và giải pháp môi trường là vấn đề lớn, nhưng chúng ta lại có biểu hiện quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm và đây là kinh nghiệm rất lớn. Ông Võ cho biết, trước đó, phương án xả thải của dự án này là xả ra sông Quyền sau đó mới tiếp tục có thể cho ra biển hay không cho ra biển. Tuy nhiên, sau đó một Thứ trưởng của Bộ TNMT lại ký quyết định đồng ý cho phép Formosa xả thải ra biển, trong khi chúng ta biết rằng quy trình phê duyệt đánh giá tác động môi trường và giải pháp môi trường là quy trình rất chặt chẽ, cần phải lấy ý kiến người dân địa phương, ý kiến chuyên gia, hội đồng thẩm định nhiều bậc nhiều lần...

Phân luồng để kiểm soát dự án

Sự cố đáng tiếc về môi trường từ Formosa khiến chúng ta giật mình vì đã có một thời gian dài chúng ta “trải thảm đỏ” để mời gọi các dự án đầu tư, “bùi tai” với những hứa hẹn và dành cho họ những ưu đãi, thậm chí vượt khung mà chưa soát xét kỹ những tác động tiêu cực do các dự án này mang lại. Không phủ nhận những hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư nước ngoài, song sự trả giá về ô nhiễm môi trường, kéo theo thiệt hại về kinh tế cho thấy chúng ta đã vội vàng khi tiếp nhận các dự án này. Vì vậy, theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm bài học Formosa, đã đến lúc chúng ta cần hết sức cân nhắc, chặt chẽ trong quá trình phê duyệt dự án để tránh được những thảm họa đáng tiếc.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, chúng ta phải soát xét lại hệ thống quy trình cấp phép, siết chặt khâu cấp phép. Nền kinh tế chúng ta hiện nay không phải như 20 năm trước mà đã lớn mạnh hơn nhiều, do đó phải chú ý đến cả sự lấn át của DN FDI với các DN trong nước. 

Về việc thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng, tới đây những ngành sản xuất liên quan đến ô nhiễm môi trường nặng nề như thép, giấy, dệt nhuộm.. cần kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện một số địa phương vì không kiểm soát được nên họ không chấp nhận những dự án FDI ở những lĩnh vực này vào địa phương họ, như  vậy là hơi cực đoan nhưng nó phản ánh hệ thống kiểm soát của chúng ta có vấn đề.  Ông Nguyễn Văn Toàn cũng cho rằng, cần áp dụng phương pháp kiểm soát giống như ngành Hải quan (có luồng Xanh, luồng Đỏ và luồng Vàng) khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI. Với những quốc gia, DN có tiêu chuẩn môi trường thấp hoặc có lai lịch gây ô nhiễm môi trường thì sẽ phân vào luồng Đỏ, kiểm tra kiểm soát rất chặt chẽ từ khi thẩm định dự án, triển khai dự án cũng như khi đi vào vận hành. Ngược lại, với các nhà đầu tư làm ăn chân chính, đến từ các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường cao, chưa từng gây ra ô nhiễm môi trường… thì nên mở rộng cửa, kiểm soát họ với mức độ khác.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là phải rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý phát triển của Việt Nam theo xu hướng phát triển bền vững. Trước hết, cần phải xem lại câu chuyện quy hoạch. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chúng ta hiện có 30 khu kinh tế ven biển, nhưng cần làm rõ chúng ta sẽ làm gì với từng khu công nghiệp, ngành công nghiệp gì bố trí ở đâu. Ví dụ, với công nghiệp thép, gần như trên thế giới không có nơi nào bố trí ngay ven biển, ven sông. “Cần xem lại cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát  trong đó có giám sát của các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát trực tiếp của người dân. Tôi cho rằng đây là cơ chế mà chúng ta đang làm rất yếu và cần đẩy mạnh hơn nữa. Hơn nữa, trong phê duyệt dự án, cần xem xét việc sử dụng công cụ đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường như thế nào, điều này rất quan trọng”, GS. Đặng Hùng Võ kiến nghị. (HQ)


Vốn ưu đãi nhà ở xã hội "trông" vào đâu

Ngay từ đầu tháng 6-2016, Chính phủ đã có Quyết định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội với mức ưu đãi 4,8%/năm, tuy nhiên hiện nay việc vay vốn ưu đãi cho lĩnh vực này đang đình trệ bởi chưa bố trí được "nguồn".

sau khi goi 30.000 ty dong ket thuc, nha o xa hoi dang tiep tuc "ngong" nguon von. anh: h.anh.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhà ở xã hội đang tiếp tục "ngóng" nguồn vốn. Ảnh: H.Anh.

Doanh nghiệp và người dân đều “ngóng” 

“Tôi cho rằng các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội là một chính sách dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Theo đó, dù gói 30.000 tỷ đồng đã kết thúc thì trong tương lai người có thu nhập trung bình và thấp sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để mua nhà ở giá rẻ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quy định về việc cho vay đối với việc phát triển nhà ở xã hội theo hướng hỗ trợ người mua nhà một cách tối đa. Ngoài ra Capital House cũng có những sản phẩm phù hợp với hầu hết người mua có thu nhập thấp thông qua các gói vay thương mại thông thường. Nhà ở phân khúc bình dân và nhà ở xã hội có đặc điểm là giá bán thấp và phù hợp với đa số người mua có thu nhập trung bình. Theo đó, để phát triển phân khúc này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về đất đai, nguồn vốn cũng như hỗ trợ về công nghệ xây dựng, vật liệu để từ đó có thể phát triển các khu nhà ở có chất lượng với giá thành thấp nhất, giúp cho chính sách an sinh về nhà ở cho người có thu nhập thấp sớm đạt được mục tiêu”.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Ban Đầu tư Kinh doanh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House)
H.A(ghi)
Thực hiện Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, ngày 6-6-2016 Chính phủ đã ban hành Quyết định 1013/2016/QĐ-CP về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, theo đó lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016, được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Trước đó, cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội  với lãi suất cho vay ưu đãi quy định không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

 

Song hiện chương trình này chưa triển khai được do chưa tìm được nguồn vốn.

Chị Võ Tú Uyên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: Gia đình tôi đang tìm hiểu để mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội tại quận Hà Đông. Khi liên hệ với nhân viên bán hàng của dự án thì được thông báo nếu muốn vay vốn ưu đãi của Chính phủ thì phải chờ thêm một thời gian nữa.

Liên hệ với phòng bán hàng dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm) của Công ty TNHH Đầu tư Hải Phát trong vai người mua nhà, phóng viên cũng được nhân viên bán hàng của công ty cho biết hiện nay công ty đang chờ đợi chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội của Chính phủ bởi gói tín dụng 30.000 tỷ đã kết thúc. Trong lúc "chờ", nếu mua nhà tại dự án vào thời điểm này, công ty sẽ có hỗ trợ tài chính cho người mua nhà với lãi suất khoảng 5% trong 2 đến 2,5 năm đầu với khoản vay khoảng 70% tổng giá trị căn hộ. 

Giải thích cho sự chậm trễ trong thu xếp nguồn vốn cho chương trình chính sách nhà ở xã hội, mới đây tại cuộc họp Chính phủ ngày 1-7-2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, khi triển khai quyết định trên của Thủ tướng, Bộ KH-ĐT cho rằng việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để cấp bù lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội không nằm trong quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng về tiêu chí cũng như hạn mức cấp. Đồng thời, ngân sách Nhà nước hiện không đủ khả năng cân đối nên đề nghị Chính phủ giao việc lo nguồn vốn ngoài ngân sách thực hiện chương trình cho Bộ Xây dựng và Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không phải là đơn vị tổng hợp cân đối vốn nên không biết huy động nguồn từ đâu.

Được biết, đến nay trên cả nước có 145 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với 58.500 căn hộ được hoàn thành. Hiện còn 174 dự án đang trong quá trình triển khai với quy mô 139.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 56.800 tỷ đồng.

Khoanh vùng để cấp vốn?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, hiện nay sức ép về tài chính đối với ngân sách quốc gia là rất lớn. Nhà nước tìm mọi cách giảm chi,  giờ lại phải bố trí thêm nguồn vốn cho nhà ở xã hội là rất khó. Thực tế, nếu bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực này, thì Nhà nước phải bù lỗ cho ngân hàng thương mại, điều này gây ra “thâm thủng” ngân sách. Ông Nguyễn Văn Đực đề xuất, Nhà nước phải xem xét lại xem trong 5 lĩnh vực nhà ở xã hội (nhà ở xã hội đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho học sinh sinh viên v.v.) thì cần xem xét ưu tiên cấp vốn cho loại hình nào thiết thực hơn để hỗ trợ. Nhà nước phải cân đối, rà soát lại tất cả các loại hình nhà ở xã hội đã cung cấp vốn vay ưu đãi từ trước đến nay. Nếu ngưng chương trình này sẽ ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp, nhưng nếu thực hiện thì ngân sách không chịu đựng nổi. Do đó, trong khi ngân sách còn thiếu thì cần khoanh vùng lại, dành cho loại hình nhà ở xã hội cấp thiết hơn chứ không thể giữ nguyên trước đây, ví dụ có thể cắt giảm 50%.

Trên thực tế, việc chậm trễ này là do hiện nay các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT đang có những ý kiến khác nhau về mức lãi suất, nguồn vốn cho chương trình này. Tuy nhiên, dưới góc độ của DN, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cần phải coi nhà ở xã hội là công tác chiến lược, lâu dài và cần tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở xã hội, sớm có biện pháp bổ sung kế hoạch tài chính cho chương trình này, bởi kế hoạch ngân sách hàng năm vẫn có thể điều chỉnh đối với những vấn đề mang tính đột xuất, cấp bách. “Đây là chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động thu nhập thấp, do đó cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể xem xét để cấp nguồn vốn cho lĩnh vực này”, ông Nguyễn Ngọc Thành kiến nghị.

Theo đại Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh, (HoREA) từ thực tế chương trình nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc và những ý kiến còn khác nhau giữa các bộ, ngành, đề xuất về vấn đề này, HoREA nhận thấy vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. HoREA kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 với mức lãi suất ưu đãi 4,8% theo quyết định của  Chính phủ.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiết kiệm nhà ở xã hội với thời gian tối thiểu 12 tháng) để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Để không vượt quá khả năng ngân sách, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cân đối kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề này, đại diện một DN đang triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cho rằng, dù có những khó khăn về tài chính, ngân sách nhưng với một chương trình mang ý nghĩa dân sinh to lớn như chương trình ưu đãi nhà ở xã hội, nếu cố gắng thu xếp thì không phải không làm được, và không bố trí được vốn cho toàn bộ các loại hình thì nên xem xét ưu tiên các đối tượng trong từng thời điểm khác nhau. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để nguồn vốn này đi đúng mục tiêu và đến đúng đối tượng, tránh việc cấp vốn tràn lan.(HQ)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục