Khoảng 430.000 doanh nghiệp hưởng lợi khi thuế TNDN còn 17%
Thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mất cân đối
Đề xuất thành lập quỹ do DN đóng góp về vệ sinh an toàn thực phẩm
Khuyến cáo nông dân không trồng thanh long ồ ạt
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 12-08-2016
- Cập nhật : 12/08/2016
Ngân hàng ngoại tăng hiện diện: Nỗi lo khi “sói” đã vào nhà
7 ngân hàng ngoại và 100 chi nhánh, văn phòng đại diện
Thống đốc NHNN vừa chấp thuận về nguyên tắc cho Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Trước đó, đầu năm nay, NHNN cũng đã cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Berhad (Malaysia).
Theo thông tin của Báo Đầu tư, trong 7 năm qua, nhiều ngân hàng nước ngoài đã gửi đơn lên NHNN để xin thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại, song không được chấp thuận. Không chỉ với ngân hàng nước ngoài, mà trong nước, từ năm 2008 đến nay, sau TPBank, cũng chưa có thêm ngân hàng nào được cấp phép.
.
Tuy nhiên, những động thái gần đây của NHNN cho thấy, cơ quan này đã bắt đầu nới hơn đối với các ngân hàng ngoại. Thực tế, dù số lượng ngân hàng 100% vốn ngoại ở Việt Nam không nhiều, song khối ngoại đang âm thầm len lỏi ngày càng sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam qua liên doanh liên kết, mua cổ phần, lập chi nhánh, văn phòng đại diện…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, khi các ngân hàng nội phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu, giảm số lượng từ 33 ngân hàng (năm 2006) xuống còn 28 ngân hàng vào cuối năm 2015, thì các ngân hàng nước ngoài lại tận dụng cơ hội để gia tăng sự hiện diện. Đến thời điểm này, cả nước có 6 ngân hàng 100% vốn ngoại (nếu Woori Bank được cấp phép, con số này sẽ tăng lên 7); số chi nhánh của ngân hàng nước ngoài từ 31 (năm 2006) tăng lên 50, chưa kể 50 văn phòng đại diện và một số ngân hàng liên doanh.
Từ rất lâu, các ngân hàng nước ngoài đã tìm cách đặt chân vào Việt Nam thông qua con đường góp vốn mua cổ phần của ngân hàng trong nước. Chẳng hạn, VietinBank có 2 cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ; Vietcombank có cổ đông chiến lược là Ngân hàng Mizuho...
Chiến lược sói gửi chân và sự lung lay của ngân hàng nội
Rõ ràng, rất nhiều ngân hàng ngoại đã thực hiện chiến lược “sói gửi chân” khi lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, mua cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam, để khi Việt Nam mở cửa thêm nữa theo cam kết hội nhập sẽ nhanh chóng bung ra lấn chiếm thị phần.
Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài đã khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam cạnh tranh hơn, năng lực quản trị được cải thiện, số liệu minh bạch hơn, sản phẩm đa dạng hơn... Thế nhưng, điều dễ nhận thấy là, cùng với sự gia nhập của khối ngoại, thị phần của khối ngân hàng nội đang bị lung lay.
Hiện tại, thị phần huy động của khối ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm khoảng 5%, thị phần tín dụng 15%, song đáng lo là thị phần của khối ngoại đang có dấu hiệu gia tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế(Đại học Quốc gia Hà Nội), nguy cơ phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập cao và trung bình sẽ dần dịch chuyển sang giao dịch với các ngân hàng nước ngoài do chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Liên quan vấn đề trên, đại diện Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (NHNN) thừa nhận, việc ngân hàng ngoại gia nhập thị trường khiến hệ thống ngân hàng trong nước đối mặt nhiều nguy cơ, như mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ; khó cạnh tranh về dịch vụ ngoại tệ và sản phẩm phái sinh; chảy máu lao động chất lượng cao…
Do đó, đại diện NHNN khuyến cáo, các ngân hàng trong nước phải đẩy nhanh tái cơ cấu, tăng cường năng lực tài chính, cải thiện năng lực quản trị - điều hành, thay đổi cơ cấu thu nhập sang hướng tăng thu dịch vụ. Ngoài ra, các ngân hàng nội cũng cần nghiên cứu mở rộng hoạt động ra nước ngoài, khuyến khích sự tham gia điều hành của các cổ đông chiến lược để nâng cao năng lực quản trị của ngân hàng.
Được biết, rất nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam, như VietinBank, Vietcombank, BIDV... đang lựa chọn hướng đi này. Ngoài việc tìm kiếm đối tác chiến lược là các tập đoàn tài chính hùng mạnh của nước ngoài, các ngân hàng này cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới ra các nước trong khu vực và thế giới.(Báo Đầu Tư)
Khu đô thị công nghiệp Dung Quất: Cú hích thành phố công nghiệp
Biểu tượng về Khu công nghiệp đô thị
Khu đô thị Công nghiệp (KĐTCN) Dung Quất thuộc xã Bình Chánh và Xã Bình Thạnh (Huyện Bình Sơn). Phần lớn đất sử dụng trong khu sản xuất công nghiệp sẽ được sử dụng để xây dựng các hệ thống nhà xưởng và nhà máy. Các lô đất sẽ được phân chia với quy mô lớn và vừa, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp.
KĐTCN Dung Quất sẽ được tập trung thu hút các doanh nghiệp thuộc các ngành sau: Sản xuất, lắp rát thiết bị điện, điện tử và viễn thông; Sản xuất linh kiện ô tô, máy bay; Ngành thực phẩm – đồ uống; Ngành hóa học – y dược; Ngành dệt may, dệt nhuộm; Các ngành công nghiệp nhẹ và phụ trợ khác. Toàn bộ Dự án KĐTCN Dung Quất được định hướng phát triển với tổng diện tích là hơn 1.300 ha, được chia thành 2 giai đoạn, Giai đoạn I là 319 ha, Giai đoạn II là 984 ha. Theo đó, CTCP Hoàng Thịnh Đạt sẽ tập trung phát triển Giai đoạn I để phát triển khu công nghiệp và dịch vụ.
Theo nhà đầu tư, Giai đoạn I của dự án sẽ được phát triển theo tiến tiến độ cụ thể như sau: Quý III/2016 đến hết Quý II năm 2018: Phát triển khoảng 166 ha đất công nghiệp, xây dựng Trạm xử lý nước thải và các công trình hạ tầng khác. Đến Quý I/ 2017, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Quý II/2018, thực hiện xây dựng hạ tầng toàn bộ 166 ha đất công nghiệp, xây dựng Trạm xử lý nước thải với công suất 25.000 m3/ngày-đêm. Từ Quý III/2018 đến hết Quý II/2019, phát triển khoảng 153 ha đất công nghiệp, đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải với công suất 25.000 m3/ngày-đêm.
Các giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ được Công ty nghiên cứu và đề xuất cụ thể trước khi tiến hành triển khai. Theo Chủ đầu tư, khi dự án được lấp đầy sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho địa phương và các tỉnh lân cận khoảng 10.000 lao động. KĐTCN Dung Quất là một phân khu thuộc KKT Dung Quất, nên các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông quanh khu vực dự án rất phát triển, đảm bảo cho sự phát triển thành công của dự án.
Đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư
KĐTCN Dung Quất là dự án có những ưu việt hơn so với các KCN khác đầu tư tại KKT Dung Quất, cũng như tại Quảng Ngãi và các KKT khác của miền Trung, nhằm làm hài lòng các nhà đầu tư khó tính trong và ngoài nước khi triển khai dự án tại đây.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Dự án KĐTCN Dung Quất nằm trong KKT Dung Quất sở hữu lợi thế rất lớn, xuất phát từ lực hút của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Doosan Vina, và nhiều dự án công nghiệp khác sắp triển khai. Đặc biệt, Dự án chỉ cách sân bay chu lai 5km, cảng biển 3km, cách Đường cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi 1 km…
Đó chính là sự đầu tư đồng bộ các dịch vụ đi kèm để khi nhà đầu tư vào triển khai dự án sẽ có mạng lưới giao thông đối nội và giao thông đối ngoại. Hệ thống giao thông đối nội được đấu nối thuận tiện nhất đối với hệ thống giao thông đối ngoại…
Trong KĐTCN Dung Quất, Công ty đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước sạch cung cấp đến chân dự án, công suất 125.000m3/ngày/đêm, nguồn nước được lấy từ kênh thuỷ lợi Thạch Nham B3. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 100.000m3/ngày/đêm cũng được đầu tư theo công nghệ của Nhật Bản, trong đó, các thiết bị được nhập về đa phần xuất xứ từ các nước G7, sẽ kiểm soát tốt về môi trường và nước thải sau khi đã xử lý, đạt tiêu chuẩn của Bộ tài nguyên môi trường….
Hệ thống cấp điện cho KĐTCN Dung Quất được lấy từ mạng lưới điện của KKT Dung Quất, kết hợp nguồn điện dự phòng, để giải quyết tức thời nếu sự cố ngắt điện gây ảnh hưởng đến sản xuất các nhà máy. Hệ thống thông tin liên lạc được các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu tư động bộ và hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế như dịch vụ Internet đáp ứng tốt các ứng dụng Video, multimedia, Voice, Data communications, …
Với kinh nghiệm đầu tư và thành công từ những dự án trên cả nước, theo lãnh đạo Công ty Hoàng Thịnh Đạt, phương châm thu hút các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại. Vì vậy, các nhà đầu tư được chọn lựa ưu tiên đầu tư vào KĐTCN Dung Quất sẽ đến từ các nước phát triển, như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển khác với những cam kết, thực thi chặt chẽ về bảo vệ môi trường.
Từ những tiện ích sẵn có, việc phát triển KĐTCN Dung Quất sẽ tạo sức hút hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế Quảng Ngãi thông qua những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.(BĐT)
Khả quan cân đối ngân sách
Thu tiếp tục tăng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7/2016 đạt 102 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với tháng 6. Trong đó, số thu nội địa đạt 86 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34,8%, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các DN thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II-2016 theo chế độ quy định. Thu từ dầu thô đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%. Ghi nhận của Bộ Tài chính cho thấy, giá dầu tháng 7-2016 đã giảm sau 4 tháng liên tục tăng, chủ yếu do tình trạng dư cung, nhu cầu tiêu thụ giảm do những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện nước Anh ra khỏi EU. Giá dầu WTI bình quân (tính đến 20-7) đạt 45,85 USD/thùng, giảm 5,76% so với giá bình quân tháng 6-2016 (48,68 USD/thùng) và hiện đang dao động xung quanh mức 42 USD/ thùng, giảm khoảng 15% so với thời điểm cuối tháng 6-2016.
Số thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 7, kim ngạch NK một số mặt hàng có số thu lớn cho NSNN có chiều hướng giảm như trị giá NK ô tô nguyên chiếc các loại giảm 22,3%, giảm thu ngân sách khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng; xăng, dầu các loại giảm 14%, giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng; sắt thép các loại giảm 11,3%, giảm thu ngân sách khoảng 380 tỷ đồng; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 7,1%... Thực tế này làm giảm số thu ngân sách của lĩnh vực này 14,6% so với tháng 6. Sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ 10 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ XNK đạt 11,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng số thu NSNN đạt 583,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Con số khả quan này thể hiện sự nỗ lực khá lớn của các đơn vị thực thi trong việc tăng cường công tác quản lý thu NSNN. Cơ quan Thuế đã tích cực tổ chức triển khai các giải pháp thu NSNN năm 2016, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2016; đẩy mạnh chống thất thu, tập trung xử lý nợ đọng thuế. Tính đến tháng 7-2016, toàn hệ thống Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 32,5 nghìn DN, qua đó xử lý tăng thu 5,7 nghìn tỷ đồng; tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2015; đôn đốc, cưỡng chế thu được 23,5 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2015.
Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa NK thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau 7 tháng, cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 3,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan; xử lý tăng thu cho ngân sách 941 tỷ đồng; đã thực hiện thu hồi và xử lý được 259 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31-12-2015; bắt giữ xử lý trên 9,4 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý tăng thu cho ngân sách 77 tỷ đồng; đã khởi tố 23 vụ, chuyển các cơ quan khác điều tra 42 vụ.
Đóng góp phần nào vào kết quả đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã lưu hành 27 kết luận thanh tra, kiểm tra, qua đó, đã kiến nghị xử lý về tài chính 1.853 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý về tài chính là 377,6 tỷ đồng (bao gồm cả số lũy kế năm 2015 chuyển sang).
"Thúc” giải ngân vốn đầu tư
Bên cạnh những kết quả khả quan về thu NSNN, công tác chi cũng được ngành Tài chính điều hành khá chặt chẽ, nằm trong phạm vi cho phép. Tổng chi NSNN 7 tháng đạt 662,1 nghìn tỷ đồng, bằng 52% dự toán. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 92,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, tăng 6,9% cùng kỳ năm 2015. NSNN đã thực hiện chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi nhà nước choNgân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 59,1% dự toán; chi cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa đạt 29,7% dự toán. Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, số vốn giải ngân cho các dự án khoảng 91,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán; các bộ, cơ quan Trung ương đạt khoảng 26%, các địa phương đạt khoảng 40,3%. Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân khoảng 25,8% dự toán, thấp hơn nhiều con số 44% của cùng kỳ năm 2015.
Số chi trả nợ và viện trợ trong 7 tháng qua đạt 91,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 473,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán.
Nhằm tăng cường quản lý NSNN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương xây dựng hướng dẫn về nội dung, mức chi áp dụng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia,... Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016; Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016. Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ, không gây phiền hà cho đơn vị.
Triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Tài chính đã và đang rà soát, hướng dẫn một số nội dung về kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016; các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp đã đề ra. Bộ Tài chính nhận định: Các giải pháp này sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân khá hơn trong thời gian tới.
Tiết kiệm để giữ bội chi
Với kết quả thu – chi NSNN như vậy, con số bội chi NSNN sau 7 tháng đạt 78,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán năm. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, so với mức bội chi được Quốc hội giao năm 2016 là 254 nghìn tỷ đồng thì tiến độ của 7 tháng đang nằm trong dự tính và phạm vi cho phép.
Trong bối cảnh thu NSNN ngày càng khó khăn, nhu cầu chi ngày càng tăng cao, để tránh bội chi vượt “ngưỡng”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho rằng, thời gian tới, việc cắt giảm chi là hết sức cấp thiết.
Theo Thứ trưởng, nguyên tắc chi tiêu thường xuyên đã được thể hiện ngay trong dự toán ngân sách 2016 theo hướng cắt giảm tất cả các khoản chi thường xuyên. Trong quá trình điều hành, với quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện nhiều biện pháp rà soát, cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết như các khoản chi phí về lễ hội, hội nghị, tiếp khách, học tập, khảo sát tại nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành địa phương thực hiện rà soát lại xe công; phối hợp với Hà Nội và TP.HCM rà soát lại quỹ nhà, đất của các cơ quan Nhà nước và sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả hơn.
Bên cạnh các giải pháp về tiết kiệm chi thường xuyên, các đơn vị hệ thống của ngành Tài chính cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tăng trưởng kinh tế, qua đó, thực hiện đầy đủ dự toán Quốc hội đã giao.
Với những giải pháp đó, ngành Tài chính sẽ đảm bảo được việc giữ bội chi trong chỉ tiêu cho phép.(HQ)
Công nghiệp, thương mại phải dịch chuyển nhanh và cao hơn
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của ngành Công Thương.
Thủ tướng nêu những khó khăn dồn dập trong 6 tháng đầu năm: Hiện tượng El Nino hơn 100 năm mới xuất hiện, gây hạn hán nghiêm trọng ở miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên; xuất khẩu toàn cầu gặp khó khăn, giá dầu thô giảm… song chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng trên 5% là cố gắng rất lớn. Trong đó, có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành Công Thương.
Khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngành Công Thương bước vào 6 tháng đầu năm 2016 với một số thuận lợi, nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đang trong giai đoạn khó khăn, xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước; nhưng nhìn trên tổng quan vẫn xuất hiện những yếu tố, cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng cả trong sản xuất và thương mại trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành, Bộ Công Thương xác định tập trung vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Thông qua đó, khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm trên các mặt: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước, hội nhập kinh tế, cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp...
Mỗi giải pháp đều thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp, và đặc biệt coi trọng việc tương tác với doanh nghiệp và người dân, được cụ thể hóa theo ba hướng trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình công tác lớn, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ.
Thứ hai, rà soát gỡ bỏ ngay các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, đảm bảo tháo gỡ khó khăn, khơi dậy năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Bộ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như đã chỉ đạo tiến hành tập trung rà soát hơn 20 văn bản qui phạm pháp luật có các qui định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm... thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ.
Thứ ba, xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành Công Thương một cách thực chất và toàn diện. Đến nay, Bộ đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các thủ tục hành chính công của Bộ Công Thương đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến. Và từ ngày 1/6/2016 chính thức đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử (Hệ thống iMOIT) trong xử lý văn bản đi/đến. Qua đó, tất cả văn bản của các đơn vị trong Bộ sẽ hoàn toàn xử lý trên môi trường điện tử.
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công Thương trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu, đảm bảo cung cầu hàng hóa trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, trong đó có yếu tố khách quan, để tìm ra nguyên nhân, khẩn trương khắc phục.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao cho ngành Công Thương một số nhiệm vụ tổng quát:
Thứ nhất, cần thay đổi cơ bản cách quản lý nhà nước để xây dựng được một nền kinh tế thị trường thực chất có hiệu quả. Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động; những việc thị trường làm không tốt, Nhà nước mới tham gia.
Thứ hai, phải có giải pháp để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức là tăng năng suất dựa trên ứng dụng đổi mới sáng tạo. Nếu không sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công.
Thứ ba, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện và động lực cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp, đề xuất được về cải cách thể chế, cơ chế chính sách, về tổ chức thực thi, xây dựng hệ thống thông tin đánh giá, đề xuất, báo cáo Chính phủ.
Cần đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường. Nếu vẫn làm theo tư duy kế hoạch hóa sẽ thất bại. Chúng ta đã hình thành một tư duy, định hướng lớn cho Chính phủ. Đó là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Thứ tư, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút thành công đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch kinh tế nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chúng ta chỉ thu hút như hiện nay thì rất khó.
Thứ năm, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 10%, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong chuỗi bán lẻ hiện đại; tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để phát triển thị trường trong nước. Trước khó khăn khôn lường, tập thể Chính phủ quyết tâm chưa rút các chỉ tiêu. Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là ngành Công Thương cùng cả nước thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ giải pháp đề ra, tập trung tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, phát triển thị trường trong nước và ngoài nước. Nỗ lực phấn đấu cao nhất đạt tốc độ tăng trưởng của ngành Công Thương bằng và hơn năm 2015, góp phần quan trọng phát triển GDP 6,7% này.
Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bộ Công Thương cần đi đầu trong cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh, đó là thực hiện Nghị quyết 19/CP của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết 35/CP, cần tạo một sức sống mới cho cả nước về sản xuất và xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
“Cần đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường. Nếu vẫn làm theo tư duy kế hoạch hóa sẽ thất bại. Chúng ta đã hình thành một tư duy, định hướng lớn cho Chính phủ. Đó là Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
“Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm trên các mặt: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước, hội nhập kinh tế, cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp... Mỗi giải pháp đều thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp và đặc biệt coi trọng việc tương tác với doanh nghiệp và người dân”.(TCCT)