tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 03-04-2016

  • Cập nhật : 03/04/2016

Mua bán axít dễ dàng: Cần xóa sổ các cơ sở kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ

Đây là kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) trước thực trạng mua bán axít dễ dàng và công khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 1/4, ông Thanh cho hay, theo quy định pháp luật, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm đáp ứng đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện sẽ được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận.
Việc kiểm soát hóa chất nói chung và axit nói riêng được quy định tương đối chặt chẽ. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm bắt buộc phải lưu giữ phiếu an toàn hóa chất và xuất trình khi có yêu cầu, đảm bảo tất cả các đối tượng có liên quan đến hóa chất nguy hiểm có thể nắm được các thông tin.
Trong phiếu phải khai báo phải ghi cụ thể mục đích sử dụng, ngày giờ mua bán, thành phần nguy hiểm, cách sử dụng và bảo quản, thông tin về độc tính, quy định về vận chuyển… Ngoài ra, khi mua phải xuất trình chứng minh thư xem đã đủ tuổi công dân hay chưa.
“Quy định tương đối đủ, nhưng quá trình thực thi, kiểm tra, kiểm soát tại các địa phương chưa tốt. Việc quản lý mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh lớn, còn những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thiếu chặt chẽ, hóa chất tràn lan, rất dễ bán và dễ mua. Nguyên nhân một phần do năng lực của cán bộ cơ sở vừa thiếu vừa yếu”, ông Thanh nói.
Trao đổi về việc quản lý các cơ sở kinh doanh axit , ông Thanh bày tỏ: “Axit là loại hóa chất dạng nguy hiểm, gây bỏng da, cháy, nổ hoặc độc khi tiếp xúc. Mỗi lần đọc thông tin trên báo chí xảy ra các vụ tạt axit, tôi cũng băn khoăn. Ở nước ngoài, việc quản lý các cơ sở kinh doanh hóa chất, kể cả những loại hóa chất không quá độc hại được quy hoạch vào một khu vực riêng, có kiểm tra, kiểm soát. Còn ở VN, axit có thể mua ở các cửa hàng kinh doanh hóa chất, mua tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, thậm chí là mua qua mạng…”
Để kiểm soát tốt hơn nữa, ông Thanh cho rằng, tới đây cần xóa sổ các cơ sở kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ.

Lãnh đạo đường sắt quyết không nhận lỗi

Trong 2 lần báo cáo Bộ GTVT về việc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong vụ định mua lại hơn 100 toa tàu hàng cũ của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đều khẳng định không có lỗi nên không kiểm điểm.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đúng quy định nên không kỷ luật

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, trước ngày 15/3/2016, Hội đồng thành viên VNR phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Ngày 10/3, báo cáo Bộ GTVT về việc này, văn bản của VNR cho rằng, Hội đồng thành viên VNR không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. Báo cáo này cũng không nêu hình thức xử lý kỷ luật lãnh đạo nào của VNR.

Chưa hài lòng với báo cáo trên, ngày 18/3, Bộ GTVT lại yêu cầu VNR làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên trong việc chỉ đạo mua, nhập khẩu toa xe cũ không nằm trong danh mục đầu tư toa xe của Kế hoạch phát triển giai đoạn 2012-2015. Đồng thời, Đường sắt Việt Nam phải kiểm điểm vì chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng thành viên nhưng đã thành lập đoàn đi khảo sát, chỉ đạo các đơn vị thương thảo, đàm phán. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu VNR kiểm điểm trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận và báo cáo Bộ không đầy đủ, thiếu chính xác.

Tuy nhiên, một lần nữa, trong văn bản báo cáo số 595/BC-ĐS ngày 21-3, lãnh đạo VNR vẫn không nhận trách nhiệm và không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật theo chỉ đạo của Bộ. Báo cáo nêu rõ, VNR mới đang thực hiện việc khảo sát, tập hợp thông tin để nghiên cứu thị trường, chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả và đề xuất chủ trương nên Hội đồng thành viên VNR chưa có cơ sở xem xét có đầu tư hay không. 

Ngoài ra, việc thực hiện quy trình của VNR là phù hợp với quyền được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 175/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ. Đồng thời, toa xe chở hàng đã qua sử dụng không thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật. “Hội đồng thành viên VNR chưa xem xét và quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư nên không vi phạm”, báo cáo của VNR nêu rõ. Hơn nữa, Ban điều hành VNR mới đang thực hiện ở bước trao đổi thông tin với đối tác, khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường nên không vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tất cả đều... vô can

Liên quan đến việc cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận và báo cáo Bộ GTVT không đầy đủ, thiếu chính xác, báo cáo của VNR cho rằng, VNR đã cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan cho cơ quan ngôn luận và đoàn kiểm tra của Bộ GTVT theo đúng quy định. “Đồng thời, qua kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản mà VNR báo cáo Bộ GTVT, thông cáo báo chí thì không có văn bản, thông cáo nào có nội dung “không đầy đủ, thiếu chính xác” để có thể dẫn đến việc Bộ GTVT hay cơ quan ngôn luận hiểu lầm”, báo cáo ngày 21/3 của VNR cho biết.

Kết lại, sau 2 lần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, VNR báo cáo Bộ GTVT, Hội đồng thành viên, Ban điều hành VNR không vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. 

Đối với cá nhân ông Trần Ngọc Thành (Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR), ông Vũ Tá Tùng (Tổng Giám đốc VNR), ông Nguyễn Đạt Tường (nguyên Tổng Giám đốc VNR), ông Ngô Cao Vân (Phó Tổng giám đốc VNR) và bà Đỗ Thanh Hà (Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ VNR), báo cáo cũng chỉ rõ là không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật về đầu tư nên không đề xuất hình thức kỷ luật. 

Trong khi đó, liên quan đến chủ trương mua hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc, ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội đã bị miễn nhiệm, điều chuyển công tác. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV đã trả lời báo chí rằng chưa hề được báo cáo việc mua tàu cũ. Tuy nhiên, một văn bản chỉ đạo liên quan đến vụ việc lại có bút phê của ông này.

Vì sao đại gia tại Cần Thơ bị bắt?

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã lập nhiều hồ sơ để vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an phối hợp với Công an TP Cần Thơ vào ngày 31/3 đã tống đạt các quyết định khởi tố, bắt ông Phan Bá Tòng, giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ). Công an cũng bắt bà Trần Thị Diễm, kế toán trưởng của công ty, để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đêm 31/3, C46 cũng thực hiện việc khám xét nơi ở của hai bị can và trụ sở Công ty Thiên Mã, thu giữ một số tài liệu, giấy tờ có liên quan để điều tra.

Hai bị can được di lý ra Hà Nội để phục vụ điều tra.

Tại Cần Thơ, ông Tòng được biết đến là một doanh nhân thành đạt, hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu cá tra, ba sa xuất khẩu.

Ông Tòng khi chưa bị bắt. (Ảnh tư liệu)

Trong quá trình hoạt động, ông Tòng lập nhiều hồ sơ để vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều hồ sơ vay có nhiều bộ không minh bạch, dẫn đến việc ngân hàng không thể thu hồi được vốn và chuyển sang nợ xấu. Số tiền thuộc diện nợ xấu này được một số tài liệu xác định khoảng 700 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty Thiên Mã lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, nợ nần các ngân hàng và không còn khả năng thanh toán. Nhà xưởng của Công ty Thiên Mã hiện do chủ nợ quản lý hoặc cho doanh nghiệp khác thuê lại để gia công chế biến thủy sản xuất khẩu…

Theo tìm hiểu, năm 2005 ông Tòng lập Công ty Thiên Mã, đặt nhà máy tại KCN Trà Nóc với vốn điều lệ khoảng 70 tỷ đồng. Sau đó, công ty đầu tư ba nhà máy chế biến thủy sản với trên 3.000 công nhân.

Ông Tòng đã đầu tư vùng nuôi thủy sản để tự chủ nguồn nguyên liệu với 12 trang trại có tổng diện tích 100 ha và nhiều vùng nguyên liệu vệ tinh khác. Năm 2011, Công ty Thiên Mã bắt đầu lâm vào khó khăn và đến đầu năm 2012, Thiên Mã có dấu hiệu mất cân đối về tài chính. Chỉ riêng trên địa bàn Cần Thơ, công ty đã nợ trên 240 tỷ đồng; nợ hai chi nhánh ngân hàng ở Hậu Giang gần 50 tỷ đồng. Cuối năm 2012, ông Tòng tuyên bố “bể nợ” gần 600 tỷ đồng và lần lượt đóng cửa các nhà máy. Hàng loạt ngân hàng trên địa bàn thành chủ nợ của công ty.

Ông Tòng không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản ở Cần Thơ mà còn được nhiều người biết đến vì sở hữu những chiếc xe khủng. Trong đó có chiếc Hummer nhập từ Mỹ có giá hơn 4 tỷ đồng. Khi về Việt Nam nó được gắn biển tứ quý 95H-3333 làm nhiều người “lác mắt”. Năm 2014, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn đã kê biên, phát mại chiếc xe này để thi hành một khoản nợ ngân hàng.

Hiện công an đang điều tra nên chưa thông tin cụ thể hành vi lừa đảo của ông Tòng và bà Diễm.


Năm nay, hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ đối mặt nguy cơ bị mất việc

Áp lực từ cắt giảm chi phí và những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật đang khiến nghề ngân hàng phải lao đao.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Từ năm ngoái đến nay, các ngân hàng lớn tại châu Âu và Mỹ đã cắt giảm gần 100.000 việc làm và có khả năng hàng nghìn nhân viên ngân hàng tại BNP Paribas và Barclays sẽ còn mất việc vào năm 2016.

Rõ ràng, làn sóng cắt giảm nhân viên của ngành ngân hàng từ năm 2007 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Tờ Financial Times cho biết hơn 10% tổng số nhân viên của 11 ngân hàng lớn tại châu Âu và Mỹ đã bị cắt giảm trong 1 năm qua. Gần đây, ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã sa thải 9.000 nhân viên, trước đó, Morgan Stanley cũng tuyên bố cắt giảm 1.200 việc làm.

Một nguồn tin của Fianancial Times cho biết Barcalays và BNP Paribas sẽ công bố việc cắt giảm nhân viên cùng với chiến lược hạ 10-20% chi phí hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, Barclays nhiều khả năng sẽ thu hẹp hoạt động của mảng ngân hàng đầu tư với khoảng 20.000 nhân viên đang làm việc.

Trước đó, Giám đốc Yann Gérardin của Paribas tuyên bố đang xem xét sa thải hơn 1.000 nhân viên tại thị trường Bỉ.

Rõ ràng, ngành ngân hàng hiện đã nhận ra họ có quá nhiều nhân viên trong khi doanh thu lại không hoàn toàn lạc quan. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ảnh hưởng hậu khủng hoảng 2008 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, lãi suất tại Châu Âu và Mỹ đang rất thấp, khiến hoạt động giao dịch và gửi tiền của khách hàng không cao.

Những lãnh đạo mới của Deutsche Bank, Credit Suisse và Barclays đang cố gắng có những thay đổi nhằm đem đến nhiều lợi nhuận hơn cho công ty trước yêu cầu của các nhà đầu tư và cắt giảm chi phí là một trong những thay đổi đó.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng năm 2016 sẽ là một năm không thực sự tốt với nghề ngân hàng. Do những quy định mới nhằm đối phó tình trạng khủng hoảng như năm 2008, các ngân hàng hiện phải gia tăng vốn chủ sở hữu khi cho vay.

Điều này đồng nghĩa họ phải đạt lợi nhuận lớn hơn để giữ tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt mức yêu cầu của các cổ đông.

Chuyên gia phân tích Jon Peace của Nomura nhận định xu thế cắt giảm việc làm của ngành ngân hàng sẽ chưa dừng lại nếu ROE không thỏa mãn được những cổ đông.

Ngoài ra, những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến công việc ngành ngân hàng. Các ngân hàng bán lẻ sẽ có xu hướng giảm số chi nhánh và tăng cường các dịch vụ trực tuyến. Trong khi đó, những ngân hàng đầu tư cũng giảm số văn phòng để sử dụng các công nghệ trực tuyến.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia phân tích Mike Mayo của CLSA cho rằng dù các ngân hàng Mỹ sa thải nhân viên ít hơn so với Châu Âu nhưng công việc ngành ngân hàng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro.

Những tiến bộ không ngừng của công nghệ khiến máy móc dần thay thế cho con người trên thị trường tài chính Mỹ. Hơn nữa, ngành ngân hàng Mỹ cũng đang chịu áp lực lớn với thập kỷ có tăng trưởng doanh số thấp nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929.

Trong 5 năm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng 2008, các ngân hàng và công ty bảo hiểm Mỹ đã cắt giảm gần 400.000 việc làm. Khoảng 30 ngân hàng lớn nhất của châu Âu cũng đã sa thải hơn 80.000 nhân viên trong khoảng 2008-2014.


Thiết kế đô thị hai bên phố Thái Thịnh với tổng diện tích hơn 12ha

Một trong những mục đích quan trọng của việc thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh là nhằm xác định các quỹ đất không đủ điều kiện xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) gây mất mỹ quan đô thị, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thịhai bên tuyến phố Thái Thịnh, tỷ lệ 1/500 (đoạn từ phố Tây Sơn đến phố Láng Hạ) tại các phường: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Trung Liệt, Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tổng diện tích đất nghiên cứu Thiết kế đô thị khoảng 12,08ha. Chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 1,4km.
Việc nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển đô thị và quản lý quy hoạchkiến trúc không gian cảnh quan đối với tuyến đường cải tạo, mở rộng và xung quanh các nútgiao thông, nằm trong khu vực đô thị đã cơ bản ổn định chức năng sử dụng đất của các lô đất; Đồng thời, xác định các quỹ đất không đủ điều kiện xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) gây mất mỹ quan đô thị, đề xuất giải pháp xử lý theo quy định.
Ngoài ra, còn nhằm quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành và các quy hoạch đã được phê duyệt. Nghiên cứu khớp nối giữa khu vực xây mới, khu vực hiện có và các dự án đầu tư đã và đang triển khai để đảm bảo đồng bộ về tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật.
Nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Thái Thịnh nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, công trình hạ tầng cơ sở đô thị khu vực nghiên cứu thiết kế đô thị tuyến đường mở rộng, đề xuất giải pháp bổ sung, điều chỉnh hợp lý đảm bảo yêu cầu sử dụng, nâng cao điều kiện sống cho dân cư khu vực và thành phố;
Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp quy hoạch và tổ chức không gian thiết kế đô thị, các giải pháp chỉnh trang kiến trúc, cảnh quan các công trình xây dựng hai bên tuyến đường (nhất là đối với khu vực dân cư được tồn tại theo quy hoạch) và tại nút giao thông quan trọng (nút giao Thái Thịnh - Hoàng Cầu) xử lý hiệu quả các công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị hai bên trục đường hiện đại, đồng bộ về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị; Xác định mạng lưới đường chính và mạng lưới đường nhánh, đảm bảo khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục