tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phát triển công nghiệp thời trang: Chỉ mới manh nha

  • Cập nhật : 01/04/2016

(Tin kinh te)

Nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn, thiết kế thời trang, DN dệt may cho rằng, hiện nay là thời điểm thuận lợi để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp thời trang.

Có tiềm lực, lợi thế…

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Garmex Sài Gòn nhấn mạnh, ngành may hiện là một trong những ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Trong 20 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã tăng 32 lần. Dự báo đến năm 2020, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt đến 30 tỷ USD, gấp 2 lần năm 2015 vừa qua.\

det may viet nam chi co the manh trong gia cong xuat khau 

Dệt may Việt Nam chỉ có thế mạnh trong gia công xuất khẩu 

Hiện nay, nhiều DN may mặc đang tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, khách hàng, kênh phân phối và đa dạng hoá phương thức kinh doanh. Và đây cũng là lúc DN dệt may hướng đến phát triển công nghiệp thời trang. Và trong tương lai rất gần, khi các FTA có hiệu lực, khả năng sản phẩm may mặc ngoại nhập sẽ xuất hiện nhiều tại Việt Nam.

Như vậy, việc cạnh tranh sản phẩm may mặc sẽ gay gắt hơn và DN nào tận dụng tốt lợi thế hội nhập sẽ phát triển hơn. Cụ thể, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh may mặc, khâu thiết kế và phân phối có giá trị thặng dư cao nhất. Nguồn vải phong phú, giá rẻ của Trung Quốc, ASEAN qua đường chính ngạch vào Việt Nam sẽ là thách thức với ngành dệt, nhưng lại là cơ hội cho ngành may. Thị trường thời trang Trung Quốc, các nước ASEAN sẽ là lớn nhất thế giới, ước tính sức mua trên 500 tỷ USD/năm.

Để nắm bắt cơ hội trước mắt, ngành dệt may cần có một trung tâm công nghiệp thời trang của cả nước (như TP. Hồ Chí Minh). Việc phát triển công nghiệp thời trang sẽ tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển tương ứng, tạo lợi thế mới trong cạnh tranh cho DN dệt trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nước ASEAN và Trung Quốc.

Vai trò định hướng của thành phố trung tâm sẽ giúp công nghiệp thời trang phát triển bền vững, mang lại giá trị thặng dư, góp phần thúc đẩy du lịch, mua sắm, gia tăng nhu cầu mở rộng hệ thống cửa hàng, shop kinh doanh và các ngành công nghiệp khác cùng phát triển.

…Nhưng chưa phất

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, các DN may mặc Việt Nam hiện tập trung sản xuất cho xuất khẩu là chính, tiêu thụ thị trường nội địa chỉ chiếm 15% - 20% sản lượng. Làm hàng xuất khẩu theo đơn hàng có lợi thế vì ít chi phí đầu tư, sản xuất theo đơn đặt hàng, sẵn mẫu mã, số lượng…

Nếu kinh doanh nội địa, DN phải đầu tư khâu thiết kế, mở rộng kênh phân phối, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng… Và nhìn chung, nếu hướng đến ngành công nghiêp thời trang, Việt Nam hiện nay có nhiều lợi thế hơn các nước láng giềng, bởi có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực may gia công, lực lượng nhà thiết kế trẻ đang thể hiện tính chuyên nghiệp ngày càng cao và không ngại thử thách.

Ghi nhận thực tế tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thời trang Việt Nam đã có những nhà thiết kế tên tuổi, được nhiều nước trong khu vực biết đến như Minh Hạnh, Công Trí, Võ Việt Chung… Nhưng theo nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, ủy viên Hiệp hội Thời trang châu Á, công nghiệp thời trang là chuỗi liên kết các yếu tố từ thiết kế, nguyên liệu, sản xuất, phân phối...

Các khâu này phải phát triển một cách đồng bộ. Còn tại Việt Nam hiện nay, khâu thiết kế chưa thật sự phát triển, chưa có lượng khách hàng đủ để “nuôi sống” thương hiệu và nhà thiết kế. Các nhà thiết kế thời trang Việt có tên tuổi đều phát triển tự phát, và tự làm hết mọi việc, từ khâu thiết kế vật liệu, nguyên phụ liệu đến sản phẩm thời trang, hình thành phong cách riêng biệt và tìm đầu ra cho sản phẩm.


Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục