tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xuất khẩu gặp khó

  • Cập nhật : 28/12/2015

(Thuong mai)

Tốc độ tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh trong năm nay và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 của Việt Nam ước đạt 162,4 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm ngoái và là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.

Đơn hàng “chưa thấy gì...”

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước trong 11 tháng chỉ đạt 6,07 triệu tấn, trị giá 2,58 tỉ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 2,02 triệu tấn, chiếm 33,4% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Hiện các doanh nghiệp (DN) vẫn đang xuất khẩu theo hợp đồng cung cấp 1,5 triệu tấn gạo cho Philippines và Indonesia, còn tình hình sắp tới không mấy sáng sủa. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết đơn hàng xuất khẩu cho năm tới hiện vẫn chưa thấy gì. “Giá gạo của Việt Nam cao hơn cả Thái Lan nên rất khó bán, còn hạ giá thì không thể vì DN đã mua vào giá cao. Hợp đồng xuất khẩu gạo cho vụ đông xuân là rất khó” - ông Tuấn nói.

Cà phê cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng “thê thảm” không kém. Trong 11 tháng đầu năm, lượng cà phê xuất khẩu cả nước chỉ đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch 2,32 tỉ USD, giảm tới 27% về lượng và 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn mặt hàng thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng bị hụt gần 1,2 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước (tương đương mức giảm 16,6%). Nhiều mặt hàng chủ lực từ tôm, cá tra và cá ngừ cũng giảm mạnh; các thị trường “ăn hàng” chính như Mỹ, EU hay Nhật đều giảm ở mức 2 con số.

Ngay mặt hàng dệt may vốn nằm trong nhóm tăng trưởng cao và được dự báo có nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, kim ngạch xuất khẩu cũng không như kỳ vọng. Trong 11 tháng, xuất khẩu dệt may chỉ mang về 20,63 tỉ USD trong khi mục tiêu cả năm đề ra là 27-27,5 tỉ USD. “Đáng lưu ý, nếu thời điểm này năm ngoái, lượng đơn hàng của các DN khá dồi dào thì năm nay, tình hình lại trầm lắng và chậm hơn” - ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhìn nhận.

Cạnh tranh kém vì... tỉ giá

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), điểm nổi bật của ngành trong năm 2015 là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm vẫn tăng cao. Hàng dệt may sang Mỹ cả năm ước đạt 11,3 tỉ USD (tăng 12,95%); sang EU, Nhật, Hàn Quốc cũng tăng so với các “đối thủ” cùng xuất khẩu vào những thị trường này. Có điều, trong năm nay, giá một số nguyên liệu như bông, sợi filament polyester... giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến DN nội địa. Có những hợp đồng DN đã ký nhưng đối tác yêu cầu ngưng lại, chờ giá giảm thêm hoặc phải giảm đơn giá xuất khẩu...

“Ngành dệt may còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2016 khi tỉ giá tiếp tục biến động. Chưa kể, chi phí điện, nước và lương tối thiểu tăng cũng tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN” - ông Trần Việt, Trưởng Ban Tổng hợp và Pháp chế của Vinatex, nhận định.

Một trong những yếu tố khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cạnh tranh kém là do biến động tỉ giá. Nhiều quốc gia đã phá giá đồng tiền như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... khiến mặt bằng giá sản phẩm dệt may giảm sâu tại những nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Để giữ đơn hàng và khách hàng, nhiều DN phải giảm giá sản phẩm nên lợi nhuận không còn nhiều.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ, Nhật, EU là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành thủy sản nhưng sự biến động của đồng USD, yen và euro đã tác động tới hoạt động xuất khẩu. Tính từ tháng 1-2013 đến tháng 8-2015, đồng euro giảm 20%, đồng yen Nhật giảm 39% và đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với USD. Mất giá mạnh nhất là đồng tiền của các nước đang phát triển như đồng real của Brazil giảm tới 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, đồng rupiah của Indonesia giảm 42% hay đồng tiền của Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan đều mất giá từ 18%-33%. “Đây là những quốc gia có các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khiến nông sản, thủy sản trong nước khó cạnh tranh trên thị trường thế giới” - đại diện VASEP nói.

Doanh nghiệp nội nhập siêu “khủng”

Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục lấn lướt và chiếm tới gần 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhập siêu năm 2015 hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với con số lên đến 20,3 tỉ USD trong khi khu vực FDI lại xuất siêu hơn 17,1 tỉ USD.

Sau 3 năm xuất siêu liên tục, Việt Nam quay trở lại tình trạng nhập siêu với cán cân thương mại thâm hụt khoảng 3,2 tỉ USD.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục