tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng cao

  • Cập nhật : 01/04/2017

Trong quý 1/2017, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ với các nhân tố đầu vào của sản xuất có chuyển biến, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều đạt những kết quả tích cực.

Nhiều chỉ số kinh tế tăng cao

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố 3 tháng đầu năm ước đạt 235.932 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 227.541 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

nguoi tieu dung mua sam tai co.op mart dinh tien hoang, tp ho chi minh. anh: thanh vu/ttxvn

Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op mart Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 3 tháng đầu năm là 86.606 tỷ đồng, đạt 24,9% dự toán, tăng 18,56% so cùng kỳ. Thu nội địa 58.098 tỷ đồng, đạt 25,65% dự toán, tăng 19,75% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 24.500 tỷ đồng, đạt 22,48% dự toán, tăng 16,63% so cùng kỳ.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2017, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 6,02% so với cùng kỳ; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm ước tăng 8,97% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, một tín hiệu khả quan cho ngành sản xuất hàng điện tử của thành phố là trong 3 tháng đầu năm nay, ngành này tăng gần 14,2% so với cùng kỳ và đây là mức tăng cao nhất trong vài năm gần đây.

Qua khảo sát của Sở Công Thương thành phố, tỷ lệ người dân thành phố sử dụng hàng điện tử sản xuất trong nước rất cao. Đối với điện thoại di động, có 42,7% người dân sử dụng hàng trong nước sản xuất; máy tính xách tay có 50,9% và tivi có 58,3% người dân sử dụng hàng trong nước sản xuất.

Theo UBND Thành phố, kết quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố được phát huy, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư được cải thiện, làm tăng niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển kinh tế của thành phố.

Điều này được thể hiện khá rõ qua việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng đầu năm thành phố thu hút được 574,71 triệu USD, tăng 56,7% so với cùng kỳ.

Song song đó, TP. Hồ Chí Minh có 7.947 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 99.475 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ 14% về số lượng doanh nghiệp và tăng 61,7% về vốn đăng ký…

Đây là nhận định được lãnh đạo  Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý 1/2017 diễn ra ngày 31/3.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh giá về kết quả đạt được của kinh tế thành phố trong quý 1/2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND  Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng để đạt được mục tiêu của cả năm thì cần phải nỗ lực rất lớn.

Ông Phong phân tích, năm 2017 thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,4 – 8,7%, trong quý 1 kinh tế chỉ tăng 7,46% nên những quý còn lại cần phải rất nỗ lực mới hy vọng đạt được mục tiêu cả năm. Các ngành, địa phương cần có những giải pháp quyết liệt để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Qua đó, mới đạt các chỉ tiêu khác.

Nêu ra các nhiệm vụ cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện cần đánh giá lại các kết quả của 3 tháng qua, tập trung chỉ đạo, điều hành với các giải pháp quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ quý 2; trong đó lưu ý đến điều kiện đặc thù của địa phương mình. Tập trung triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ cũng như phát triển các ngành thương mại dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của thành phố trong thời gian tới.

Đối với việc cải cách hành chính, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như: bảo hiểm, đất đai, thuế, hải quan, lao động…

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND  Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã kiến nghị thành phố thành lập tổ liên ngành, có thẩm quyền cụ thể để giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp trong hai lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Theo đó, các đơn vị liên quan tập trung vào một chỗ để cùng giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân liên quan đến lĩnh vực này.

Để duy trì đà tăng trưởng, UBND thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan của  Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ. Giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách (chương trình kết nối cung - cầu, kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, kích cầu thông qua đầu tư, bình ổn thị trường…) để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm công nghiệp...

 

Anh Tuấn (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục