tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao tranh chấp thương mại mất quá nhiều thời gian giải quyết?

  • Cập nhật : 13/10/2015

(Phap luat)

Giảm thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ 400 ngày hiện nay xuống còn tối đa 200 ngày. Yêu cầu này đã được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giai đoạn 2015-2016.

 

Giảm thời gian giải quyết tranh chấp thương mại từ 400 ngày hiện nay xuống còn tối đa 200 ngày. Yêu cầu này đã được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanhvà nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giai đoạn 2015-2016.

“Giảm tới 50% về thời gian giải quyết tranh chấp thương mại là một tiêu chí khá tham vọng của Chính phủ Việt Nam”, bà Laura McKechnie, chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhận xét tại một hội thảo gần đây.

Về con số trung bình 400 ngày để giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nói con số này có được khi tham vấn các doanh nghiệp Việt Nam đã từng giải quyết tranh chấp bằng toà án.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, có tới hai chỉ số liên quan đến cơ quan tư pháp là giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại và giải quyết phá sản doanh nghiệp. Và, đây cũng đang là hai vấn đề lớn của ngành tư pháp...”.

Phân tích về nguyên nhân thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại thường bị kéo dài, ông Luật nêu 4 lý do.

“Thứ nhất, phần lớn các tòa án vẫn áp dụng phương thức quản lý theo sổ sách, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tố tụng. Thứ hai, viện kiểm sát tham gia quá nhiều vào quá trình tố tụng. Thứ ba, phía bị đơn, nguyên đơn và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan không hợp tác với tòa án. Thứ tư, thủ tục tống đạt gồm nhiều bước, tốn thời gian”.

Nói về nguyên nhân thứ nhất, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn chứng: “Hiện cả 6 quốc gia dẫn đầu về môi trường kinh doanh của ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Brunei) đều áp dụng phương thức nộp hồ sơ khởi kiện trực tuyến. Có quốc gia còn cho phép thêm việc thanh toán án phí trực tuyến, thông báo tình trạng xử lý vụ án, công khai bản án và gửi bản án cho đương sự qua hệ thống điện tử”.

Luật sư Nguyễn Chính, Đoàn Luật sư Tp.HCM đồng ý với ông Cung: “Việt Nam được xem là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh, tại sao lại không thể nhận đơn khởi kiện qua Internet được?”.

Ông Tưởng Duy Lượng - nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao - lưu ý: “Chúng ta có thể làm được nhưng vấn đề là ở vốn. Trong khi các nước trên thế giới Quốc hội là nơi trực tiếp rót vốn cho cơ quan tư pháp hoạt động, thì chúng ta lại “chẳng giống ai”, các cơ quan tư pháp phải “xin” tiền từ Chính phủ”.

Đó cũng là một khía cạnh đáng lưu ý, vì liên quan đến tính độc lập của các cơ quan tư pháp.

Tranh chấp thương mại có thể xảy ra với chủ thể là cơ quan quản lý Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... Nếu toà án không độc lập thì sự bất công bằng giữa chủ thể khác với chủ thể Nhà nước hoàn toàn có thể xảy ra.

Phân tích về nguyên nhân thứ hai, ông Tưởng Duy Lượng cho rằng: “Nên hạn chế sự tham gia của viện kiểm sát trong tố tụng dân sự vì quan hệ tranh chấp dân sự, thương mại là quan hệ tư, quyền định đoạt thuộc về đương sự, nên phải hạn chế sự can thiệp của cơ quan Nhà nước”.

“Viện kiểm sát chỉ nên tham gia vào các vụ án có liên quan đến lợi ích Nhà nước như tiền thuế, tài sản công, khoản đóng góp cho Nhà nước...”, ông Lượng nhấn mạnh.

Cũng theo ông, trong Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2004 và dự thảo sửa đổi lần này vẫn cho viện kiểm sát quyền “kháng nghị xem xét lại tất cả các vụ án”, quy định này đã tạo cơ hội để việc giải quyết tranh chấp dân sự bị kéo dài.

Về nguyên nhân thứ ba, ông Lượng lý giải: “Tâm lí chống đối của các bên đương sự là rất bình thường trong bất kỳ tranh chấp thương mại, dân sự nào. Một phần là do chính các quy định của pháp luật, như quy định mỗi đương sự được quyền vắng mặt một lần và toà phải hoãn xử, như vậy nếu tranh chấp thương mại có nhiều đương sự và mỗi đương sự cố tình vắng mặt một lần (không trùng nhau) thì vụ án sẽ bị kéo dài… Quy định toà án chỉ thụ lý vụ án khi bên khởi kiện có chứng cứ chứng minh rõ ràng cũng vậy”.

“Trong lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự này nên quy định “lấy thời điểm nộp đơn khởi kiện làm thời điểm thụ lý vụ án” và quy định “khi toà đã tống đạt triệu tập hợp pháp thì việc vắng mặt không bắt nguồn từ lý do bất khả kháng, toà vẫn tiến hành xử…”, nguyên Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao góp ý.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục