tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 26-04-2016

  • Cập nhật : 26/04/2016

Các ngân hàng lại muốn lùi quy định siết vốn bất động sản

Với lý do khó huy động vốn kỳ hạn dài, các thành viên Hiệp hội Ngân hàng vừa đề xuất đổi lộ trình áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% của Thông tư 36 sửa đổi.

Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2016 cuối tuần vừa rồi. Theo đó, thông qua Hiệp hội Ngân hàng, tập thể nhiều nhà băng đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lộ trình thực hiện Thông tư 36 sửa đổi cho phù hợp.

nhieu ngan hang lo kho huy dong von ky han dai, dan den viec khong du nguon von cho vay trung va dai han.

Nhiều ngân hàng lo khó huy động vốn kỳ hạn dài, dẫn đến việc không đủ nguồn vốn cho vay trung và dài hạn.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động với nhiều nội dung siết chặt tín dụng cho bất động sản dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2017. Dự thảo này đề xuất giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%. Ngoài ra, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản cũng dự kiến được nâng từ 150% hiện nay lên 250%. Không riêng gì doanh nghiệp bất động sản, bản thân các ngân hàng thương mại cũng cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu quy định này có hiệu lực.

Theo ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, các nhà băng kiến nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng Thông tư 36 nhằm phù hợp với đặc điểm huy động vốn của Việt Nam. Theo đó, họ rất khó huy động vốn kỳ hạn dài do tâm lý gửi tiền ngắn hạn của người dân vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, nếu giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, sẽ gây khó cho các ngân hàng.

Thực tế là mặt bằng lãi suất huy động đã thực sự tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn kể từ sau khi Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến. Các nhà băng liên tục điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn dài để khuyến khích khách gửi tiền. Tuy nhiên, mức huy động vốn vẫn không như kỳ vọng nên nhiều đơn vị phải tăng lãi suất ở cả kỳ hạn ngắn, hay thậm chí có nơi xuất hình tình trạng "đi đêm" để đón đầu sửa đổi của Thông tư 36.

Hầu hết các nhà băng mạnh tay cho vay bất động sản đều khẳng định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn vẫn dưới 40% nên vẫn đảm bảo quy định nếu Ngân hàng Nhà nước kiên quyết áp dụng ngay từ đầu năm 2017. Cụ thể, như tại BIDV, Tổng giám đốc Phan Đức Tú cho biết tỷ lệ này là 37%. "Nếu Ngân hàng Nhà nước không thay đổi lộ trình thực hiện, BIDV vẫn có thể đáp ứng được các quy định", ông nói.

Còn với SHB, theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32,4%. "Nếu điều chỉnh thông tư 36 thì tỷ lệ của SHB vẫn đảm bảo và chủ trương của SHB năm 2016 cũng là giảm dần tín dụng trung dài hạn và tăng tín dụng ngắn hạn", ông nói.

Trong khi đó, với nhiều nhà băng khác, tỷ lệ này lại khá thấp (dưới 30%). Trả lời cổ đông hôm 15/4 trong cuộc họp ĐHCĐ, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tự tin cho biết dư địa cho vay trung và dài hạn còn rất lớn khi tỷ lệ này mới đạt 24% nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Tương tự, tại Ngân hàng Á Châu (ACB), dư nợ bất động sản hiện khoảng 2.500 tỷ đồng, không lớn so với tổng dư nợ chung. Ngoài ra hệ số cho vay trung dài hạn bằng vốn ngắn hạn mới chỉ ở mức 27%. "Như vậy trong ngắn hạn thì chưa tuy nhiên dài hạn có thể ảnh hưởng. Ban lãnh đạo cũng đang tìm ra phương án khai thác và điều chỉnh dòng vốn hiệu quả", lãnh đạo ACB nói.

Ngoài ra, nếu hệ số cho vay bất động sản từ 150% lên 250% theo sửa đổi của Thông tư 36 thì năng lực cho vay của nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện lãi suất cho vay bất động sản hiện cũng gần gấp đôi lãi suất thương mại thông thường (chỉ 8,5% một năm). Do đó, theo đại diện ACB, nếu Thông tư 36 có hiệu lực, cho vay bất động sản giảm thì nguồn thu của ngân hàng cũng giảm theo.


Bắt giữ vụ vận chuyển trái phép trên 340 triệu đồng qua biên giới

Ngày 25-4, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình- Cục Hải quan An Giang đã chuyển hồ sơ vụ vận chuyển trái phép trên 340 triệu đồng do đơn vị phát hiện lên Cục Hải quan An Giang để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

chi cuc hai quan cua khau khanh binh dang tien hanh kiem tra tang vat

Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình đang tiến hành kiểm tra tang vật

Vụ việc bị phát hiện lúc 16h 30 phút ngày 22-4 tại bến đò khu vực biên giới thuộc tổ 3, ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang khi Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phối hợp cùng Công an huyện An Phú tiến hành tuần tra kiểm soát.

Lúc này, tổ công tác  phát hiện bà Trần Thùy Trang, ngụ tại khu vực Thới Thạnh 2, Thới Thuận - Thốt Nốt, TP. Cần Thơ đi từ Campuchia về Việ Nam mà không đi qua bến phà cửa khẩu chính, không trình báo trạm kiểm soát của lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trên tay có mang một túi xách có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành mời đương sự này về trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình để làm việc.

Qua quá trình kiểm tra theo thủ tục hành chính, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phát hiện bà Trần Thùy Trang mang theo 343 triệu đồng không có giấy tờ gì chứng minh là hợp pháp. Bà Trang khai nhận ban đầu số tiền trên là của cá nhân, do sang Campuchia thăm người thân nên mang theo, sợ để ở nhà bị mất.

Tuy nhiên, bà Trang không cung cấp được cụ thể về người thân này. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.


Các bộ phải rà soát hết giấy phép con trước 30/5

Yêu cầu được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sau thông tin cho biết mới có 8 trên tổng số 18 bộ có báo cáo rà soát các điều kiện kinh doanh ngay trước thời điểm phải gỡ bỏ những rào cản này.

Báo cáo tại hội nghị chuẩn bị triển khai thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tổ chức ngày 25/4, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay chỉ còn 2 tháng nữa, các quy định về điều kiện kinh doanh sẽ có hiệu lực với tinh thần thông tư của các bộ sẽ không được đưa ra thêm rào cản cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có tới 114 văn bản ràng buộc các điều kiện của 167 ngành nghề. Ngoài ra, Chính phủ cũng còn 15 nghị định quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh, nhằm cụ thể hóa hướng dẫn 2 luật nói trên nhưng có nguy cơ không ban hành kịp.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tinh thần chung là phải cải cách, tạo mọi điều kiện giải phóng sức sản xuất, ủng hộ bảo vệ quyền kinh doanh. "Phải công khai các điều kiện về kinh doanh chứ không để tình trạng làm trái luật, giấy phép con hoành hành”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.Do các quy định nêu trên sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, Thủ tướng cho rằng việc chuẩn bị thi hành phải trên tinh thần không cầu toàn, cái gì làm được phải bắt tay ngay cho kịp. “Tôi đồng ý với kiến nghị Ban hành nghị định theo quy trình rút gọn. Tương tự là nâng cấp các thông tư về điều kiện kinh doanh cũng với tinh thần này để làm sao giảm thiểu thủ tục, giấy phép con và đến 30/5 các công việc này phải hoàn tất để Chính phủ rà soát, ban hành nghị định”.

thu tuong nguyen xuan phuc cho rang the che, luat phap tot ma can bo thieu trach nhiem, khong tan tam thi doanh nghiep cung bi phien ha. anh: vgp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thể chế, luật pháp tốt mà cán bộ thiếu trách nhiệm, không tận tâm thì doanh nghiệp cũng bị phiền hà. Ảnh: VGP

Trước đó, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, hiện mới chỉ có 8 trong số 18 bộ có báo cáo rà soát về các văn bản quy định điều kiện kinh doanh. “Phải mất cả tháng trời chúng tôi mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại, song khi đến làm việc thì Thứ trưởng các bộ cáo bận vào phút chót, chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được”, ông Đông nói.

“Tại sao chỉ việc tập hợp các điều kiện kinh doanh do chính mình ban hành mà các bộ không làm được. Nếu không làm thì doanh  nghiệp có quyền suy diễn phải chăng vì điều kiện đó là vô lý nên các anh không công khai”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nghi vấn.

Còn theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần đổi mới của hai luật này là thành quả quan trọng của công cuộc cải cách thể chế mà Quốc hội, Chính phủ có được. Điều này cùng với các hiệp định tự do mới ký kết được hy vọng là tạo ra cú hích mới trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên tiến độ rà soát, chuẩn bị thực hiện của các bộ còn chậm, còn nhiều vướng mắc. Do đó, cần làm ngày làm đêm thì cũng phải làm để tinh thần các luật mới đi vào cuộc sống đúng lộ trình, nếu không sẽ khó ăn nói khi trả lời chất vấn trước Quốc hội”, ông Huệ nói.

Để không tạo ra khoảng trống pháp lý khi 2 luật có hiệu lực từ 1/7, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị các bộ phải khẩn trương tập hợp các điều kiện kinh doanh để công khai trên mạng cho doanh nghiệp được biết. Cùng với đó, ông kiến nghị Chính phủ sửa nhiều nghị định theo tinh thần rút gọn để có hiệu lực cùng với hai luật kể trên.

Cơ quan này cũng đề nghị Thủ tướng cử Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải vào cuộc cùng dự với cơ quan này trong những buổi rà soát với các bộ chuyên ngành để tránh tình trạng không thống nhất được quan điểm.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, ngoài việc có thể chế tốt thì người thực thi còn phải tận tâm, trách nhiệm. “Không loại trừ chủ trương lớn, đúng đắn nhưng nảy sinh cửa quyền khi thực hiện. Cho nên cần tăng cường vai trò của tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”, Thủ tướng lưu ý.

“Làm sao để thủ tục ít mà trách nhiệm cho rõ, không để tình trạng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Tuyệt đối tránh chuyện quyền anh quyền tôi bởi cửa quyền cản trở sản xuất ghê lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Chỉ 1% xe gắn máy bốn bánh đi kiểm định, 90% không đạt

Hai tuần qua chỉ có 26 xe bốn bánh chở hàng có gắn động cơ (còn gọi là xe TD) đi kiểm định. Số lượng xe TD đưa vào kiểm định quá ít so với khoảng hơn 2.800 xe TD chưa kiểm định.

xe bon banh gan dong co dang kiem dinh - anh: n.an

Xe bốn bánh gắn động cơ đang kiểm định - Ảnh: N.Ẩn

Theo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc Sở Giao thông vận tải TP HCM và Cục Đăng kiểm quản lý, gần hai tuần qua chỉ có 26 xe bốn bánh chở hàng có gắn động cơ (còn gọi là xe TD - xe thí điểm thay thế xe ba gác) vào trung tâm kiểm định xe, sau khi Cục Đăng kiểm chỉ đạo (ngày 11-4) các đơn vị đăng kiểm phải kiểm định loại xe này. 

Tuy nhiên, có đến 90% xe đưa vào kiểm định đã bị đánh rớt vì không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trong đó, các xe vi phạm nhiều nhất là tự trọng xe (trong lượng bản thân chiếc xe) nặng hơn so với hồ sơ thiết kế.

Bởi vì nhiều chủ xe đã gia cố thùng xe chở hàng và cơi nới chiều dài thùng xe. Một số chủ xe lắp đặt kính chắn phía trước không phải kính cường lực ôtô…

Lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm cho biết sở dĩ số xe bị đánh rớt nhiều là do chủ xe đã không duy tu bảo dưỡng xe trước khi đưa vào kiểm định, trong đó có đa phần xe được sản xuất trước năm 2014.  

Số lượng xe đưa vào kiểm định không nhiều do chủ xe ngại tốn chi phí phí kiểm định xe TD là 180.000 đồng/xe và 50.000 đồng/tem xe kiểm định.

Ngoài ra các xe này bị truy thu đóng phí bảo trì đường bộ năm 2015 là 180.000 đồng/xe. Như vậy, đến nay số lượng xe TD đưa vào kiểm định quá ít so với khoảng hơn 2.800 xe TD chưa kiểm định


Phó thủ tướng chỉ đạo tìm nguyên nhân đổ cột điện đường dây 500kV

 Đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỉ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500kV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500 kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

Trước đó vào hồi 7g30 ngày 22-4, sau trận mưa lớn kèm theo dông lốc, một cột điện của đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa đã bị đổ.

Ông Phạm Lê Phú, giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, cho biết cột điện bị đổ nằm ở vị trí 199 trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang với khoảng 500m đường dây bị ảnh hưởng. Tuy nhiên sự cố này không gây gián đoạn cho việc cung cấp điện.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và Công ty Truyền tải điện 1 đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân và huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện để khắc phục sự cố.

Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là đường dây mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139km từ trạm biến áp 500kV Quảng Ninh đến trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỉ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành thực hiện dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 và Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Đường dây có nhiệm vụ truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh - Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của miền Bắc cũng như cả nước và khép kín mạch vòng 500 kV cho khu vực Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc.

Đường dây này cũng góp phần nâng cao khả năng vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, liên tục và giảm tổn thất điện năng trong hệ thống; đồng thời dự phòng cho sự phát triển nguồn nhiệt điện giai đoạn sau năm 2020 tại khu vực Quảng Ninh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục