tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Người Việt chi 6 tỉ USD du lịch nước ngoài

  • Cập nhật : 04/04/2016

(Tin kinh te)

Số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho hay mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài. Ước tính du khách Việt chi tiêu cho việc du lịch nước ngoài hiện khoảng 6 tỉ USD

Số liệu từ Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho hay mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài. Ước tính du khách Việt chi tiêu cho việc du lịch nước ngoài hiện khoảng 6 tỉ USD (con số này trong năm 2012 chỉ khoảng 3,5 tỉ USD).

Nhiều công ty du lịch cũng cho hay người Việt ra nước ngoài du lịch đang tăng mạnh, trong đó nhiều nhất là Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Campuchia...

Chê du lịch trong nước

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, thông tin lượng khách đăng ký tour nước ngoài trong năm ngoái tăng đến 145% so với năm trước đó, trong khi khách đăng ký đi du lịch trong nước chỉ tăng 132%. Riêng khách lẻ đăng ký đi du lịch nước ngoài tại Vietravel cao hơn khoảng 20% so với khách lẻ đi trong nước.

“Nếu trước đây du khách thường chọn đi du lịch nước ngoài vì hiếu kỳ, xem nước ngoài khác trong nước như thế nào thì nay xu hướng lựa chọn tour đã thay đổi. Khách đi du lịch ngoài nước ngày càng chuyên nghiệp hơn, thường xuyên” - bà Hương nhận xét.

Một số công ty lữ hành khác cũng thông tin mức tăng trưởng du lịch nước ngoài bình quân đạt 15%-25%. “Nguyên nhân do những năm gần đây điều kiện đi du lịch nước ngoài ngày càng dễ dàng hơn. Ví dụ nhiều quốc gia nới lỏng chính sách visa, thủ tục đơn giản và giá tour hợp lý. Thêm nữa các nước rất nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch để thu hút người Việt. Đó là chưa kể có rất nhiều tour đi nước ngoài được khuyến mãi, trả chậm, trả góp với giá rẻ.

Đặc biệt nhiều nước không ngừng tung ra các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo để “dụ” khách Việt. Thậm chí Thái Lan còn đưa cả hướng dẫn viên sang Việt Nam học tiếng Việt nhằm “thấu hiểu” tâm lý du khách và để lại ấn tượng tốt cho du khách. Hay Hàn Quốc biết người Việt thích xem phim Hàn nên trong nhiều tour đã quảng bá nơi đóng phim.

diem den khong co gi moi nen du lich trong nuoc mat diem trong mat du khach. anh: tu uyen

Điểm đến không có gì mới nên du lịch trong nước mất điểm trong mắt du khách. Ảnh: TÚ UYÊN

Nghèo nàn, thiếu sáng tạo

Một số công ty du lịch thẳng thắn nhìn nhận nước ta có rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch và thu hút du khách, như cảnh quan đẹp, đa dạng phong phú. “Hiện nay một số sản phẩm du lịch Việt Nam cũng khá đa dạng và hấp dẫn. Như tour du lịch kết hợp ngắm hoa, nghỉ dưỡng tại các khu villa Vinpearl cao cấp… được du khách lựa chọn nhiều” - bà Hương dẫn chứng.

Song nhìn trên tổng thể du lịch trong nước đang “yếu thế” hơn so với du lịch nước ngoài. Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nhìn nhận: “Dịch vụ nghèo nàn, chất lượng kém, giá cao, thiếu sáng tạo và khai thác bừa bãi làm hỏng cảnh quan môi trường thiên nhiên... là những nguyên nhân khiến du khách ít mặn mà với du lịch trong nước. Còn nước ngoài họ lại làm tốt hơn”.

Không chỉ vậy, theo ông Chiến, trong không ít trường hợp chúng ta chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà tàn phá thiên nhiên như làm cáp treo, khai thác bãi biển không hợp lý, thậm chí việc tôn tạo các di tích cũng có vấn đề”.

Ông Đào Xuân Khương, thạc sĩ quản trị kinh doanh, nghiên cứu marketing tại Mỹ và bán lẻ tại Đức thì nhận xét:  “Sản phẩm du lịch Việt Nam không thỏa mãn được nhu cầu của du khách. Biểu hiện rõ nhất ở chỗ khi đi đến một địa điểm, du khách thường chỉ biết chụp ảnh và ngắm cảnh chứ hoàn toàn không biết nơi đến “nó là cái gì, tại sao phải đến”. Tôi cho rằng vấn đề chính nằm ở sản phẩm du lịch kém hấp dẫn”.

Du lịch không chỉ là… liệt kê chỗ ngủ

Vậy du lịch Việt cần làm gì để níu chân du khách? Ông Khương gợi ý các công ty du lịch nên xem lại sản phẩm du lịch của mình hiện nay đang bán cho ai, cần cung cấp sản phẩm gì cho du khách, thực sự khách hàng đang muốn gì… Từ đó mới thiết kế sản phẩm chứ không nên làm chương trình du lịch theo kiểu liệt kê những địa điểm cần đi, kể tên những chỗ ngủ và kể tên các món ăn. Lý do là những thông tin này du khách có thể tự tìm được trên Internet.

Mặt khác, sản phẩm du lịch chỉ thực sự được tiêu dùng khi khách hàng được trải nghiệm dịch vụ. Điều này lại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp. Thực tế không ít đơn vị kinh doanh du lịch phó mặc hoàn toàn cho hướng dẫn viên hoặc người điều hành tour. Vì vậy mới có chuyện món ăn không đúng, giá cả cắt cổ, phòng ốc thiếu...

Bà Hương nêu quan điểm, để du lịch trong nước có thể cạnh tranh với các nước, ngành du lịch phải làm cầu nối liên kết giữa các điểm cung ứng dịch vụ nhằm hỗ trợ cho công ty lữ hành xây dựng được sản phẩm tour có giá tốt và chất lượng đảm bảo. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, ngăn chặn hiệu quả nạn “chặt chém” du khách… Có như vậy Việt Nam mới hy vọng trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Kém hấp dẫn nhưng giá cao

Với mức giá khoảng 4 triệu đồng mỗi tour, gia đình tôi thường chọn đi Thái hoặc Campuchia. Bởi với số tiền này, nếu đi Thái được sáu ngày năm đêm và được đi bằng máy bay, tham quan nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Ngược lại nếu đi du lịch trong nước cũng chỉ đến được một số nơi như Nha Trang, Phú Quốc.

Thêm nữa, dù đến Thái Lan nhiều lần nhưng tôi không cảm thấy nhàm chán vì họ có nhiều cách để cuốn hút du khách. Còn đi du lịch Nha Trang hay Phú Quốc không có gì đặc biệt ngoài tắm biển vì điểm tham quan rất ít, không thực sự đặc sắc, dịch vụ yếu kém. Đi miền Tây cũng không hấp dẫn, như đi Sóc Trăng chỉ có mấy chùa, làng truyền thống... là hết. Đó là chưa kể thời gian ngồi xe quá lâu so với thời gian được đi tham quan cũng khiến khách mệt mỏi.

Ngoài ra, đi du lịch không chỉ nghỉ mát mà còn để mở mang kiến thức, được trải nghiệm… vì vậy tôi thường chọn du lịch nước ngoài.

Anh NGUYỄN QUANG THANH, nhà ở quận 5, TP.HCM

Khách Campuchia sang Việt Nam giảm mạnh

Trong khi lượng khách Việt đi du lịch nước ngoài tăng mạnh mỗi năm thì khách quốc tế đến nước ta lại giảm liên tục trong mấy năm gần đây. Đơn cử Campuchia từng là một trong những thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam nhưng ngày càng sụt giảm mạnh. Hai tháng đầu năm nay lượng khách từ Campuchia sang Việt Nam chỉ có hơn 23.000 lượt, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại lượng khách từ Việt Nam sang Campuchia lại tăng cao.


TÚ UYÊN
Theo Plo.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục