tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trần Công Trục: 'Tàu tuần tra Mỹ không phải bảo bối ở Biển Đông'

  • Cập nhật : 19/10/2015

(Tin kinh te)

Việc Mỹ điều tàu tuần tra vào 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng thể hiện phản đối mạnh mẽ của Washington, nhưng khó giúp thay đổi căn bản tình hình ở đây.

ke hoach tuan tra gan cac dao nhan tao do trung quoc xay o bien dong cua my nham the hien cam ket ton trong luat phap quoc te. anh minh hoa: ap

Kế hoạch tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông của Mỹ nhằm thể hiện cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế. Ảnh minh họa: AP

Hôm 8/10, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã thông báo ngắn gọn với các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tuần tra hải quân gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông. Phía Philippines cho hay họ đã được thông báo về kế hoạch tuần tra trong vài ngày trước đó.

Phản đối mạnh mẽ của Mỹ

"Việc công khai kế hoạch tuần tra cho thấy Mỹ đã tỏ thái độ mạnh mẽ hơn, rằng nước này sẽ làm bất kỳ điều gì trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, để bác bỏ âm mưu của Trung Quốc với các đảo nhân tạo ở Trường Sa", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, trao đổi vớiVnExpress về việc Mỹ sắp đưa tàu vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo Andrew Chubb, nhà nghiên cứu tại Đại học Western Australia, mục đích chính của Washington là nhằm nói rõ với Bắc Kinh rằng việc xây đảo không giúp tạo nên bất kỳ vùng biển nào thuộc chủ quyền lãnh thổ cho Trung Quốc, xung quanh các đá ở Trường Sa. Từ đó, Mỹ sẽ thể hiện cho các nước liên quan thấy có các quy tắc trên thực tế mà cộng đồng quốc tế đề cao, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Trung Quốc hơn một năm nay đẩy mạnh việc cải tạo và xây dựng tại các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam. Mỹ và các nước nhận định Trung Quốc sẽ thiết lập các căn cứ quân sự và đường băng ở đây. Việt Nam cũng nhiều lần phản đối hành động phi pháp này. Tại Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước thuộc ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Ông Chubb phân tích việc chính phủ và quân đội Mỹ thời gian qua còn do dự về kế hoạch tuần tra này cho thấy sự phức tạp của các vấn đề chính trị và pháp lý liên quan. Trong khi Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc nói rõ lợi ích của việc tuần tra thì Bộ Ngoại giao nước này phải tính toán đến những điều có thể gây ra những hệ lụy xấu.

Trước tốc độ cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, từ tháng 5 năm nay nhiều quan chức hải quân Mỹ đã nêu lên yêu cầu cần tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý. Cuối tháng 5, Mỹ đã điều phi cơ P8-A Poseidon, máy bay trinh sát và săn ngầm hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ, đến tuần tra trên Biển Đông.

Tỏ ra thận trọng trong suy đoán, chuyên gia của Australia cho rằng cần phải đợi tới lúc Mỹ tiến hành tuần tra thì mới biết rõ loại tàu và máy bay nào được sử dụng. Washington sẽ tái cam kết ủng hộ các nước trong khu vực trong thực hiện UNCLOS, làm rõ với Bắc Kinh về giới hạn các hoạt động xây dựng ở Biển Đông và cảnh báo Trung Quốc về nỗ lực mở rộng các tiền đồn để lập nên kiểm soát quân sự ở khu vực xung quanh.

Trong khi đó, ông Trục cho rằng trong các hoạt động gần đây của Hải quân Mỹ có sự tham gia của Hạm đội 7 ở châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ khoảng 70 tàu, 140 máy bay và 40.000 lính hải quân và lính thủy đánh bộ nhằm bảo đảm an ninh và ổn định của khu vực này. Mỹ sẽ tính toán kỹ loại tàu thuyền tuần tra dựa trên phân tích khả năng phản ứng của Trung Quốc.

'Không phải bảo bối'

"Trung Quốc sẽ phản ứng tùy vào việc Mỹ thực hiện tuần tra thế nào và ở đâu. Việc Mỹ triển khai hoạt động tuân theo UNCLOS là điều rất quan trọng", ông Chubb nhận định.

Cả hai chuyên gia đều đồng tình xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là điều các bên đều không mong muốn. Tuy nhiên, ông Trục nhấn mạnh khi Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế, xung đột vẫn có thể xảy ra. 

"Trong khi một bên bảo vệ luật pháp quốc tế, bên kia lại không tuân thủ, thì dư luận cần có thái độ cần thiết để bảo vệ khuôn khổ đó nhằm duy trì hòa bình. Không thể để một nước áp đặt lối chơi riêng của họ", ông Trục nói.

Theo ông Trục, Trung Quốc cũng sẽ phản ứng trên nhiều phương diện khác nhau để che đậy tính toán quân sự của mình ở Biển Đông. Bắc Kinh gần đây khánh thành hải đăng, công bố các công trình dân sự. Truyền thông Trung Quốc thì cho rằng nước này sẽ trả đũa nếu Mỹ vi phạm khu vực mà nước này cho là có chủ quyền.

Cùng có quan điểm Trung Quốc sẽ không có hành động hung hăng, ông Chubb đánh giá Bắc Kinh chủ yếu phản ứng trên phương diện tuyên truyền. Từ những thông tin trên tuyền thông Trung Quốc, ông Chubb cho hay Bắc Kinh tập trung miêu tả Washington là một "kẻ bá chủ nguy hiểm" ở khu vực. Ông Chubb nhận định việc tuần tra của tàu Mỹ không giúp thay đổi được tình hình xây dựng của Trung Quốc, quá trình này gần như đã hoàn thành. Việc Trung Quốc sẽ làm gì với các đảo nhân tạo mới là nghi vấn chính lúc này.

Về phản ứng của Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN cùng có tranh chấp, ông Trục cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách đe dọa, ngăn cản các nước này hợp tác với Mỹ trong tuần tra nhưng "không phải họ muốn là được". Điều đó còn phụ thuộc vào việc các nước thể hiện quyết tâm đoàn kết và hợp lực để tỏ rõ quan điểm với Trung Quốc.

"Việc tuần tra của Mỹ không phải là một bảo bối, giúp ngăn Trung Quốc dừng hoạt động cải tạo và xây dựng ở Trường Sa. Đây là thời điểm mà các nước có lợi ích trực tiếp và gián tiếp thể hiện sự đồng lòng, phối hợp để ngăn cản hoạt động phi pháp của Trung Quốc", ông Trục nhấn mạnh.
 

Việt Anh
Theo Vnexpress

Trở về

Bài cùng chuyên mục