tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt tại thị trường Mỹ là gì?

  • Cập nhật : 10/10/2015

(Thuong mai)

Vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị ở Mỹ cũng còn thấp và chưa vững chắc bởi cơ cấu hàng hóa của chúng ta chỉ dừng ở mức thô. Trong khi đó, những doanh nghiệp thành công lớn nhất trong chuỗi xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu lại là các doanh nghiệp FDI.

 

Những năm gần đây, các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam liên tục xuất khẩu mạnh sang Mỹ. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, mặt hàng dệt may đã đạt trị giá gần 6,3 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài dệt may, còn có 4 mặt hàng khác vào Mỹ đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên gồm: giày dép các loại gần 2,36 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện gần 1,53 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hơn 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ gần 1,45 tỷ USD…

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, mặc dù đã thâm nhập được vào thị trường lớn nhất thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế cần khắc phục, nếu không muốn để mất thị phần.

Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP HCM, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp thường không nhận thức đầy đủ về hàng loạt tiêu chuẩn mà họ phải đáp ứng khi muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Do vậy, họ cần được cung cấp thông tin, huấn luyện và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

Còn theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, từ khi ký BTA, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, thì mức tăng xuất khẩu của Việt Nam là kỳ diệu.

Điều ấy nói lên rằng chúng ta có lợi thế, khả năng tiếp cận tốt và cạnh tranh tốt trên thị trường Hoa kỳ, TPP mở ra thêm cả cơ hội này. Rất nhiều nghiên cứu đánh giá Việt Nam là thành viên được hưởng lợi nhất về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhờ hiệp định TPP.

"Nói như vậy, không có nghĩa xuất khẩu giữa Việt Nam và Mỹ không có vấn đề. Có 3 vấn đề lớn bao gồm tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cùng gắn kết với các chuỗi phân phối. Vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, đòi hỏi đặc biệt là nằm trong các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần học hỏi pháp lý để bảo vệ lợi ịch của mình tránh thiệt hại không đáng có - do đối tác có thể phản đối, kiện cáo, đưa những thông tin bất lợi. Đạt được 3 điểm này thì hiệu quả sẽ trở thành hiện thực", chuyên gia cho biết.

Cũng đánh giá cao những gì doanh nghiệp Việt đã đạt được trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng, các sản phẩm xuất khẩu đã được đa dạng hóa với nhiều chủng loại phong phú. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được cơ hội của thị trường Mỹ mà các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và ngành hàng nông thủy sản của Việt Nam cũng nắm bắt được khá nhiều cơ hội trên thị trường lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, phần lớn hàng của chúng ta là hàng thô, sơ chế hoặc gia công nên giá trị gia tăng khá thấp

Theo đó, vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị ở Mỹ cũng còn thấp và chưa vững chắc bởi cơ cấu hàng hóa của chúng ta chỉ dừng ở mức thô sơ.

Trong khi đó, những doanh nghiệp thành công lớn nhất trong chuỗi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và tham gia vào chuỗi giá trị tốt nhất chủ yếu lại là các doanh nghiệp FDI.

"Vì vậy, lợi ích thực sự chúng ta đạt được chưa tương ứng với tốc độ tăng về kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ", bà Lan nói.

Cũng theo chuyên gia này, để đạt được lợi ích tối đa trong TPP, chúng ta thực sự rất cần quan tâm tới việc khắc phục những điểm yếu trên chứ đừng ham chạy theo số lượng hay theo tốc độ tăng trưởng không thôi.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục