tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 27-06-2016

  • Cập nhật : 27/06/2016

Ngành tôm lớn nhưng chưa đủ mạnh

Tuy là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD/năm, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, DN và kinh tế đất nước, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá những vấn đề tồn đọng khiến ngành tôm Việt Nam gặp trở ngại, chưa phát triển đúng tầm trong những năm gần đây, TS. Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, từ ba năm trở lại đây, tình hình thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp, lúc mưa dầm khi nắng hạn, gây dịch bệnh liên tục trên con tôm, khiến người nuôi tôm không còn vốn để tái đầu tư.

Bởi, trong số gần 80 nghìn trại nuôi tôm trên cả nước thì có đến 55% số hộ nuôi nhỏ lẻ (quy mô từ 1ha – 3ha diện tích/ao nuôi tôm). Quy mô nhỏ khiến hộ nuôi tôm gặp khó khăn trong việc vận dụng những kỹ thuật nuôi và chăm sóc tôm hiệu quả. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và giá bán tôm thấp.

Mặt khác, việc thiếu sự hợp tác liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm đã hạn chế quy mô phát triển thị trường. Đặc biệt, khi vai trò của thương lái (trung gian) hiện còn rất quan trọng trong việc thu mua tôm từ các hộ nuôi nhỏ lẻ đã khiến giá cả và chất lượng tôm thiếu tính ổn định, không đồng đều.

Cùng với đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc vẫn bị hạn chế khi thương lái thu gom số lượng lớn tôm từ nhiều hộ khác nhau. Hay việc nhiều thương lái sử dụng chất bảo quản để giữ trọng lượng tôm trước khi bán lại cho DN chế biến cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và trực tiếp làm suy giảm thương hiệu tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần có sự thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững. Hai năm qua (từ cuối năm 2014 đến nay), dịch bệnh trên con tôm và thời tiết bất lợi, khiến tôm chết hàng loạt, nhà nông thiếu vốn để duy trì sản xuất, DN tại khu vực ĐBSCL hiện thiếu gần 40% tôm nguyên liệu cho chế biến hàng xuất khẩu. Rất có khả năng năm nay, nhiều DN phải nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận hộ nuôi tôm tự phát kiểu “ăn xổi ở thì”, kỹ thuật nuôi hạn chế, sử dụng chất kháng sinh bừa bãi (xử lý ao đầm, trị bệnh trên con tôm), ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu.

Hay ngay từ khâu con giống, hiện nay, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tôm bố mẹ, chất bổ sung dinh dưỡng… và nguyên liệu đầu vào, làm tăng giá thành sản phẩm khiến tôm xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với nhiều quốc gia khác.

Khắc phục được những vấn đề này, ngành tôm Việt Nam mới thực sự đủ mạnh về nội lực, xứng tầm với một ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ “đô”.(TBNH)


TP.HCM: Trên 16.300 doanh nghiệp thành lập mới

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có khoảng 16.322 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 144.586 tỷ đồng, tăng trên 18% về số lượng doanh nghiệp và tăng gần 55% về vốn đăng ký, so cùng kỳ 2015.

doanh nghiep dang ki kinh doanh tai so ke hoach va dau tu tp.hcm. nguon internet

Doanh nghiệp đăng kí kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Nguồn Internet

Ngoài ra, có 23.718 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 74.093 tỷ đồng, tăng trên 31% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 218.679 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong trên 16.300 doanh nghiệp thành lập mới, Công ty TNHH một thành viên trở lên chiếm tỷ trọng cao nhất với 9.057 doanh nghiệp (chiếm 55,4%) tiếp theo là Công ty TNHH hai thành viên 5.088 doanh nghiệp, chiếm 31,1% với; Công ty cổ phần 1.835 doanh nghiệp chiếm 11,2%...

Phân theo ngành nghề kinh doanh, ngành kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (47%) với vốn đăng ký 62.800 tỷ đồng; đứng thứ 2 là lĩnh vực buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 15,4% với vốn đăng ký 20.858 tỷ đồng; Ngành Xây dựng vốn đăng ký 13.076 tỷ đồng chiếm 9,8%.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, từ ngày 19 - 5 -2016, đơn vị đã tiến hành thực hiện cải cách hỗ trợ doanh nghiệp bằng hoạt động đăng ký tài khoản ngân hàng khi thành lập doanh nghiệp tại Sở. Theo đó, doanh nghiệp chỉ mất 4 ngày (rút ngắn 5 ngày) để có thể bắt đầu đi vào hoạt động. 

Đến nay đã có 436 doanh nghiệp đăng ký tài khoản khi thành lập mới và 670 doanh nghiệp kết hợp nộp Thông báo mẫu con dấu khi nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp.(HQ)


Nguyên Phó thống đốc Nguyễn Toàn Thắng về Hiệp hội ngân hàng

Ông Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa được bầu làm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, trong khi vị trí Chủ tịch Hiệp hội do ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV đảm nhiệm.

Những thay đổi về nhân sự của Hiệp hội ngân hàng được đưa ra tại Đại hội nhiệm kỳ 2016-2019. Theo đó, nguyên Phó thống đốc Nguyễn Toàn Thắng, người vừa nghỉ hưu và thôi công tác tại Ngân hàng Nhà nước được bầu làm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng. Ông Nguyễn Toàn Thắng tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Đức, đảm nhận vai trò Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2007. Trước đó, ông từng là Phó bí thư tỉnh Lạng Sơn, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội. Tại nhiệm kỳ trước, vị trí này được giao cho ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).


TP HCM khởi công dự án 10.000 tỷ giải quyết ngập do triều

Dự án kiểm soát ngập do triều cường trong bối cảnh biến đổi khí hậu được thành phố gấp rút khởi công.

Ngày 26/6, bấm nút khởi công dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo thành phố.Dự án có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng dự kiến kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.

thu tuong nguyen xuan phuc va nhieu lanh dao bam nut khoi cong du an. anh:ngoc hau

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo bấm nút khởi công dự án. Ảnh:Ngọc Hậu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của UBND TP HCM và các cơ quan đã huy động đủ số vốn để triển khai dự án. Thủ tướng cho rằng, định hướng phát triển lâu dài để thành phố trở thành hòn ngọc Viễn Đông cần hội tụ đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là phải xử lý dứt điểm vấn đề triều cường, úng ngập.

Để thực hiện tốt việc này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch chống úng ngập, triều cường phù hợp với diễn biến tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. TP HCM cũng phải tiếp tục cập nhật thông tin, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học; quản lý tốt các hồ điều hòa trong quy hoạch; ngăn ngừa tốt nguy cơ sụt lún để dự án vận hành có hiệu quả.

Xung quanh vấn đề giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, UBND thành phố đảm bảo đời sống, sinh kế cho người dân thuộc diện giải tỏa phục vụ dự án.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, lãng phí khi triển khai dự án. Đề nghị nhà đầu tư, các cơ quan tư vấn, giám sát và người dân thành phố cần tăng cường giám sát để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của dự án.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là dự án rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Ông hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Theo chủ đầu tư, dự án được duyệt triển khai trong 36 tháng nhưng đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công trong 24 tháng. Thời gian còn lại dành cho việc dự phòng, các công tác hồ sơ và vận hành thử.

Dù cam kết sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết triệt để việc ngập úng do triều tại khu vực dự án, song chủ đầu tư nói vấn đề còn ngập hay không cần có sự phát huy tác dụng truyền tải nước thoát về kênh rạch của công trình quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị.

Dự án sẽ triển khai trên địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh và giải tỏa, di dời hơn 300 hộ với hơn 1.500 dân.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục