tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Điều này sẽ khiến kinh tế toàn cầu rung lắc

  • Cập nhật : 24/11/2015

(Kinh te)

Thông qua kênh hàng hóa, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang “phân phối lại” các hoạt động của kinh tế thế giới.

 

Ở thời điểm hiện tại, người ta đã có thể nhìn thấy kinh tế Trung Quốctăng trưởng chậm lại tác động như thế nào đến kinh tế thế giới. Giá hàng hóa sụt giảm và các đối tác thương mại của nước này đang cảm nhận được một vài gánh nặng.

Trong khi đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang tăng trưởng ở mức khoảng 7%. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong kịch bản kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”.

Đó chính là nội dung của bản báo cáo mới được các chuyên gia đến từ Oxford Economics đưa ra.

Kinh tế bùng nổ trong suốt 30 năm qua đã đưa tỷ trọng của kinh tế Trung Quốc trong GDP toàn cầu lên mức 11% và nước này cũng đóng góp 10% tổng thương mại toàn cầu. Trong một số loại tài nguyên, thậm chí con số còn lớn hơn: Trung Quốc chiếm 11% tổng nhu cầu dầu mỏ và 40 – 70% tổng nhu cầu về các hàng hóa chủ chốt khác.

Hệ thống tài chính của nước này có quy mô khổng lồ, với nguồn cung tiền lớn hơn của Mỹ và chiếm hơn 20% của toàn thế giới.

Bởi vậy không sai khi nói rằng khi Trung Quốc “hắt hơi xổ mũi”, kinh tế toàn cầu cũng có thể bị cảm lạnh.

Đầu tiên là thương mại. Tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm khoảng 4% trong 3 quý đầu năm 2015, sau khi tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm suốt từ 2004 đến 2014. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng thương mại của thế giới sụt giảm 0,4 điểm phần trăm trong 9 tháng đầu năm, sau khi đều đặn thêm vào 1 điểm phần trăm mỗi năm trong thập kỷ trước.

Những nước có mối quan hệ thương mại gắn bó với Trung Quốc nhất và có nền kinh tế mở nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

 

Đối với hầu hết các nền kinh tế phát triển, mức độ phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc là thấp hơn. Đức là một trong những nước phụ thuộc nhiều hơn cả:

 

Sau đó là những tác động gián tiếp lên GDP của các nước đối tác thương mại. Ví dụ, Nhật Bản sẽ không chỉ chịu đựng xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm mà cả các thị trường như Hàn Quốc và các nước châu Á khác bị ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc.

Một con đường lan truyền khác là thông qua giá hàng hóa. Bất kỳ sự suy giảm nào trong tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ khiến giá cả giảm sâu hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung đã mở rộng mạnh mẽ trong mấy năm gần đây. Đây sẽ là tin xấu đối với những nước như Australia và Brazil.

 

Và đây là một hiệu ứng lan tỏa khác mà có thể bạn chưa nghĩ đến: một trong những hệ lụy của giá dầu giảm là các nước xuất khẩu dầu cùng với các quỹ đầu tư quốc gia có ít tiền hơn để đầu tư vào các tài sản tài chính ở những nền kinh tế phát triển.

Dẫu vậy, vẫn có một tia sáng: giá thấp hơn, đặc biệt là giá thực phẩm và nhiên liệu, sẽ đẩy tăng sức mua của các nước nhập khẩu hàng hóa ròng, trong đó có nhiều nước phát triển, những nước mới nổi ở châu Âu, Ấn Độ, và cả những nước công nghiệp đã phát triển ở châu Á như Hàn Quốc.

Tiếp theo là kênh tài chính.

Nếu kinh tế tiếp tục giảm tốc, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ gặp phải nhiều vấn đề có thể lây lan ra kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, không giống như Mỹ, tính chất khép kín của thị trường tài chính Trung Quốc lại trở thành một điều tốt.

Hiện phần lớn các ngân hàng Trung Quốc đều thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước, do đó hạn chế được việc những rắc rối về nợ xấu trở thành vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có một số nước sẽ bị ảnh hưởng (dù nhỏ).

 

Ngoài ra, lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Hiện dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc đang ở mức khoảng 1.500 tỷ USD, do đó nếu hiệu quả đầu tư thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, Oxford Economics kết luận nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh. Các đối tác thân thiết cũng như những quốc gia xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nhất. Áp lực giảm phát đối với kinh tế thế giới sẽ tăng lên đáng kể.

(Theo CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục