tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 09-08-2016

  • Cập nhật : 09/08/2016

Sản lượng điện thương phẩm 7 tháng tăng 11,56%

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 7/2016, đơn vị đã nỗ lực cung cấp đủ điện ổn định, an toàn đáp ứng cho phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 1.

Theo đó, tháng 7/2016, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 16,64 tỷ kWh. Sản lượng ngày cao nhất đạt 568,2 triệu kWh, công suất cao nhất đạt 27.789 MW. Lũy kế 7 tháng sản lượng toàn hệ thống đạt 105,15 tỷ kWh, tăng 12,57% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN trong tháng ước đạt 16,02 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2016, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 101,79 tỷ kWh, tăng 12,05% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thủy điện chiếm 30,86%, nhiệt điện than chiếm 38,93%, tua-bin khí chiếm 28,16%, nhiệt điện dầu chiếm 1,03%, nhập khẩu chiếm 1,14% (trong tháng 7/2016 đã tạm dừng mua điện Trung Quốc ở cấp 220kV).

Tháng 7/2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 13,97 tỷ kWh. Lũy kế 7 tháng năm 2016, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 90,45 tỷ kWh, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, điện thương phẩm nội địa tăng 11,69%; điện cấp cho công nghiệp - xây dựng chiếm 52,7% tăng 10,63%, điện cấp cho thương mại chiếm 5,4% tăng 17,7%, điện cấp cho quản lý và tiêu dùng chiếm 34,9% tăng 10,21%; điện cấp cho nông nghiệp chiếm 2,3% tăng 48,66%; điện cấp cho thành phần khác chiếm 4,6% tăng 11,77%.

Bên cạnh việc đảm bảo cấp điện, cuối tháng 7/2016, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty/đơn vị điện lực tích cực phòng chống ứng phó và nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão số 1.

Mặc dù, hệ thống điện tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, nhưng ngay sau khi bão tan, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của công nhân điện lực nên chỉ sau 1 tuần, EVN đã khôi phục lại toàn bộ hệ thống điện, cấp điện an toàn trở lại cho các khách hàng, đặc biệt là các trạm bơm tiêu úng cứu hơn 200.000 ha lúa bị ngập.

Đối với lưới điện 500-220kV dù có xảy ra 2 sự cố đường dây sáng sớm 28/7 nhưng đã được khôi phục ngay sau đó. Đối với lưới điện 110kV, có 28 đường dây 110kV bị sự cố do bão và đến 07h00 ngày 29/7 đã khôi phục hoàn toàn lưới điện 110kV.

Một số khu vực bị ảnh hưởng nhẹ đã được khắc phục ngay và cấp điện ổn định trở lại trong ngày 28/7. Riêng đối với 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình), các đơn vị đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện khắc phục, trong đó đặc biệt ưu tiên khôi phục cấp điện cho các phụ tải quan trọng và các trạm bơm tiêu úng. Đến ngày 29/7 đã khôi phục cấp điện cho các trạm bơm đầu mối quan trọng nhất để bơm nước tiêu úng cứu lúa và hoa màu. Đến hết ngày 31/7 đã khắc phục xong các sự cố đường trục lưới trung áp và hiện tại lưới điện phân phối của các xã cuối cùng ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề của bão đã được các đơn vị khôi phục vận hành ổn định.

Do có sự chuẩn bị tốt, nên các hồ chứa thủy điện thuộc EVN vận hành bình thường, không xả lũ. Các nhà máy điện thuộc EVN vận hành bình thường.(BCT)

Phấn đấu đưa Việt Nam "vào nhóm đầu ASEAN" về môi trường đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường đầu tư; phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu của ASEAN cùng Singapore và Malaysia.

 

Chiều 6/8, phát biểu với các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi; tăng cường phân cấp, giao quyền để các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả hơn; coi thành công của các nhà đầu tư chính là thành công của Chính phủ.

Khẳng định Hà Nam là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và thành tích khá tốt trong công tác cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 10 cam kết mà lãnh đạo tỉnh công bố tại Hội nghị và cho rằng đây là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh cả nước thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, Thủ tướng mong muốn Hà Nam sẽ trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn này.

Đề cập đến quy luật kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chính quyền không thể lựa chọn thay doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư mà để doanh nghiệp tự lựa chọn. Chính quyền cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và xã hội, theo đó, những việc doanh nghiệp và xã hội làm được thì để doanh nghiệp và xã hội tự làm; nếu không làm được thì Nhà nước mới làm.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần ý thức rõ những tư tưởng đổi mới trong quản lý kinh tế và nền hành chính; đoạn tuyệt với những quy hoạch phi thị trường. Lãnh đạo tỉnh cần đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường thiết lập cơ chế trao đổi, đối thoại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng hơn; khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ thành lập website để tiếp thu và giải quyết kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nam trong tiến trình kêu gọi đầu tư, cần chú trọng đến gìn giữ môi trường sống; không vì phát triển kinh tế bằng bất cứ giá nào mà bỏ qua vấn đề hệ trọng này, đó cũng chính là biểu hiện của phát triển bền vững, lâu dài. Bên cạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế, Hà Nam cũng cần nghiên cứu thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển đồng bộ các vấn đề giáo dục, đào tạo và y tế để tận dụng tốt hơn các nguồn lực.

Khẳng định một địa phương sẽ thành công nếu thu hút hút được 3 yếu tố: doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu, Thủ tướng mong muốn Hà Nam phấn đấu đạt được các điều kiện này.

Muốn vậy, tỉnh cần tạo ra hệ thống hành chính thực sự vì doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp từ tỉnh đến xã và cả người dân cũng phải có cách ứng xử tốt với doanh nghiệp. Tỉnh cần nâng cao năng lực hệ thống tổ chức chính quyền, chống các biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân, nhất là cấp cơ sở. Trong quá trình đó, cần có cơ chế ghi nhận, biểu dương, khuyến khích kịp thời cán bộ làm tốt, dám nghĩ, dám làm trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng hy vọng Hà Nam sẽ vươn lên bứt phá mạnh mẽ toàn diện hơn vượt mức kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhất là năm 2016 để góp phần vào kết quả chung của cả nước; đưa Hà Nam thoát nghèo, không còn là tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách của Trung ương.

Hà Nam thuộc top 15 tỉnh thu hút đầu tư FDI tốt nhất cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng bình quân 14,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Tính đến hết tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có gần 600 dự án đầu tư còn hiệu lực, với số vốn đăng ký là trên 4,95 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2015, Hà Nam xếp thứ 31, tăng 14 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 45).

Theo ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, giao đất sạch không thu tiền để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo và tuyển dụng lao động… xây dựng Hà Nam từng bước trở thành “điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước.”

Thông điệp tại hội nghị cho thấy, Hà Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua 10 cam kết của Lãnh đạo tỉnh đối với nhà đầu tư như cung cấp đủ điện 24/24 giờ; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác.

Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất; đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết dành 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng tài trợ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tập trung cho các dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp, cũng như cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư tại các Khu công nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 với BIDV, ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư cho 10 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư quy đổi gần 17.000 tỷ đồng (trong đó có Dự án đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bán dẫn, LED, linh kiện LED của Tập đoàn Seoul Semiconductor (Hàn Quốc) tại Khu Công nghiệp Đồng Văn I, với tổng mức đầu tư 300 triệu USD).

Cũng tại Hội nghị, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam đã ký 4 biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Nam 2016 được tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất được tổ chức tại tỉnh, nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư theo 3 lĩnh vực chính: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và thương mại-dịch vụ-du lịch.

Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế; các định chế tài chính cùng hơn 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.(NDH)

Kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016

Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm mặn cao dẫn đến chậm lớn, phát sinh dịch bệnh.

Để đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho cả năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 3177/QĐ-BNN-TCTS về kế hoạch hành động phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng diện tích thả nuôi 6 tháng đầu năm 2016 đạt 619.126 ha; sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt 191.560 tấn bằng 28% kế hoạch năm 2016, trong đó: sản lượng tôm sú đạt 112.462 tấn; tôm thẻ chân trắng đạt 79.098 tấn.

Để nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ, đảm bảo phát triển sản xuất và duy trì mục tiêu tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra cho ngành tôm nước lợ trong năm 2016 (tổng diện tích nuôi tôm nước lợ là 683.422 ha, tổng sản lượng đạt 680.000 tấn). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2016, các đơn vị và địa phương nỗ lực tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương phối hợp triển khai thực hiện, phát triển sản xuất và tiêu thụ. Xây dựng chương trình phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch.

Đồng thời tăng cường quan trắc môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống, tổ chức Hội nghị bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng giống, cân đối cung cầu tôm giống, chủ động giải pháp đảm bảo đủ giống tôm có chất lượng cho sản xuất.

Bên cạnh đó tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra khâu thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông sản phẩm tôm, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

Ngoài ra, phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thực hiện các giải pháp thị trường tiêu thụ tôm, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường. Đề xuất với Chính phủ, chính quyền các địa phương triển khai một số chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi khi gặp khó khăn về vốn, tiếp tục thực hiện chương trình bảo hiểm đối với con tôm.(CP)

Bổ sung Nhà máy điện Chánh Dương vào quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung dự án Nhà máy điện Chánh Dương, tỉnh Bình Dương vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung dự án Nhà máy điện Chánh Dương, quy mô công suất 63 MW gồm 1 tổ máy nhiệt điện đồng phát ngưng hơi đốt than công suất 60 MW và 1 tổ máy nhiệt điện đồng phát đối áp đốt rác thải công suất 3 MW vào Quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (để cấp điện và hơi cho Nhà máy giấy Chánh Dương, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện Chánh Dương theo đúng quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường.(BCT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục