Tàu Trung Quốc ngụy trang xâm phạm biển VN
Tàu 13056 bị bắt giữ - Ảnh: Hải đội 2 cung cấp
Tại vùng biển Bạch Long Vĩ trên vịnh Bắc bộ, tàu Trung Quốc thường xuyên lợi dụng đêm tối, sương mù để đánh cá trong vùng nước thuộc chủ quyền VN mà hai quốc gia đã phân định.
Trả lời PV Thanh Niên tối qua, thiếu tá Phạm Đình Thành, Phó hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Hải Phòng, cho biết từ nhiều năm nay, tàu đánh cá Trung Quốc thường vượt qua đường phân định trên vịnh Bắc bộ, vào sâu trong vùng biển VN từ 10 - 15 hải lý để đánh bắt.
2 tuần lập biên bản hơn 20 tàu
Theo ông Thành, một số tàu cá Trung Quốc khi vượt qua đường phân định để vào đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền VN thường không treo quốc kỳ, không mang giấy tờ tùy thân để lẩn tránh cơ quan chức năng của VN. Chỉ trong nửa cuối tháng 3 vừa qua, Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã lập biên bản hơn 20 tàu cá Trung Quốc với gần 120 thuyền viên, xua đuổi hơn 110 lượt tàu cá khác cũng của Trung Quốc đang đánh cá trái phép tại vùng biển VN.
Tại vùng biển Quảng Ninh cũng từng ghi nhận tàu Trung Quốc chở dầu lậu. Cụ thể, ngày 2.3.2013, Hải đội 1, Hải đội Kiểm soát và phòng chống buôn lậu trên biển khu vực miền Bắc (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện một tàu Trung Quốc mang số hiệu Quế Phòng 01619 chở 150.000 lít dầu DO không có giấy tờ hợp lệ, trị giá ước tính khoảng 3 tỉ đồng tại thời điểm đó. Theo khai nhận của chủ tàu, số dầu trên tàu là hàng tạm nhập để tái xuất đi Trung Quốc từ cảng Vạn Gia. Tuy nhiên, tàu đã không chở dầu về Trung Quốc mà quay lại vùng biển VN để bán cho các tàu cá hoạt động tại đây. Để che mắt lực lượng chức năng, tàu Quế Phòng cũng cải trang thành một tàu cá đánh bắt xa bờ với lớp vỏ bên ngoài bằng gỗ, nhưng bên trong là bằng sắt.
Đáng lưu ý, với trường hợp con tàu mang số 13056 chở 100.000 lít dầu DO bị bắt giữ khi đang tiếp dầu cho các tàu Trung Quốc khác đang hoạt động tại vùng biển thuộc chủ quyền VN (Thanh Niên ngày 3.4 đã đưa tin), có biểu hiện ngụy trang khi mang theo một số lưới đánh cá và treo ở hai bên mạn tàu, nhằm che mắt cơ quan chức năng, đồng thời cũng không treo cờ. “Họ thường lợi dụng khi trời mù, hoặc đêm tối, hoặc những ngày biển động để vào đánh cá ở vùng biển phía tây đường phân định, thuộc chủ quyền VN. Đó là các khu vực phía đông bắc - tây nam đảo Bạch Long Vĩ. Tình trạng này đã diễn ra quanh năm, chúng tôi chỉ tổ chức xua đuổi, riêng tàu dầu vừa bị bắt thì vi phạm quá rõ ràng nên mới buộc phải xử lý nghiêm. Việc họ không treo cờ, không mang theo các giấy tờ tùy thân cũng là một cách đối phó với cơ quan chức năng VN”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết tàu chở dầu 13056 khi bị bắt đang có dấu hiệu tiếp dầu cho khoảng 5 - 6 tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động ở phía tây đường phân định. Khi bị tàu của Hải đội 2 truy đuổi, con tàu này đã bỏ chạy về phía vùng biển Trung Quốc. Hiện tàu này đang neo đậu ở khu vực cửa sông Bạch Đằng (Hải Phòng) cùng 3 thuyền viên, chờ xử lý trong sự giám sát của Bộ đội biên phòng VN.
Không thể chối cãi
Tối 3.4, tin từ cơ quan Bộ đội biên phòng VN khẳng định, tàu Trung Quốc chở dầu mang tên Quỳnh Dương Phổ, số hiệu 13056, có 3 thuyền viên, bị Bộ đội biên phòng Hải Phòng bắt giữ khi đang vào sâu vùng biển tây nam Bạch Long Vĩ là hành động vi phạm chủ quyền không thể chối cãi. Tuy nhiên hiện tại cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, xác minh nguồn gốc 100.000 lít dầu DO trên tàu này xuất phát từ đâu và đến những địa chỉ nào, có móc ngoặc với các đối tượng trên bờ của phía VN hay không. Ngoài vi phạm chủ quyền biên giới biển VN, cũng không loại trừ con tàu này là mắt xích của đường dây buôn lậu dầu trên biển khi tàu có hướng đi vào đất liền VN.
Cũng theo nguồn tin này, gần đây các tàu Trung Quốc liên tục gia tăng các hành vi xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền VN. Trước đây, lực lượng biên phòng chủ yếu dùng hình thức phát cảnh báo hoặc xua đuổi phương tiện vi phạm di chuyển ra ngoài vùng biển VN, nhưng hiện nay, lực lượng biên phòng sẽ căn cứ tình hình cụ thể để bắt giữ, xử phạt các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật VN và quy định của luật pháp quốc tế để răn đe các đối tượng, phương tiện cố tình vi phạm. Trong đó, vụ bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ số hiệu 13056 và các thuyền viên là hành động cứng rắn, thể hiện quyết tâm của lực lượng biên phòng trong bảo vệ biên giới trên biển.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ - TP.Hải Phòng, xác nhận tình trạng các tàu Trung Quốc đánh cá trái phép ở vùng biển này năm nào cũng diễn ra và thường bị lực lượng biên phòng và cảnh sát biển của ta xua đuổi. Một lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng cũng cho biết, từ đầu năm tới nay, UBND TP đã được các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển báo cáo phát hiện nhiều tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển VN và phải “tốn rất nhiều công sức” để xua đuổi, xử lý.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ được đề cử Phó chủ tịch Quốc hội
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ được giới thiệu để bầu Phó chủ tịch Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng
Ngoài ông Đỗ Bá Tỵ, ông Phùng Quốc Hiển cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử để bầu Phó chủ tịch Quốc hội.
Sáng nay (4.4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội danh sách đề cử để bầu một số Phó chủ tịch Quốc hội và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo danh sách này, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được đề cử chức danh Phó chủ tịch Quốc hội.
Ông Đỗ Bá Tỵ sinh ngày 1.12.1954, quê quán: Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội. Trình độ học vấn: Đại học. Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị. Trình độ chuyên môn: Cử nhân Quân sự.
Nhân sự còn lại được đề cử là ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Ông Phùng Quốc Hiển được giới thiệu để bầu Phó chủ tịch Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Phùng Quốc Hiển sinh ngày 6.4.1958, quê quán: Xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị. Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính tín dụng.
Đây là hai nhân sự được bầu để thay thế chức danh Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực quốc phòng - an ninh do ông Huỳnh Ngọc Sơn đảm nhiệm trước đây và Phó chủ tịch phụ trách tài chính - ngân sách do bà Nguyễn Thị Kim Ngân phụ trách trước đây.
Các nhân sự được đề cử để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong sách có các ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Trần Văn Tuý, Phó ban công tác đại biểu; ông Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Hà Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Trong danh sách này còn có bà Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thuý Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội và bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Tất cả các nhân sự được đề cử đều là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng khoá 12.
Kết quả bầu các chức danh trên sẽ được công bố vào chiều nay.
Sẽ cấp thị thực thời hạn một năm cho công dân Mỹ
Việt Nam sẽ cấp thị thực thời hạn 1 năm (thay vì 3 tháng như hiện nay) cho công dân Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nhập xuất cảnh cũng như hợp tác kinh tế - thương mại.
Sáng 4-4, Quốc hội đã nghe các tờ trình của Chủ tịch nuớc Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh về việc phê chuẩn Công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo đó, Việt Nam sẽ cấp thị thực thời hạn 1 năm (thay vì 3 tháng như hiện nay) cho công dân Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho nhập xuất cảnh cũng như hợp tác kinh tế - thương mại.
Có ba ý kiến đại biểu thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công hàm, về cơ bản tán thành việc phê chuẩn này.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Việt Trường cho rằng vấn đề nêu trên đã được quy định trong Luật theo một quy trình làm luật chặt chẽ trước đây, do vậy chúng ta cần xem xét theo nguyên tắc có đi có lại trên cơ sở một đất nước có chủ quyền.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉ đạo chuẩn bị nghị quyết về vấn đề này đảm bảo đúng Hiến pháp và pháp luật.
Khởi động chuỗi dự án khí lô B Ô Môn có mức đầu tư 8 tỉ USD
Ngày 3-4, tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, Kiên Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức lễ khởi động chuỗi dự án khí lô B Ô Môn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và bấm nút khởi động chuỗi dự án này.
Đây là dự án nhằm khai thác nguồn khí lô B, 48/95 và 52/97 với tổng trữ lượng dự kiến 107 tỉ m3 và 12,65 triệu thùng condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách ra từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên - PV) để cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (TP Cần Thơ). Chuỗi dự án khí lô B Ô Môn gồm dự án phát triển mỏ lô B có tổng chi phí đầu tư trong 20 năm là 6,8 tỉ USD và dự án đường ống dẫn khí lô B Ô Môn có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD với chiều dài tuyến ống 431 km. Dự kiến chuỗi dự án này sẽ được đưa vào vận hành trong quý II-2020.
Phát biểu tại lễ khởi động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị chủ đầu tư triển khai thực hiện đồng bộ các hạng mục công trình an toàn, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và đúng tiến độ nhằm góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Xua đuổi hơn 100 tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
Thượng tá Phạm Doãn Dưỡng, Chính trị viên Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng, cho biết chỉ tính riêng từ ngày 14 đến 31-3, đơn vị này đã lập biên bản cảnh cáo, phóng thích trên biển 22 tàu cá Trung Quốc (TQ) với 119 thuyền viên; tổ chức xua đuổi 112 lượt tàu cá TQ đánh bắt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Những tàu cá của TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam và mắc các lỗi như: không treo quốc kỳ, không ghi nhật ký đánh bắt, không có giấy tờ tùy thân và bằng cấp chứng chỉ hành nghề hay phương tiện không được đăng kiểm.
Gần đây nhất, chiều 31-3, trong khi làm nhiệm vụ cách đường phân định vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ, Biên đội 1 Hải đội 2 đã phát hiện, bắt giữ tàu Quỳnh Dương Phổ. Đây là tàu TQ có số hiệu 13056, trên tàu có 3 thuyền viên quốc tịch TQ do Đàm Thủy Dương (SN 1978; ở Đông Bản, Liêm Giang, Quảng Đông - TQ) làm thuyền trưởng, xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng kiểm tra tàu Quỳnh Dương Phổ
Các thuyền viên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lượng hơn 100.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng Đàm Thủy Dương khai đã lấy nhiên liệu từ đảo Hải Nam - TQ và bắt đầu xuất phát vào vùng biển Việt Nam từ trưa 28-3 để tiếp tế nhiên liệu cho các tàu cá TQ hoạt động ở đây.
Theo đại tá Đào Quang Thức, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng, lực lượng biên phòng Hải Phòng đang tạm giữ tàu Quỳnh Dương Phổ và các thuyền viên; đồng thời báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm - ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) điều tra, xử lý vụ việc.
(
Tinkinhte
tổng hợp)