tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 04-08-2016

  • Cập nhật : 04/08/2016

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có thể chấm dứt dự án Formosa nếu không khắc phục hậu quả về môi trường

Nếu không khắc phục được các hệ quả liên quan đến vi phạm trong ô nhiễm môi trường, Formosa có thể bị yêu cầu chấm dứt dự án theo quy định của Luật Đầu tư.

Trước câu hỏi đặt ra là việc Hà Tĩnh cho phép Formosa thuê đất 70 năm có sai thẩm quyền, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết Luật Đất đai cho phép cho thuê đất dự án có thể là 70 năm.

Tuy nhiên, ông Thu cũng dẫn ra trong Luật Đầu tư năm 2014 thì điều 47 đã quy định có 5 trường hợp có thể bị tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư. Trong đó, có 1 trường hợp là tạm ngừng để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến quản lý môi trường.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 48 của Luật Đầu tư quy định dự án đầu tư có thể bị chấm dứt hoạt động nếu thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 47 mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục.

Theo đó, cơ quan quản lý đăng ký đầu tư có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nếu như chủ đầu tư không chịu khắc phục vi phạm về môi trường.

“Có nghĩa là đầu tiên thì tạm ngừng và yêu cầu khắc phục vi phạm môi trường nhưng không thể khắc phục được thì theo quy định pháp luật hiện nay có thể dừng hẳn” – đại diện Bộ KHĐT nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết theo Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư có quy định theo các tiêu chí khu vực khó khăn, khó thu hút nhà đầu tư. Theo đó, đối tượng như Vũng Áng (Hà Tĩnh) được coi là khu vực được xem xét ưu tiên.

Như vậy, theo Bộ trưởng Hà, cả Luật đất đai 2003 và 2013, UBND tỉnh, thành phố thì có thẩm quyền cho thuê đất là được 70 năm. Tuy nhiên, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài, thì thẩm quyền tỉnh được cho 50 năm, trên 50 năm là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phải báo cáo xin phép Chính phủ và Chính phủ sẽ xem xét trên giác độ nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn…

“Trường hợp Formosa thì Thanh tra Chính phủ có thanh tra kiểm tra rồi. Với Hà Tĩnh, tôi cho rằng việc cấp giấp phép đầu tư 70 năm và cùng với thuê đất 70 năm là sai ở chỗ thẩm quyền địa phương cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp 70 năm, đây là thẩm quyền của Chính phủ” – Bộ trưởng Hà nói.

Cũng liên quan đến kết luận mới đây của Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến việc Formosa đổ chất thải trái phép ra môi trường, có chứa hàm lượng chất độc vượt ngưỡng cho phép, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường thông tin thêm rằng toàn bộ 390 kg chất thải là chất thải nguy hại.

Do đó, Bộ TNMT đã buộc Formosa có trách nhiệm và sẽ lựa chọn một cơ quan xử lý chất thải đạt yêu cầu và được cấp phép. Tuy nhiên, hiện Hà Tĩnh chưa có cơ quan đủ điều kiện nên việc lựa chọn phải do cấp trung ương cấp phép cho vận chuyển qua địa phương khác.

Bộ trưởng cũng cho biết, Hà Tĩnh và lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, kiểm điểm. Bộ Tài nguyên môi trường, cũng đang làm việc và kiểm kê tất cả các chất thải Formosa thông qua số đã thu gom, số còn lưu trữ kho, thông qua hợp đồng ký kết để xử lý.

“Chúng tôi sẽ xem xét chặt chẽ để xem chất thải còn ở đâu không, phát hiện chỗ nào và cố tình đổ ra môi trường không đúng quy định. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra rất chặt chẽ” – Bộ trưởng nói.

Về xử lý, hành vi doanh nghiệp khi đưa chất thải công nghiệp không đúng quy định, Bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng, không phải là lần đầu mà là cố ý, nhiều người thực hiện.

“Đánh giá là nghiêm trọng nên chúng tôi chuyển toàn bộ hồ sơ đến công an Hà Tĩnh điều tra xử lý” – Bộ trưởng thông tin.(CafeF)

Năm 2019, ngân sách sẽ mất hàng chục nghìn tỷ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu

Theo Tổng cục Thuế, dự kiến số thu thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu nhập khẩu trong năm 2017 vào khoảng 27.400 tỷ đồng, ngân sách trung ương hiện hưởng 100% số thu thuế Bảo vệ môi trường từ xăng dầu nhập khẩu.

Tổng cục Thuế mới đây đã có báo cáo lên Bộ Tài chính phương án phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mới.

Theo Tổng cục Thuế, năm 2017 là năm đầu của thời kỳ ổn định Ngân sách nhà nước năm 2017-2020 và thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu nhập khẩu là khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%.

Đối với thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu sản xuất trong nước, việc xác định số thu phát sinh căn cứ vào sản lượng do doanh nghiệp đầu mối bán ra trên thị trường và tỷ trọng tổng sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước và tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu.

Căn cứ về sản lượng xăng dầu nhập khẩu và tự sản xuất trong nước do các đơn vị báo cáo, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2015, 2016, tỷ trong sản xuất trong nước chiếm khoảng 40%. Từ tháng 7/2017, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành và có sản phẩm thương mại thì tỷ trọng sản xuất xăng dầu trong nước sẽ tăng lên. Cụ thể, tỷ trọng này năm 2017 là 53% và tăng lên 91% năm 2019.

Hiện, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, số thu thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu nhập khẩu trong năm 2017 đạt khoảng 27.400 tỷ đồng.

Dự kiến, từ năm 2019, sẽ có thêm một số dự án lọc hóa dầu như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Khánh Hòa; Nhà máy lọc dầu Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu... cùng với việc mở rộng sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn thì sản xuất và pha chế xăng dầu trong nước đáp ứng vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Khi đó, tỷ trọng xăng dầu sản xuất trong nước sẽ chiếm tỷ lệ 100%.

Do đó, khoản thu Ngân sách trung ương hưởng 100% đối với thuế Bảo vệ môi trường sẽ giảm dần và từ sau 2019, khoản thu thuế Bảo vệ môi trường sẽ không còn nằm trong khoản thu Ngân sách trung ương hưởng 100%.

Do sản lượng xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước thay đổi phụ thuộc vào tiến độ đi vào vận hành hoạt động của một số nhà máy lọc dầu trong nước nên trong năm, cơ cấu giữa tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu và tổng sản lượng xăng dầu sản xuất có nhiều biến động.

Tổng cục Thuế cho biết, nếu đến cuối năm mới điều chỉnh lại tỷ lệ phân phối theo số thực tế sẽ không kịp thời dẫn đến có sự điều chỉnh lớn giữa Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương vào cuối năm.

Vì vậy, Tổng cục Thuế đề xuất tỷ lệ phân bổ cần xác định để tạm tính và điều chỉnh thuế Bảo vệ môi trường 6 tháng/lần.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, về trình tự thủ tục phân chia nguồn thu thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, Tổng cục Thuế đề xuất căn cứ tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu kỳ trước xác định theo quy định, chậm nhất ngày 15/1 của kỳ thực hiện phân bổ, Tổng cục Thuế thông báo cho các Cục Thuế và Kho bạc nhà nước tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu tạm tính.

Khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nộp thuế Bảo vệ môi trường theo định kỳ hàng tháng, số thuế sẽ được thu vào tài khoản tạm thu thuế Bảo vệ môi trường mở tại Kho bạc nhà nước trên địa bàn phát sinh khoản thu, chậm nhất ngày hôm sau, Kho bạc nhà nước tỉnh có trách nhiệm chuyển về tài khoản tạm thu thuế Bảo vệ môi trường mở tại Sở giao dịch Kho bạc nhà nước.

Căn cứ vào tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu do Tổng cục Thuế thông báo, Sở giao dịch có trách nhiệm trích chuyển từ tài khoản tạm thu thuế Bảo vệ môi trường của tỉnh để hạch toán thu Ngân sách nhà nước và thực hiện ghi thu ngân sách nhà nước phần ngân sách trung ương được hưởng.

Kết thúc 6 tháng, chậm nhất là ngày 15 của tháng tiếp theo, trên cơ sở số liệu phát sinh thực tế của 6 tháng liền trước, Tổng cục Thuế xác định tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu thực tế thực hiện để thông báo Kho bạc Nhà nước và các Cục thuế.(Bizlive)

Chi phí dự phòng và nợ xấu tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, nợ xấu tăng trở lại, nhiều ngân hàng trích lập chi phí dự phòng rủi ro cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh doanh.

Lợi nhuận sụt giảm vì tăng chi phí dự phòng rủi ro lớn

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm do nhiều ngân hàng công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, xét về từng ngân hàng cụ thể, dù con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng do trích lập chi phí dự phòng rủi ro lớn.

Là một trong ba ngân hàng lớn trong khối quốc doanh, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 4.193 tỷ đồng, còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 7.282 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này bị đội lên tới 3.009 tỷ đồng, riêng quý I là 1.567 tỷ đồng; cùng với đó, chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm lên tới 5.657 tỷ đồng.

Tương tự, BIDV cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. 6 tháng đầu năm chi phí hoạt động của BIDV lên tới 5.781 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 4.526 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ngân hàng này chỉ đạt 3.311 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủ ro tín dụng là 7.837 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank đạt 1.094 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ trích lập dự phòng, chỉ còn 363 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 164 tỷ đồng và sau thuế là 146 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Sacombank cũng sụt giảm 76% so với cùng kỳ do chi phí hoạt động trong khi tăng mạnh lên 2.724 tỷ đồng, tăng 8,4%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 731 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro là 740 tỷ đồng. Nhưng, chi phí dự phòng rủi ro chiếm mất 661 tỷ đồng, chi phí hoạt động lên tới 1.198 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 79 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 48 tỷ đồng và sau thuế là 36 tỷ đồng.

Nằm trong nhóm ngân hàng sụt giảm mạnh lợi nhuận do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng tăng mạnh, 6 tháng đầu năm, chi phí hoạt động VIB lên tới 993 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 348 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 651 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 302 tỷ đồng. Riêng quý II, lợi nhuận trước thuế 161 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng cao trở lại

Có thể thấy rằng, nợ xấu tang cao trở lại chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phải nâng mức trích lập dự phòng rủi ro lên, “ăn mòn” lợi nhuận của chính họ.

Đơn cử như BIDV, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng nợ xấu là 13.183 tỷ đồng, với nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với cuối năm ngoái và chiếm một nửa tổng nợ xấu của ngân hàng này. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2%, nhưng giá trị tuyệt đối của ngân hàng này lại tăng lên khá nhanh, khoảng 31% so với cuối năm 2015.

Trước đó, tính đến hết năm 2015, BIDV là ngân hàng có lượng nợ xấu bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lớn nhất trong hệ thống, với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

VietinBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm.

Duy chỉ có Vietcombank là tỷ lệ nợ xấu giảm. 6 tháng đầu năm tổng nợ xấu là 7.470 tỷ đồng, tỷ lệ 1,74% giảm so với tỷ lệ 2,29% hồi cuối năm 2015.

Tại khối ngân hang thương mại cổ phần, nợ xấu tăng nhanh phải kể đến Eximbank, khi tổng nợ xấu chiếm tới 4.285 tỷ đồng.

Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tại Eximbank tăng vọt từ 1,9% lên 5,3%.

Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm.

VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015…

Vay 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: "Trung Quốc rất quan tâm..."

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn và Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm, ngỏ ý cho Việt Nam vay vốn.

Đề xuất xây dựng Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với dự kiến sẽ vay 300 triệu USD (khoảng gần 7.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, đề xuất này đang gặp phải những phản ứng khá gay gắt bởi những những ràng buộc về điều kiện vay…

Thứ trưởng Đào Quang Thu cho rằng, Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một dự án rất quan trọng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh mà cho cả các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Bắc.

Quan điểm của Chính phủ là muốn tìm kiếm và thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án. Trong lúc đó, phía Trung Quốc rất quan tâm và bày tỏ ý định cho Việt Nam vay vốn. Ý định này cũng được đưa ra trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai bên.

“Về phía Bộ KH&ĐT cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được đàm phán, thảo luận thêm với phía Trung Quốc xung quanh dự án này như đàm phán về các điều kiện vay, lựa chọn nhà thầu, lãi suất và các điều kiện khác… Chủ trương chung vẫn là tích cực tìm kiếm nguồn vốn, nguồn vốn đó có thể từ Trung Quốc hoặc từ các quốc gia khác vì dự án này rất quan trọng”, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã thông tin cụ thể về việc giảm phí BOT trên các tuyến cao tốc theo yêu cầu chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Cụ thể, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, căn cứ theo văn bản đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã họp và thảo luận với Bộ GTVT. Sau khi thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về phương án giảm phí BOT.

Được biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mới có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính về việc giảm thu phí đường bộ trên đường quốc lộ, cao tốc đối với nhóm xe 4 và 5 là 10-15% và giảm 10-20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 và nhóm 2 của 5 trạm có mức thu phí cao nhất để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.

Theo bà Mai, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính với việc giảm phí từ 10-15% cho các loại xe nhóm 4 và nhóm 5 là những loại xe phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các trạm có mức thu tối đa khung tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Đồng thời giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng/lượt tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất.

“Văn phòng Chính phủ đã có Công văn thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính khẩn trương lấy ý kiến Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cùng các địa phươngvề vấn đề này. Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ ngành, các địa phương, các nhà đầu tư và đề nghị có ý kiến gửi về Bộ trước ngày 1/8. Hiện Bộ Tài chính đang tập hợp các ý kiến để trong tháng 8 này sẽ trình Thủ tướng”, bà Mai cho biết.(CafeF)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục