tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 24-07-2016

  • Cập nhật : 24/07/2016

WB: Chất lượng tài sản thấp là rủi ro với ngành ngân hàng Việt Nam

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành ngân hàng Việt Nam.

Tăng tín dụng 18% cả năm 2016 là khá tham vọng

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục hướng tới duy trì cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu ổn định. Mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 vẫn tập trung vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm tăng trưởng kinh tế 6,7%, lạm phát dưới 5%, tăng trưởng tín dụng 18-20%, nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ ngành ngân hàng.

Tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm ở mức gấp 3 lần tăng trưởng GDP danh nghĩa. Mặc dù lạm phát đã trở về mức thấp nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất chính sách kể từ năm 2014. Tuy vậy, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với kết quả là tín dụng tăng 18,8% trong năm 2015. Trong những tháng đầu năm 2016, xu thế tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục với tốc độ khoảng 6% kể từ đầu năm, tương đương mức tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm giải quyết quan ngại về chất lượng tín dụng do tăng trưởng nóng ở một số ngành Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng thận trọng từ tháng 4/2016 (Thông tư 06/2016). Các biện pháp sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, trong đó gồm có giảm mức trần vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn, tăng trọng số rủi ro đối với cho vay bất động sản.

Ngoài ra, Thông tư 06/2016 cũng tăng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để mua trái phiếu kho bạc từ 15 lên 25% (đối với ngân hàng thương mại quốc doanh) và 35% (đối với ngân hàng cổ phần và ngân hàng nước ngoài). Những bước đi này dự kiến sẽ tăng cường chuẩn cho vay cẩn trọng, giảm nhẹ vấn đề không khớp giữa tài sản và trách nhiệm trả nợ và dẫn tới hệ quả giảm bớt tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, theo bình luận của chuyên gia Sebastian Eckardt, “mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung vẫn giữ ở mức 18-20% trong năm nay cho thấy định hướng chính sách là vẫn tập trung vào hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và có thể buộc các cơ quan quản lý phải cân nhắc việc nới lỏng chính sách”.

Dẫu vậy, Sebastian Eckardt vẫn cho rằng, “mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 tới 18% là khá tham vọng. Việt Nam nên cân nhắc xem nửa năm còn lại có đủ dư địa để đạt tăng trưởng tín dụng như mục tiêu hay không, nhất là phải tăng trưởng mà không làm tăng rủi ro về ổn định tài chính tương lai”.

Vì thế, Sebastian Eckardt cảnh báo: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% chúng tôi thấy có tiềm ẩn rủi ro nếu cứ cố gắng thúc đẩy để đạt mục tiêu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn gây bất lợi tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi đó bản thân trong nước cũng còn nhiều khó khăn”.

Xử lý nợ xấu chưa hiệu quả

Đánh giá về rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cho rằng, “chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành ngân hàng”. Bởi vì theo quan sát của WB, sự kiện thành lập VAMC là một nỗ lực giải quyết nợ xấu ngành ngân hàng. Kể từ khi thành lập tháng 7/2013 VAMC đã tiếp nhận 8,5 tỉ USD nợ xấu với lãi suất 0%. Qua đó đã giảm nợ xấu báo cáo của các ngân hàng nhưng tác động này chỉ mang tính chất tạm thời. Các ngân hàng cũng buộc phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu chuyển sang VAMC trong một khoảng thời gian nhất định (hiện đã tăng từ 5 lên 10 năm).

Đặc biệt, “tuy nợ xấu chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ ngân hàng vào thời điểm 31/12/2015, nhưng dường như con số đó chỉ thể hiện phần nào vấn đề chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bởi nó chưa tính cả các khoản nợ xấu do VAMC nắm giữ. Vì vậy, nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ thì tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%”- Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Tháng 2/2016 Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo sửa đổi thông tư 19 về bán và giải quyết nợ xấu tại VAMC và cho phép mua bán tài sản theo giá thị trường. Thông tư này cũng đưa ra nhiều qui định thông thoáng hơn trong giải quyết nợ xấu.

Dẫu vậy, liên quan đến câu chuyện của VAMC, báo cáo kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cũng đánh giá, “VAMC xử lý nợ xấu chưa hiệu quả”. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC, với 79,61 nghìn tỷ đồng trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014. Tuy nhiên, năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Ngay trong Chỉ thị 22/2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 lưu ý “chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC)”.(VOV)

Phó chủ tịch Thừa Thiên Huế kiêm nhiệm Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp mới thành lập

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 21/7 đã tổ chức lễ công bố thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định 1070/QĐ-TTg ngày 15/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. 

lanh dao tinh thua thien hue trao quyet dinh bo nhiem va tang hoa chuc mung truong ban va cac pho truong ban ban quan ly khu kinh te, cong nghiep tinh.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao quyết định bổ nhiệm và tặng hoa chúc mừng Trưởng ban và các Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý, gồm: Văn phòng; các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; các Văn phòng Đại diện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao đã trao các Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm giữ chức vụ Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh; điều động và bổ nhiệm các ông: Nguyễn Quê, nguyên Trưởng ban BQL KKT Chân Mây – Lăng Cô; Lê Văn Tuệ, nguyên Phó Trưởng ban BQL KKT Chân Mây – Lăng Cô; Nguyễn Văn Sơn và Hoàng Việt Cường, nguyên Phó Trưởng ban BQL các Khu công nghiệp tỉnh giữ chức vụ Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Trước đó, vào ngày 20/7, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, ông Trần Đoàn, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Trị từ ngày 20/7.

Tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đề nghị tân Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh cần nổ lực cố gắng để có thể lãnh đạo đội ngũ cán bộ công chức Ban thay đổi điều kiện công tác, tạo sự thân thiện, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, cải cách hành chính để phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đồng thời, Ban cần rà soát, sắp xếp công tác khoa học, tìm kiếm, nghiên cứu các cơ chế chính sách để tạo một cơ chế mới thông thoáng, linh hoạt và đúng quy định của nhà nước; tạo dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức luôn đoàn kết, tăng cường quan hệ với các sở ban ngành, địa phương trong tỉnh và bộ, ban ngành Trung ương để kêu gọi thu hút đầu tư và phối hợp công tác xuyên suốt và hiệu quả hơn.

Cà Mau đề xuất dự án 657 tỷ đồng chống biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Cà Mau vừa đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận dự án “Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển phòng, chống sạt lở do biến đổi khí hậu” là dự án cấp bách, cấp thiết nhất để ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.
sat lo bo bien do bien doi khi hau, nuoc bien dang o ca mau

Sạt lở bờ biển do biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Cà Mau

Cụ thể, theo dự án trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau sẽ xây dựng tuyến kè phòng hộ ven biển huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tổng chiều dài 25 km, cao trình đỉnh kè từ 1,2 m đến 1,6 m. Tiếp đó, tỉnh Cà Mau dự kiến sẽ tiến hành phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, trồng mới 250 ha rừng phòng hộ phía sau tuyến kè và 250 ha rừng tái sinh tự nhiên.

Tổng mức đầu tư toàn dự án nêu trên là hơn 657 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động nhanh và mạnh đến Cà Mau. Đê biển Tây của tỉnh Cà Mau thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của trên 3.600 hộ dân sống trong khu vực. Hiện có khoảng 6,4 km đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng; rừng phòng hộ đê biển Tây trước có chiều rộng khoảng 200 m, nhưng do ảnh hưởng bởi quá trình sạt lở, nay chỉ còn khoảng 80 m, thậm chí có đoạn bị sạt lở rất sâu, còn có 30 m. Tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư khắc phục, nhưng do suất đầu tư xây dựng kè sạt lở rất cao, nên việc đầu tư còn hạn chế.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam, đến năm 2050 có khoảng 76% và đến năm 2100 có khoảng 95% diện tích tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập nếu như không có các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để hạn chế, thích ứng.

VEC mạnh tay với nhà thầu gian dối tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC) cho biết, đơn vị vừa phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 dài 10,6 km, với tổng giá trị khoảng 1.360 tỷ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, donhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) phụ trách thi công.

Cụ thể, nhà thầu này đã đổ, san gạt đất đắp nền đường lẫn nhiều rễ cây, đá cục, đá vụn và hàm lượng hữu cơ cao. Với vật liệu này, chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn.

goi thau a3 do nha thau giang to thi cong bang vat lieu kem chat luong bi vec yeu cau khac phuc. anh: h.m

Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô thi công bằng vật liệu kém chất lượng bị VEC yêu cầu khắc phục. Ảnh: H.M

Tư vấn giám sát khẳng định, vật liệu này ảnh hưởng xấu đến chất lượng thi công, xử lý nền đất yếu, nên chủ đầu tư đã buộc nhà thầu Giang Tô phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.

Theo VEC, những biện pháp áp dụng trên công trường là công việc thường xuyên, liên tục và thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, áp dụng đối với tất cả các nhà thầu cho tất cả các gói thầu, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và tiến độ của dự án.

Thời gian qua, đơn vị đã thay thế giám đốc dự án của nhà thầu POSCO (Hàn Quốc) tại gói thầu A5 và giám đốc dự án của nhà thầu Lotte (Hàn Quốc) tại gói thầu A4 do không đáp ứng yêu cầu. Việc cắt giảm, điều chuyển khối lượng thi công của những đơn vị yếu kém cũng được VEC thực hiện tại các gói thầu A2, A1 và gói thầu số 2 (đoạn JICA tài trợ).

Tổng giám đốc VEC, ông Mai Tuấn Anh cho biết, trong quá trình thi công, VEC kiên quyết đưa ra khỏi công trường các nguồn vật liệu không đạt yêu cầu. Các đơn vị tư vấn thí nghiệm có kinh nghiệm ở các dự án lớn được tăng cường kiểm soát chặt chất lượng nhựa đường và thí nghiệm để kiểm định chất lượng bê tông nhựa.

Ghi nhận tại hiện trường, 139 km của Dự án đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm, cơ bản thông tuyến nền đường, thảm cấp phối đá dăm đại trà và bê tông nhựa... Theo thống kê của VEC, dự án có khối lượng cấp phối đá dăm khổng lồ, lên đến gần 3 triệu m3, hiện tập kết được 780.000 m3.

Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, VEC đã rà soát chấn chỉnh, thay thế một số phòng thí nghiệm không đạt yêu cầu; tổ chức lực lượng độc lập kiểm tra đột xuất chất lượng. “Thay vì tổ chức phòng thí nghiệm theo từng nhà thầu, chúng tôi thành lập các phòng thí nghiệm độc lập để kiểm soát chặt chất lượng”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Để công tác kiểm soát chất lượng công trình đi vào nền nếp và thực sự phát huy hiệu quả, ông Mai Tuấn Anh yêu cầu Phòng Quản lý thi công và Giải phóng mặt bằng VEC cùng với Ban quản lý dự án, Giám đốc điều hành các gói thầu, Tư vấn giám sát phải kiểm soát chặt chẽ từ vật liệu đầu vào cho đến quá trình thi công trên công trường.

Đặc biệt, do kinh phí đầu tư hạng mục bê tông nhựa của các công trình là rất lớn và có nhiều rủi ro, Tổng giám đốc VEC lưu ý công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nhựa phải được đặt lên hàng đầu, tăng cường hơn nữa kiểm soát tất cả các đầu mối quan trọng liên quan đến chất lượng công trình, nhất là nguồn gốc nhựa.

“VEC sẽ đầu tư chi phí để mua thiết bị thực hiện công việc kiểm tra thiết bị nhựa đường ngay tại công trường và báo cáo xin phép Bộ Giao thông - Vận tải. Để có những sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt, chúng ta không nên tiếc tiền đầu tư cho khâu kiểm soát”, ông Mai Tuấn Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Mai Tuấn Anh cũng phản ánh, khó khăn hiện nay là vướng mắc mặt bằng, dân tái cản trở thi công. Toàn tuyến còn gần 8,5 km chưa thể thi công, tập trung tại 13 điểm vướng lớn, trong đó tỉnh Quảng Nam có đến 8 điểm.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã giao gần 98% mặt bằng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện còn khoảng 150 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ còn lại nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2016.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục