tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 23-03-2016

  • Cập nhật : 23/03/2016

Hà Nội: CPI tháng 3 tăng nhẹ so với tháng trước

Không công bố con số cụ thể, nhưng Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 trên địa bàn Thủ đô tăng nhẹ so so với tháng trước.

gia dich vu y te duoc dieu chinh tang tu 1/3/2016

Giá dịch vụ ý tế được điều chỉnh tăng từ 1/3/2016

Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng, theo cơ quan này, chủ yếu do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng do giá dịch vụ y tế tăng từ ngày 1/3/2016; và Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng do nhu cầu mua sắm quà tặng, hoa tươi trong dịp mừng Quốc tế phụ nữ 8/3 tăng lên.

Bên cạnh đó, các nhóm khác có chỉ số tăng nhẹ như nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm giáo dục...

Tuy nhiên, trong tháng việc giảm giá xăng dầu khiến cho nhóm giao thông tiếp tục giảm mạnh và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhẹ.

Tháng này, giá vàng trên thị trường Hà Nội tăng trở lại (tăng 7,73%) so tháng trước. Giá vàng 99.99 bán ra trên thị trường tư nhân phổ biến ở mức 3.331 nghìn đồng/chỉ. Trái chiều với giá vàng, giá Đô la Mỹ của các ngân hàng tháng này (giảm 0,1%), giá đô la Mỹ bán ra của ngân hàng ngoại thương có giá bình quân là 22.355 đồng/USD


Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 35% phí cho xe tải trên 18 tấn, xe container 40f

Mức giảm đề xuất được chủ công trình đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đưa ra đối với xe loại 5: xe tải 18 tấn trở lên, xe container 40f là 35% so với mức phí cơ sở.
Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam – Vidifi vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo về việc tăng mức phí cơ bản đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ 1.500 đồng/km/PCU lên 2.000 đồng/km/PCU dự kiến áp dụng từ ngày 1/4 theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tờ trình này là việc Vidifi đề nghị Bộ GTVT chấp thuận tạm thời giảm 35% mức phí đối với xe loại 5 trong năm 2016. Sau năm 2016, căn cứ lưu lượng xe lưu thông, Vidifi sẽ báo cáo Bộ Giao thông điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

“Việc giảm phí này nhằm thu hút các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến, đặc biệt là xe loại 5, giảm tải cho Quốc lộ 5 cũng như khai thác hiệu quả cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Phạm Văn Bổn, Phó Tổng giám đốc Vidifi giải thích.

Vidifi cũng cho biết là hệ số quy đổi các loại phương tiện theo PCU tại tuyến cao tốc này được nội suy theo cận dưới khung mức phí quy định tại Thông tư số 159/TT- BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trong đó, xe loại 1 (dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; xe buýt vận tải khách công cộng) có hệ số quy đổi là 1; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàn bằng container 40f) có hệ số quy đổi là 5,33 lần. Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.

Theo thống kê của Vidifi, kể từ khi đưa toàn tuyến vào khai thác đến nay, lưu lượng xe loại 5 lưu thông trên đường cao tốc khá thấp, chỉ đạt 102.000 lượt xe trong tổng số 1,3 triệu lượt xe (tương đương 7,65%) và bằng 15% so với lượng xe loại này lưu thông trên Quốc lộ 5.

Lý do dẫn đến tình trạng này, theo chủ công trình, là do hầu hết các KCN, nhà máy lớn đều nằm hai bên Quốc lộ 5; việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện chặt chẽ hơn Quốc lộ 5; mức phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đối với xe loại 5 cao gấp 2,62 lần phí lưu thông Quốc lộ 5…

Trước đó, vào giữa tuần trước, Vidifi cho biết là từ 0h ngày 01/04/2016, sẽ điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5.

Đây là lần điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính của Dự ánđường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo Chủ tịch HĐQT Vidifi Đào Văn Chiến, bắt đầu từ tháng 12/2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được đưa vào khai thác và sử dụng toàn tuyến. Công trình được thiết kế phù hợp và dự án đã được thanh tra Bộ Xây dựng, kiểm toán nhà nước kiểm toán, hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức nghiệm thu, cho đến nay được đánh giá cơ bản tốt. Hiện nay mỗi ngày có gần 20.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc này; bước đầu đã giảm tải cho quốc lộ 5 và khẳng định vai trò là một trong những tuyến đường động lực phát triển chính cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Là công trình có hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Dự án đã được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư, trong đó chủ đầu tư phải rất cố gắng để đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị được giao để thu được 16% từ tiền sử dụng đất; được thu phí quốc lộ 5 theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí đường cao tốc với mức tương đương với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây để hoàn vốn nhưng VIDIFI vẫn phải mất đến 30 năm mới thu hồi được vốn đầu tư. Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.

Ông Chiến khẳng định, Ngân hàng phát triển Việt Nam và VIDIFI đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức để xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao để thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý. Tuy nhiên, để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo Quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm cho Dự án nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 là không thể không thực hiện.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn nhằm thực hiện đúng phương án tài chính để tạo điều kiện có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho các đối tác.

Hiện VIDIFI đang phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I tiếp nhận bàn giao hồ sơ tài liệu và hiện trạng hệ thống đường, cầu và các công trình trên tuyến từ km11+135 đến km92+460; và phối hợp với Sở GTVT Hải Phòng tiếp nhận bàn giao hồ sơ tài liệu và hiện trạng hệ thống đường, cầu và các công trình trên tuyến từ km92+460 đến km113+252 (cuối tuyến).


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ký điều ước quốc tế với tinh thần trách nhiệm cao, kỹ lưỡng và thận trọng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đã thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2015 trước Quốc hội sáng 22/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ông đã thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền, nhất là các hiệp định vay vốn ODA.

“Chủ tịch nước cũng có ý kiến yêu cầu Chính phủ quản lý, sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan chức năng và nhân dân có thể kiểm tra, giám sát tình hình vay nợ nước ngoài, sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, nhằm bảo đảm hiệu quả vốn vay và tính bền vững của nợ công, nợ quốc gia”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

..

Nhìn lại cả nhiệm kỳ 5 năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và là đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước đã nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và nhân dân.

« Kết quả công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội… », Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Mặc dù vậy, những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ cũng đã được người đứng đầu Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ. Chủ tịch nước cũng đã thừa nhận trách nhiệm của mình trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nhận trách nhiệm trước những hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nước ngoài, nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng trả nợ.

« Trong nhiệm kỳ, trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng, bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy 
cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo quy định tại Điều 90 Hiến pháp », Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.


Giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc tăng

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết như vậy khi thông tin về tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng 3/2016. Các mặt hàng có xu hướng tăng giá như: LPG, thép, thóc gạo tại miền Bắc và giá lúa gạo tại miền Nam.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 15 ngày đầu tháng 3/2016 so với cùng kỳ tháng 02/2016, giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng như: giá chào bán gạo xuất khẩu tại Thái Lan và Việt Nam, giá LPG, giá xăng dầu, giá đường và giá thép; riêng giá phân bón Ure giảm.

Tại thị trường trong nước, giá một số mặt hàng thiết yếu chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc tăng. Các mặt hàng có xu hướng ổn định như: xi măng, xăng dầu, phân Ure và đường. Các mặt hàng có xu hướng tăng giá như: LPG, thép, thóc gạo tại miền Bắc và giá lúa gạo tại miền Nam.

Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.500-7.000 đồng/kg tăng 500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn phổ biến ở mức 8.000-9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000-14.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lúa dao động ở mức 5.250-5.600 đồng/kg, tăng 350-400 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 7.700-7.800 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg; loại 25% tấm giá ở mức 7.450-7.550 đồng/kg, tăng 250 - 350 đồng/kg.

Thịt lợn hơi giảm khoảng 2.000-3.000 đồng/kg: Tại miền Bắc, giá phổ biến khoảng 45.000 - 47.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 42.000 - 45.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn mông sấn tại miền Bắc phổ biến khoảng 85.000-90.000 đồng/kg; tại Miền Nam, giá phổ biến khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg. Giá thịt bò thăn phổ biến khoảng 255.000 - 265.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg. Giá thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch phổ biến ở mức 110.000 - 115.000 đồng/kg, giảm 10.000-15.000 đồng/kg.

Giá hầu hết các loại rau, củ, quả giảm so với tháng trước: bắp cải phổ biến 15.000 - 17.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg; khoai tây phổ biến 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm 2.000-5.000 đồng/kg; cà chua phổ biến 18.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 2.000-5.000 đồng/kg.

Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản giảm: Cá chép phổ biến 70.000 -80.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg; tôm sú phổ biến 180.000 - 185.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; cá quả phổ biến 120.000 - 125.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

Giá phân Ure tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 7.900-8.200 đồng/kg; tại miền Nam khoảng 7.800-8.300 đồng/kg. Giá bán lẻ đường vẫn ổn định ở khoảng 17.000 - 19.000 đồng/kg.

Giá xi măng tại nhà máy của công ty xi măng thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh ổn định, miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 - 1.850.000 đồng/tấn. Giá thép của Công ty Gang Thép Thái Nguyên tăng nhẹ 150 đồng/kg. Giá LPG được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng 130-182 đồng/kg, tương ứng tăng khoảng 1.500-2.000 đồng/bình 12kg. Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được giữ nguyên so với giá tại kỳ công bố ngày 18/02/2016 và không cao hơn giá cơ sở do Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố.

Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP.HCM (đầu tháng) dao động lần lượt ở mức 3,365-3,366 triệu đồng/chỉ, đến giữa tháng, giá vàng tăng nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,368-3,375 triệu đồng/chỉ, với mức tăng lần lượt là 3.000-9.000 đồng/chỉ. Tại NHTM, tỷ giá Đôla Mỹ đầu tháng được niêm yết ở mức mua vào/ bán ra là: 22.265-22.335 đồng/USD, đến giữa tháng, tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ xuống mức 22.260-22.330 đồng/USD, với cùng mức giảm ở hai chiều mua vào/bán ra là 5 đồng/USD.


Khởi động dự án toàn cầu về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Dự án chính thức khởi động vào ngày 22/3. Tổng kinh phí dự án khoảng 12,3 triệu USD vốn không hoàn lại với 8 quốc gia gồm: Kenya, Uganda, Zambia, Uruguay, Nepal, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong số đó, kinh phí dành cho Việt Nam là 700.000 USD.

Để hỗ trợ việc lồng ghép các hoạt động thích ứng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trong Kế hoạch thích ứng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham gia dự án toàn cầu “Hỗ trợ các quốc gia đang phát triển lồng ghép các lĩnh vực nông nghiệp trong kế hoạch thích ứng quốc gia” (NAPs), do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Dự án chính thức khởi động vào ngày hôm nay (22/3). Tổng kinh phí dự án khoảng 12,3 triệu USD vốn không hoàn lại với 8 quốc gia gồm: Kenya, Uganda, Zambia, Uruguay, Nepal, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong số đó, kinh phí dành cho Việt Nam là 700.000 USD.

Mục tiêu của dự án nhằm lồng ghép các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến sinh kế dựa vào nông nghiệp trong các quy trình lập kế hoạch xây dựng ngân sách quốc gia và lĩnh vực có liên quan.

Theo đó, các kết quả dự kiến của dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật và tổ chức về lồng ghép lĩnh vực nông nghiệp trong các kế hoạch thích ứng quốc gia (NAPs) đồng thời phát triển các lộ trình lồng ghép lĩnh vực nông nghiệp vào NAPs.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai, Việt Nam đang phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại, những mất mát vượt ra ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với biến đối khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

cac dai bieu tham du buoi hoi thao khoi dong du an. (anh: thanh tam/vietnam+)

Các đại biểu tham dự buổi Hội thảo khởi động dự án. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Tiếp cận NAP sẽ là giải pháp dài hạn của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam lồng ghép nhu cầu thích ứng trung và dài hạn vào trong các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia."


"Chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong thời gian tới, đặc biệt là trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp xanh, giữ vững an ninh lương thực, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn và bền vững,” ông Doanh bày tỏ.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng đại diện FAO JongHa Bae cũng nhấn mạnh, với sự kiện toàn cầu "Tích hợp nông nghiệp sang NAPs," chương trình của FAO hoan nghênh cơ hội để hợp tác với UNDP từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Đức để làm việc với chính phủ Việt Nam và tích hợp rủi ro biến đổi khí hậu và các cơ hội có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp vào quá trình lập kế hoạch và lập ngân sách.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP cũng cho rằng, dự án khởi động sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu như là một phần của con đường phát triển bền vững ở Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong vòng 4 năm, kể từ ngày phê duyệt (1/3/2016) và chủ dự án là Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)./.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục