tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 05-12-2015

  • Cập nhật : 05/12/2015

Hà Nội cho ý kiến hàng loạt quy hoạch

ha noi cho y kien hang loat quy hoach

Hà Nội cho ý kiến hàng loạt quy hoạch


Thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 362/TB-VP kết luận về 2 đồ án Quy hoạch chung Thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm và thị trấn Kim Hoa, huyện Mê Linh, tỷ lệ 1/5000.

Về đồ án Quy hoạch chung thị trấn Phù Đổng, huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5.000, Hà Nội cơ bản thống nhất với nội dung đồ án. Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu nghiên cứu đề nghị của UBND huyện Gia lâm về việc mở rộng ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch đối với phần diện tích còn lại của xã Phù Đổng. Nghiên cứu, làm rõ hơn về quy mô phát triển và lộ trình hình thành đô thị, đặc biệt là đối với quỹ đất dự trữ phát triển ở phía Bắc Thị trấn (có thể nghiên cứu theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ).

UBND Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đơn vị tư vấn tiếp thu, khẩn trương hoàn chỉnh đồ án, báo cáo giải trình rõ các nội dung có điều chỉnh so với Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt; thẩm định, trình UBND TP xem xét, phê duyệt theo quy định.

Về đồ án Quy hoạch chung thị trấn Kim Hoa, huyện Mê Linh, tỷ lệ 1/5.000, thành phố yêu cầu rà soát quy trình thủ tục lập, thẩm định quy hoạch theo quy định; phối hợp, thống nhất với UBND huyện Mê Linh về những nội dung đề nghị có liên quan. Lưu ý bảo tồn các Di tích lịch sử văn hóa, nghĩa trang hiện hữu gắn kết vùng cây xanh để tránh việc di dời, không cần thiết.

Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, rà soát nội dung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, định hướng phát triển đô thị, làm rõ vị trí của Khu Chính trị - Hành chính hiện hữu của huyện Mê Linh hiện nay với việc đặt vấn đề hình thành thị trấn Kim Hoa là Trung tâm hành chính mới của huyện Mê Linh tại thị trấn Kim Hoa, để đảm bảo tính khoa học, hợp lý, tránh lãng phí không phù hợp với định hướng phát triển của huyện Mê Linh.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đơn vị tư vấn tiếp thu, khẩn trương hoàn chỉnh đồ án, báo cáo giải trình rõ các nội dung có điều chỉnh so với Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt; báo cáo UBND TP theo quy định.


Nguyên TGĐ CTCP Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam hầu tòa

TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ và nhận hối lộ do bị cáo Đào Thành Long (41 tuổi, trú tại ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, Hà Nội), nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (viết tắt là Công ty dịch vụ dầu khí) và đồng bọn thực hiện.

Trong vụ án này, bị cáo Long bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tiếp tay chohành vi phạm tội của Long có sáu bị cáo khác từng là cán bộ, nhân viên trong ngành dầu khí. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Bích Huấn, 36 tuổi, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội làm nghề kinh doanh. Nguyễn Khánh Tuấn, 53 tuổi, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên cán bộ địa chính phường Trung Hòa. Huấn bị truy tố về tội đưa hối lộ. Tuấn bị truy tố về tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, Long thay mặt Công ty dịch vụ dầu khí đứng ra ký hợp đồng mua hai thửa đất của hai hộ dân ở phường Trung Hòa với tổng diện tích gần 800m². Quá trình thương thảo, hai hộ dân đã nhất trí chuyển nhượng cho Công ty dịch vụ dầu khí quyền sử dụng diện tích đất của mình với tổng số tiền hơn 58,8 tỷ đồng. Việc mua bán, chuyển nhượng hai đất này đã hoàn thành.

Nhưng với ý đồ chiếm đoạt bất chính tiền của doanh nghiệp và nhà nước (Công ty dịch vụ dầu khí có 3,682% là vốn nhà nước), Long đã thương lượng và nhờ đại diện hai hộ dân ở phường Trung Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng với giá trị thực tế từ hơn 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Ngoài ra, Long còn chỉ đạo nhiều nhân viên dưới quyền giả mạo chứng từ, hồ sơ để hợp thức hóa số tiền mua đất thành 85 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Long chuyển cho Huấn 14,7 tỷ đồng để Huấn “chạy sổ đỏ” hai thửa đất của hai hộ dân nêu trên. Nhận tiền, Huấn tìm gặp Tuấn, khi đó đang là cán bộ địa chính phường Trung Hòa để nhờ giúp đỡ. Sau đó, hai thửa đất của hai hộ dân phường Trung Hòa đã được UBND quận Cầu Giấy cấp “sổ đỏ” và Huấn đưa lại cho Long. Để xúc tiến nhanh hồ sơ đề nghị cấp “sổ đỏ”, Tuấn yêu cầu và đã nhận đủ 1 tỷ 50 triệu đồng tiền “chạy chọt” từ Huấn.

Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Khánh Tuấn bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của tội đưa hối lộ (điểm a, khoản 4, điều 289 BLHS) có khung hình phạt cao nhất là tử hình khai rằng “Quá trình điều tra, bị cáo chưa có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia cùng”. Nhận thấy đây là tình tiết mới phát sinh trong quá trình xét xử nên HĐXX đã tạm dừng phiên xử để hội ý.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung về việc bị cáo Tuấn trong quá trình điều tra chưa được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định (hoặc mời) luật sư tham gia cùng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.


Hà Nội: Giá bồi thường GPMB tại quận Đống Đa là 37 triệu đồng/m2

UBND Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6610/QĐ-UBND phê duyệt hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án giải phóng mặt bằng các hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên chùa Thanh Nhàn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất ở làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án giải phóng mặt bằng các hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên chùa Thanh Nhàn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa là 2,0 lần so với giá đất ở của vị trí 3 đường La Thành, quận Đống Đa. Tương ứng với giá đất là 36.980.000 đồng/m2.

UBND Hà Nội giao UBND quận Đống Đa chịu trách nhiệm về vị trí thửa đất, nguồn gốc sử dụng đất, lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng các hộ dân đang sinh sống trong khu khuôn viên chùa Thanh Nhàn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa theo đúng quy định.


Hà Nội khẩn trương hoàn thiện quy hoạch phân KĐT Sông Hồng và Sông Đuống

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo 362/TB-VP truyền đạt Kết luận của UBND Hà Nội về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng và Sông Đuống, tỷ lệ 1/5000.

Cụ thể, về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (Rl- R5), Hà Nội yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn về các giải pháp quy hoạch liên quan đến an toàn thoát lũ, tiết kiệm đất đai xây dựng, bảo tồn các công trình di tích, văn hóa.

Phương án đê, kè sông phải đảm bảo kiên cố, an toàn; thiết kế đê, kè có thể nghiên cứu phương án phân tầng bậc cao độ giật cấp theo mực nước (theo mùa), kết hợp với mạng lưới đường giao thông hai bên và cảnh quan để tránh cứng hóa, bê tông hóa đê kè.

UBND Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất nghiên cứu chỉnh trang, tái thiết khu vực dân cư thuộc địa bàn các quận nội thành; yêu cầu rà soát nghiên cứu, đánh giá thực hiện theo lộ trình; mật độ xây dựng thấp, hạn chế cao tầng, tôn trọng phát huy yếu tố cảnh quan thiên nhiên.

Về đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000 (R6), thành phố yêu cầu quy hoạch phải được nghiên cứu, xây dựng trên cơ cở các quy định của pháp luật hiện hành, Tiêu chuẩn thiết kế và Quy chuẩn xây dựng; giải pháp quy hoạch cần đặt mục tiêu an toàn đê điều, thoát lũ làm yếu tố quan trọng hàng đầu.

Yêu cầu nghiên cứu kỹ hơn về các giải pháp bảo vệ, chỉnh trang, tái thiết khu vực dân cư lâu đời ngoài hành lang thoát lũ, phòng chống khả năng mất an toàn các tuyến đê; Giải pháp di dân tại những khu vực trong hành lang thoát lũ, giải pháp tái định cư trên cơ sở khai thác phát huy môi trường cảnh quan sinh thái, phát triển bền vững.

Thành phố cũng đồng ý với nghiên cứu bổ sung quy hoạch xây dựng cầu kết nối từ khu vực phường Thượng Thanh - quận Long Biên với khu vực xã Mai Lâm - huyện Đông Anh; Nghiên cứu xác định vị trí phù hợp, đảm bảo kết nối khu vực cảng sông với các tuyến đường giao thông chính, Ga đường sắt nhằm tăng vai trò và khả năng dịch vụ vận chuyển.

UBND Hà Nội cũng giao Sở NN&PTNT kiến nghị với Bộ NN&PTNT sớm phê duyệt Quy hoạch đê điều trên địa bàn Thành phố làm cơ sở xem xét, phê duyệt các Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng và Sông Đuống.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đơn vị tư vấn tiếp thu, khẩn trương hoàn chỉnh các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng và Sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000 đảm bảo quy định của pháp luật; Tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan, các tổ chức Hội, Hiệp hội nghề nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan; Tiếp thu hoàn chỉnh đồ án trước khi trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.


Hà Nội quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030

Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định 6649/QĐ-UBND, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000 thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Quy hoạch có phía Bắc giáp sông Cà Lồ, phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, phía Tây và Nam giáp đường vành đai 4. Đồ án quy hoạch có quy mô diện tích khoảng 75.600ha (756 km2), quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 4,6 triệu người; đến năm 2050 khoảng 5,4 triệu người.

Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị và các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển đô thị bền vững.

UBND thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục lập quy hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố; Loại bỏ khối lượng, kinh phí trùng lặp với các đồ án Quy hoạch phân khu liên quan (nếu có); Phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, thẩm định hồ sơ trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện có trách nhiệm chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu liên quan cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đảm bảo thống nhất nội dung hồ sơ đồ án, khớp nối thống nhất với các quy hoạch chuyên ngành có liên quan trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục