tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 05-08-2016

  • Cập nhật : 05/08/2016

6 tỷ USD xây khu đô thị sinh thái ở phía nam Sài Gòn

 
Khu đô thị sinh thái ở ngã 3 sông Sài Gòn và Nhà Bè được TPHCM phê duyệt gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền, văn phòng, biệt thự...

Dự án Công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị ở phường Phú Thuận (quận 7), có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng một "lá phổi xanh" ở ngã 3 sông Sài Gòn và Nhà Bè.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND TP HCM phê duyệt, dự án có tổng diện tích 118 ha với các hạng mục công trình phức hợp gồm: công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế lớn nhất Việt Nam, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn, các khu chức năng cùng nhiều hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, mảng xanh công viên sẽ ở khu vực tam giác mũi đất giữa hai sông Nhà Bè và sông Sài Gòn; các hạng mục công trình dịch vụ, thương mại bố trí ở khu vực trung tâm, gần trục chính phía đường Đào Trí và khu vực giáp rạch Bà Bướm.

Trục giao thông chính từ đường Đào Trí vào là trục cảnh quan không gian, bố trí các công trình cao tầng; các công trình thấp tầng được xây đảm bảo tầm nhìn và cảnh quan dọc sông. Khu cảnh quan công viên cây xanh (công viên công cộng, công viên chuyên đề) được kết hợp với cảnh quan sông nước.

Một quảng trường lớn và trục đi bộ hướng ra bờ sông, xây dựng hồ cảnh quan đồng thời có chức năng điều tiết nước nối thông với sông Nhà Bè. Bến tàu khách quốc tế bố trí ở phía Nam, có diện tích đủ lớn dành cho xây dựng công trình nhà ga, chiều dài bến cảng dự kiến 600 m.

Xóa, khoanh nợ 14.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp

nhieu doanh nghiep no thue do yeu to khach quan. khoanh no tren 6.731 ti dong.

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế do yếu tố khách quan. Khoanh nợ trên 6.731 tỉ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1-1-2014 với số tiền trên 7.421 tỉ đồng. Trong đó riêng đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức trên 6.432 tỉ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh trên 989 tỉ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện xóa nợ tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được Nhà nước thanh toán với số tiền phạt chậm nộp tính đến 31-12-2015 là hơn 542 tỉ đồng.

Giải thích về việc đưa ra đề xuất trên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuê,́ Bộ Tài chính, cho biết qua tổng kết việc xử lý nợ thuế, Bộ nhận thấy quy định của pháp luật về xóa nợ thuế chưa bao quát hết thực trạng kinh doanh, chưa xử lý được tồn tại về nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh do những nguyên nhân khách quan.

“Chẳng hạn nhiều người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời” - đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng.

Cũng theo Bộ Tài chính nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định. Tuy nhiên, do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn nên vẫn còn nợ tiền chậm nộp. Số nợ tiền chậm nộp này hạch toán vào thu nhập sau thuế thu nhập doanh nghiệp khiến đối tượng này chịu lỗ kéo dài, ăn vào vốn dẫn đến giải thể, phá sản.

Ngoài ra, từ năm 2007 đến 2013, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn cùng với thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn liên tiếp xảy ra khiến người nộp thuế gặp khó khăn chồng chất, nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ. Trong những năm gần đây, cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp. Hằng năm có khoảng 10% doanh nghiệp giải thể, phá sản nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về phá sản.

 “Chính vì vậy, nếu đặt vấn đề phải áp dụng các biện pháp để thu hồi hết nợ của hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh là không khả thi, vì họ chỉ còn tài sản đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt thông thường” - ông Thi nói.(PLO)

Khoanh nợ trên 6.731 tỉ đồng

Ngoài xóa nợ thuế, Bộ Tài chính còn đề xuất Chính phủ khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh phát sinh trong giai đoạn từ 1-1-2014 đến thời điểm 31-12-2015 khoảng 6.731 tỉ đồng. Trong đó số nợ của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức là 5.716 tỉ đồng và của hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh khoảng 1.015 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh xác minh hộ, cá nhân kinh doanh đã bỏ kinh doanh và đã thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy trình quản lý nghiệp vụ thuế.

Mới đây Bộ Tài chính cũng đã trình dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lên Chính phủ để trình Quốc hội xem xét. Theo đó, dự thảo đưa ra kiến nghị giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 17% (hiện là 20%) áp dụng trong thời hạn tối đa bốn năm, giai đoạn 2017-2020.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng vọt

Trong 7 tháng năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 3966,8 nghìn lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng và tăng mạnh nhất là Trung Quốc đạt 1468,5 nghìn lượt người, tăng 54,5%...

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7/2016 ước tính đạt 846,3 nghìn lượt người, tăng 20,8% so với tháng trước và tăng 41,2% so với cùng kỳ năm trước (là tháng có lượng khách quốc tế đến cao nhất kể từ đầu năm 2016).

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 17,8% và tăng 45,5%; bằng đường bộ tăng 49,4% và tăng 14,2%; bằng đường biển tăng 31,3% và tăng 51,8%.

Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 5552,6 nghìn lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 4659,9 nghìn lượt người, tăng 28,7%; đến bằng đường bộ đạt 806,4 nghìn lượt người, tăng 8,2%; đến bằng đường biển đạt 86,3 nghìn lượt người, giảm 22,4%.

Trong 7 tháng năm nay, khách đến nước ta từ châu Á đạt 3966,8 nghìn lượt người, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Trung Quốc đạt 1468,5 nghìn lượt người, tăng 54,5%; Hàn Quốc 858 nghìn lượt người, tăng 37%; Nhật Bản 413,3 nghìn lượt người, tăng 12,6%; Đài Loan 296,1 nghìn lượt người, tăng 15,9%; Ma-lai-xi-a 226,2 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Thái Lan 153,6 nghìn lượt người, tăng 37,2%; Xin-ga-po 141,6 nghìn lượt người, tăng 11,7%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 900,6 nghìn lượt người, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga đạt 233,2 nghìn lượt người, tăng 22,5%; Vương quốc Anh 147,7 nghìn lượt người, tăng 23,4%; Pháp 142,2 nghìn lượt người, tăng 13,2%; Đức 97,4 nghìn lượt người, tăng 17,5%; Hà Lan 34,5 nghìn lượt người, tăng 18,6%; I-ta-li-a 27,4 nghìn lượt người, tăng 30,4%; Thụy Điển 25,8 nghìn lượt người, tăng 24,3%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 450,8 nghìn lượt người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 344,5 nghìn lượt người, tăng 14,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 219 nghìn lượt người, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 195,7 nghìn lượt người, tăng 6,6%. Khách đến từ châu Phi đạt 15,4 nghìn lượt người, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội sẽ ưu đãi doanh nghiệp Nhật đầu tư xử lý nước và rác thải

Ngày 3/8, ông Nakamuara Tetsunosuke, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật tỉnh Osaka (Nhật Bản) đã có hai cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, nhân dịp công tác tại Việt Nam.
Ông Nakamuara Tetsunosuke cho biết đây là chuyến công tác đầu tiên tại Việt Nam sau 4 năm. Mục đích chuyến công tác lần này gồm ba nội dung chính: tìm hiểu chính sách thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thực trạng doanh nghiệp và các doanh nghiệp đang đầu từ vào Việt Nam để tiến tới mở rộng quan hệ hợp tác và cuối cùng là làm sâu sắc hơn, tăng cường mối quan hệ, giao lưu giữa Hà Nội-Osaka.
 
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố gửi lời chúc mừng tới đoàn nói riêng, cũng như nhân dân và đất nước Nhật Bản nói chung thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tựu khoa học, kinh tế, trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới và khu vực châu Á.
 
Chủ tịch Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành quả của đất nước Mặt Trời mọc và những tình cảm, sự hợp tác, hỗ trợ ngày càng lớn mạnh của Nhật Bản dành cho Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.
 
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết đến nay vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào địa bàn khoảng 24 tỷ USD và đã giải ngân khoảng 20 tỷ; trong đó, phía Nhật Bản là nước có tỷ lệ dự án lớn nhất với 600 dự án, trên 15 tỷ USD. Dự án vay vốn từ Nhật Bản cần kể đến là xây dựng Nhà máy nước sạch công suất 270.000m3 nước/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
 
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh hiện nay Hà Nội đang rất nan giải và cấp bách trong vấn đề xử lý rác thải, nước thải, mà thành phố xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong vòng 5 năm tới. Trên địa bàn hiện có 90% rác thải được xử lý theo hình thức truyền thống chôn lấp; xử lý bùn cũng tương tự chủ yếu đổ ra các bãi...
 
Tỷ lệ người dân ngoại thành được hưởng nước sạch chỉ chiếm 35%, còn lại 65% sử dụng nước từ nước ngầm hoặc qua xử lý thô truyền thống. Vì vậy, Hà Nội đang khuyến khích đầu tư mạnh cho lĩnh vực xử lý rác, nước thải, bùn thải, xử lý nước sạch bằng công nghệ tiên tiến và rất chú trọng vào những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
 
Chính phủ Việt Nam cũng như Hà Nội thời gian gần đây đã có nhiều cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp, nhưng tới đây sẽ được làm mạnh mẽ hơn, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh được tính bằng con số vài tuần trở xuống.
 
Nhật Bản có thế mạnh trong xử lý nước ao hồ, sông suối nên cần quan tâm hơn lĩnh vực này ở Hà Nội, khi đầu tư xong đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ hợp đồng trả tiền cho mỗi đơn vị đo lường sau khi đã xử lý. Ví dụ, xử lý rác bằng công nghệ đốt thì tiền phí dự kiến khoảng 20-30 USD/tấn rác.
 
Trước câu hỏi của các thành viên đoàn Nhật Bản rằng các doanh nghiệp đầu tư vào Hà Nội sẽ có những thuận lợi gì, ưu đãi gì, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Hà Nội sẽ ưu đãi chỉ thu 50% tiền thuê sử dụng đất, miễn 11 năm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nhiều quyền lợi hỗ trợ cho người lao động nơi đây.
 
Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội đã được làm khá hoàn chỉnh, đi lại thuận tiện, nhất là các tuyến quan trọng như Quảng Ninh-Hà Nội; Hải Phòng-Hà Nội; Lào Cai-Hà Nội; Ninh Bình-Hà Nội và cảng hàng không quốc tế sân bay Nội Bài có thể đi thẳng nhiều nước trên thế giới.
 
Tới đây, Hà Nội đang dự kiến kêu gọi đầu tư tám tuyến đường sắt đô thị, xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5 và nhiều cây cầu bắc qua các dòng sông, cũng như nhiều lĩnh vực như chế biến nông nghiệp sạch, lĩnh vực du lịch.

Tại buổi tiếp đoàn của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đề nghị hai tỉnh Osaka và Hà Nội cần mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai bên; tăng cường hơn việc trao đổi kinh nghiệm lập pháp, cũng như ở nhiều lĩnh vực mà Hà Nội đang cần đào tạo cho cán bộ tại Nhật Bản.(VN+)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục