tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 17-03-2016

  • Cập nhật : 17/03/2016

Ba người Việt ở Anh bị bắt tại cơ sở cần sa hơn hai triệu USD

Những người này sẽ bị trục xuất về nước sau khi hoàn thành án tù giam vì tham gia trồng cần sa ở thành phố Coventry, cách London 153 km.
co so trong can sa tai thanh pho coventry. anh: coventry telegraph

Cơ sở trồng cần sa tại thành phố Coventry. Ảnh: Coventry Telegraph

Anh Hoang, 20 tuổi , trú tại phố Exeter, Birmingham, Su Nguyen, 50 tuổi và Dat Nguyen, 47 tuổi bị Tòa Warwick Crown tuyên phạt có tội trong tháng trước, theo Coventry Telegraph.

Theo đó Hoang bị giam 20 tháng, hai người kia, không có địa chỉ cố định, nhận án hai năm, cả ba sẽ bị trục xuất sau khi mãn hạn.

Ba người này bị cảnh sát phát hiện làm việc trong một cơ sở trồng tới 2.000 cây cần sa ở khu chợ trong nhà bỏ hoang thuộc khu Riley Square, Bell Green, đông bắc thành phố. 

Ủy viên công tố Justin Jarmola cho biết cảnh sát khám xét cơ sở vào đầu tháng hai và coi đây là đợt bắt giữ lớn chưa từng có. Khi cảnh sát ập vào, Dat Nguyen đã chạy lên mái nhà và nhảy xuống từ độ cao 6 m xuống đất, khiến anh ta bị thương và phải nhập viện. Hai người còn lại bị bắt bên trong nhà và được đưa tới đồn cảnh sát.

Ông Jarmola cho biết thêm, 7 căn phòng trong khu nhà được dùng để trồng cần sa, có 300 bình rỗng và 18 bịch cần sa đã được thu hoạch, có trọng lượng gần 30 kg. Tổng cộng hơn 2.000 cây có thể cho thu hoạch khoảng 117 kg. Tổng giá trị của lượng hàng này có thể lên đến 1,5 triệu bảng Anh, tương đương hơn hai triệu USD.

Cảnh sát địa phương không chỉ phát hiện các thiết bị phức tạp để trồng cần sa mà còn một số phòng chứa đầy thành phẩm.

Dat Nguyen cho biết anh ta vốn làm việc trong một nhà bếp, được yêu cầu đến khu nhà để thu hoạch cần sa với tiền công 400 bảng Anh (hơn 560 USD). Anh ta mới đến cơ sở này được 4 ngày và không liên quan đến việc trồng hay tưới nước cho cây. Để tới được Anh, Dat Nguyen phải trả cho môi giới 3.000 USD với mong chờ có công việc để gửi tiền về cho vợ và con. Tuy nhiên anh ta không kiếm được việc làm và chưa từng gửi được đồng nào về nhà.

Theo luật sư, Su Nguyen đến Anh cách đây 7 năm nhờ lên thùng một chiếc xe tải. Anh ta cũng từng làm việc trong các bếp ăn. Su Nguyen được người quen giới thiệu cho một người phương Tây mà anh không biết tên hồi tháng 11 năm ngoái rồi nhận việc là người làm vườn. Tại đây Su Nguyen nhận trả công là đồ ăn và nơi ở, làm việc trong 4 tháng tiếp theo cho tới khi bị bắt. 

Người bào chữa cho Anh Hoang cho hay anh ta đến cơ sở trồng cần sa được 10 ngày và "được nhờ làm vì đầu bếp ở đó bị ốm". Hoang được đưa tới Anh 5 năm trước khi mới 15 tuổi. Anh ta từng làm việc ở các quầy làm móng tại Birmingham. 

Ông Jarmola đánh giá ba người nói trên phạm tội ở mức thấp. Thẩm phán Recorder Rochford cũng khẳng định họ được cho là đóng vai trò ít quan trọng, không phải là những người điều hành hoạt động phi pháp. 


Nhà nước có thể bị nhà đầu tư EU kiện

nha nuoc co the bi nha dau tu eu kien

Nhà nước có thể bị nhà đầu tư EU kiện

 Các cơ quan nhà nước Việt Nam có thể bị các nhà đầu tư EU kiện khi ban hành chính sách gây thiệt hại cho họ, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một chuyên gia cảnh báo tại mội hội thảo sáng nay tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI, cảnh báo tại hội thảo về rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của EVFTA về đầu tư rằng đây là điều có thể xảy ra căn cứ theo Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS).

Hội thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh tổ chức sáng nay, 16-3, tại Hà Nội.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) là một trong ba phần chính của chương Đầu tư của EVFTA. Hai phần còn lại là tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư.

Lý do của việc kiện là các cơ quan nhà nước có thể vi phạm các cam kết tại Mục Bảo hộ Đầu tư của EVFTA; hoặc các cam kết tại một số khoản liên quan tới nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc; và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Bà Trang nói: “Nhà nước thua kiện là dùng thuế của người Việt Nam để đền bù. Điều này ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, có tâm lý là vì sợ nhà đầu tư kiện, nên có thể họ yêu cầu cái gì thì cơ quan nhà nước đồng ý luôn, làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong nước”.

Ví dụ, luật của Việt Nam chưa tuân thủ cam kết của EVFTA về trưng mua trưng dụng và phải bồi thường, bồi thường chậm phải trả lãi. Việt Nam chưa có quy định trả lãi, hay trưng mua trưng dụng, bà nhận xét.

Bà Châu Giang, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của đoàn đàm phán phía Việt Nam, cho biết đến nay Việt Nam mới chỉ gặp phải bốn vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam thắng kiện 3 trong số đó và không phải bồi thường.

Bà cho biết, theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ xây dựng cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực, có hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Chính phủ Việt Nam và EC sẽ chọn các trọng tài làm thành viên của cơ quan này. Bên cạnh đó, còn có cả cơ quan trung gian hòa giải.

Theo ông Phạm Mạnh Dũng,  nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần rà soát gấp các nghị định, các văn bản hướng dẫn luật chuyên ngành vì đây đang là rào cản lớn nhất cho đầu tư, thương mại, ví dụ Nghị định 23 về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng.

Ông Dũng nhận xét, đầu tư bao gồm nhiều lĩnh vực như đầu thầu, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, tự do thương mại, tức là rộng hơn những quy định tại Luật Đầu tư.

“Tôi đề xuất, cách tiếp cận tốt nhất để xây dựng pháp luật khi chúng ta hội nhập sâu rộng là xây dựng luật trên nền tảng kinh tế thị trường hiện đại, thay vì rà soát lại luật mỗi khi ký một FTA nào đó”, ông nói.

Ông Dũng nói thêm, vướng mắc với đầu tư hiện nay không phải chỉ có luật pháp, mà còn vấn đề thực thi. Ví dụ, trọng tài quốc tế xử nhà đầu tư thắng nhưng không thi hành được. “Chúng ta phải sửa cả luật thi hành án. Kể cả hệ thống tòa cũng phải cải thiện”, ông nói.


ICAEW: Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

Theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á của ICAEW, trong số 6 nền kinh tế lớn của khối ASEAN được khảo sát trong báo cáo, Việt Nam dự kiến sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất, đạt mức 6,3%, sau đó là Philippines và Indonesia lần lượt đạt 6,1% và 5,1% trong năm 2016.

Báo cáo này của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho hay, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ trong những năm tới, trong khi các nước khác trong khối ASEAN trừ Malaysia sẽ có sự phục hồi ở mức độ vừa phải.

Từ năm 2016 đến 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ đạt ngưỡng 6-7% nhờ những cải thiện về khả năng tiếp cận thương mại sẽ bù đắp cho sự chững lại của một số đối tác thương mại chính. Nền kinh tế của Việt Nam cũng có sự đa dạng hóa với sự tăng trưởng của các ngành nghề khác ngoài dệt may.

Năm 2015, Việt Nam được xem là điểm sáng của nền kinh tế ASEAN với mức tăng trưởng lên tới 6,7% nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đạt mức kỷ lục, kèm theo tăng trưởng mạnh về xuất  khẩu bất chấp giá cả hàng hóa ở mức thấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia của ICAEW cảnh báo Việt Nam phải có chính sách phù hợp để bảo đảm hệ số nợ trên GDP không vượt ngưỡng trần 65%, sau khi đã lên tới 60% trong năm 2015.

Ông Tom Rogers, Cố vấn Kinh tế của ICAEW kiêm Phó Giám đốc của tổ chức Oxford Economics, cho biết những nước đạt được tăng trưởng nhanh là do có nền tảng trong nước vững chắc, cùng với sự hỗ trợ về chính sách. Các nhân tố nội địa cũng được đánh giá là lành mạnh tại những nước này như tỉ lệ nợ thấp, sự ổn định vĩ mô và mức lương cạnh tranh. Những yếu tố trên sẽ giúp các nước này tiếp tục tăng thị phần trong những ngành nghề có chi phí thấp.

Nói về ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, báo cáo này cho rằng, việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN.

Malaysia và Singapore là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trước sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc do vị trí của những nước này trong các chuỗi cung ứng khu vực về mặt hàng điện tử. Nhu cầu và giá hàng hóa giảm cũng sẽ là một nguyên nhân đáng lo ngại.

Việt Nam, Indonesia, và Philippines ít tham gia hơn vào những lĩnh vực sản xuất, chế tạo mà Trung Quốc đang dư thừa năng lực. Mức lương cạnh tranh của những nước này cũng có nghĩa là các diễn biến ở Trung Quốc sẽ khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình công nghiệp hóa của mình.

Ông Mark Billington, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ICAEW, cho rằng khi các nước ASEAN tiếp tục cải cách nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng vừa phải trong mấy năm tới, sẽ vẫn có những giai đoạn biến động trên thị trường tài chính do các nước này phải điều chỉnh theo xu hướng tăng trưởng mới của Trung Quốc.

“Sự chững lại sâu hơn dự kiến của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa chính cho các nền kinh tế ASEAN, cùng với sự biến động lớn hơn của thị trường tài chính cũng như việc thắt chặt các điều kiện tài chính khi các nước công nghiệp hóa kiện toàn chính sách tiền tệ. Tình hình này sẽ đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến những nền kinh tế có mức nợ cao”, ông Billington nói.

Báo cáo Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á do Oxford Economics, một tổ chức chuyên về dự báo kinh tế và là đối tác của ICAEW, soạn thảo.

ICAEW là thành viên sáng lập của Tổ chức Kế toán Công chứng toàn cầu và Liên minh Kế toán Thế giới với 145.000 hội viên tại hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới.


Hội người Việt gửi thư phản đối Trung Quốc lên Nghị viện châu Âu

Đại diện các hội người Việt ở Đức, Bỉ và Anh hôm qua tới Nghị viện châu Âu gửi kiến nghị thư, kêu gọi quan tâm đến tình hình Biển Đông và lên án những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trong thời gian qua.
cac dai dien hoi nguoi viet tai chau au gui kien nghi thu phan doi trung quoc vi pham luat phap quoc te tai bien dong len nghi vien chau au hom qua. anh: lsq viet nam tai frankfurt

Các đại diện hội người Việt tại châu Âu gửi kiến nghị thư phản đối Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông lên Nghị viện châu Âu hôm qua. Ảnh: LSQ Việt Nam tại Frankfurt

Bà Barbara Lochbinler thuộc Ủy ban đối thoại Nghị viện châu Âu đã nhận kiến nghị thư và dành nhiều thời gian thảo luận với lãnh đạo các hội người Việt Nam tại châu Âu.

Nhân dịp này, lãnh đạo các hội người Việt đã thông báo về các vụ việc tàu Trung Quốc đâm hỏng các tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam, liên tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đưa ra bằng chứng chứng minh Trung Quốc chiếm đóng trái phép các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, bồi đắp và quân sự hóa các đảo này, đe dọa hòa bình trong khu vực.

Kiến nghị thư kêu gọi các nghị sĩ châu Âu quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề Biển Đông và phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hội người Việt đồng thời kêu gọi Nghị viện châu Âu ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hôm 11/3 vừa qua, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) F.Mogherini tuyên bố EU cam kết duy trì một trật tư pháp lý cho các vùng biển và đại dương, kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, làm rõ căn cứ về yêu sách của mình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

EU cũng bày tỏ quan ngại về việc triển khai tên lửa trên các đảo ở Biển Đông làm ảnh đến an ninh khu vực, đe dọa tự do hàng hải và hàng không. 


Việt Nam đứng hạng 96 những nước hạnh phúc nhất

Trong danh sách Những quốc gia hạnh phúc nhất do Hệ thống giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Viện trái đất tại Đại học Columbia, Mỹ công bố, Việt Nam đứng thứ 96 trong tổng số 157 nước.

xe co chat cung tren quoc lo 13 huong tu cau vuot binh phuoc ve nga tu binh trieu - anh chup ngay 21-9-2015

Xe cộ chật cứng trên quốc lộ 13 hướng từ cầu vượt Bình Phước về ngã tư Bình Triệu - Ảnh chụp ngày 21-9-2015

Danh sách này được thực hiện dựa trên 8 yếu tố: GDP đầu người, khả năng giúp đỡ từ xã hội, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, mức tự do lựa chọn các yếu tố trong cuộc sống, tỉ lệ đóng góp từ thiện so với GDP đầu người, mức độ tham nhũng, chỉ số tâm lý tích cực và chỉ số tâm lý tiêu cực.

Tổng cộng, Việt Nam được 5.091 điểm, đứng thứ 96 thế giới.

Trong khi đó, với 7,526 điểm, Đan Mạch từ hạng ba trong bảng xếp hạng năm ngoái, vươn lên hạng nhất, soán ngôi của Thụy Sĩ. Trong top 10 quốc gia hạnh phúc nhất, các nước ở bán đảo Scandinavi chiếm ưu thế. Danh sách gồm: Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hà Lan, New Zealand, Úc và Thụy Điển.

Hai quốc gia bị chiến tranh tàn phá là Syria và Afghanistan cùng tám nước ở khu vực hạ Sahara nơi điều kiện sống rất thấp, đứng trong top 10 quốc gia khổ nhất. Top 10 này gồm: Madagascar, Tanzania, Liberia, Guinea, Rwanda, Benin, Afghanistan, Togo, Syria và Burundi. 

Tại khu vực châu Á, Singapore là quốc gia hạnh phúc, đứng thứ 22 thế giới. Thái Lan đứng thứ 33; Malaysia hạng 47; Nhật thứ 53 và Trung Quốc thứ 83.

Giáo sư Jeffrey Sachs, người đứng đầu SDSN và là cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhận xét về hạng 13 của nước Mỹ: "Danh sách này là một thông điệp cảnh tỉnh với nước Mỹ. Trong vòng 50 năm qua, nước Mỹ vốn giàu lại giàu thêm rất nhiều nhưng không hạnh phúc hơn".

Trong danh sách công bố năm 2016, giáo sư Sachs chỉ ra Costa Rica (hạng 14) là ví dụ điển hình về việc một quốc gia hoàn toàn có thể hạnh phúc và "khỏe mạnh" mà không nhất thiết phải là cường quốc kinh tế.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục