tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 14-03-2016

  • Cập nhật : 14/03/2016

Miễn thuế cho cư dân biên giới có tiếp tay cho buôn lậu?

Dự thảo Luật Thuế xuất - nhập khẩu (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11, tiếp tục thực hiện miễn thuế cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng. “Chính sách này gián tiếp hỗ trợ cư dân biên giới nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo”, ông Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh việc nên hay không miễn thuế đối với hàng hóa mà cư dân biên giới mua bán, trao đổi trong hạn mức với nước bạn có chung đường biên giới. Quan điểm của ông thế nào?

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế xuất - nhập khẩu (sửa đổi), ý kiến phản đối cho rằng, Việt Nam có tổng chiều dài đường biên giới rất dài (4.639 km), nếu tiếp tục miễn thuế cho cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa với cư dân nước bạn vô hình trung tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.

ong nguyen lam thanh, thuong truc hoi dong dan toc cua quoc hoi

Ông Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chính sách thương mại biên giới có vị trí rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương có đường biên giới, đồng thời giải quyết đời sống, sinh hoạt của người dân đang sống ở vùng phên dậu của Tổ quốc, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo.

Việc miễn thuế cho cư dân biên giới được thực hiện từ năm 2003 và thực tế cho thấy, chính sách này góp phần đáng kể khiến hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng. Theo ông, chống tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi thuế cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa với cư dân nước bạn bằng cách nào?

Theo tôi, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các trạm đường biên và tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào nội địa; làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân, tránh để cho đối tượng buôn lậu, hoạt động bất hợp pháp lợi dụng. Quan trọng hơn, phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm tại địa phương giáp ranh vì khi có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, người dân sẽ không đi “cõng hàng” cho buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu qua biên giới.

Buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới ngày càng phức tạp, nhức nhối vì ngay cả việc phát hiện cư dân biên giới mua hàng hóa ở nước ngoài về sử dụng hay tiếp tay cho buôn lậu cũng không dễ dàng gì, thưa ông?

Theo tôi, phát hiện tình trạng thu gom hàng hóa cho “đầu nậu”, tiếp tay cho buôn lậu không khó. Ví dụ, kể từ ngày 15/2/2016, theo Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới vừa được Bộ Công thương ban hành, cư dân biên giới được miễn thuế khi mua cầu dao, rơ le, công tắc, bộ triệt xung điện, phích cắm, đui đèn; bút bi, bút chì, bút phớt các loại… Nếu cư dân biên giới mua mỗi loại vài ba thứ, thì chắc chắn họ mua về để sử dụng, còn nếu mua nhiều chắc chắn là có hiện tượng gom hàng cho “đầu nậu”. Khi phát hiện hiện tượng này, cơ quan hải quan dứt khoát không cho miễn thuế, kể cả giá trị hàng hóa mua chưa đến 2 triệu đồng.

Nếu chống được tình trạng gom hàng, tiếp tay cho buôn lậu, theo ông có nên nâng mức giá trị được miễn thuế hay không, vì mức miễn thuế 2 triệu đồng/người/ngày đã thực hiện 10 năm?

Gia đình cư dân giáp biên thường nghèo và đông nhân khẩu. Giả sử gia đình có 5-6 người, mỗi lần họ qua chợ đường biên, khu vực cửa khẩu mua hàng thì tổng giá trị mua hàng được miễn thuế đã lên tới 10-12 triệu đồng, số tiền quá lớn với người dân và cũng quá lớn nếu chỉ mua hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân. Do vậy, chưa nên tăng giá trị hàng được miễn thuế. Nếu tăng sẽ gián tiếp tiếp tay cho buôn lậu, vì “đầu nậu” sẽ thuê nhiều người qua biên giới mua hàng, mỗi người chỉ mua các loại hàng hóa mỗi thứ một ít đem về nội địa gom lại và chuyển sâu vào thị trường nội địa.


Thuỷ điện A Vương: Dừng phát điện dành nước chống hạn

Đã 3 tháng nay, Nhà máy Thuỷ điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) phải dừng phát điện với mục tiêu dành nước cho hạ du trong mùa khô. Tuy nhiên, Nhà máy vẫn phải đảm bảo các chế độ cho người lao động mà hiện chưa có cơ chế hỗ trợ nào của Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Bản, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương cho hay, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino từ các năm 2014 - 2015 và vẫn còn kéo dài dự báo tới giữa năm 2016 nên lưu lượng nước về hồ chứa rất thấp.

Để đảm bảo tích nước đến cuối mùa lũ và đầu mùa cạn năm 2016, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tạm thời tách Nhà máy Thuỷ điện A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ 0h ngày 8/12/2015. “Cho tới nay, Nhà máy đã dừng phát điện tròn 3 tháng để tích nước  hồ, nhằm đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa hè 2016”, ông Bản nói và cho hay, tại thời điểm này, hồ thuỷ điện A Vương vẫn ở mức thấp và không đảm bảo mực nước quy định tại phụ lục III của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quyết định 1537/2015/QĐ-TTg nên vẫn không được phát điện.

nha may thuy dien a vuong

Nhà máy Thuỷ điện A Vương

Trước đó, năm 2015, cũng do ảnh hưởng của Elnino nên lượng nước về hồ thuỷ điện A Vương đạt thấp, đặc biệt lưu lượng nước về các hồ trong các tháng mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12/2015 chỉ đạt 36,57 m3/s, bằng 66,47% so với lưu lượng nước về trung bình cùng kỳ của nhiều năm. Tính tới cuối mùa lũ vào thời điểm ngày 15/12/2015, hồ chứa thủy điện A Vương chỉ tích được tới cao trình 357 mét, thiếu 23 mét so với mực nước dâng bình thường.

Năm 2015, Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương cũng chỉ đạt sản lượng điện bằng 87% kế hoạch được giao do dừng phát điện từ ngày 8/12/2015, doanh thu từ sản xuất điện giảm khoảng 15% so với dự kiến, tuy tổng doanh thu chung vẫn đạt 97% kế hoạch. “Lợi nhuận cũng không đạt được như Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đặt ra, nhưng Công ty vẫn cố gắng trả cổ tức cao hơn mức lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng”, ông Bản cho hay.

Còn tình hình kinh doanh của năm 2016 cũng chưa có gì sáng sủa. Do dừng phát điện nên sản lượng điện từ đầu năm 2016 đến thời điểm ngày 10/3/2016 chỉ đạt 3,9 triệu kWh, bằng 0,74% kế hoạch sản lượng điện được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Công ty trong năm 2016 là 530 triệu kWh.

Đáng chú ý là dù đã dừng phát điện 3 tháng và không có doanh thu từ bán điện, nhưng công tác duy trì hoạt động của nhà máy vẫn phải đảm bảo, các ca trực vẫn tiến hành bình thường 24/24h và luôn ở tư thế sẵn sàng phát điện trong trường hợp được yêu cầu. Vì vậy, lương của người lao động vẫn phải trả đủ và không có tình trạng chỉ hưởng 70% do dừng vận hành, không phát điện.

Trong khi đó, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), địa bàn được hưởng lợi trực tiếp khi Nhà máy Thuỷ điện A Vương xả nước đang khá yên tâm không lo thiếu nước mùa cạn như nhiều địa phương khác. Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc cho hay, cả huyện có 4.400 ha lúa và có 10/18 xã của Đại Lộc nằm trong vùng hạ lưu sông Vu Gia, sẽ dùng nước từ Nhà máy Thuỷ điện A Vương khi xả xuống. Hiện tại, nước cho sinh hoạt và nông nghiệp đang được sử dụng từ các nguồn hiện có tại địa bàn, còn tới khi vào mùa cạn và phục vụ nông nghiệp vụ hè thu, các địa bàn này sẽ được cấp nước khi thuỷ điện A Vương được xả nước theo điều hành của người đứng đầu tỉnh Quảng Nam.

Ông Bản cũng cho hay, với thực tế nước về hiện nay chỉ là 8-10 m3/s, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-40% thì tới thời điểm ngày 11/3 tới, có thể hồ A Vương vẫn thiếu khoảng 2,5 mét theo quy định tích nước tại Quyết định 1537/2015/QĐ-TTg. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phải đưa ra quyết định, hoặc xả nước hạn chế khi nhu cầu hạ du có nước cao, hoặc tiếp tục dừng vận hành nhà máy nếu các trạm bơm dưới hạ du vẫn đảm bảo được việc lấy nước từ sông hiện có.

“Công ty và ngành điện chấp hành rất nghiêm túc yêu cầu dừng phát điện để giữ nước cấp cho hạ du trong mùa cạn, nhưng cũng mong các cơ quan hữu trách sớm có các tính toán hay giải pháp hỗ trợ để giảm thiệt hại cho các nhà máy thuỷ điện khi phải dừng phát điện, giữ nước đảm bảo cho mục tiêu an sinh xã hội. Hiện tại, các doanh nghiệp phải tự thân vận động, xoay xở và chưa có cơ chế hỗ trợ nào khi nhiều nhà máy thuỷ điện vốn chỉ có mục tiêu phát điện trước đây trở thành đa mục tiêu và phải tham gia vào thị trường điện cạnh tranh”, ông Bản nói.


Ngân sách không bị động nếu dự toán tốt giá dầu

Nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ giữa năm 2014 đến nay bị tác động rất mạnh bởi giá dầu. Làm thế nào để cân đối NSNN hàng năm không phải phụ thuộc sự “đỏng đảnh” của thị trường dầu mỏ thế giới là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Giá dầu luôn là một ẩn số làm “đau đầu” các tổ chức tài chính và chuyên giakinh tế quốc tế khi đưa ra dự báo. Ông dự báo thế nào về diễn biến giá dầu trong thời gian tới?

Tôi không thể dự báo được giá dầu, mà chỉ có thể dự báo xu hướng của giá dầu. Theo tôi, giá dầu xuống 10-20 USD/thùng khó có khả năng xảy ra, vì với dầu đá phiến, giá thành khai thác khoảng 40 USD/thùng; với dầu mỏ, giá thành khai thác cũng vào khoảng 20-30 USD/thùng. Nếu giá dầu xuống mức này, càng khai thác càng lỗ thì doanh nghiệp khai thác dầu sẽ đóng mỏ.

..

Tuy nhiên, trong tương lai gần, giá dầu vẫn giao dịch ở mức thấp vì các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga, Mỹ sẵn sàng chịu lỗ để giữ thị phần, trong khi cầu chưa có dầu hiệu tăng trở lại, vì các nước sử dụng nhiều xăng dầu như Trung Quốc, Nhật Bản chưa thấy có sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Với xu hướng giá dầu như ông dự báo, xem ra cân đối NSNN rất căng thẳng?

Năm 2015, Quốc hội thông qua dự toán giá dầu 100 USD/thùng, thực ra chỉ bán được với giá 55 USD/thùng. Năm 2016, Quốc hội thông qua dự toán giá dầu 60 USD/thùng, nhưng trong tháng 1/2016, giá dầu trên thị trường thế giới giảm 15 - 20% so với tháng 12/2015. Sang đến tháng 2/2016, giá dầu giao dịch bình quân trên thị trường thế giới chỉ đạt 29,79 USD/thùng, giảm 6% so với tháng 1/2016 và giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, cứ mỗi thùng dầu giảm 1 USD, thì NSNN giảm thu 1.000 tỷ đồng và giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng nữa từ các khoản thuế, phí, lệ phí đánh vào xăng dầu thành phẩm.

Năm nào Quốc hội cũng thông qua dự toán giá dầu để tính cân đối ngân sách, nhưng giá dầu là một ẩn số khiến cân đối ngân sách như Bộ trưởng Bộ Tài chính nói là “đang đi trên dây”. Thưa ông, làm thế nào để cân đối ngân sách hết bấp bênh?

Theo tôi, nếu Quốc hội vẫn thông qua dự toán giá dầu thì phải đưa ra nhiều phương án, ít nhất là 3 phương án. Hoặc bỏ khoản thu từ dầu thô ra khỏi cân đối NSNN đưa vào một quỹ riêng, nếu thu được nhiều thì chi nhiều, thu ít chi ít và chỉ chi khoản này cho đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, trả nợ, giảm huy động vốn cho đầu tư phát triển. Còn ngân sách dự toán thu được bao nhiêu, cân đối cho các khoản chi có tính chất bắt buộc như chi thường xuyên, chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… Chỉ có như vậy, cân đối NSNN mới không phải “đi trên dây”, không bị động.

Trong bối cảnh giá dầu rất thấp, nhiều người cho rằng, nên tính đến việc giảm khai thác, thậm chí là đóng mỏ. Quan điểm của ông thế nào?

Vấn đề giảm khai thác thậm chí đóng cửa mỏ theo tôi được biết đã được tính đến cách đây khoảng 1 năm, nhưng cuối cùng thì năm 2015, sản lượng khai thác lại tăng thêm gần 2 triệu tấn dầu, chắc là để bù đắp cho trượt giá. Đây là bài toán phi kinh tế, phi thị trường. Vì vậy, theo tôi, các bộ, ngành cần phải rà soát lại, nếu thấy mỏ nào khai thác kém hiệu quả, đặc biệt là càng khai thác càng lỗ, thì có thể tạm đóng cửa vì nguồn tài nguyên này là hữu hạn.

Ông có cho rằng, giá dầu lao dốc là cơ hội để tái cơ cấu ngành khai thác dầu mỏ và đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài?

Tôi đánh giá rất cao việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) nhân cơ hội này tập trung tái cơ cấu, như giảm nhân công trực tiếp khai thác, tăng thời gian làm việc đối với lao động trực tiếp khai thác, tổ chức lại các phòng ban, giảm các chuyến bay qua lại giữa đất liền và các mỏ… để tiết giảm tối đa chi phí. PVN cũng có kế hoạch giảm sản lượng khai thác đối với các mỏ hiệu quả thấp để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Sau PVN, các doanh nghiệp khai thác dầu thô khác cũng tiến hành tái cơ cấu theo hướng này.

Bên cạnh đó, PVN vẫn tiếp tục thực hiện Chiến lược Đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ra nước ngoài đến năm 2025 và định hướng đến 2035. Giá dầu giảm là cơ hội để PVN đầu tư ra nước ngoài, nhưng chỉ đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò theo kiểu “xí phần” và chờ đợi khi giá dầu tăng trở lại sẽ đầu tư để khai thác. Đây là hướng đi đúng, PVN biết tìm ra cơ hội trong khó khăn khi giá dầu giảm.


22 DN Việt lọt top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Năm thứ ba liên tiếp, Unilever được người đi làm bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

Theo khảo sát thường niên vừa được Anphabe và Nielsen công bố cho thấy, Unilever tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Tiếp đó sau đó là Vinamilk, Nestle Vietnam, Procter&Gamble Vietnam (P&G), IBM Vietnam, Microsoft, Pesico, Viettel...

Đáng chú ý, năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam lọt vào top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Trước đó trong năm 2014, chỉ có 17 doanh nghiệp lọt vào top này thì năm 2015 đã tăng lên 22 doanh nghiệp với nhiều cái tên nổi trội như Novaland, Hòa Bình Corp, Bảo Việt Insurance, Masan, VinGroup…

Bên cạnh đó, năm nay một số doanh nghiệp Việt tăng mạnh về vị trí như Masan (từ 31 lên 13); Vingroup (từ 79 lên 41), FPT (từ 28 lên 21), Viettel (từ 18 lên 8)…

Về thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn, Vinamilk là đơn vị được đánh giá hấp dẫn nhất ở tiêu chí lương thưởng, phúc lợi. Nestle dẫn đầu tiêu chí văn hóa và giải trí. Intel dẫn đầu hai nhóm tiêu chí chất lượng công việc và danh tiếng công ty.

Về xu hướng dịch chuyển nhân sự, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nghỉ việc năm nay là 9%, trong đó tỷ lệ nghỉ việc ở lao động nam sẽ cao hơn nữ, cấp quản lý nhiều hơn nhân viên, tập trung ở khu vực phía Nam. 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc nhiều nhất là sản xuất hóa chất, hàng tiêu dùng nhanh, dịch vụ và tư vấn. 3 phòng ban có tỷ lệ nghỉ việc nhiều nhất là mua hàng, sản xuất và marketing.

Cũng theo khảo sát này, 3 yếu tố quan trọng được người đi làm đề cao trong khảo sát là lương, thưởng, phúc lợi. Trong đó, phúc lợi vươn lên hàng đầu trong các tiêu chí được quan tâm khi chọn việc, còn lương cạnh tranh giảm dần và rớt xuống vị trí thứ 7.

3 nguyên nhân khiến người đi làm Việt Nam áp lực nhất là: Lo lắng tài chính tương lai; công việc quá tải; cơ hội phát triển không rõ ràng. 

Ngoài ra, 2 nguyên nhân stress ảnh hưởng tiêu cực nhất đến độ gắn kết nhân viên là thiếu tin tưởng của ban lãnh đạo và văn hóa giảm động lực.

Khảo sát năm nay được triển khai trực tuyến từ tháng 9/2015 đến 12/2015 quy mô lớn hơn năm 2014 với 22.688 đáp viên hoàn thành thuộc 24 ngành nghề trên toàn quốc.


Khô hạn “đốt” hàng ngàn tỷ đồng của dân Tây Nguyên

Thời tiết nắng nóng, không có mưa khiến tình trạng khô hạn trên địa bàn Tây Nguyên càng nghiêm trọng.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, ông Trương Cúc ở thôn Nâm Xuân, xã Nâm N / Dir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) vừa lau mồ hôi vừa chỉ tay vào những gốc cà phê khô cằn vì thiếu nước. Ông Cúc cho biết từ tháng 9/2015 đến nay chưa có trận mưa nào lớn đủ cho một thùng chứa nước khiến 2 ha cà phê của gia đình ông lâm vào cảnh “khát” nước trầm trọng. Cà phê không được tưới nước nên năng suất giảm mạnh.

Ông Cúc dẫn chứng: Cách đây ba năm, mỗi năm dân trồng cà phê ở đây trung bình thu về 4 tấn/ha trở lên nhưng hai năm nay sản lượng giảm còn 2 tấn/ha. “Người dân nơi đây không dám đầu tư cho cây cà phê bởi chi phí đầu tư quá lớn, nhất là chi phí tưới nước, cộng với giá bán xuống thấp chỉ 31.000 đồng/kg (giảm 30% so với trước đây), người trồng chỉ huề vốn”, ông Cúc nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông), Ea H’Leo (Đắk Lắk), Chư Păh (Gia Lai), hàng ngàn hecta diện tích cây trồng bị hạn hán rất nặng nề. Nhiều người dân trồng cà phê phải thuê người đào giếng sâu nhưng vẫn không có nước.

Anh Nam Hải, chủ vườn cà phê ở Chư Păh (Gia Lai), cho hay anh đã thuê thợ đào sâu hơn 100 m vẫn không có nước. Mỗi lần thuê thợ đào giếng, anh phải bỏ ra 2,2 triệu đồng/m. “Tôi bỏ ra mấy chục triệu đồng để khoan giếng mà không có giọt nước nào. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài nữa, chắc nhà tôi phải chặt bỏ cà phê để chuyển qua trồng hoa màu thôi” - anh Hải ngậm ngùi.

Ngoài ra, hàng ngàn hộ dân cũng đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bà con phải đi xa hàng chục cây số mua nước về dùng.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ hạn hán năm nay rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Theo thống kê đến cuối năm 2015, hạn hán đã gây thiệt hại cho nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Do đó chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung phương án chuyển đổi cây trồng, thay thế cây cà phê bằng các loại cây ăn trái, hoa màu với tần suất sử dụng nguồn nước tưới ít.

Khốc liệt nhất 60 năm

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh có 9.272 ha cây trồng bị khô hạn, trên 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Còn theo UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 3.026 ha cây trồng bị hạn, một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô 2016 Tây Nguyên có thể đối mặt với hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 60 năm. Năm tháng qua, Tây Nguyên hầu như không có mưa, các trận mưa trái vụ không xuất hiện như quy luật các năm và dự báo phải đến trung tuần tháng 6 mới có mưa trở lại.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục