tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 05-08-2016

  • Cập nhật : 05/08/2016

Chuyển động chính sách “nắn” dòng FDI

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị cần đặt ra một ngưỡng quy mô đối với dự án FDI mà ở đó, các bộ, ngành phải vào cuộc thẩm định. 

Thu hút FDI đã bước vào giai đoạn phải sàng lọc mạnh hơn về chất lượng, đẩy mạnh tính lan toả với khối DN trong nước và siết chặt phân cấp quản lý. Đây là những yêu cầu được đặt ra trong bối cảnh dòng vốn này đang tăng trưởng mạnh mẽ song cũng bộc lộ không ít mặt trái.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được gần 13 tỷ USD vốn FDI, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, khu vực FDI tiếp tục là chủ thể đầu tư tích cực nhất, với tốc độ gia tăng đầu tư nhanh nhất trong 7 tháng đầu năm. Đây cũng là khu vực có mức giải ngân đầu tư lớn nhất.

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (Vafie) cho rằng, không nên quá phấn khích trước thành tích này mà quên mục tiêu quan trọng hơn là chú trọng vào chất lượng dòng vốn. “Tôi cho rằng, hai chuyện cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn tới là tính lan toả của vốn FDI, và phân cấp quản lý dự án”, ông Toàn đặt vấn đề.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đề cập tới tính lan toả của vốn FDI, ông Toàn cho rằng đã có điều kiện cần, là việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn và có công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam. DN FDI cũng đã làm tốt việc kết nối hai khu vực FDI với DN nội địa. Song chúng ta lại thiếu điều kiện đủ, bởi Việt Nam chưa làm tốt phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp DN nội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề này đang dần được cải thiện trước các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó là các chính sách rất cụ thể cũng đang được triển khai. Đơn cử như Quỹ Phát triển DNNVV, thuộc Bộ KH&ĐT, mới đây đã khởi động các chương trình cho vay trong năm 2016.

Đây là chương trình hỗ trợ toàn diện cho DN thông qua hai hình thức hỗ trợ tài chính và tăng cường năng lực. Cụ thể, Quỹ triển khai hoạt động vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác với lãi suất và thời hạn ưu đãi, cùng với các hoạt động tăng cường năng lực nhằm đảm bảo hiệu quả của khoản vay. Các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành cơ khí, điện tử là một trong 4 đối tượng cho vay chính của quỹ này.

Ông Toàn đánh giá, đây là hỗ trợ thiết thực song tiếc rằng việc triển khai hiện nay còn khá chậm. Bởi ngoài tiếp cận vốn, các DN làm công nghiệp hỗ trợ còn gặp vướng mắc ở rất nhiều vấn đề như công nghệ, năng lực quản lý, công nghệ thông tin… Vì vậy, sắp tới cần nhiều hơn các chương trình hỗ trợ trong các lĩnh vực này để DN trong nước nâng cao năng lực, đủ sức hấp thụ lan toả từ khối FDI.

Bên cạnh đó, sự cố vừa qua liên quan đến hoạt động của Formosa cũng đưa ra cảnh báo về việc phải xem xét lại phân cấp quản lý FDI. Ông Toàn phân tích, trong vụ việc của Formosa, cho tới nay chúng ta vẫn chưa xác định được người phải chịu trách nhiệm. “Lãnh đạo Hà Tĩnh nói chúng tôi chẳng có trách nhiệm gì cả, chúng tôi làm tất cả đều rất đúng quy trình. Nếu đúng thì tại sao lại gây hậu quả nghiêm trọng?”, ông Toàn đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch của Vafie cho rằng phân cấp quản lý là chủ trương đúng, nhưng lại chưa đi đến tận cùng. Ông khuyến cáo, phải làm sao phân cấp đến người đứng đầu và quy trách nhiệm đến cá nhân người thực hiện để khi có vấn đề gì đó xảy ra thì quy được trách nhiệm cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là thời điểm cần xem lại cơ chế phân cấp lâu nay theo hướng giảm bớt quyền của địa phương. Bởi trong thời kỳ đầu của quá trình thu hút vốn FDI, các nước đang phát triển có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn môi trường nhằm cạnh tranh thu hút nguồn vốn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương “nhắm mắt” chạy đua thu hút vốn. Song giai đoạn tới cần có cơ chế sàng lọc mạnh hơn.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, vai trò của bộ, ngành cần được chú trọng hơn nữa. Ông khuyến nghị cần đặt ra một ngưỡng quy mô đối với dự án FDI mà ở đó, các bộ, ngành phải vào cuộc thẩm định. Chẳng hạn các dự án sử dụng trêm 50 ha đất hoặc có vốn 100 triệu USD trở lên thì phải đưa lên Trung ương cùng xem xét, thay vì để cho địa phương tự thẩm định và xin ý kiến như hiện nay.

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ KH&ĐT cũng vừa ban hành Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư nêu rõ việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đây là dịp để phát hiện những vấn đề bất hợp lý, kịp thời điều chỉnh pháp luật, cơ chế chính sách về đầu tư nước ngoài.(TBNH)

 

Điều chỉnh cục bộ ô quy hoạch thuộc dự án Khu ĐTM Tây Nam Hà Nội

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa Nguyễn Đức Chung ký ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ ô quy hoạch ký hiệu B4 thuộc Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội - Khu xây dựng đợt đầu tỷ lệ 1/500 tại phường Trung Hòa và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cụ thể, quy mô diện tích khu đất nghiên cứu điều chỉnh cục bộ khoảng 15.716m2. Phía Bắc giáp đường Mạc Thái Tổ; phía Nam giáp đường quy hoạch; phía Đông giáp đường Nguyễn Chánh; phía Tây giáp đường quy hoạch.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Việc điều chỉnh cục bộ nhằm mục tiêu thay đổi chức năng hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ, thương mại, ở…), dịch vụ phục vụ đỗ xe và gara cao tầng (kết hợp trạm xăng) thành chức năng hỗn hợp (xây nhà ở thấp tầng kết hợp dịch vụ thương mại tại tầng 1), dịch vụ phục vụ đỗ xe và gara cao tầng (kết hợp trạm xăng) phù hợp nhu cầu của chủ đầu tư nhằm sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện về kiến trúc cảnh quan đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo Quy hoạch chi tiết được duyệt, nâng cao chất lượng tiện ích đô thị khu vực. 

Ngoài ra, việc điều chỉnh là cơ sở pháp lý để Chủ đầu tư nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch và làm cơ sở để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, điều chỉnh khối công trình B4/HH cao tầng (19 tầng) sang xây dựng công trình thấp tầng (5 tầng), mở rộng không gian cây xanh trong lõi dự án (kết hợp cây xanh nhóm nhà và cây xanh khu vực đỗ xe, tăng diện tích cây xanh đô thị). Công trình xây dựng trong từng ô phố đảm bảo thống nhất về kiến trúc hình khối, sử dụng vật liệu màu sắc phù hợp chức năng sử dụng, hài hòa kiến trúc cảnh quan khu vực. Đảm bảo khoảng lùi xây dựng, khoảng cách công trình tới chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và công trình lân cận theo quy định.

Huy động hơn 22 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tháng 7/2016, Sở đã tổ chức 24 phiên đấu thầu, huy động được 22,652 tỷ đồng trái phiếu, giảm 54,9% so với tháng 6/2016.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 19.152 tỷ đồng, Ngân hàng chính sách xã hội huy động được 1.900 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 1.600 tỷ đồng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 5,69-5,70%/năm, 5 năm trong khoảng 6,10-6,50%/năm, 7 năm là 6,62%/năm, 15 năm là 7,65%/năm, 30 năm là 8,00%/năm. So với tháng 6/2016, nhìn chung lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng khoảng 0,44%/năm; 5 năm tăng khoảng 0,03%/năm; 15 năm, 30 năm giữ nguyên lãi suất.

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp tháng 7/2016, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường đạt hơn 791 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 82 nghìn tỷ đồng, giảm 0,29% về giá trị so với tháng 6/2016. Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại đạt hơn 574 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 55 ngàn tỷ đồng, giảm 3,39% về giá trị so với tháng 6/2016.

Giá trị giao dịch mua thông thường của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 7,3 ngàn tỷ đồng, giá trị giao dịch bán thông thường của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3,3 nghìn tỷ đồng trên thị trường TPCP. Giá trị giao dịch bán lại của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 92 tỷ đồng, không có giao dịch mua repos của nhà đầu tư nước ngoài.

Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI

Đó là một trong những mục tiêu được Hà Nội đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh 2 năm (2016-2017), định hướng đến năm 2020.

Theo đó, UBND thành phố phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu: Cải thiện điểm số và xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của thành phố. Phấn đấu năm 2020, nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. 

Trong đó, giai đoạn 2016-2017, phấn đấu trong nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá (từ vị trí thứ 12 đến 20), năm sau cải thiện hơn năm trước. Phấn đấu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Đối với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã: Công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính trên website/trang thông tin điện tử của đơn vị... Giải quyết đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 02 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả ngay trong ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 95%. Thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc không quá 168 giờ/năm vào năm 2016; 155 giờ/năm vào năm 2020 (trong đó, thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm).

Thêm vào đó, thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Hải quan và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Năm 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. Đến năm 2020, giảm chỉ còn dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng theo phương pháp xác định của Ngân hàng Thế giới, tối đa không quá 77 ngày trong năm 2016; đến năm 2020 còn dưới 70 ngày (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến của các cơ quan liên quan như chấp thuận đấu nối điện, nước, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, độ tĩnh không...); Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn dưới 14 ngày năm 2016; đến năm 2020 còn dưới 10 ngày; Rà soát, giảm 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong năm 2016; Giảm thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng xuống còn 21 ngày đối với đường điện trên không và 26 ngày đối với đường điện trung áp cáp ngầm trong năm 2016.

Song song đó, thành phố đặt mục tiêu xây dựng quy trình, cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài so với yêu cầu tại các văn bản pháp luật về đầu tư trong năm 2016. Giảm thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày hiện nay xuống còn tối đa 200 ngày trong năm 2016; Giảm thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 24 tháng trong năm 2016, đến năm 2020 là 20 tháng.(TBNH)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục