tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 24-05-2016

  • Cập nhật : 24/05/2016

Kỳ vọng lớn về thương mại, đầu tư Việt – Mỹ

Tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ còn rất lớn, nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực…

da giay la mot mat hang co the manh cua viet nam xuat khau sang my. (anh minh hoa: ttxvn)

Da giầy là một mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sau hơn 20 năm kể từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ, nhìn từ góc độ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã có những dấu ấn và bước phát triển quan trọng. Đến nay, Mỹ đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam cũng đã vươn lên vị thế lên thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ so với thứ 26 trong năm 2014. Tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư của 2 bên còn rất lớn, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ nâng quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước lên một tầm cao mới.

Da giầy là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Riêng quý 1 năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 12%, tương ứng 918 triệu USD, cao hơn so với thị trường EU đạt gần 900 triệu USD. Như vậy, Mỹ đã vượt qua cả thị trường thị trường EU, vốn lâu nay được coi là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày Việt Nam.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam cho biết, cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang thị trường Mỹ còn rất lớn: “Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các mức thuế giảm về 0% thì cơ hội mở cửa thị trường rất lớn, tăng trưởng xuất khẩu của ngành rất tốt. Năm 2015, thị trường Mỹ tăng trưởng tới 50%, chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mọi năm thị trường EU đứng đầu, nhưng năm nay Mỹ đứng đầu. Có thể thấy mức độ quan tâm và cơ hội vào thị trường Mỹ rất lớn.”

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lên tới 11,45 tỷ USD. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ nhập từ Mỹ 2,47 tỷ USD, khiến cán cân thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam với mức thặng dư gần 9 tỷ USD. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong số các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Sự “tăng tốc” ngoạn mục này khiến Mỹ đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam cũng vươn lên vị thế lên thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ. Để có được những kết quả như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài nỗ lực hợp tác, mà một trong những dấu mốc có tầm ảnh hưởng quan trọng, đó là việc hai nước chính thức ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) vào năm 2000. Sau 15 năm, thương mại giữa Việt Nam – Mỹ tăng trưởng vượt bậc từ mức 1,5 tỷ USD lên tới trên 41,3 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, với kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ ngày càng lớn, trong tương lai, vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Đây là một thị trường rộng lớn, hàng năm nhập khẩu tới 2.000 tỷ USD, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ mới chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này, cho thấy, giữa hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện hợp tác giao thương, nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

“Khi có Hiệp định TPP có hiệu lực, Việt Nam có thể hưởng lợi tốt với dệt may, giày dép, thủy sản…Từ thị trường Mỹ chúng ta có khả năng nhập công nghệ nguồn, đầu tư công nghệ cao, công nghệ chế biến…Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với chúng ta tỷ trọng xuất khâu vào Mỹ tương đối lớn nhưng so với thị trường nhập khẩu ở Mỹ còn nhỏ, cho thấy dư địa còn rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác thì kim ngạch còn lên cao hơn.”- ông Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh thương mại, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ cũng có những bước phát triển vượt bậc. Tính đến cuối năm 2015, các nhà đầu tư Mỹ đã rót trên 11,3 tỷ USD vào Việt Nam, với 781 dự án và xếp vị trí thứ 8 trong tổng số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Từ năm 2006, bắt đầu chứng kiến những dự án lớn của Mỹ tại Việt Nam, trong đó phải kể tới Công ty Intel (Mỹ) đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chipset tại Khu công nghệ cao TPHCM.

Năm 2014, nhà đầu tư Microsoft chuyển các nhà máy, dây chuyển sản xuất smartphone từ Trung Quốc, Mexico, Hungary sang Bắc Ninh -Việt Nam và quyết định nâng cấp vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD....Mới đây, công ty Jabil chuyên sản xuất các thiết bị điện tử có nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao TP HCM cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất... Ngoài ra, còn triển khai nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thực phẩm, nông nghiệp cũng được triển khai.

Theo báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Mỹ tại các nước thuộc ASEAN được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore công bố, Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong ASEAN, sau Indonesia. Các nhà đầu tư Mỹ đang muốn gia tăng đầu tư và đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, có đầy đủ cơ sở, tiền đề để đặt niềm tin vào mục tiêu này: “Các nhà đầu tư Mỹ cần nhìn nhận nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam tốt hơn. Đồng thời Việt Nam cũng cần thay đổi cơ bản cách tiếp cận vốn đầu tư của Mỹ. Chúng ta đã có quan hệ tốt từ những chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Và sắp tới Tổng thống Mỹ sẽ thăm chính thức Việt Nam. Tôi cho rằng các tiền đề thu hút vốn đầu tư của Mỹ là đầy đủ. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ những yêu cầu của các nhà đầu tư Mỹ, giải quyết được các vấn đề mà doanh nghiệp của Mỹ quan tâm. Lúc đó mục tiêu Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam sẽ thành hiện thực.”

Nếu như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ mở một trang mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ là một “cú hích” mang đến nhiều cơ hội lớn về thương mại và đầu tư giữa hai nước. Cùng với đó, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên không chỉ thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên mà còn đặt ra nhiều kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.


Hải quan Đà Nẵng tăng thu nhờ ô tô

Theo thông tin sơ bộ cập nhật của Tổng cục Hải quan, hết ngày 22-5, Cục Hải quan Đà Nẵng thu ngân sách được 1.059 tỷ đồng, đạt 48,15% so với chỉ tiêu dự toán cả năm.

hoat dong nghiep vu tai hai quan da nang. anh: hong vi.

Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vi.

Đây là kết quả khả quan tại Hải quan Đà Năng, bởi trong vòng vài năm trở lại đây số thu của đơn vị luôn trong tình trạng chật vật do kim ngạch nhập khẩu xăng dầu (một nguồn thu chủ lực của Cục) luôn sụt giảm.

Kết quả thu khởi sắc của năm 2016 của Cục Hải quan Đà Nẵng đến từ các mặt hàng xuất nhập khẩu có thuế tăng cao, nhất là mặt hàng ô tô nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, cập nhật hết tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cục đạt 774,8 triệu USD giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu có thuế lại tăng tới 17%.

Cụ thể, trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 394,9 triệu USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ, tuy nhiên hàng hóa xuất khẩu có thuế đạt 62,4 triệu USD, tăng tới 61,2%.

Hàng hóa nhập khẩu đạt trị giá 379,9 triệu USD, tăng 8%, trong đó trị giá kim ngạch hàng nhập khẩu có thuế đạt 252,9 triệu USD, tăng 10,1%.

Đáng chú ý trị giá kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô tính đến hết tháng 4 tại Cục Hải quan Đa Nẵng tăng tới 365%, giúp số thuế từ mặt hàng này tăng 362%, đóng góp tới 22% trong tổng số thu toàn Cục.

Ngoài ô tô, nhiều mặt hàng có đóng góp lớn về số thu tại Hải quan Đà Nẵng đều có mức tăng cao so với cùng kỳ như sắt thép tăng 119%; cát tăng 54,6%; máy móc thiết bị tăng 18%...

Năm 2016, Cục Hải quan Đà Nẵng được giao dự toán thu ngân sách 2.200 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu trong hơn 7 tháng còn lại của năm nay, đơn vị phải thu 1.141 tỷ đồng.


Cần may “áo giáp” cho nông dân Việt Nam

Nông dân được đánh giá là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong hội nhập sâu, đặc biệt khi TPP có hiệu lực. Để giảm bớt những thương tổn, nâng cao năng lực ứng phó của nông dân Việt Nam, ông Lê Đức Thịnh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giải pháp quan trọng là xây dựng được các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho nông dân như một “áo giáp” nhiều mặt.

Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà nông dân Việt Nam phải đối mặt trong hội nhập sâu?

Hiện, cả nước có khoảng trên dưới 10 triệu hộ nông dân, đa phần là các hộ sản xuất nhỏ, bình quân đất đai chỉ khoảng 0,62 ha/hộ. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó lớn nhất là TPP và AEC, nông dân đang gặp phải hàng loạt khó khăn thách thức như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chịu rủi ro cao; khả năng thích ứng và chống đỡ các cú sốc, đặc biệt là cú sốc về thị trường còn yếu; thông tin và tiếp cận thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; sự tham gia liên kết trong các chuỗi giá trị nông sản chưa cao.

Theo ông, để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông dân Việt Nam nói riêng từng bước hội nhập thành công, đâu là giải pháp mang tính đột phá?

Tôi cho rằng, giải pháp quan trọng, thậm chí mang tính đột phá để giải quyết vấn đề chính là phải xây dựng được các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho nông dân như một “áo giáp” nhiều mặt, nhiều lớp, vừa để bảo vệ che chắn vừa là nâng cao năng lực cho nông dân.

Các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nông nghiệp (gọi tắt là các APOs) là tập hợp tự nguyện do chính những người nông dân hoặc người sản xuất bầu ra, được quản lý dân chủ.

Theo truyền thống, APOs có 3 loại chính. Loại thứ nhất là các liên minh/liên đoàn/liên hiệp/hiệp hội có chức năng chính là bảo vệ quyền lợi của thành viên/người sản xuất. Loại thứ hai là các tổ chức nghề nghiệp mang tính chất dẫn dắt và định hướng kinh tế cho thành viên/hộ gia đình nông dân. Đó là các hợp tác xã, tổ hợp tác do người nông dân tự nguyện thành lập hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng giữa các thành viên. Loại thứ ba là các tổ chức tư vấn hoặc hỗ trợ thực thi chính sách phát triển trong sản xuất và thương mại nông sản. Ở một số nước, loại này thường là các phòng nông nghiệp ở cấp huyện. Đây vẫn là tổ chức do người dân bầu lên và thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn nông dân tiếp cận chính sách.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các loại hình tổ chức xã hội nghề nghiệp nông nghiệp được lồng ghép vào trong một tổ chức lớn mạnh cấp quốc gia là Liên minh hợp tác xã Nhật Bản (JA) hay Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF).

Dễ thấy, ở Việt Nam hiện nay cũng đã tồn tại một số hình thức được xem như APOs . Xin ông phân tích rõ hơn, đặc điểm của hệ thống APOs tại Việt Nam cũng như vai trò của các đơn vị này trong nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân?

Do khái niệm về APOs ở Việt Nam chưa thực sự được sử dụng rộng rãi và do hoàn cảnh kinh tế, chính trị Việt Nam rất khác so với các quốc gia khác nên đặc điểm của hệ thống APOs cũng khá khác biệt.

Mô hình tổ chức APOs chưa rõ ràng. Hệ thống chủ yếu là các hợp tác xã/tổ hợp tác hỗ trợ dẫn dắt kinh tế hộ nông dân, nhưng số đơn vị hoạt động hiệu quả chưa cao. Các thể chế tổ chức hội, liên đoàn, nghiệp đoàn mang chức năng bảo vệ quyền lợi của người sản xuất dạng như các liên đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội, đặc biệt là hiệp hội ngành hàng đã có nhưng chưa mạnh. Các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cũng tham gia bảo vệ và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhưng thiếu chiến lược tham gia rõ ràng.

Ngoài ra, điều đáng nói là ở Việt Nam hiện nay thiếu các tổ chức tư vấn, giám sát, đánh giá việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển (các Phòng Nông nghiệp hoặc tương đương). Các phòng nông nghiệp ở Việt Nam là đơn vị tham mưu cho UBND cấp huyện trong quản lý Nhà nước về nông nghiệp chứ không phải là tổ chức phi Nhà nước do nông dân, người sản xuất bầu ra. Vì vậy, một mặt người sản xuất thiếu đội ngũ tư vấn trong tiếp cận chính sách, mặt khác các chính sách được ban hành không được theo dõi đánh giá một cách khách quan.

Việt Nam nên xây dựng hệ thống APOs như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?

Việt Nam khó có thể áp dụng nguyên bản các mô hình tổ chức APOs như tại các nước châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc… Với đặc thù kinh tế xã hội, khó có thể thay đổi một sớm một chiều vai trò của Liên minh hợp tác xã theo hướng tạo nên một nghiệp đoàn độc lập, đại diện cho quyền lợi của các thành viên (nông dân). Chính phủ có thể ủy quyền và hỗ trợ cho Liên minh hợp tác xã các chức năng “độc quyền” về cung cấp tài chính, thương mại nông sản như các Chính phủ Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm với JA và NACF. Ngoài ra, với quy định của Luật tổ chức hành chính hiện nay, khó có thể thay đổi hay bổ sung mô hình tổ chức “Phòng Nông nghiệp” ở cấp huyện theo nguyên tắc dân cử như một số nước đã làm nhằm tạo ra tổ chức phi Nhà nước thực hiện việc tư vấn, giám sát đánh giá độc lập việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ ở các địa phương.

Giải pháp tốt nhất để củng cố phát triển và hoàn thiện APOs là huy động sự tham gia của Hội Nông dân Việt Nam vào một số các chức năng của APOs. Đặc biệt là chức năng bảo vệ quyền lợi của nông dân và người sản xuất; chức năng tư vấn, giám sát, đánh giá việc thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển ở địa phương.


Danh tính nhiều công ty đa cấp “chui” bị “bêu” tên

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tiếp tục phát hiện danh tính 14 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan có thẩm quyền. 

hoat dong ban hang da cap du nhap vap viet nam da bi "bien tuong". anh internet.

Hoạt động bán hàng đa cấp du nhập vàp Việt Nam đã bị "biến tướng". Ảnh internet.

Theo đó, các doanh nghiệp bị phát hiện lần này phần lớn đóng trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó có đến 8 doanh nghiệp đặt tại quận Cầu Giấy gồm: Công ty Cổ phần Everrichs Global, Công ty Cổ phần Thương mại Merro, Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Focus Việt Nam, Công ty Công nghệ mới và Phát triển quốc tế Amkey Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Lotus Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển UNION Việt Nam, Công ty Cổ phần BigForest, Công ty Cổ phần KDM Việt Nam.

3 trường hợp khác cũng kinh doanh đa cấp không phép bị cơ quan chức năng phát hiện tại Hà Nội gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư toàn cầu đại dương xanh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương mại Thiên Lộc Phát, Công ty Cổ phần Thiên Phương Việt Nam.

“Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này để người dân biết và cảnh giác. Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với sở công thương, Cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời”, cơ quan này khuyến cáo.

Trước đó, Bộ Công Thương đã phát hiện nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm lỗi “hoạt động bán hàng đa cấp nhưng chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động với cơ quan có thẩm quyền” đồng thời tước giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp.

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của Cục Quản lý cạnh tranh được thực hiện liên tục ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Ông Nguyễn  Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đang đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ có bản dự thảo theo hướng quản lý, siết chặt bán hàng đa cấp làm sao quản lý tốt hơn.

Còn theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù Nghị định 42 mới được ban hành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên cần phải đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa đổi cho phù hợp.


Giới nghị sĩ và cựu binh Hoa Kỳ ủng hộ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Quyết định lịch sử ngày 23/5 của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính giới và của những cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người từng tham gia cuộc Chiến tranh Việt Nam.

tong thong barack obama dua ra tuyen bo hoa ky chinh thuc go bo hoan toan lenh cam ban vu khi sat thuong da ap dung may thap ky qua doi voi viet nam. anh: nhan sang/ttxvn

Tổng thống Barack Obama đưa ra tuyên bố Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đã áp dụng mấy thập kỷ qua đối với Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Washington, trong các tuyên bố phát đi từ Đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, các nghị sĩ cấp cao nước này khẳng định họ ủng hộ Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker nêu rõ: "Quốc hội sẽ phối hợp với chính quyền để đảm bảo sự thay đổi quy mô lớn trong chính sách của ngày hôm nay phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ ". Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Patrick Leahy, nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ phụ trách giám sát ngân sách Bộ Ngoại giao, cho biết sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ xem xét từng trường hợp bán vũ khí cho Việt Nam và các quyết định bán vũ khí sẽ dựa trên đánh giá về nhiều yếu tố liên quan. 

Không chỉ chính giới Hoa Kỳ ủng hộ việc Chính quyền Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt hàng thập kỷ qua đối với Việt Nam, các cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam cũng lên tiếng hoan nghênh bước đi lịch sử này. 

Nhiều cựu chiến binh đánh giá đây là một nỗ lực hợp lý nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông Ned Foote, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hoa Kỳ tại New York, hoan nghênh việc Chính quyền Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Ông nhấn mạnh việc Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ tìm kiếm và hồi hương hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh. 

Theo ông Foote, chính quyền Washington từ lâu đã hàn gắn quan hệ với những nước đối địch trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai và không có lý do gì để không làm điều tương tự với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang ngày càng trở thành các đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách chương trình cựu binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam Bernard Edelman nói rằng “chiến tranh đã là quá khứ… Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các nhịp cầu với người dân Việt Nam”. 

Một cựu binh khác, ông Willie Guzman, người từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn 1969-1971, cũng cho rằng với tư cách là Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đã quyết định đúng đắn khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục