tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nền tảng công nghiệp hỗ trợ

  • Cập nhật : 09/05/2016

(Tin kinh te)

Vấn đề yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã được nhiều cơ quan, tổ chức và các chuyên gia đánh giá rất rõ, cụ thể, thậm chí nhấn mạnh việc các DN Việt Nam không làm nổi một con ốc vít. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đang quan niệm sai về ngành công nghiệp này.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Chính và phụ

Sự xuất hiện của các tổ hợp sản xuất, lắp ráp điện tử Samsung, LG Electronics, Foxconn, hay cả tổ hợp lắp ráp ô tô của tập đoàn trong nước như Trường Hải trong những năm qua, đã góp phần thay đổi nền kinh tế đất nước. Nhưng nhiều chuyên gia lại không coi đó là một tín hiệu của sự phát triển bền vững. Bởi những nhà máy lắp ráp đó mới chỉ là bề nổi của nền công nghiệp và không tạo ra giá trị gia tăng nhiều. Còn bề chìm, như người ta vẫn thường gọi là công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tức là các nhà máy sản xuất linh phụ kiện hoặc nguyên liệu đầu vào, lại chưa phát triển ở Việt Nam.

Dù gọi là CNHT nhưng phải coi đó là lực lượng chủ yếu để tạo ra giá trị công nghiệp. Và trên hết, CNHT không đồng nghĩa với các hoạt động công nghiệp dựa trên công nghệ thấp. Bởi lẽ, do là nền tảng của nền công nghiệp hiện đại, nên về cơ bản CNHT phải là những ngành hoạt động dựa trên công nghệ và lao động kỹ năng cao.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam 

Có thể nói Việt Nam là một trong những nước có thế mạnh về lắp ráp, nhưng kinh tế lại rất yếu. Vấn đề vì gia tăng thấp, CNHT không có. Trong khi đó, nhiều người dường như đang hiểu sai về nền công nghiệp này khi cho rằng đây là “phụ” còn lắp ráp hoàn thiện ra sản phẩm cuối cùng mới là “chính”. Có lẽ cũng chính vì quan niệm về vai trò CNHT sai mà trong suốt nhiều năm qua, không ít doanh nhân cảm thấy hoang mang khi tiến hành kinh doanh, sản xuất các linh phụ kiện công nghiệp. Dù rằng hiện tại chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đã được Bộ Công Thương ban hành, nhưng thực tế chưa đủ hấp dẫn và sức nặng để giúp DN phát triển.

"Các nhà làm chính sách dường như đang hiểu sai về nền công nghiệp này khi cho rằng CNHT là phụ còn lắp ráp hoàn thiện ra sản phẩm cuối cùng mới là chính” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thăng Long Tech, chia sẻ.

Những yêu cầu thực tế và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện từ chính các nhà đầu tư nước ngoài như Samsung hay Canon, đã cho thấy tầm quan trọng của ngành CNHT. Trong suốt những năm qua, việc thiếu các cơ sở sản xuất linh kiện, máy móc cho ngành công nghiệp ô tô đã buộc các tập đoàn ô tô nước ngoài lựa chọn Thái Lan và Indonesia làm trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á, thay vì Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, nền tảng của sản xuất công nghiệp chính là CNHT. Song Việt Nam chưa có nền CNHT theo đúng nghĩa như là một hệ thống, và nguyên nhân cũng xuất phát từ quan niệm sai lầm về vai trò của ngành công nghiệp này. Vì thế cần có cách hiểu đúng, tư duy đúng về CNHT, hiểu đúng chức năng, đánh giá đúng vị trí của nó, lúc đó chúng ta mới có một chính sách, chiến lược phát triển CNHT phù hợp.

Khởi nghiệp CNHT

Khó khăn chủ yếu của DN Việt Nam tham gia CNHT là đầu ra sản phẩm. Làm sao xác định được vị trí đầu ra rõ ràng, số lượng, chất lượng, giá cả… Đơn cử khi có đơn đặt hàng sản xuất linh phụ kiện từ Toyota, các DN Việt Nam phải cạnh tranh rất mạnh với DN Thái Lan khi họ đã có kinh nghiệm và “dòng sản xuất” từ hàng chục năm qua. Hiện linh kiện các ngành ô tô, điện tử… đang có xu hướng tràn vào rất mạnh từ Thái Lan và một số nước ngay trong ASEAN vào Việt Nam.

Cơ chế chính sách mà Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua đã cơ bản đủ mạnh để các DN triển khai. Tuy nhiên cần đưa được cơ chế này đến tận tay người làm là một vấn đề rất cần được Nhà nước quan tâm. Mặt khác chúng ta cũng luôn phải tận tình chăm sóc thật kỹ con đẻ - DN Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động từng ngày.

Hãy coi DN là những người được trân trọng, thương yêu, hãy để họ được cảm nhận là những người lính để họ mạnh mẽ tham gia chiến trường kinh tế làm giàu cho mình và đất nước. Và hãy xác nhận rủi ro của họ là rủi ro của đất nước để cùng đứng lên, làm lại khi vấp ngã. Làm vậy chúng ta tin tưởng rằng ngành CNHT nói riêng và kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh lần thứ 2 mạnh mẽ hơn nhiều lần trong 30 năm Đổi mới vừa qua. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo cụ thể quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng DN hoàn toàn có quyết tâm để tham gia chuỗi sản xuất kinh doanh, cạnh tranh mạnh mẽ, minh bạch với DN quốc tế trong thời gian tới.



Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư

Trở về

Bài cùng chuyên mục