tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng người Việt

  • Cập nhật : 22/03/2016

(Tin kinh te)

Bộ NN&PTNT cho biết salbutamol, một trong những chất bị cấm sử dụng trong ngành chăn nuôi, đã được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu với số lượng lớn để sản xuất thuốc cho người, nhưng tỉ lệ sử dụng chất này trong y tế hầu như không đáng kể.

luc luong bo cong an va bo nn&ptnt kiem tra bot chat cam salbutamol (tao nac, tang trong) duoc phat hien tai cong ty tnhh thuy san seabird (q.binh thanh, tp.hcm) - anh: hoang loc

Lực lượng Bộ Công an và Bộ NN&PTNT kiểm tra bột chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) được phát hiện tại Công ty TNHH thủy sản Seabird (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Lộc

Với lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong quản lý để xin nhập khẩu về sản xuất thuốc nhưng lại bán ra ngoài cho người chăn nuôi, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

Gần như toàn bộ lượng thịt heo sử dụng chất cấm đều được tiêu thụ tại thị trường VN, tức là chính người Việt đã đầu độc người Việt

Ông PHẠM ĐỨC BÌNH (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai)

Trên 6 triệu con heo 
ăn chất cấm

Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về VN. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường các đối tượng sử dụng chất cấm này chỉ khoảng một tháng cuối trước khi heo xuất chuồng. Đây là thời điểm heo gần đạt trọng lượng tối ưu nên tốc độ tạo mỡ nhanh, tiêu tốn thức ăn nhiều.

Hơn nữa, cho heo ăn chất cấm ở giai đoạn này mới cho thịt đẹp, loại mà thương lái rất thích và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Theo đó, nếu bán heo ở mức 100-110 kg/con, heo được cho ăn chất cấm khi đạt trọng lượng khoảng 80kg. Nếu xuất bán khi đạt khoảng 130 kg/con, heo sẽ được cho ăn chất cấm ở trọng lượng 100-110kg. Ở giai đoạn kích nạc, mỗi ngày một con heo tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Như vậy, trong tháng tăng trọng này heo sử dụng hết khoảng 100kg cám có trộn chất cấm.

Trong khi đó, với mỗi ký chất cấm (thường là sabultamol) nguyên chất thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho heo có chứa chất cấm.

Với mỗi con heo trong giai đoạn cần tạo nạc sử dụng 100kg cám như đã nói ở trên, lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con heo, chiếm trên 20% tổng đàn heo của VN (28 triệu con).

“Đến nay chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nhập lậu chất cấm nên có thể khẳng định nguồn cung này thời gian qua chủ yếu là đi qua con đường nhập khẩu về làm thuốc” - ông Việt cho hay.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, có cùng quan điểm khi cho rằng không thể đổ lỗi cho thuốc từ Trung Quốc, bởi chính Trung Quốc cũng cấm các loại chất này trong chăn nuôi nên không dễ dàng mua bán được.

“Không chỉ vào VN bằng đường chính ngạch, chất cấm này được sử dụng trong chăn nuôi heo suốt nhiều năm qua. Điều đáng nói, gần như toàn bộ lượng thịt heo này đều được tiêu thụ tại thị trường VN, tức là chính người Việt đã đầu độc người Việt” - ông Bình nói.

Nhiều chiêu né luật

Nhiều thương lái khẳng định hầu hết heo sử dụng chất cấm chỉ dành để tiêu thụ trong thị trường nội địa chứ không thể xuất khẩu được. Bởi vì heo ăn chất cấm có xương rất yếu nên chúng dễ bị gãy xương trong quá trình vận chuyển bằng xe tải trên quãng đường dài, chưa kể các nước nhập khẩu heo kiểm soát rất chặt chất lượng sản phẩm cũng như hàm lượng chất cấm trong heo.

“Ăn chất tạo nạc làm thể trạng heo yếu sẽ chết rất nhiều nếu vận chuyển từ phía Nam sang biên giới với Trung Quốc” - ông Nguyễn Quốc Trung, một thương lái heo đi Trung Quốc, cho hay.

Trong khi đó, sự lúng túng của các cơ quan quản lý, cụ thể là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế, đã tạo điều kiện cho chất cấm vào thị trường trong nước, còn lợi nhuận cao và chế tài nhẹ đã không đủ sức răn đe người sử dụng.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với tình hình kiểm tra như thời gian qua, việc một trang trại dùng chất cấm bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện rất khó xảy ra. Tại Đồng Nai có gần 2.000 trang trại lớn, chưa kể hàng chục ngàn hộ nuôi nhỏ lẻ.

Trong khi đó mỗi năm các cơ quan chức năng chỉ đi kiểm tra vài ba lần, mỗi lần 40-50 trang trại nên rất khó kiểm soát chuyện dùng chất cấm trong chăn nuôi.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Quốc Trung, nhiều chủ trại lớn đã có kinh nghiệm đối phó với các cơ quan chức năng. Trước khi xuất chuồng 10-15 ngày, người nuôi chủ động ngưng dùng chất cấm và cho heo ăn các loại thuốc kích thích bài tiết như các loại vitamin, thuốc lợi tiểu để nồng độ chất cấm xuống thấp hơn giới hạn phát hiện bởi test thử nhanh mà cơ quan thú y hay dùng.

Một số chủ trại còn chuyên nghiệp hơn, họ mua luôn bộ thử nhanh về để kiểm tra trước, nếu heo âm tính với chất cấm mới được xuất bán nên cơ quan khó phát hiện được.

Đặc biệt, theo ông Phạm Đức Bình, việc dùng chất cấm để tạo nạc không chỉ tăng trọng và nhiều nạc hơn mà giá bán thịt heo loại này cũng cao hơn so với heo không dùng khoảng 2.000 đồng/kg, càng khuyến khích nhiều nông dân sử dụng chất cấm này hơn. Trong thực tế, bên cạnh những hộ chăn nuôi vô tình hay cố ý sử dụng các chất cấm để tạo nạc cho heo, nhiều người chăn nuôi cũng bị thương lái ép sử dụng các chất này thông qua giá mua heo.

Chất cấm: nhập 1,5 triệu đồng/kg, bán 15 triệu đồng/kg

Salbutamol được dùng để sản xuất thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn cho người nên vẫn được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, do quản lý không chặt chẽ và lợi nhuận quá cao, nhập với giá 1,5 triệu đồng/kg nhưng giá bán tới tay người chăn nuôi lên đến 15 triệu đồng/kg, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tuồn chất này ra bán cho ngành chăn nuôi.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại - ủy viên ban chấp hành Hội Nội tiết VN, các kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc hen phế quản ở người trưởng thành tại VN là 4,1%, tính ra VN chỉ cần khoảng 10kg salbutamol để làm thuốc là đủ, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu về trên 9 tấn salbutamol. Như vậy, phần lớn chất này có thể đã được bán cho ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết sau khi xác định nguồn cung chất cấm chủ yếu được nhập khẩu chính quy, các cơ quan chức năng đã kiểm tra tại kho của các nhà máy và giám sát chặt chẽ quá trình tiêu thụ lượng tồn kho. Do đó, thời gian tới nguồn cung chất này ra thị trường sẽ giảm mạnh.

Nhiều tác hại 
đến sức khỏe người tiêu dùng

Khi được cho ăn thức ăn có chứa các chất thuộc nhóm beta-agonist (gồm salbutamol, clenbuterol và ractopamine) với một tỉ lệ nhất định, heo sẽ bung đùi, nở mông, tăng trọng nhanh và giảm mỡ, tăng nạc...

Tuy nhiên, người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư salbutamol và clenbuterol lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Các nước trên thế giới đều đã cấm sử dụng nhóm beta-agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Từ năm 2002, VN cũng đưa các chất thuộc nhóm beta-agonist vào danh sách cấm.

Theo TRẦN MẠNH
Tuoitre.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục