tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 08-08-2016

  • Cập nhật : 08/08/2016

Hải Phòng công bố quy hoạch 1/2000 xây dựng Cát Hải thành “Đảo thông minh”

Nhằm cụ thể hóa nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT Đình Vũ – Cát Hải đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng đã thuê Nikken Sekkei Civil (Nhật Bản) thực hiện việc quy hoạch 1/2000 khu vực đảo Cát Hải thuộc KKT Đình Vũ – Cát Hải. Quy hoạch này đã được UBND Thành phố Hải Phòng phê duyệt và chính thức công bố vào chiều nay, 5/8.

Theo Đồ án quy hoạch khu vực đảo Cát Hải, khu vực này có vị trí với phía Bắc giáp khu đầm nhà Mạc, phía Đông giáp luồng Lạch Huyện và đảo Cát Bà, phía Nam giáp vịnh Bắc bộ và phía Tây giáp luồng Nam Triệu và KCN Nam Đình Vũ (quận Hải An).

Phạm vi ranh giới gồm toàn bộ diện tích tự nhiên đảo Cát Hải. Tổng diện tích được quy hoạch rộng 5.007,34ha. Trong đó, khu đảo Cát Hải (cả diện tích tự nhiên và phần lấn biển) là khoảng 2.650ha; khu cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và khu phi thuế quan là khoảng 2.357,34ha.

ban giao quyet dinh phe duyet do an quy hoach chi tiet khu vuc dao cat hai thuoc khu kinh te dinh vu - cat hai.

Bàn giao Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực đảo Cát Hải thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Các chức năng, định hướng phát triển của khu vực đảo Cát Hải đã được Nikken Sekkei Civil xác định rõ. Cụ thể, khu vực đảo Cát Hải thuộc KKT Đình Vũ – Cát Hải được xác định sẽ trở thành thành phố công nghiệp với các cảng, công trình logistics quy mô lớn, đóng vai trò là cửa ngõ logistics của miền Bắc Việt Nam, để phát huy lợi thể cảng Lạch Huyện.

Đây là cảng quốc tế có công suất thông qua là 900.000 TEU/năm, chiều dài bến 750m, có thể đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000DTW. Cùng với đó, đồ án cũng đề ra mục tiêu phát triển đảo Cát Hải thành “Đảo thông minh” theo mô hình phát triển hợp nhất và cân bằng ở 3 phương diện xã hội, kinh tế và môi trường để hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng sẽ là nơi được tập trung nguồn lực đầu tư để xây dựng thành thành phố công nghiệp và là nơi tập sự chú ý và đầu tư từ các nguồn lực bên ngoài.

Với những mục tiêu này, diện tích khu vực đảo Cát Hải được chia thành các khu vực chức năng cụ thể, như: đất công nghiệp rộng 1.400ha (chiến 28% diện tích đảo Cát Hải); đất logistics được bố trí phía sau cảng biển, dọc theo tuyến đường cao tốc Tân Vũ – Lạch Huyện; đất cảng thì gồm các khu vực: cảng Lạch Huyện(cảng container), Cảng cho nhân viên quản lý, điều hành cảng, cảng kho vận nội địa, cảng hành khách, bến hàng lỏng và cảng cá; ….

Bên cạnh các diện tích đất dành cho phát triển kinh tế như trên, quy hoạch đã dành ra những diện tích cụ thể để xây dựng các công trình tiện ích xã hội như bệnh viện, đất ở, trường học, công viên, hành lang an toàn đê biển, và diện tích đất dành cho việc phát triển cây xanh, các công trình nghỉ dưỡng,… Như đại diện của Nikken Sekkei Civil chia sẻ thì việc phân rõ các khu đất với các chức năng xây dựng cụ thể là để nhằm tạo lập một môi trường sống, làm việc thoải mái và thân thiện với môi trường. Đây chính là yêu tố tạo nên sự “thông minh” của đảo Cát Hải.

Đi kèm với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông sẽ được xây dựng đồng bộ, đảm bảo sự kết nối tốt nhất với đường cao tốc Tân Vũ – Lạch Huyện và cảng Lạch Huyện. Xây dựng mới đường và cầu kết nối với tuyến Quảng Ninh – Lạch Huyện có bề rộng cắt ngang 65m, lòng đường rộng 4x10,5m; và tuyến đường sắt hàng hóa kết nối từ cảng Lạch Huyện với ga Đình Vũ (bán đảo Đình vũ), và kết nối với mạng đường sắt quốc gia. Quy hoạch này sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn, từ năm 2017- 2030 và sau năm 2030.  

Đánh giá về ý nghĩa của đồ án quy hoạch khu vực đảo Cát Hải, ông Đỗ Trung Thoại, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng (Heza) khẳng định, khu vực đảo Cát Hải đang có những lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư. Hơn nữa, đảo lại nằm trong KKT ven biển có sức hút đầu tư lớn nhất Hải Phòng. Do vậy, để tận dụng được lợi thế này và phát huy tối đa nó thì khu vực đảo Cát Hải cần phải có một quy hoạch xứng tầm và có chất lượng.

Ông Thoại cũng cho biết thêm, hiện Hải Phòng đã thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI và trong thời gian tới, sẽ có thêm 02 dự án lớn nữa đầu tư vào KKT Đình Vũ – Cát Hải được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD. Vậy nên, ông Thoại hi vọng, khi quy hoạch này được công bố rộng rãi, sẽ trở thành điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Hải Phòng và trở thành bàn đạp để khu vực đảo Cát Hải trở thành điểm thu hút đầu tư lớn.

Một trong những nhà đầu tư đang tận dụng rất tốt những cơ hội này là Tập đoàn Rent A Port (Bỉ). Tập đoàn này đã rất thành công khi đầu tư vào Hải Phòng với dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Đình Vũ. Và cuối năm 2015, Tập đoàn này đã quyết định mở rộng hoạt động và đầu tư thêm 03 KCN Deep C tại Hải Phòng và Quảng Ninh với mục tiêu hình thành một tổ hợp KCN rộng 2.000ha. Tổ hợp này sẽ bao gồm KCN Đình Vũ, KCN Deep C II rộng gần 650ha, KCN cửa ngõ (Deep C III) rộng gần 500 ha tại đảo Cát Hải, Hải Phòng và KCN Tiền Phong (Deep C IV) tại khu vực Đầm Nhà Mạc, Quảng Ninh. Theo ông Marc Stordiau, Chủ tịch Tập đoàn Rent A Port  thì tổng vốn đầu tư của các KCN Deep C là khoảng 800 triệu USD. Trong đó, KCN Deep C IV đã được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang thực hiện san lấp mặt bằng. Còn dự án KCN Deep C III hiện đang chờ phê duyệt quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận đầu tư.(ĐT)

Ba nhân tố để phát triển kinh tế

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất của tỉnh Hà Nam ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một địa phương muốn phát triển kinh tế thành công khi thu hút được ba nhân tố là doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu.

Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn Hà Nam là tỉnh đi đầu thực hiện thông điệp này của Chính phủ. “Chúng tôi sẽ lập một website, qua đó trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ cùng các chuyên gia có liên quan thu nhận, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng cho rằng đầu tư nước ngoài là cần thiết nhưng phải luôn chú trọng doanh nghiệp đầu tư trong nước. Phải nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước như với đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài cùng nhau phối hợp, cùng nhau lớn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để Việt Nam nằm trong nhóm đầu của ASEAN. Tạo mọi điều kiện, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương để chủ động trong quá trình phát triển. “Coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ” - Thủ tướng nói.(PLO)

Sớm hoàn thành, đưa cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai vào sử dụng

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng, mỗi bệnh viện được xây dựng trên diện tích gần 21ha.
du an benh vien huu nghi viet duc co so ii

Dự án bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở II

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đảm bảo hoàn thành xây dựng (kể cả trang thiết bị) đảm bảo tiến độ, chất lượng để đưa 02 bệnh viện vào sử dụng sớm nhất đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực cho 2 Bệnh viện mới, bảo đảm vận hành hiệu quả 2 bệnh viện ngay sau khi hoàn thànhđầu tư và chỉ đạo xây dựng cơ chế quản lý 2 bệnh viện theo hướng tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch và không để tình trạng công tư lẫn lộn, dẫn đến phân biệt khám, chữa bệnh dịch vụ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như trong các bệnh viện hiện nay.

Các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Nam giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện 2 Dự án này.

Phó Thủ tướng yêu cầu định kỳ hàng tháng, Bộ Y tế báo cáo, cập nhật tiến độ triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực, gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án xây mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được khởi công xây dựng vào ngày 13/12/2014 tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Và đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hai cơ sở này nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. 

Mỗi bệnh viện được xây dựng trên diện tích gần 21ha. Dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ bệnh viện. 

Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư xây mới thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày. Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được đầu tư thành một bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày

Nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện 20 triệu USD tại Đà Nẵng

Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vào ngày 3/8 vừa qua, ông Yasuto Ando, Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực châu Á –Thái Bình Dương của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nhật Bản để triển khai thí điểm Dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại Đà Nẵng với công suất xử lý dự kiến là 60 tấn/ngày.

Trước đó, vào năm 2014, JFE Nhật Bản chính là đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) do JICA tài trợ.

Trong Nghiên cứu khả thi này, công nghệ được JFE đề xuất cho dự án là công nghệ đốt rác và phát điện với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày, chi phí đầu tư cơ bản và vận hành nhà máy trong thời hạn 20 năm là 122 triệu USD. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức phí xử lý 25 USD/tấn được JFE đề xuất là khá cao và thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho dự án này.

pho chu tich ubnd tp da nang nguyen ngoc tuan (ben phai) tang qua luu niem cho ong yasuto ando

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (bên phải) tặng quà lưu niệm cho ông Yasuto Ando

Tại buổi làm việc với Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, phía JFE đã đề xuất xúc tiến nguồn vốn theo cơ chế tín chỉ chung JCM của Bộ TN&MT Nhật Bản để triển khai thí điểm dự án nêu trên với quy mô nhỏ hơn so với đề xuất trước đây. Theo đó, công suất xử lý của dự án dự kiến là 60 tấn/ngày nhằm đảm bảo tính khả thi.

Như vậy, thay vì 122 triệu USD trong vòng 20 năm như ban đầu, dự án sẽ được điều chỉnh lại và có tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng 20 triệu USD (hơn 440 tỷ đồng), trong đó 50% (10 triệu USD) sẽ xin Bộ TM&MT Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại thông qua cơ chế tín chỉ chung (JCM) để mua sắm máy móc thiết bị ban đầu, 10 triệu USD còn lại là kinh phí đối ứng của Đà Nẵng, có thể là thành phố trực tiếp vay vốn ODA hoặc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng (URENCO) – đơn vị trực tiếp vận hành nhà máy – vay và sau này thành phố sẽ trả dần thông qua khoản thu phí xử lý rác thải của người dân.

Cũng theo ông Yasuto Ando, JFE Nhật Bản mới đây đã ký kết thỏa thuận và đề xuất dự án thí điểm nêu trên theo cơ chế JCM với Bộ TN&MT Nhật Bản. Nếu được thông qua, dự kiến Bộ TN&MT Nhật Bản sẽ phê duyệt cấp vốn cho dự án vào tháng 3/2017. Ông Yasuto Ando cũng cho hay, trong quá trình xin vốn JCM, sự cam kết của chính quyền TP Đà Nẵng đóng vai trò hết sức quan trọng, do vậy đề nghị thành phố hỗ trợ và có thư bày tỏ quan tâm với Bộ TN&MT Nhật Bản.

Liên quan đến dự án này, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, xử lý rác thải rắn được Đà Nẵng xác định là vấn đề hết sức cấp bách. Do vậy, thành phố rất quan tâm đến dự án thí điểm do JFE đề xuất.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, nếu xin được cơ chế JCM cho dự án này thì sẽ mang lại lợi ích cho cả Đà Nẵng và JFE do mức phí xử lý rác sẽ được giảm một cách đáng kể. Do vậy, thành phố thống nhất về mặt nguyên tắc sẽ phối hợp chặt chẽ với JFE để triển khai các bước tiếp nhằm xúc tiến vốn JCM cho dự án.(BĐT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục