tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 15-03-2016

  • Cập nhật : 15/03/2016

Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả lũ cứu hạn đồng bằng sông Cửu Long

Việt Nam đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
ba pham thu hang, pho phat ngon bo ngoai giao viet nam. anh: quy doan

Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Quý Đoàn

"Vừa qua, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao, đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Me Kong để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam", Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm nay cho biết.

"Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 4/4", bà Phạm Thu Hằng nói thêm.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Me Kong là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước. Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.

vi tri cua thuy dien canh hong (jinghong). do hoa: michael buckley

Vị trí của thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong). Đồ họa: Michael Buckley


Trung Quốc trồng hàng trăm nghìn cây tại các thực thể ở Biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên trồng cây phủ xanh trên các thực thể nước này chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
trung quoc trong cay tai da subi, quan dao truong sa, thuoc chu quyen viet nam. anh: sansha.gov.cn

Trung Quốc trồng cây tại đá Subi, quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: sansha.gov.cn

Theo trang web của cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà Bắc Kinh lập trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hoạt động trồng cây được tổ chức vào ngày 10 - 31/3, trên hầu hết các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lực lượng tham gia trồng cây gồm quân đội, cảnh sát và cư dân đồn trú tại các thực thể.

Trung Quốc dự kiến trồng mới 500.000 giống cây con tại cồn cát Tây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba, đảo Cây ở Hoàng Sa và tại đá Subi, đá Vành Khăn, đá Chữ Thập ở Trường Sa. Các cây giống được Bắc Kinh chọn gồm phi lao, dừa, bão táp và một số loài hoa. Trung Quốc sẽ trồng tổng cộng 200.000 cây tại quần đảo Hoàng Sa và 300.000 cây tại các đá ở quần đảo Trường Sa.

Trong năm 2015, Trung Quốc đã trồng hơn 300.000 cây giống tại các thực thể nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc hôm qua ngang nhiên điều một con tàu gần 10.000 tấn có tên "Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ" để phục vụ tuyến du lịch phi pháp tới quần đảo Hoàng Sa.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ năm 1974. Bắc Kinh cũng ngang nhiên bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép tại 7 bãi đá ở Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam khẳng định việc chiếm đóng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các đá ở Trường Sa là vô giá trị, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.


Kẻ sát hại bạn gái người Việt ở Singapore nhận án tù hơn 9 năm

Người đàn ông Singapore khiến Tran Cam Ny, một vũ công người Việt, thiệt mạng cách đây hai năm hôm nay bị kết án tù giam.
nan nhan la ban gai cua peng. anh: strait times

Nạn nhân là bạn gái của Peng. Ảnh: Strait Times

Jackson Lim Hou Peng, 41 tuổi, bị Singapore tuyên án tù giam 9 năm rưỡi cùng ba gậy phạt do sát hại bạn gái tại căn hộ thuộc khu Ang Mo Kio năm 2014, Straits Times cho hay.

Theo Tòa dân sự tối cao, Peng giết hại Tran, 32 tuổi, trong khi cố kiềm chế cô khỏi cơn phê thuốc khi cả hai cùng sử dụng ma túy đá trong căn hộ.

Lo rằng tiếng ồn sẽ khiến hàng xóm gọi cảnh sát, có thể khiến cả hai gặp rắc rối, Peng đã lấy chăn trùm kín để Tran không hét lên. Anh ta bị kết tội giết người chưa tới mức độ cố ý và sử dụng ma túy đá. Tran là ca sĩ kiêm vũ công ở quán bar KTV. 

Theo lời hàng xóm, Peng là một tay ma cô thường xuyên lui tới khu đèn đỏ và đưa về nhà các phụ nữ ăn mặc hở hang, say xỉn lúc sáng sớm. Một người sống ở tầng 8 cho biết suốt nửa năm, bà rất hay nghe thấy những cuộc cãi vã vào sáng sớm ở căn hộ phía trên. Vào khoảng 7h30 đến 9h30 sáng hôm xảy ra án mạng, ngoài tiếng cãi cọ, bà còn nghe thấy những tiếng bát đĩa vỡ và tiếng khóc của một người phụ nữ.


Nhà thầu Nhật đòi lãi tiền thưởng vượt tiến độ vành đai 3 Hà Nội

Ban quản lý dự án Thăng Long vừa kiến nghị Bộ Giao thông phê duyệt giá trị tiền thưởng cho nhà thầu do hoàn thành sớm dự án vành đai 3 trên cao Hà Nội. 

Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết ngày 7/3 vừa qua, nhà thầu thi công gói thầu số 2 là Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán giá trị tiền thưởng của gói thầu số 2.

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, số tiền thưởng mà Ban này trình duyệt là 173,7 tỷ đồng đã được thành lập theo phương pháp tính của Bộ Giao thông Vận tải và được Bộ Xây dựng thống nhất, đồng thời được đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra, được Bộ Giao thông chấp thuận về nguyên tắc.Năm 2013, sau khi dự án vành đai 3 hoàn thành (đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm), Ban Quản lý dự án Thăng Long từng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt khoản thưởng gần 180 tỷ đồng cho các nhà thầu do đã vượt tiến độ.

vanh dai 3 tren cao doan linh dam - bac ho linh dam duoc hoan thanh truoc ke hoach hon mot nam. anh: ba do. 

Vành đai 3 trên cao đoạn Linh Đàm - Bắc Hồ Linh Đàm được hoàn thành trước kế hoạch hơn một năm. Ảnh: Bá Đô. 

Cụ thể, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco4 (Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4) được đề nghị thưởng 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành sớm gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; nhà thầu Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì hoàn thành vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) trước 454 ngày.

Lý giải việc thưởng tiến độ dự án này, Ban quản lý Thăng Long cho rằng, theo điều khoản của hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, trong trường hợp vượt tiến độ, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn, nhưng không được quá 12% giá trị lợi ích mang lại.

Tính toán của Ban quản lý dự án Thăng Long cho thấy, tổng giá trị lợi ích từ việc rút ngắn tiến độ 2 gói thầu này vào khoảng 1.499 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí điều chỉnh giá hơn 9,6 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí dịch vụ tư vấn 48 tỷ đồng. Vì vậy, giá trị tiền thưởng tối đa cho nhà thầu là 179 tỷ đồng. 

Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, số tiền đề xuất thưởng sẽ được lấy từ nguồn vốn ODA của dự án. Thời gian qua việc chi thưởng chưa tiến hành do Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ việc chi thưởng. 


Hội nghề cá: 'Trung Quốc phải bồi thường cho chủ tàu cá Quảng Nam'

Cho rằng việc cướp phá tàu ngư dân Quảng Nam của Trung Quốc là phi lý, vô nhân đạo, Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản phản đối hành động này.

"Hành động cướp phá tàu ngư dân là phi lý, vô nhân đạo, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống ngư dân đi khai thác hải sản trên biển", văn bản phát đi ngày 14/3 của Hội nghề cá nêu rõ. Hội yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho chủ tàu cá tỉnh Quảng Nam. Hội nghề cá cũng đề nghị các cơ quan của Việt Nam lên tiếng phản đối hành động phi pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ ngư dân hoạt động sản xuất an toàn trên biển của Việt Nam.

luoi cua ngu dan bi phia trung quoc cat pha. anh: ctv.

Lưới của ngư dân bị phía Trung Quốc cắt phá. Ảnh: CTV.

Trước đó, trưa 6/3, tàu cá của ông Võ Quang Thái (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) đang hành nghề lưới vây, đánh bắt cá thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bất ngờ có 13 người thuộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng ca nô áp sát mạn tàu.

11 người được vũ trang nhảy lên tàu đập phá máy Icom cắt đứt liên lạc giữa ngư dân với cơ quan chức năng trên đất liền. Sau đó họ sử dụng roi điện, gậy đập phá tài sản, khống chế 10 ngư dân của Việt Nam và dồn họ về phía mũi tàu.

Lực lượng này lục soát các hầm chứa cá và thấy có một tấn cá, mực, đồng thời lập biên bản phi lý, bắt chủ tàu phải ký vào biên bản. Họ còn cắt ngư cụ, đập bể hai thúng chai ném xuống biển và cướp toàn bộ hải sản. Thậm chí họ còn đe dọa nếu không rời khỏi vùng biển Hoàng Sa thì sẽ đâm bể tàu cá. Ước tính, tàu của ông Thái thiệt hại trên 300 triệu đồng.

Sau vụ việc, Hội nghề cá Quảng Nam đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam gọi hành động của cướp phá của tàu hải cảnh Trung Quốc là "nguy hiểm, có dụng ý đe dọa tinh thần, an toàn tính mạng và gây thiệt hại về kinh tế với ngư dân Việt Nam".

Về chủ tàu Võ Quang Thái, ngư dân này từng được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen vì thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014. Ông Thái có gia cảnh khó khăn, mang nợ hàng trăm triệu đồng đóng tàu nhiều năm chưa trả được. Ngư dân này bày tỏ muốn chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí sửa chữa, mua sắm thiết bị để tiếp tục ra khơi sớm.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục