tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tháng 9 sẽ có hướng dẫn Luật Đầu tư

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Tin kinh te)

Đây là thông tin do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cung cấp trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời". Bộ trưởng giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

thang 9 se co huong dan luat dau tu

Tháng 9 sẽ có hướng dẫn Luật Đầu tư

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, có doanh nghiệp đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp tự quyết số lượng con dấu bằng 0 như các nước khác, có nghĩa là không dùng con dấu thì có được không?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong luật này, doanh nghiệp được tự quyết định số lượng con dấu. Tuy nhiên, chuyện không cần con dấu thì cần có một lộ trình tiếp theo, bởi còn rất nhiều văn bản ngoài Luật Doanh nghiệp vẫn có yêu cầu sử dụng con dấu trong các chứng từ, văn bản pháp lý. Cho nên, chúng ta phải dần dần điều chỉnh các văn bản đó, đồng thời doanh nghiệp cũng cần làm quen bởi các doanh nghiệp bạn hàng và các Cơ quan Nhà nước nếu không có dấu đóng sẽ cảm thấy không đảm bảo tính pháp lý.

Về mã ngành kinh doanh, Luật cho phép doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm, vậy tại sao doanh nghiệp vẫn phải kê khai ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp?

Chúng ta xác định là có 2 loại giấy tờ. Luật Doanh nghiệp có bước đột phá rất lớn là doanh nghiệp không cần ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh của mình những ngành nghề mình kinh doanh. Tuy nhiên, trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp thì phải ghi rõ thân nhân của chủ doanh nghiệp cũng như ngành nghề dự kiến kinh doanh để theo dõi, quản lý doanh nghiệp, xây dựng chính xách vĩ mô, cung cấp thông tin cho các loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai, Nhà nước muốn hỗ trợ doanh nghiệp khi có những chính sách ưu tiên, tính toán cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau để có ưu tiên. Cho nên, đây là điều rất thuận lợi cho doanh nghiệp, và đây là trách nhiệm hai bên giữa Nhà nước và Doanh nghiệp.

Về vấn để triển khai các Luật, trong quá trình triển khai, ở một số địa phương vẫn còn dè dặt do chưa có Nghị định hướng dẫn các Luật này. Xin hỏi Bộ trưởng, tại sao Nghị định hướng dẫn lại ra đời chậm như vậy?

Nghị định hướng dẫn ra đời chậm có nhiều lý do. Tôi có thể nói rằng đây là một bước đột phá rất lớn. Chúng ta đã sử dụng phương pháp "chọn bỏ", có nghĩa là cái gì Nhà nước cấm thì Nhà nước công bố, còn cái gì Nhà nước không cấm có nghĩa là doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Cho nên, các Bộ, Ngành và cơ quan soạn thảo đang phải làm một công việc rà soát khổng lồ, là lọc ra có bao nhiêu ngành cấm và bao nhiêu ngành nghề có điều kiện, còn lại là tự do kinh doanh.

Chúng ta phải rà soát rất cẩn thận, vì nếu chúng ta rà soát không cẩn thận, để lọt những ngành nghề nguy hiểm được kinh doanh thoải mái thì sẽ gây hậu quả cho xã hội. Cho nên, công việc này chúng tôi phải làm việc với 16 Bộ ngành của Trung ương nên việc khớp các công việc với nhau là một quá trình rất căng thẳng.

Cách đây 3 tháng, chúng tôi đã trình Nghị định này. Trong khi chúng ta chưa ban hành được Nghị định, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã hướng dẫn rất chi tiết các thủ tục, cách làm cho doanh nghiệp và các cơ quan. Có thể nói, đến lúc này không còn nhiều vướng mắc như ngày đầu tiên.

Như vậy, dự kiến bao nhiêu lâu nữa chúng ta sẽ có Nghị định hướng dẫn, thưa ông?

Tôi nghĩ là tháng tới Chính phủ sẽ ban hành được, nghĩa là trong vòng tháng 9.

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, Luật Đầu tư mới rất mở nhưng các doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh thì phải có 2 giấy phép: Giấy phép Đầu tư và Giấy phép đăng ký kinh doanh, thay vì chỉ cần Giấy phép đầu tư như trước đây. Như vậy, việc này có đi ngược lại thủ tục cải cách hành chính hay không?

Trước đây, giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép đăng ký doanh nghiệp là khác nhau nhưng trong thực tế là 2 cơ quan cấp. Giấy đăng ký doanh nghiệp rất đơn giản và do phòng kinh doanh của các Sở Kế hoạch đầu tư cấp, Trưởng phòng ký, nó rất đơn giản và hậu kiểm. Giờ đây, gắn nó với giấy phép đầu tư do Sở Kế hoạch đầu tư xem xét, rồi đến các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, thậm chí là Chủ tịch Ủy ban Tỉnh mới ra được quyết định cấp phép cho các dự án lớn, thậm chí có dự án lớn hơn phải do Thủ tưởng Chính phủ và Quốc hội chấp thuận.

Cho nên, nếu để chung với nhau sẽ nẩy sinh 2 bất cập, nếu điều chỉnh một nội dung sẽ phải chờ rất lâu. Khi tách ra, giấy phép đăng ký kinh doanh chỉ còn cấp trong 3 ngày thay vì 6-7 ngày. Giấy chứng nhận đầu tư trước đây quy định 45 ngày thì bây giờ chỉ còn tối đa không quá 15 ngày. Như vậy, nếu như làm cả 2 thủ tục sẽ chỉ mất tối đa 18 ngày.

Thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cần phải có dự án, chứ không thể thành lập doanh nghiệp mà không có dự án nào. Khi chúng ta tham gia TPP, đàm phán với Hoa Kỳ và họ đều nói rằng quyền đó là của các quốc gia và làm như thế là đúng.

Một số đơn vị chia sẻ họ bị quá tải trong thủ tục, thực tế này có phổ biến hay không?

Đây là quá tải của Cơ quan Nhà nước, Sở Kế hoạch Đầu tư, Phòng đăng ký kinh doanh. Tất cả đều quá tải bởi 2 lý do, một là trước đây họ không phải làm những công việc như bây giờ vì trước đây doanh nghiệp phải làm rất nhiều thì bây giờ chuyển những công việc của doanh nghiệp vào cho chọ. Hai là công việc của các cơ quan khác cũng chuyển vào cho họ.

Ví dụ, trước đây phòng đăng ký kinh doanh ở các Sở kế hoạch đầu tư không phải chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI mà cơ quan khác làm. Giờ đây, dồn về một mối, họ phải lên Cổng thông tin điện tử, công bố khoảng 18.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay trên cả nước Việt Nam, đưa lên mạng.

Trước đây, ở Hà Nội mỗi ngày chỉ có 400-500 doanh nghiệp đến đăng ký, thì những ngày đầu tháng 7 có đến 1.500-1.600 doanh nghiệp đến đăng ký, gấp 3-4 lần, cộng với thủ tục phải nhận thêm dẫn đến khối lượng công việc quá tải. Nhiều doanh nghiệp phải chờ đợi do khối lượng đến cùng lúc rất đông và cũng một phần do các cơ quan làm việc những ngày đầu còn lúng túng.

Tuy nhiên, qua điều tra, tất cả các đăng ký kinh doanh bình quân chung trên 63 tỉnh thành cả nước chỉ mất 2,6 ngày, tức là chưa hết 3 ngày. Đến nay, khi công việc quen dần, tăng biên chế và công cụ làm việc thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ, không có vấn đề gì.

Ngoài ra còn có con số ấn tượng nào sau 2 tháng triển khai 2 Luật này không thưa ông?

50 ngày đầu tiên kể từ ngày 1/7, chúng ta đã tăng trên 13.000 doanh nghiệp, tăng trên 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số 73% rất ấn tượng. Theo Bộ trưởng, điều này là do triển vọng kinh tế sáng sủa hơn hay do thủ tục cải cách đột biến nhờ 2 luật này.

Tôi nghĩ là cả 2 và còn do nhiều nguyên nhân khác. Cũng có thể một là do kinh tế đang từng bước phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định. Hai là thủ tục tham gia thị trường, đơn giản hơn, minh bạch hơn và họ cảm thấy ít rủi ro hơn thì họ sẽ tham gia.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục