tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 06-08-2016

  • Cập nhật : 06/08/2016

Bán vườn cao su khi giá mủ đang tăng

Hiện nay giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với cuối vụ năm ngoái, nhiều người ép cao su ra mủ...

Hiện nay giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với cuối vụ năm ngoái, nhiều người ép cao su ra mủ nhưng nhiều người không đủ chi phí đầu tư trong thời gian “nuôi” vườn cao su. Vì vậy nhiều người trồng cao su ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên) kêu bán vườn cao su.

Ép cao su ra mủ

Ông Đinh Văn Quang, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), loay hoay trút mủ cao su với tâm trạng buồn bã, nói: Tôi trồng 2ha cao su đã 10 năm tuổi, mùa thu mủ này trung bình mỗi ngày 1ha trút được 40kg mủ, bán với giá 10.000 đồng/kg, thu được 400.000 đồng.

Đáng lý ra vườn cao su của tôi một đêm cạo, hai đêm nghỉ nhưng tôi “tăng tốc” cạo cách đêm, như vậy một tháng tôi trút 15 lần mủ thu 6 triệu đồng, trong khi đó tiền thuê công cạo mủ mất hết 2 triệu đồng, đó là công trút mủ gia đình tự lo còn nếu thuê công cạo và trút mủ nữa thì tiền thu từ mủ cao su còn lại không đáng là bao.

Còn bà Trương Thị Bảy ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), than vãn: Cách nay 10 năm, tôi vay Ngân hàng NN-PTNT, trồng 7ha cao su tiểu điền, với giá mủ như năm nay có tăng như tính ra không đủ tiền đi chợ nói chi đến trả ngân hàng.

Trong khi đó mấy năm gần đây giá mủ cao su liên tục xuống thấp nên hiện nay còn nợ ngân hàng với số tiền 300 triệu đồng, không biết đến khi nào mới trả nổi. Vùng này có người trồng sắn, mía đắp đổi cho cây cao su, riêng tôi chỉ đầu tư cây cao su nên chỉ còn cách ép cao su cho mủ bằng cách thu hoạch cách đêm nhưng vẫn không có tiền trả nợ ngân hàng.

Theo nhiều người trồng cao su ở xã Sơn Định, thông thường đến tháng 5 là thời điểm bắt đầu thu hoạch rộ mủ cao su.

Tuy nhiên, những ngày này, tại các vườn trồng cao su ở xã Sơn Định, Sơn Long trên các tô đựng mủ người trồng cao su không màng đầu tư mái che nên khi gặp mưa nước chảy đầy tô trộn với mủ rồi cứ thế tràn ra ngoài.

Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, nông dân 2 xã Sơn Long và Sơn Định đã tham gia dự án đa dạng hóa nông nghiệp, trồng cao su tiểu điền từ năm 2001 đến năm 2006 được 469,7ha. Trong đó, xã Sơn Long 267,9ha, Sơn Định là 201ha.

Được Ngân hàng NN-PTNT huyện cho vay vốn để phát triển cây cao su. Từ 2010 - 2013, mủ cao su được giá, cây cao su đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân vùng dự án rất hưởng ứng mục tiêu dự án phát triển cây cao su tiểu điền.

nong dan xa son dinh (huyen son hoa) tham gia du an cao su tieu dien duoc tap huan cao mu

Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) tham gia dự án cao su tiều điền được tập huấn cạo mủ

Trong thời gian đó nhiều hộ nông dân đã mua chuyển nhượng một số diện tích cao su tiểu điền để kinh doanh, khai thác mủ. Thế nhưng từ năm 2014 đến nay mủ cao su liên tục rớt giá, giá bán không bằng chi phí đầu tư nên bà con không chăm sóc, không thu hoạch, từ đó không có tiền để trả ngân hàng.

Kêu bán vườn cao su

Ông Trần Văn Chinh, ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), kể: Tôi thức giấc lúc 3 giờ sáng tranh thủ đi cạo mủ cao su vì thời điểm đó nhiệt độ thấp cạo miệng cho ra mủ tốt, còn cạo ban ngày thời điểm nhiệt độ cao sẽ hàn mặt. Thức đêm như vậy mà tính ra trồng cao su vẫn lỗ nên mấy tháng gần đây, tôi kêu bán vườn cao su nhưng không ai mua.

Tương tự, ông Đinh Văn Dũng, một người trồng cao su ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) cũng cho hay: Tôi có 2ha cao su, thời điểm giá mủ trên 30.000 đồng/kg, có người hỏi mua 800 triệu đồng, nay tôi kêu bán 250 triệu đồng, hai năm nay chưa có ai trả đồng nào.

Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 3.999ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa, trong đó 672ha trồng mới trong năm 2013. Trong số diện tích trên thì diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền 1.800ha, số còn lại nhân dân tự trồng.

Đối với dự án Phát triển cao su tiểu điền, nông dân tham gia dự án được vay vốn dài hạn từ 18 - 20 năm, với lãi suất 0,81%/tháng.

Có 8 năm ân hạn (chưa phải trả lãi và vốn trong 8 năm đầu), chỉ trả từ năm thứ 9 trở đi, mỗi năm trả 25% tổng giá trị sản lượng mủ từ cây cao su, 75% còn lại cho tái sản xuất và chi phí gia đình. Thế nhưng trong những năm gần đây do ảnh hưởng chung của thị trường cao su thế giới và trong nước, giá mủ cao su liên tục hạ xuống thấp, người trồng cao su không có lãi.

Để giải quyết tình trạng “nợ” cây cao su, theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đối với những vườn cao su sinh trưởng phát triển tốt và trung bình đang thời kỳ kinh doanh, sở khuyến cáo giảm đầu tư phân bón, thay chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3 - 4 ngày/lần để kéo dài tuổi thọ cây, chờ mủ lên giá.

Đối với vườn cao su kém phát triển đề nghị UBND huyện thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, lập biên bản trình UBND tỉnh đề nghị các giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, đề xuất ngân hàng có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ vay.

Riêng diện tích ngoài vùng quy hoạch nông dân tự trồng trên đất xấu, địa phương cũng sớm có chính sách khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp để tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.(NNVN)

Còn hơn 40.000 thùng C2, Rồng Đỏ nhiễm chì chưa được thu hồi

Tổng số sản phẩm của 2 lô trà xanh C2 và Rồng Đỏ mà Bộ Y tế kết luận có hàm lượng chì vượt mức cho phép là 41.190 thùng. Phía URC cho biết mới thu hồi được 1.184 thùng.

Như vậy, có đến 40.006 thùng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có lượng chì vượt mức cho phép đã được tiêu thụ hoặc vẫn còn lưu thông ngoài thị trường. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tùy từng trường hợp mà giải quyết thỏa đáng cho những khách hàng đã mua, sử dụng các sản phẩm nằm trong 2 lô hàng nhiễm chì mà Bộ Y tế đã công bố.

Buổi gặp mặt báo chí để thông tin kết quả thanh tra toàn diện nguyên liệu đầu vào, thành phẩm và các nhà máy của URC Việt Nam suốt 3 tháng qua của Bộ Y tế được phía URC tổ chức sáng nay (5/8), không có sự hiện diện của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hội bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Jai Gamboa, Tổng giám đốc URC Việt Nam cho biết, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra tổng số 68 mẫu sản phẩm và nguyên liệu từ các nhà máy Bình Dương và Quảng Ngãi. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quy định, bao gồm tiêu chuẩn về hàm lượng chì. Kết quả này là để bổ sung cho kết quả thanh tra trước đó của Bộ Y tế tại URC Hà Nội.

Trước đó, trong đợt thanh tra tại nhà máy URC Hà Nội, thanh tra Bộ Y tế phát hiện các sản phẩm thuộc 2 lô trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể là lô trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 4/2/2016, hạn dùng 4/2/2017) và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (ngày sản xuất 10/11/2015, hạn dùng 10/8/2016). Hai lô sản phẩm này đã lưu thông ra thị trường.

Bên cạnh đó, kho bảo quản sản phẩm không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định về an toàn thực phẩm.

Thanh tra Bộ Y tế đã áp dụng hình thức xử phạt với tổng số tiền phạt cho 4 hành vi vi phạm của Công ty URC là hơn 5,8 tỷ. Trong đó, hành vi bán sản phẩm nhiễm chì ra thị trường bị phạt nặng nhất, chiếm hơn 99% mức xử phạt.

Phía URC cho rằng: "Không hiểu lý do vì sao Bộ Y tế lại công bố kết quả như vậy". Và "Bộ cũng không đưa ra nguyên nhân, kết luận nào khẳng định vì sao 2 lô hàng trên lại có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép".

Đơn vị này khẳng định đã lấy mẫu 2 lô hàng trên kiểm tra, đồng thời ủy quyền cho một đơn vị kiểm nghiệm độc lập khác là Eurofins. Kết quả cũng khẳng định sản phẩm an toàn.

Một điều đáng chú ý là trên website của URC Việt Nam có ghi rõ, một số nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm của 2 lô C2 và Rồng Đỏ trên, cụ thể là Axit Citric được nhập từ Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, lượng nguyên liệu này chiếm khoảng 1% toàn bộ nguyên liệu sản xuất. Nhưng nguyên liệu được nhập từ nguồn nào cũng đều trải qua quá trình kiểm tra gắt gao từ cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ Y tế và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp.

Dù nói không đồng tình với kết quả kiểm tra, tuy nhiên, trả lời chất vấn của báo chí, phía URC lại khẳng định kết luận của Bộ Y tế là ý kiến cuối cùng, doanh nghiệp tôn trọng tất cả các yêu cầu xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, tức là thừa nhận 41.190 thùng trà xanh, nước tăng lực đang lưu thông ngoài thị trường có lượng chì cao hơn mức công bố.

"Chúng tôi đã tìm mọi cách, mọi nguồn có thể để thu hồi sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, số sản phẩm thu hồi đạt 1.184 thùng", ông Jai Gamboa nói.

Vị này cũng phân trần, kết quả kinh doanh 3 tháng qua của URC khá buồn khi thị phần, doanh số giảm sau khi sản phẩm bị phát hiện nhiễm chì. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn làm ăn nghiêm túc, lâu dài tại Việt Nam và có trách nhiệm với người tiêu dùng nên tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm lấy lại niềm tin của thị trường.(Zing)

BS Huỳnh Quang Đại, Khoa nội tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc, cho biết chì là một kim loại nặng. Ngộ độc chì được chia làm 2 nhóm: Ngộ độc cấp tính sẽ làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương não cấp. Triệu chứng biểu hiện là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật...

Nhóm 2 là ngộ độ mạn tính, tức ngộ độc tích lũy từ ngày này qua qua ngày khác trong cơ thể. Người lớn hấp thụ chì thấp hơn trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng, gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh của trẻ.

Trong trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Nười trưởng thành tiếp xúc với chì cũng ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản.

 

Giá hành tím Sóc Trăng tăng gấp 4 lần

Nông dân trồng hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng đang rất phấn khởi khi giá hành tím đã tăng gấp 4 lần so năm ngoái, đứng ở mức 22.000 đồng/kg.

Giá hành tím được người dân Vĩnh Châu bán ra từ cuối tháng 7 đến nay đang ở mức trung bình trên 20.000-22.000 đồng/kg. Theo người dân nơi đây, mức giá này so với vụ hành tím năm trước tăng gấp 3-4 lần. Không chỉ vậy, năm nay hành tím giống đầu vụ cũng được đảm bảo và giá không cao nên lợi nhuận của người dân càng tăng lên.

Với mức giá tăng như vậy, nông dân có lãi lớn khi 1ha cho thu hoạch khoảng 12 tấn. Vụ hành năm nay, theo cán bộ ngành nông nghiệp thị xã Vĩnh Châu, chất lượng được nâng lên do người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.(VTV)

Hàng giả đầy chợ Bến Thành

Chiều 4-8, Chi cục QLTT TP HCM đồng loạt tổ chức kiểm tra 17 điểm kinh doanh hàng thời trang tại chợ Bến Thành (quận 1) và thu giữ hàng loạt sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ.

Trong đó, nhiều mặt hàng có dấu hiệu là giả. Số lượng sản phẩm bị tạm giữ lên tới hơn 2.000, như túi xách, mắt kính, đồng hồ... giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như Casio, Rolex, Omega... Đáng chú ý, một số cửa hàng sau khi bị tạm giữ toàn bộ hàng hóa trưng bày thì nhiều quầy kệ đã trống trơn vì không có sản phẩm hợp pháp, cho thấy hàng lậu là mặt hàng chủ lực được kinh doanh. Một số điểm bị kiểm tra thuộc diện tái phạm và nhiều chủ cơ sở đã ký cam kết không bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ.

Khi được hỏi vì sao hàng giả lại bán tràn lan ở chợ, đại diện Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết họ không có thẩm quyền kiểm tra nguồn gốc xuất xứ mà chỉ kiểm tra niêm yết giá, giải quyết khiếu nại của khách hàng.(NLĐ)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục