tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 24-03-2016

  • Cập nhật : 24/03/2016

5 năm: Kiểm toán kiến nghị xử lý 101.037 tỷ đồng

Chiều 22-3, Báo cáo với Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2011-2016), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng.

tong ktnn nguyen huu van cung thua nhan viec doi moi phuong phap kiem toan, chat luong kiem toan con han che. anh: van binh

Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cũng thừa nhận việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán còn hạn chế. Ảnh: Văn Bình

Kết quả này bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng), trong đó 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi NSNN tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng, năm 2014 là 8.061 tỷ đồng, năm 2015 là 12.658 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản.

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Hữu Vạn, đó là việc tăng quy mô kiểm toán tăng một cách hợp lý, bình quân hàng năm thực hiện khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%; chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới.

Nhờ đó, không chỉ thu tiền về cho NSNN, KTNN còn giúp các đơn vị được kiểm toán từng bước khắc phục việc lập, giao dự toán ngân sách hàng năm chưa sát thực tế, bố trí vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách.

Đồng thời, việc phát hiện xử lý tài chính và kiến nghị sửa đổi các cơ chế chính sách thông qua hoạt động KTNN đã góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển,  qua kết quả thẩm tra  báo cáo nhiệm kỳ của KTNN cho thấy, quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN  hàng năm chưa cao, một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của KTNN không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.

Đó cũng là lý do mà khi cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã thẳng thắn chỉ ra, ở các nước khác thì  90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán còn ở Việt Nam thì chỉ có nhân dân, báo chí phát hiện, còn qua thanh tra kiểm toán rất hạn chế.

Và người đứng đầu KTNN, ông Nguyễn Hữu Vạn cũng nhìn nhận quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng, tăng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc đổi mới phương pháp kiểm toán, chất lượng kiểm toán còn hạn chế, nhất là việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán dựa trên phương pháp chọn mẫu, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; Kết quả kiểm toán chưa chú trọng phân tích sâu, đánh giá hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách; chưa triển khai được nhiều cuộc kiểm toán hoạt động; hiệu lực kiểm toán chưa cao như mong muốn; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán NSNN, phân bổ NSTW chất lượng chưa cao...

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, theo ông Nguyễn Hữu Vạn, trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô và đối tượng kiểm toán theo Luật KTNN 2015, tập trung kiểm toán thường niên đối với lĩnh vực NSNN nhằm phục vụ thiết thực việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội, HĐND các cấp; Tăng cường kiểm toán hoạt động, đi sâu vào kiểm toán các chuyên đề quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường phối hợp và nâng cao trình độ để tham gia ý kiến với Ủy ban Tài chính-Ngân sách và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ về dự toán NSNN...

"Tổng KTNN sẽ quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán. Đổi mới phương pháp lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán theo hướng tiếp cận phương pháp kiểm toán tiên tiến của quốc tế là dựa trên việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán"- ông Nguyễn Hữu Vạn khẳng định.


Trăm dâu lại đổ đầu... Hải quan

Câu chuyện thủ tục, thời gian thông quan hàng hóa XNK lại “nóng” khi gần đây trong một Hội nghị DN ở  khu vực phía Nam, DN lại “kêu” về việc chậm được thông quan.

Giống như một việc tất yếu, hiển nhiên diễn ra nhiều năm qua cứ có tiếng “kêu” như vậy (về thủ tục, thời gian thông quan), dư luận lại “gõ đầu” cơ quan Hải quan. Nhưng thủ tục, thời gian thông quan hàng hóa XNK không phải chỉ mình cơ quan Hải quan quyết định!

Tháng 9-2014, lần đầu tiên Tổng cục Hải quan công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng hóa XNK. Kết quả công bố vào thời điểm đó chỉ rõ, thời gian cơ quan Hải quan chỉ chiếm khoảng 28% trong tổng thời gian thông quan hàng hóa XNK.

Vậy 72% khoảng thời gian còn lại nằm ở đâu?

Thời gian này phụ thuộc vào việc xử lý thủ tục của cơ quan kinh doanh cảng/quản lý cửa khẩu, DN làm thủ tục giao nhận/logistic, cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đến quá trình làm thủ tục hàng hóa XNK... Và có lẽ những người trực tiếp đi làm thủ tục, những cơ quan trực tiếp đưa ra các quy định, quy trình kiểm tra hàng hóa XNK cũng hiểu được điểu này.

Như câu chuyện kiểm định thép NK mà DN vừa nêu ở Hội nghị trên. Lãnh đạo chính quyền và DN “đòi” Hải quan phải kiểm định ngay tại cửa khẩu. Nhưng rõ ràng điều này ngoài tầm với của Hải quan.

Nói như vậy không có nghĩa cơ quan Hải quan đứng ngoài cuộc trước khó khăn của cộng đồng DN.

Còn nhớ, trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Tổng cục Hải quan vào ngày 9-7-2014, về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã báo cáo người đứng đầu Chính phủ về khó khăn, thực trạng và giải pháp tháo gỡ liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK, trong đó có hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ghi nhận ý kiến của cơ quan Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Ngày 17-11-2015, Đề án được Thủ tướng ký ban hành tại Quyết định 2026/QĐ-TTg. Thực hiện Quyết định này, Tổng cục Hải quan khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành thực hiện địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cửa khẩu ở 7 địa bàn XNK trọng điểm: Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Đà Nẵng.

Mặt khác, để đơn giản hóa về hồ sơ liên quan đến hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan cũng tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.

Thời gian chưa nhiều để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, nhưng để làm được những công việc như trên cũng đã là một cố gắng rất lớn của ngành Hải quan. Bởi, Hải quan không chỉ tạo sự chuyển động trong nội bộ mà còn phải thúc đẩy sự cải tiến của nhiều bộ, ngành. Còn nhớ, để kéo được nhiều bộ, ngành vào thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án kiểm tra chuyên ngành, lãnh đạo Tổng cục Hải quan phải nhiều lần “xin” làm trực tiếp với Bộ trưởng các bộ liên quan vì con đường hành chính, phối hợp không hiệu quả.

Kể ra chi tiết như trên để thấy được nỗ lực, đóng góp đáng kể của Hải quan trong thúc đẩy cải cách thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK. Và việc quy trách nhiệm cho  cơ quan Hải quan về thủ tục, thời gian thông quan XNK như vừa qua là chưa thỏa đáng, chưa khách quan.


Lương công nhân giảm do DN phải đóng phí cao

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do các doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn tăng, khiến thu nhập của người lao động tại các DN chế biến thủy sản giảm. 

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Thủy hải sản Minh Phú.

VASEP cho rằng, số liệu của Công ty kiểm toán KPMG cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở mức 26%, trong khi Lào là quốc gia đóng BHXH ở mức cao nhất khu vực vẫn chưa đến 10%; Thái Lan và Campuchia dưới 5%. Như vậy, mức đóng riêng cho khoản BHXH của chủ DN và người lao động ở Việt Nam rất cao so với các nước trong khu vực.

Theo tính toán của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp), chi phí lao động cho một công nhân lao động phổ thông trong nhà máy chế biến làm đủ 26 ngày công của tháng là: 6 triệu đồng/tháng (với mức lương tối thiểu vùng II là: 2,75 triệu đồng). Số lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí công đoàn. Năm 2015, sau khi trừ các khoản bảo hiểm phải đóng thì số tiền lương người lao động lĩnh là 5 triệu đồng/tháng. Nhưng năm 2016, khi lương tối thiểu vùng tăng 12,4% thì số tiền thực lãnh của người lao động chỉ còn 4,87 triệu đồng/tháng (tức thu nhập giảm khoảng 126.700 đồng/tháng).

Theo Luật BHXH, đến năm 2018, nếu đóng các khoản trên trong tổng thu nhập gồm các khoản tiền lương và phụ cấp thì mức lương của người lao động thực lãnh chỉ còn 3,96 triệu đồng/tháng.

Đặc thù ngành chế biến thủy sản là 90% lao động nữ. Tại Đồng bằng sông Cửu Long đa số lao động nữ chỉ làm việc trong các doanh nghiệp từ 5 - 10 năm là xin nghỉ việc về lập gia đình. Vì vậy, theo số liệu thống kê từ 20 năm nay số lao động nghỉ chế độ hưu trí rất thấp khoảng 1-2% mà phần lớn rơi vào những người lao động gián tiếp. 

Trên thực tế tại Minh Phu Seafood Corp, năm 2012, công ty có 432 công nhân ký vào đơn xin không tham gia BHXH bởi họ cho rằng chỉ làm ngắn hạn vài ba năm nên hàng tháng DN không trừ mấy trăm ngàn tiền bảo hiểm để họ còn trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, DN không thể chấp nhận đề nghị này vì nếu không đóng BHXH sẽ làm ảnh hưởng đến các đánh giá về an sinh xã hội của DN. Công đoàn và ban lãnh đạo công ty phải thuyết phục mới có hơn 200 công nhân ở lại làm việc, số còn lại xin nghỉ hoặc tự ý nghỉ việc.

 Theo phân tích của Minh Phu Seafood Corp, năm 2014, Tập đoàn đóng BHXH, BHYT, BHTN (32,5%) với tổng số tiền trên 113 tỷ đồng và phí công đoàn gần 71,7 tỷ đồng. Năm 2015, lương tối thiểu vùng tăng 14,3%, mức đóng BHXH, BHYT, BHTN (32,5%) tăng lên trên 152,7 tỷ đồng và phí công đoàn tăng lên hơn 9,7 tỷ đồng. Như vậy so với năm 2014, mức lương tối thiểu vùng tăng 14,3%, các mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn năm 2015 đều tăng lên 35%. Riêng về phí công đoàn đến năm 2018, mức phí đóng theo tổng thu nhập của 15.000 người lao động sẽ là 21,6 tỷ đồng, trong đó nộp lên công đoàn cấp trên 35% là 7,35 tỷ đồng. 

Như vậy, việc nộp phí công đoàn đối với DN nhiều lao động trong lĩnh vực chế biến thủy sản rất cao và quá bất hợp lý. Nếu không có khoản phí này và các khoản đóng BHXH tăng hàng năm thì người lao động hàng tháng thu nhập sẽ ổn định hơn. Việc tăng lương tối thiểu vùng không nhằm nâng cao thu nhập của người lao động mà đang có tác động ngược lại.


2 triệu vé 0 đồng phục vụ đường bay mùa hè

 Ngày 22-3, hàng hàng không Vietjet thông tin, đón mùa cao điểm hè, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Vietjet tăng hơn 5.000 chuyến bay và công bố tuần lễ vàng “12h rồi, Vietjet thôi!” từ 28-3-2016 đến 3-4-2016 với 2 triệu vé tiết kiệm giá từ 0 đồng áp dụng trên tất cả đường bay trong nước cho thời gian bay từ 1-4-2016 đến 31-12-2016 (trừ các ngày lễ, tết).

khach hang xem thong tin chuyen bay

Khách hàng xem thông tin chuyến bay

Cụ thể, các chuyến hàng ngày từ TP.HCM đi Hà Nội tăng lên 25 chuyến, đi Đà Nẵng 13 chuyến, đi Phú Quốc 6 chuyến, Nha Trang 5 chuyến. Đường bay Hà Nội đi Đà Nẵng tăng mạnh lên 15 chuyến, đi Nha Trang 5 chuyến khứ hồi mỗi ngày.

Đối với các đường bay quốc tế, TP.HCM đi Đài Bắc cũng tăng tần suất 2 chuyến khứ hồi/ ngày, TP.HCM đi Singapore tăng lên 2 chuyến khứ hồi/ ngày, TP.HCM đi Bangkok tăng lên 3 chuyến khứ hồi/ngày, từ Hà Nội đi Bangkok tăng lên 2 chuyến khứ hồi/ ngày. 

Vé đã được mở bán tại website www.vietjetair.com, trên điện thoại Smartphone https://m.vietjetair.com và Facebook www.faceboo0k.com/vietjetvietnam, mục “Đặt vé”. Thanh toán ngay bằng các loại thẻ Visa/ Master/ AMEX/ JCB/ thẻ ATM của 24 ngân hàng lớn tại Việt Nam (có đăng ký Internet Banking).


Thống đốc xin Thủ tướng gia hạn gói 30.000 tỷ

Những khách hàng có khoản vay giải ngân sau ngày 1/6 có thể vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi nếu Thủ tướng cho phép gia hạn gói 30.000 tỷ đồng như đề xuất mới nhất của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn báo cáo với Thủ tướng về phương án xử lý gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, trong trường hợp chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng vào ngày 1/6 tới.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay, mua, sửa nhà được hưởng lãi suất ưu đãi đến khi hết gói 30.000 tỷ đồng. Văn bản này không đề cập tới việc tiếp tục ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư - đối tượng cung cấp nhà ở cho gói tín dụng này.

Trước đó, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng vì thông tin các khoản tiền giải ngân sau ngày 1/6 (dù vẫn trong gói 30.000 tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội của Chính phủ) sẽ phải chịu lãi suất thương mại thông thường thay vì ưu đãi 5%. Lãi suất thương mại có thể cao gấp đôi và khiến nhiều người rơi vào bẫy lãi suất, không có khả năng chi trả.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến 10/3, các nhà băng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng. Như vậy, đến nay gói 30.000 tỷ mới "tiêu thụ" được hơn 71% hạn mức được cấp.

Sau khi nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất gia hạn gói 30.000 tỷ,Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục giải ngân gói tín dụng này. Cơ quan này nhận định đến cuối tháng 5 mới giải ngân hết 85% gói hỗ trợ.

Cách đây 2 ngày, tại Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc cũng nêu kiến nghị này nhằm đảm bảo những người có thu nhập thấp vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ được lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống.

Gói 30.000 tỷ được đưa ra vào đầu năm 2013, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, sau 3 năm, gói tín dụng này liên tục phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận...


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục