tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 03-08-2016

  • Cập nhật : 03/08/2016

NFSC: Nếu không tính y tế, giáo dục lạm phát năm 2016 chỉ khoảng 3,5 – 4%

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho rằng, nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5- 4%. Trong báo cáo tháng 6, NFSC dự báo lạm phát năm 2016 là 4-4,5%.

nguon: nfsc/tctk

Nguồn: NFSC/TCTK

Tại Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm, NFSC cho biết, CPI hàng tháng so với cùng kỳ đã liên tục tăng kể từ tháng 11/2015, song đã dừng tăng trong tháng 7/2016 (tháng 7/2016 tăng 2,39%; tháng 6/2016 tăng 2,4%). Trong khi, lạm phát cơ bản (lạm phát loại trừ lương thực - thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2%.

Phân tích cụ thể cho thấy: CPI tháng 7/2016 tăng 2,48% so với đầu năm nhưng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (y tế đóng góp 1,32 điểm %, giáo dục 0,14 điểm % tăng so với đầu năm), chiếm 56% trong tổng mức tăng 2,48%. Nhóm lương thực và thực phẩm chỉ đóng góp lần lượt 0,1 điểm% (chiếm 3,9%) và 0,58 điểm% (chiếm 22,1%) vào mức tăng chung của CPI kể từ đầu năm.

Trong khi phân rã lạm phát cho thấy, sau 6 tháng tăng liên tiếp, thành phần lạm phát có tính chu kỳ đã không còn tăng nhanh như giai đoạn trước và bắt đầu đi ngang, báo hiệu rằng mức độ tác động đến CPI của chu kỳ tăng giá cũ (dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm) sẽ ổn định trong những tháng tới. Trong khi đó, nhờ các yếu tố cơ bản gồm tổng cầu (lạm phát cầu kéo) và chi phí sản xuất (lạm phát chi phí đẩy) tiếp tục ổn định, thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì ở mức thấp.

Tổng hợp các nhân tố đó, căn cứ trên những tính toán của mình, NFSC dự báo: “Lạm phát cơ bản năm 2016 sẽ chỉ khoảng 2% (tăng nhẹ so với mức 1,7% của năm 2015); và nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở khoảng 3,5- 4%”.

Còn nhớ, trong báo cáo tháng 6, NFSC đã dự báo, lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng sẽ chỉ ở mức 4% - 4,5%.(TBNH)

Đà Nẵng: Khoanh định 433 khu vực cấm hoạt động khoáng sản

UBND TP. Đà Nẵng vừa có Quyết định phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố tại 433 vị trí với tổng diện tích gần 50 ngàn ha.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo đó, đối với đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng là 64 khu vực, diện tích 40 ha; Đất có hệ sinh thái biển đã được khoanh vùng bảo vệ là 05 khu vực, diện tích 134 ha; Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ là 08 khu vực, diện tích 39.810,5 ha.

Tiếp đó là đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng là 61 khu vực, tổng diện tích là 10.079 ha; Đất quy hoạch dành cho mục đích an ninh là 06 khu vực, diện tích 127 ha; Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng là 190 khu vực, diện tích 109,29 ha; Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ là 22 khu vực, diện tích 959,703 ha.

Và đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt là 14 khu vực, diện tích 199,2 ha; Đất liên quan đến mặt hồ và hành lang bảo vệ đập các hồ chứa nước là 20 khu vực, diện tích 486,65 ha; Đất liên quan đến hành lang bảo vệ bờ sông, bờ biển, bờ kè là 31 khu vực, diện tích 162,494 ha; đất liên quan đến hệ thống xử lý chất thải, bãi rác là 12 khu vực, diện tích 180 ha.

Việc khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản này nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố. 

UBND thành phố giao các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện thường xuyên cập nhật, kiểm tra, rà soát các khu vực có biến động, thay đổi để điều chỉnh, bổ sung các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo yêu cầu thực tiễn, các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quy định của pháp luật. (TBNH)

Hà Nội: Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, Gia Lâm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định về phê duyệt Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, quy mô diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 883,25ha. Trong đó, diện tích khu vực phát triển đô thị khoảng 181ha; Diện tích khu vực đất ngoài đô thị và dự trữ phát triển khoảng 702,25ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 toàn khu vực lập quy hoạch khoảng 20.000 người, trong đó: Dân số khu vực phát triển đô thị khoảng 16.500 người; Dân số khu vực ngoài đô thị khoảng 3.500 người.

Theo quy hoạch, thị trấn Phù Đổng là thị trấn thành lập mới ở phía Bắc huyện Gia Lâm. Là đô thị loại V, Thị trấn huyện lỵ phát triển mới; Là trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa lịch sử gắn với Khu di tích Đền Gióng và hành lang xanh, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm; Trung tâm dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất và đầu mối hạ tầng kỹ thuật cho vùng nông thôn.

Về định hướng phát triển không gian đô thị: Các không gian ở hiện trạng phía Nam, bám dọc trong đê sông Đuống được cải tạo chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật được kết nối với các khu vực phát triển mới, tiếp cận với không gian xanh, tạo ra không gian ở với kiến trúc truyền thống Việt Nam, đồng thời, kết nối với hạ tầng kỹ thuật đô thị mới.

Ngoài ra, các khu vực ở mới một phần xen lẫn khu ở hiện trạng, một phần nằm trên tuyến đường mới phía Bắc được phát triển gắn kết đồng bộ với không gian ở hiện trạng, tạo ra những khu vực đơn vị ở mới và đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Khu trung tâm hành chính - chính trị - công cộng của thị trấn được bố trí dọc hai bên tuyến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng - Trung Mầu, nối từ đường vành đai 3 đi xã Trung Mầu. Do đặc thù đây là tuyến đường đối ngoại liên khu vực, do vậy, phương án đã đề xuất mở một trục chính của thị trấn nối từ tuyến đường này đi xuống phía Nam, qua khu công viên và kết nối với đường đê bối khu dân cư phía Nam.

Tuyến đường trục thị trấn này sẽ là tuyến không gian trung tâm, tạo không gian thuận lợi, kết nối các tuyến đường nội thị, đồng thời, tuyến đường sẽ là điểm nhấn không gian công cộng với cảnh quan công viên cây xanh hai bên đường.

Bên cạnh đó, khu vực công viên Phù Đổng được tổ chức tại lõi của đô thị, tạo ra không gian xanh, cải thiện vi khí hậu, đồng thời, mang chức năng là công viên chuyên đề, hỗ trợ các lễ hội văn hóa truyền thống địa phương; Trục cảnh quan quanh công viên Phù Đổng sẽ là tuyến kết nối giữa không gian hiện hữu với không gian đô thị mới, đảm bảo giao thông thuận lợi giữa khu dân cư hiện hữu với trung tâm công cộng;

Khu vực cây xanh TDTT, sân chơi công cộng bố trí đan xen trong các khu dân cư, khu vực sân bóng bố trí ở trung tâm, đối diện trung tâm văn hóa của thị trấn; Khu vực cụm trường học được bố trí tại phía Nam đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng - Trung Mầu giáp khu vực trung tâm hành chính. Ngoài ra, còn bố trí bổ sung điểm trường THCS giáp khu vực dân cư hiện có thôn Phù Dực 1 để đảm bảo bán kính phục vụ cho khu ở mới và khu dân cư hiện hữu.

Các không gian di tích Phù Đổng cần được bảo tồn, tôn tạo nằm trong ranh giới thị trấn gồm: Đền Thượng, Đình Hạ Mã, chùa Hương Hải, chùa Kiến Sơ, Miếu Ban, Giá Ngự, đền Mẫu, Bãi phất cờ, Hồ soi bia, Cố Viên, Đóng Đàm (đây là các khu vực bảo vệ di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích Phù Đổng).

Cùng với đó, liên kết tuyến du lịch với các công trình di tích lịch sử - văn hóa trong địa bàn huyện Gia Lâm (các cụm di tích Chử Đồng Tử; Cao Bá Quát, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Ngọc Hân; với hệ thống chùa thờ tứ pháp, đình, đền) với hệ thống các lễ hội, các làng nghề (Bát Tràng, Đa Tốn, Kiêu Kỵ) và các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.(TBNH)

Nguy cơ dư thừa thịt lợn những tháng cuối năm

Nhiều chủ trang trại nuôi lợn ở khu vực miền Đông Nam bộ lo ngại, do tình trạng tăng đàn liên tục, thịt lợn có thể bị dôi dư với số lượng lớn trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp và các hộ gia đình đều có xu hướng mở rộng chuồng trại và tăng đàn.

Công ty Japfa ở xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vừa xuất chuồng 11.000 con lợn thịt loại 50-60kg/con cho các hộ chăn nuôi, sau khi lợn nuôi đạt đến 80-100 kg/con thì xuất đi Trung Quốc. Đại diện Công ty Japfa cho biết, doanh nghiệp này tiếp tục thả 11.100 heo giống để cung cấp cho thị trường.

Theo ông Mai Văn Liêm - chủ trại nuôi heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, lợn nuôi “trốn” được dịch bệnh, giá lên cao nên người nuôi có lãi. Vì vậy, hầu hết các trang trại, hộ gia đình ở huyện Định Quán đều tăng đàn, có nơi tăng đến 100%.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang đánh giá, với tốc độ tăng đàn như hiện nay, dự kiến trong 2 năm tới, tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai có thể chạm ngưỡng 2 triệu con.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp lo ngại: Sức mua thịt lợn ít nhiều vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhu cầu của thị trường nội địa chưa thấy dấu hiệu tăng. Trong khi đó, đàn lợn đang phát triển từng ngày nên rất dễ xảy ra tình trạng dư thừa thịt. Bên cạnh đó, tình trạng tăng đàn nhanh như hiện nay là không bình thường và cần phải tính đến yếu tố thị trường để hạn chế tình trạng dư dôi sản lượng; thay vì tăng đàn, người nuôi nên tập trung kiểm soát an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất để hạ giá thành.(BCT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục